Nga Mi Sơn Vạn Niên Tự
Nga Mi Sơn Vạn Niên Tự
Vạn Niên tự là một trong tám chùa lớn tại Nga Mi, xây vào thời nhà Tấn, gọi là chùa Phổ Hiền và đến đời Đường thì đổi tên thành Bạch Thủy, nhưng sang đời Tống Thái Bình năm Hưng Quốc thứ 5 (980 CN), nhân thiền sư Mậu Chân phụng chiếu vào triều nhận vua ban cho 3000 lượng vàng về trùng tu và đúc tượng Ngài Phổ Hiền để thờ nên vua lại cho đổi tên thêm lần nữa và gọi chung là Bạch Thủy Phổ Hiền tự.
Năm Minh Vạn Lịch thứ 27 (1599 CN), chùa gặp phải hỏa tai, tất cả đều bị thiêu hủy, chỉ còn lại tượng đồng Phổ Hiền nên triều đình cho xây lại và không ngờ là hoàn thành đúng vào lúc Thái hậu, tức mẹ của vua Minh Thần Tông mừng đại thọ 70. Vì cùng chúc thọ Thái hậu và khánh thành lại chùa, vua đã ban cho chùa tên mới là Thánh Thọ Vạn Niên tự và gọi tắt là Vạn Niên tự cho đến hôm nay.
Cuối đời nhà Minh và đầu nhà Thanh chùa lại bị nạn lửa nên phải xây lại, và tổng cộng bị cháy rồi xây lại như vậy 3 lần. Nhưng nặng nhất là vào năm Dân Quốc thứ 35 (1946 CN), chùa lại bị hỏa tai thiêu hủy toàn bộ lần nữa nên chùa hiện nay là do chính phủ cho xây lại năm 1954, gồm có Đại Hùng điện, Nguy Nga điện, Hành Nguyện lầu và trai đường. Còn điện Di Lặc và Tỳ Lô với Bát Nhã đường là được xây vào năm 1986. Lầu chuông U Minh bên trái và lầu trống, hành lang cùng dãy tường bên phải là xây vào năm 1991, vì vậy chùa đã trở nên rất quy mô và được nhắc đến trong các sách “Trung Quốc Danh Thắng Từ Điển”
Nguyên nhân các vị vua nhiều đời đều đến Vạn Niên tự này lễ bái có lẽ vì Hành Nguyện Lầu của chùa có chứa 3 món báu. Đó là Phật nha (răng Phật), Kinh bối diệp (Kinh bằng lá bối) và Ngự ấn (ấn của vua). Phật nha là do Tích Lan tặng vào một trong những năm Minh Gia Tịnh (thời gian không được rõ, 1522 – 1566 CN). Và vào thời điểm ấy vua nước Xiêm La (Thái Lan) cũng đã tặng Kinh Pháp Hoa bằng chữ Phạn viết trên lá bối. Còn ngự ấn là do khi Vạn Lịch hoàng đế Chu Dực Quân sắc lệnh xây điện gạch ban cho. Phía trên khắc dòng chữ “Phổ Hiền Nguyện Vương chi bảo”, phía dưới thì khắc “Đại Minh Vạn Lịch”, bên trái khắc “Ngự đề chuyên điện” và bên phải khắc “Sắc tứ Nga sơn”. Do đó Vạn Niên tự có một điện xây bằng gạch rất nổi tiếng vì cách cấu tạo kỳ xảo và là phỏng theo hình thức kiến trúc của chùa Nhiệt Na bên Ấn Độ. Bên trên đỉnh là hình bán cầu, bốn bên và chính giữa có 5 tôn tháp, phía trước và sau đều có 4 con nai, biểu tượng cho cát tường. Bên dưới là hình vuông, nói lên “trời tròn đất vuông”. Điện cao 18,22m. Chiều dài và rộng mỗi bên 16,02m. Hoàn toàn là dùng gạch xây thành.Trong lịch sử của Vạn Niên tự có một đoạn thường được nhắc đến nữa là vào năm đầu của đời Đường, khi thi sĩ Lý Bạch đến du ngoạn ở núi Nga Mi đã đến ở nơi điện Tỳ Lô của chùa và nghe hòa thượng Quảng Tuấn khảy đàn. Người sau có làm một mái đình để kỷ niệm điều đó gần ao Bạch Thủy và ghi trên một tấm gỗ là “Nơi Đại Đường Lý Bạch nghe đàn”. Lúc ấy Lý Bạch say trăng Nga Mi nên cũng đã làm bài thơ “Nga Mi sơn nguyệt ca”. Và sau khi rời núi đã làm bài “Thính Thục tăng Tuấn đàn cầm” (nghe Thục tăng Tuấn khảy đàn).
Cảnh trí chùa Vạn Niên thường rất đẹp, nhất là vào hai mùa xuân thu. Vì khu vực của chùa Vạn Niên nằm ở giữa núi và cách mặt biển từ 800 đến 1900 mét. Cây cối nơi ấy có vài loại lá kim nhưng chủ yếu là loại lá lớn, nên màu sắc của núi vào hai mùa ấy đều phân rõ. Mùa xuân thì xanh mỡn, mùa thu thì ngã vàng, và lác đác vài chiếc lá đỏ rơi xuống giòng nước trắng, như tranh như thơ khiến người say khướt. Vì thế một trong những cảnh nổi tiếng của núi Nga Mi: “Bạch Thủy thu phong” – khi gió thổi lá rơi, mặt nước xao động là ám chỉ cảnh thu của Vạn Niên tự này vậy.
Phục Hổ tự này là một trong những chùa lớn nhất của núi Nga Mi. Khách hành hương đến chùa này lễ bái sẽ tuần tự đi qua các điện rất lớn. Điện thứ nhất thờ ngài Di Lặc, điện thứ hai thờ Bồ Tát Phổ Hiền, điện thứ ba là Đại Hùng Bảo điện. Chính giữa trên khám thờ của đại điện này là 3 tượng hóa thân, pháp thân và báo thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn khám bên trái là thờ Ngài Văn Thù và khám bên phải là Ngài Phổ Hiền – đúng theo nguyên lý hợp nhất giữa trí huệ và hành động (trí hành hợp nhất).
Chính giữa điện Phổ Hiền và Đại Hùng Bảo điện là một khoản vườn lớn, bốn bề cây cao rũ xuống. Hoàng đế Khang Hy đã từng đến đây và thân bút ban cho tên “Ly Cấu viên” bởi vì chùa nằm sâu giữa núi rừng nên không khí trong lành mát mẻ. Trước khi chùa được xây lên, nơi khu rừng này có rất nhiều cọp xuất hiện và sát hại những người đi qua, nhưng từ khi có chùa rồi thì không thấy 1 con cọp nào nữa. Vì vậy mà chùa được đặt tên là Phục Hổ. Cách chùa Phục Hổ không xa có một cảnh đẹp là ở La Phong Linh, mỗi buổi sáng sớm đều có sương mỏng nhẹ bay, trông rất thanh thản. “Sương sớm của La Phong” ở đây được xem là một trong 10 cảnh đẹp của Nga Mi.
Quan Châu