Chương Ba – Tăng Bảo Tiết I Ðời sống của chư tăng
Chương Ba – Tăng Bảo Tiết I Ðời sống của chư tăng
(tiếp theo)
Bốn thứ cần thiết của chư Tăng (Ni):
Tài sản của một vị Tỷ-kheo gồm có ba y (y lót hay áo lót ở trong, một tấm vải vắt trên nửa mình và tấm y quấn tròn quanh mình) và một bình bát. Chỉ có thế, ngoài y bát, chư Tăng còn cần đến một bữa ăn trưa mỗi ngày (gọi là thực phẩm) mà không tích lũy, một chỗ nằm khiêm tốn gọi là sàng tọa (có thể chỉ một tấm ván hay một chiếc giường tre hay giường dây thấp và hẹp) và một ít thuốc men tùy thân phòng để chữa bệnh khi đau ốm. Tất cả các thứ cần thiết này đều chờ đợi lòng tốt của các thí chủ cúng dường. Chư Tăng không cổ động hay vận động cúng dường, cũng không cất chứa sẵn; hoàn toàn sống không có tài sản. Về phần phục vụ bốn thứ cần thiết ấy, Thế Tôn đã dạy các Phật tử tại gia (gọi là cận sự nam và cận sự nữ) lo liệu, xem như là một trong các bổn phận hộ pháp của mình.
Sự nghiệp tu hành của một Tỷ-kheo chỉ có Giới, Ðịnh và Tuệ bên cạnh bốn vật dụng cần thiết ấy.
Chư Tăng mặc thì không cầu đẹp, ăn thì không cầu ngon, ngủ thì không cầu đủ. Ngày nay nếp sống ấy còn được duy trì trong châm ngôn của nhà chùa là “Tam thường bất túc” (ba điều thường sống là ăn, mặc, ngủ không cần đủ; chỉ vừa phải). Nếp sống ấy, một mặt vừa để tiết chế dục vọng, biểu hiện bên ngoài cái vẻ kham khổ, nhưng một mặt nói lên một nghệ thuật sống cao: mặc thiếu (hay vừa đủ) thì sẽ thấy rõ hạnh phúc của mặc, ăn ít sẽ thấy rõ hạnh phúc của ăn; và ngủ ít sẽ cảm nhận hạnh phúc của ngủ sâu sắc hơn. Ðời sống vật chất của chư Tăng có vẻ thiếu thốn, nhưng chính vì thế mà nuôi sống tâm hồn rất sung mãn. Các vị trọn hưởng các hạnh phúc của cuộc sống và hạnh phúc của Thiền định một cách rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Làm sao chúng ta có thể diễn đạt được nguồn sống ấy, nếu chính chúng ta không là một tu sĩ và không là một tu sĩ thể hiện đúng nếp sống ấy?
Bạn thử tưởng tượng nếu một người có đến hơn ba mươi chiếc ấo (chemise hay áo dài), người ấy sẽ có ít nhiều lúng túng trước khi chọn một màu áo để mặc hàng ngày hay mặc trong các dịp hội hè, lễ lược, thì người ấy sẽ cảm thấy mất đi nhiều cảm thú về ăn mặc. Nếu một người có thật nhiều món ăn thượng vị (ngon, quý và bổ), thì người ấy hẳn không còn, hay mất đi nhiều cảm giác thích thú của ăn. Nếu một người có thật nhiều thì giờ để ngủ và ngủ thật nhiều, thì giấc ngủ của người ấy trở nên vô vị, lãng phí. Sự dư thừa về ăn, mặc và ngủ lắm khi đánh mất đi nhiều hạnh phúc của sự sống.
Há nếp sống của chư Tăng đề cập ở trên không để lại cho người đời một kinh nghiệm hữu ích về nghệ thuật sống sao? Ðây là chưa nói đến nghệ thuật huấn luyện tâm lý để lúc nào quý vị cũng có thể nhìn đời với đôi mắt trong sáng, lúc nào cũng đón nhận tại trần thế cảm thọ như tại nước Cực lạc.
Quả thực, chúng ta không còn một thắc mắc nào cả về chuyện một hệ thống giáo lý giải thoát kỳ diệu như thế, được lồng vào trong một nếp sống kỳ diệu như thế, đầy nghệ thuật, nhẹ nhàng, thanh thoát và lợi tha như thế.
Xuất gia – Thọ cụ túc giới – Bố-tát và tự tứ
Vào thời Thế Tôn, khi một người dân thông thường, một người quý tộc, một Phật tử tại gia hay một người ngoại đạo hiểu được giáo lý giải thoát và nói lên lời cầu xin xuất gia trước Thế Tôn một cách thành khẩn, sẽ được Thế Tôn chấp nhận liền. Vậy là tức thì người ấy trở thành một tu sĩ. Có người được Thế Tôn cho thọ Cụ túc giới liền; có người phải hành Sa-di giới một thời gian; có người ngoại đạo phải ở riêng biệt với chúng Tăng bốn tháng, tùy theo nhân duyên, căn cơ của từng người.
Ðối với các vị đại đệ tử của Thế Tôn thì việc trở thành Tỷ-kheo thật là giản dị: Thế Tôn chỉ gọi “Ðến đây, này Tỷ-kheo” thì vị ấy lập tức là Tỷ-kheo. Về sau, khi chấp nhận một người xuất gia, Thế Tôn thường trao qua cho Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ưu-ba-ly xử lý. Kinh không thuật rõ các thủ tục xuất gia mà các Tôn giả Xá-lợi-phất và Ưu-ba-ly đã làm. Có lẽ vì sự kiện xuất gia thuộc phần Luật tạng. Trường hợp hoàng tôn La-hầu-la (Rahula) xuất gia, thì Tôn giả Xá-lợi-phất làm Hoà thượng, Tôn giả Mục-kiền-liên làm Yết-ma và Tôn giả Ưu-ba-ly làm Giáo thọ.
Sau khi thọ giới, Sa-di La-hầu-la y chỉ vào Tôn giả Xá-lợi-phất, về sau chư Tăng y chỉ và nương tựa vào hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Có rất nhiều trường hợp, các vị xuất gia khỏi phải thọ Sa-di giới, mà được thọ liền Cụ túc giới. Ðiều này dễ hiểu, bởi vì các vị thời ấy có căn cơ tu tập gần như đã thuần thục, chín muồi, khác với xã hội tu hành ngày nay, chỉ cần tuổi đời từ hai mươi.
Lễ truyền thọ Sa-di giới thường có bốn vị Tỷ-kheo Thượng tọa (hay Trưởng lão). Lễ truyền thọ Cụ túc giới thường đòi hỏi đủ mười vị gọi là Tam sư (Hòa thượng Ðàn đầu, Hòa thượng Yết-ma và Hòa thượng Giáo thọ) và Thất chứng (tất cả bảy vị). Ở đây, không đi sâu vào Luật tạng để trình bày những chi tiết.
Về điều kiện của một vị Tỷ-kheo có khả năng trao truyền giới Cụ túc, Thế Tôn dạy:
“Ở đây, này Ưu-ba-ly, Tỷ-kheo có giới, sống được chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy là người nghe nhiều, nắm rõ điều đã được nghe, cất giữ điều đã được nghe, khéo thông hiểu, khéo quyết định theo Kinh, theo chi tiết. Vị ấy có khả năng nuôi dưỡng người bệnh hay khiến người khác nuôi dưỡng; có khả năng làm chấm dứt bất mãn; có khả năng đoạn trừ đúng pháp các ác pháp khởi lên; có khả năng phân biệt, chỉ trích tà kiến khởi lên; có khả năng khích lệ trong Tăng thượng giới; có khả năng khích lệ trong Tăng thượng tuệ” (Tăng Chi III-B, tr. 75).
Về một Tỷ-kheo có khả năng trao truyền y chỉ hay nuôi dưỡng một Sa-di, Thế Tôn dạy:
“Ở đây, này Ưu-ba-ly… (tương tự như trên)” (Tăng Chi III-B, tr. 75).
Như thế, một Tỷ-kheo có khả năng trao truyền Cụ túc giới cũng là vị có khả năng trao truyền y chỉ cho Sa-di và nuôi dưỡng Sa-di. Và ngược lại.
Bốn chúng xuất gia kể trên, ngoài những sinh hoạt họp mặt để nghe pháp, để học tập, để dự các buổi cúng dường trai Tăng còn được Thế Tôn quy định họp mặt mỗi nửa tháng một lần vào ngày mười lăm và ba mươi Âm lịch (bạch nguyệt và hắc nguyệt) để nghe tụng đọc Giới bổn. Các Phật tử tại gia cũng được nghe đọc Giới bổn riêng của mình là “Bát quan trai giới”. Ngày tuĩng đọc Giới bổn được gọi là ngày Bố-tát (Uposatha) hay còn gọi là ngày trai giới.
Bố-tát hay Bố-sa-tha là dịch âm của từ Uposatha (Pàli) hay Upovasatha (Sanskrit), có nghĩa là tịnh trú, hay trưởng tịnh, bởi vì việc nghe đọc Giới bổn sẽ giúp cho chúng Tăng nuôi dưỡng giới đức thanh tịnh.
Trong thời Bố-tát, không một Tỷ-kheo nào được phép không Bố-tát. Nếu ở nơi không hội đủ chúng Tăng (từ bốn vị trở lên) thì sẽ hành Bố-tát theo thể thức “Ðối thú Bố-tát” cho ba vị; nếu chỉ có một mình thì hành lễ Bố-tát theo thể thức cho mình, tự mình âm thầm nói: “Hôm nay là ngày Bố-tát của chúng Tăng, tôi là Tỷ-kheo…. thanh tịnh” (3 lần).
Thời Bố-tát diễn ra vào sáng sớm của ngày hắc nguyệt và bạch nguyệt, trước lúc trời sáng. Trong những năm đầu thì Thế Tôn tụng đọc Giới bổn. Ðến khi trong Tăng chúng có người không được thanh tịnh thì Thế Tôn trao việc đọc Giới bổn cho chư Tỷ-kheo, Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ-kheo, không có một sự kiện, không có cơ hội rằng Như Lai có thể đọc Giới bổn trong một hội chúng không thanh tịnh”. (Tăng Chi III-A, tr. 195; Trung A-hàm, số 37).
Nhưng, ngay cả khi việc đọc Giới bổn trao về cho các Tỷ-kheo, thì việc tụng đọc Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pàtimokkha) vẫn có thể bị ngưng lại vì mười lý do:
“Khi có một người phạm Ba-la-di (Pàràjika) ngồi trong hội chúng ấy; khi thảo luận về người phạm Ba-la-di tội chưa chấm dứt; khi có người chưa thọ Cụ túc giới ngồi trong hội chúng ấy; khi thảo luận về người chưa thọ Cụ túc giới chưa chấm dứt; khi một người từ bỏ học pháp ngồi trong hội chúng; khi cuộc thảo luận về người từ bỏ học pháp chưa chấm dứt; khi một người thiếu năm căn ngồi trong hội chúng; khi cuộc thảo luận về người thiếu năm căn chưa chấm dứt; khi có người ‘ô nhục Tỳ-kheo-ni’ còn ngồi trong chúng ấy; khi cuộc thảo luận về người ô nhục Tỷ-kheo-ni chưa chấm dứt” (Tăng Chi III-B, tr. 73).
Trường hợp một vị Tỷ-kheo bị tẩn xuất, cần được một hội đồng xét xử, gồm nhiều vị Tỷ-kheo hội đủ điều kiện tốt, như trường hợp để truyền thọ Cụ túc giới hay nuôi dưỡng Sa-di.
Sau mỗi mùa an cư, Thế Tôn và chư Tăng thường họp mặt tại một nơi và tiến hành một thủ tục kết thúc mùa an cư gọi là Tự tứ.
Ở xứ ta, lễ Tự tứ thường cử hành vào sáng mười lăm hay mười sáu tháng bảy Âm lịch cho thủ tục tiền an cư (nếu ngày vào hạ là 15 hay 16 tháng 4 Âm lịch); lễ Tự tứ cử hành vào sáng mười bảy hay mười tám tháng bảy Âm lịch cho thủ tục hậu an cư (nếu ngày vào hạ là sau ngày 16 tháng 4 Âm lịch).
Sau đây là khung cảnh và diễn tiến của một nghi thức Tự tứ dưới thời Thế Tôn:
Nhân ngày trăng tròn của Bố-tát và Tự tứ, Thế Tôn ra ngồi ở ngoài trời (khoảng trống); chư vị Tỷ-kheo im lặng ngồi vây quanh Ngài. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỷ-kheo và mở lời: “Này các Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, nay Ta mời các Tỷ-kheo nói lên, các Tỷ-kheo có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói” (Tương Ưng I, tr. 237). Bấy giờ chúng Tỷ-kheo gồm năm trăm vị A-la-hán.
… Tôn giả Xá-lợi-phất (Trưởng chúng) đắp thượng y chắp tay vái chào Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay về lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được rõ biết, Thế Tôn làm cho rõ biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn đã thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo; và bạch Thế Tôn, các đệ tử nay là những người sống hành đạo, và sẽ thành tựu đạo về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?” (Sđd, tr. 238).
Thế Tôn đáp:
“Này Xá-lợi-phất, Ta không có gì chỉ trích Ông về thân hay về lời nói. Này Xá-lợi-phất Ông là bậc đại trí…, quảng trí…, tốc trí…., tiệp trí…, nhuệ trí… nhập trí. Này Xá-lợi-phất, ví như Trưởng tử con vua Chuyển luân vương, chân chánh vận chuyển bánh xe đã được vua cha vận chuyển. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, Ông chân chánh vận chuyển Pháp luân vô thượng đã được Ta vận chuyển” (Sđd, tr. 238).
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch tiếp:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay về lời nói, vậy bạch Thế Tôn, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích hay không, về thân hay về lời nói?” (Sđd, tr. 238).
Thế Tôn dạy:
“Này Xá-lợi-phất, đối với năm trăm Tỷ-kheo này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói. Này Xá-lợi-phất, trong khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc chứng được Sáu thắng trí, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Câu phần giải thoát, và các vị còn lại là bậc Tuệ giải thoát”. (Sđd, tr. 238).
Rồi tiếp theo, Tôn giả Vangìsa đắp thượng y tác bạch xin phép Thế Tôn trình bày một vấn đề, và được Thế Tôn cho phép. Vấn đề mà Tôn giả Vangìsa trình bày là đọc lên một bài kệ (đại khái tương tự những vần thơ cảm hứng) tán thán buổi lễ Tự tứ với sự có mặt của tất cả những vị đã đoạn tận khát ái, dòng dõi mặt trời. Và buổi lễ được kết thúc.
Như thế, các lễ xuất gia, thọ Cụ túc giới, Bố-tát và Tự tứ là đã có từ năm đầu, sau ngày Thế Tôn thành đạo. Truyền thống ấy, căn bản vẫn còn giữ đến ngày nay, tuy hình thức biểu hiện ngày nay có vẻ nặng phần hình thức hơn.
Giáo Giới – Buộc Tội – Hành Xử Ðúng Pháp
Khi đã có Giáo hội Ni ra đời thì việc giáo giới (hay giảng dạy Phật pháp và việc tu tập) cho chư Ni do một vị đại diện chư Tăng đảm trách được đặt ra. Vị ấy phải là vị có hiểu biết về giáo lý như thế nào, có kinh nghiệm tu tập như thế nào về trì giới và Thiền định, có giới đức như thế nào để có thể đem lại lợi ích cho Ni chúng? Vì thế, một hôm Tôn giả A-nan đã bạch hỏi Thế Tôn về tư cách của một vị Tăng được chọn để giáo giới Ni, và đã được Thế Tôn dạy:
“Ở đây, này A-nan, Tỷ-kheo có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy nghe nhiều, nắm vững ý nghĩa những điều đã được nghe, nhớ kỹ các điều đã được nghe; những pháp ấy sơ, trung, hậu thiện, nghĩa lý, văn cú đầy đủ; đề cao đời sống Phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh; … khéo thể nhập chánh kiến. Vị ấy đối với hai bản Giới bổn, được khéo trao truyền rộng rãi, khéo phân tích, khéo thông hiểu… Vị ấy có một giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, tao nhã, không bập bẹ, giải thích nghĩa lý minh xác. Vị ấy có khả năng thuyết giảng pháp thoại cho chúng Tỷ-kheo,… khích lệ, làm cho hoan hỷ, phấn khởi, được phần đông các Tỷ-kheo-ni ái mộ, thích ý. Trước khi y chỉ Thế Tôn để xuất gia, vị ấy không có phạm trọng tội nào, được hai mươi tuổi an cư hay hơn hai mươi tuổi an cư” (Tăng Chi III-A, tr. 252).
Thế có nghĩa là vị đi giáo giới Ni cần hội đủ một số điều kiện căn bản này:
– Có giới đức thanh tịnh.- Thông rõ Kinh và Luật (luật Tăng và luật Ni).
– Có trình độ văn hóa khá để có thể trình bày lưu loát các vấn đề Phật pháp, với cú pháp sáng sủa, rõ ràng.
– Có khả năng thuyết giảng và có âm thanh nhẹ nhàng, ngôn từ tao nhã, cung cách nghiêm chỉnh và từ ái.
– Tuổi hạ từ hai mươi trở lên, nghĩa là tuổi đời ít nhất là bốn mươi. (Ðây là điều kiện tuổi của một vị Thượng toạ, theo tổ chức của Giáo hội Phật giáo Tăng-già Việt Nam từ 1964).
Việc buộc tội và hành xử tội trong trường hợp một Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni vi phạm tội nặng phải biểu hiện đúng tinh thần của giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (như đã được trình bày ở Tiết VIII – Giới học) có nghĩa là xây dựng cho cá nhân và tập thể Tăng-già. Thành thử một vị Tỷ-kheo đứng ra buộc tội cũng cần hội đủ một số điều kiện như sau:
– Thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh;- Có từ tâm, không buộc tội với tâm sân hận đối với vị Tỷ-kheo phạm tội;
– Là vị có nghe nhiều, hiểu nhiều và hành trì nhiều về Phật pháp.
– Rành rẽ hai bản Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa thì việc buộc tội mới đưa đến kết quả xây dựng tốt. (Tăng Chi III-A, tr. 81-82).
Các điều kiện nêu trên về tư cách của một vị Tỷ-kheo đứng ra buộc tội nổi bật nét từ tâm, xây dựng và hữu hiệu của việc làm.
Trong khi một vị Tỷ-kheo bị làm phép tìm tội Yết-ma thì bị hạn chế nhiều trong sinh hoạt chung với chư Tăng; vị ấy bị cấm chỉ một số công việc như:
– Không được truyền Cụ túc giới;- Không được cho Sa-di y chỉ, hay hầu hạ;
– Không được nói chuyện với Tỷ-kheo;
– Không được giáo giới Tỳ-kheo-ni;
– Không được hưởng các quyết định của Tăng chúng.
– Không được đặt trong một vị trí đặc biệt nào; và không được phép trở lại vị trí cũ, do bất cứ lý do nào. (Tăng Chi III-A, tr. 317).
Vấn Ðề Hòa Hợp Tăng
Khi Tôn giả Ưu-ba-ly đặt ra vấn đề thế nào là Tăng hòa hợp và xin Thế Tôn chỉ dạy, Thế Tôn đã tuyên bố:
“Ở đây, này Ưu-ba-ly, các Tỳ-kheo thuyết phi pháp là phi pháp; thuyết phi luật là phi luật, thuyết luật là luật; thuyết điều Như Lai không nói là điều Như Lai không nói; thuyết điều Như Lai có nói là điều Như Lai có nói; thuyết điều Như Lai thường không làm là điều Như Lai thường không làm; thuyết điều Như Lai thường làm là điều Như Lai thường làm; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai không chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai có chế đặt”.
“Với mười sự này, chư Tỷ-kheo không phá hoại, không chia rẽ, không hành Bất cộng Yết-ma, không tuyên đọc Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa khác biệt. Cho đến như vậy, này Ưu-ba-ly, là Tăng chúng được hòa hợp” (Tăng Chi III-B, tr. 77).
Ngược lại với một trong mười sự việc trên là ý nghĩa của phá hòa hợp Tăng.
Quan trọng là ở điểm, dù vì bất cứ lý do nào, dù là do chủ trương hay nhận thức bất đồng về Pháp và Giới luật của Thế Tôn, hoặc dù là do các ý đồ khác nhau (danh, lợi, chính trị…) ở ngoài phạm vi tu hành mà gây ra hiện tượng chia rẽ, lũng đoạn Tăng chúng, đều là ý nghĩa của phá hòa hợp Tăng cả.
Tội phá hòa hợp Tăng là một trong năm tội trạng (ngũ nghịch tội) tương lai sẽ bị đọa địa ngục.
Ðể tạo điều kiện sinh hoạt hoà hợp của chư Tăng, Thế Tôn đã dạy sáu nguyên tắc sống hòa hợp gọi là “Lục hòa”.
1) Nguyên tắc thứ nhất gọi là “Thân hòa đồng trú“, có nghĩa là chư vị Tỷ-kheo thân hành từ ái, trước mặt và sau lưng đối với các Tỷ-kheo cùng tu để tạo nên tương kính, tương ái, đưa đến hòa hợp, nhất trí, không tranh luận.2) -3) Nguyên tắc thứ hai và ba gọi là “Khẩu hòa vô tránh” và “Ý hòa đồng duyệt“, có nghĩa là lời nói từ ái, ý nghĩ từ ái đối với các vị Tỷ-kheo cùng tu, trước mặt và sau lưng, để tạo thành tương ái, tương kính, hòa hợp, nhất trí và không tranh luận.
4) Nguyên tắc thứ tư là “Lợi hòa đồng quân“, có nghĩa là đối với các lợi dưỡng nhận được đúng pháp, gồm cả các thức ăn nhận từ bình bát, các Tỷ-kheo nên san sẻ với các vị Tỷ-kheo cùng tu, có giới đức, để tạo thành tương ái, tương kính đi đến hòa hợp, nhất trí, không tranh cãi.
5) Nguyên tắc thứ năm gọi là “Giới hòa đồng tu“, có nghĩa là các vị Tỷ-kheo giữ gìn các giới luật của cùng Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, không để bị ô nhiễm, sứt mẻ đối với các Tỷ-kheo cùng tu, cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành tương ái, tương kính, hòa hợp, nhất trí và không tranh cãi.
6) Nguyên tắc thứ sáu gọi là “Kiến hòa đồng giải“, có nghĩa là các vị Tỷ-kheo nhiệt tâm nỗ lực để thành tựu các tri kiến của bậc Thánh, có khả năng đưa đến diệt tận khổ đau; Tỷ-kheo sống như vậy đối với các Tỷ-kheo khác, cả trước mặt lẫn sau lưng (nghĩa là dù các Tỷ-kheo khác thấy hay không thấy) để tạo thành tương ái, tương kính đưa đến hòa hợp, nhất trí, không tranh cãi.
Sáu nguyên tắc sống hòa hợp trên, nếu được chúng Tỷ-kheo thực hiện thì sẽ đưa đến một cuộc sống an ổn, tịnh lạc giữa chúng Tăng, và đưa đến sự tăng thịnh của chúng Tăng, đem lại nhiều phước lạc cho loài Người và chư Thiên. (Kinh Hoàng Lô Viên, số 157; Tăng Chi II-B, tr. 340-341; Kinh Kosambi, Trung Bộ I).
Nguyên tắc “Lục hòa” này không những chỉ áp dụng có kết quả tốt đẹp ở trong Tăng chúng mà còn có thể áp dụng tốt đẹp cho bất cứ một sinh hoạt tập thể nào. Nguyên tắc ấy vừa đầy tình thương, đầy nhân tính, đầy công bằng hợp lý và nổi bật hẳn nét rất tâm lý (như đã được đề cập ở phần thái độ giáo dục của Thế Tôn), có thể được áp dụng rất là hữu hiệu trong các nhóm tu tập của nam, nữ cư sĩ.
Ngoài pháp “Lục hòa” đem lại sự tương ái, tương kính, hòa hợp, nhất trí trong Tăng chúng, Thế Tôn còn chế ra bảy pháp (hay bảy điều luật) khác để dập tắt các cuộc tranh luận, mỗi khi có cuộc tranh luận xảy ra. Bảy điều luật ấy là: luật về sự hiện diện gọi là “Hiện tiền tì-ni”, luật về ức niệm gọi là “c niệm tì-ni”; luật về không si mê gọi là “Bất si tì-ni”; luật về sự thú nhận gọi là “Tự ngôn trị”; luật về đa số gọi là “Ða nhơn mích tội”; luật về tìm tội tướng gọi là “Tội xứ sở”; và luật về sự trải cỏ ra gọi là”Như thảo phú địa” (Tăng Chi III-A, tr. 140; Kinh Xá-di Thôn, Trung Bộ III).
Về luật Hiện tiền (Sammukhavinaya), khi xảy ra một tranh chấp nào thì đòi hỏi sự có mặt cả nguyên cáo lẫn bị cáo, mà không được phép xử vắng mặt. Nếu dẫn chứng Kinh hay Luật thì cần đem cuốn Kinh hay Luật cần dẫn chứng ấy trước chúng Tăng. Ðây gọi là “Hiện tiền tì-ni”.
Về luật c niệm (Sativinaya), trường hợp một người bị các người khác cho là phạm giới, nhưng đương sự không nhớ rõ mình có vi phạm hay không, bấy giờ sinh ra tranh cãi. Trong trường hợp này, chúng Tăng nên làm pháp bạch tứ Yết-ma (một lần tuyên bố và ba lần hỏi lại) để cho đương sự nhớ kỹ lại có vi phạm hay không. Nếu đương sự nhớ ra có vi phạm thì sám hối theo luật định; nếu không thì cho thông qua. Sau khi cho thông qua rồi thì không một vị Tỳ-kheo nào được gợi lại sự việc ấy nữa. Nếu vị nào gợi lại chuyện mà Tăng chúng đã cho thông qua thì sẽ phạm Ba-dật-đề.
Về luật Bất si tì-ni (Amulhavinaya), trường hợp có một Tỳ-kheo bị cuồng tâm phạm nhiều điều lỗi do mất ý thức, khi lành bệnh, tỉnh táo thì một số Tỷ-kheo khác trong Tăng chúng không chấp nhận cho cùng sinh hoạt bình thường trong Tăng chúng. Trường hợp này có sự tranh cãi xãy ra, Tăng cần có Yết-ma về Bất si (Bạch tứ Yết-ma) xác nhận vị Tỷ-kheo bị bệnh kia đã lành bệnh hẳn, không còn cuồng loạn, để được chấp nhận vào Tăng chúng. Từ sau lần Yết-ma này, nếu vị Tăng kia phạm lỗi thì mới bị xử lý theo luật định.
Về luật Tự ngôn trị (Patinnatakaranam), nếu có một Tỷ-kheo phạm lỗi mà chưa chịu thú nhận, thì nên tìm cách khuyên nhủ, phân tích thế nào để Tỷ-kheo ấy tự mình nhận lỗi, sám hối mà Tăng chúng không được dùng bất cứ một áp lực nào khác.
Về luật Ða nhơn mích tội (Yebhuyyasika), trường hợp một vị Tỷ-kheo phạm tội mà không chịu nhận tội, cứ lý luận, trình bày các vấn đề “vòng vo tam quốc” giữa Tăng chúng gây nên phản ứng tranh cãi, vị thì cho là phạm, vị thì cho là không phạm. Trường hợp này phải dùng biểu quyết bỏ thăm kín hoặc biểu quyết công khai để kết luận theo đa số tương đối.
Về luật Tội xứ sở (Tassapapiyasikà), trường hợp vị Tỷ-kheo phạm tội mà không chịu nhận tội, cứ nói vòng vo khiến khởi lên cuộc tranh luận về phạm, không phạm, nặng, nhẹ v.v… Trường hợp này thì chư Tăng phải làm pháp Yết-ma; nếu vị ấy thấy phạm thì sám hối, nếu vị ấy không thấy phạm thì Tăng chúng cần hoan hỷ cho thông qua.
Như nếu vị Tỷ-kheo bị phạm tội nặng mà nói dối là chỉ phạm tội nhẹ, khi làm pháp Yết-ma (Bạch tứ Yết-ma) xác định rõ ràng tội nặng thì vị Tỷ-kheo phạm tội ấy trọn đời phải chịu ràng buộc tám điều: không được độ người xuất gia, không được truyền Cụ túc giới, không được cho Sa-di y chỉ, không được giáo giới Tỷ-kheo-ni, không được nhờ các Tỷ-kheo khác giúp việc, không được làm sứ giả cho Tăng chúng, không được thuyết pháp và Luật cho Tỷ-kheo, và không được theo thứ tự thọ thỉnh. Cho đến khi nào vị ấy tự mình thú tội thì chư Tăng sẽ làm pháp giải tội cho vị Tỷ-kheo ấy thoát khỏi tám điều ràng buộc trên.
Về luật Như thảo phủ địa (Tinnavatthàraka), có nghĩa là như cỏ che khuất đất. Trường hợp Tăng chúng chia rẽ thành hai nhóm hay nhiều nhóm chỉ trích lời của nhau và bênh vực nhóm của mình. Cuộc tranh cãi trở thành loạn đả, không thể đi đến một kết luận nào. Trong trường hợp này tất cả được xem ai cũng có lỗi, tất cả đều làm lẽ sám hối để đem lại hòa khí cho Tăng chúng, không còn chỉ trích hay tranh cãi nữa. Như thế là giống với hình ảnh trải cỏ ra để phủ kín các đất dơ. Pháp này gọi là “Như thảo phủ địa”.
Các trường hợp tranh cãi của Tăng chúng đều rơi vào trong bảy trường hợp kể trên và đã có sẵn bảy biện pháp như vừa trình bày để chấm dứt các cuộc tranh cãi ấy. Chưa chấm dứt các cuộc tranh cãi là chưa dập tắt các mầm mống đưa đến chia rẽ, rạn nứt, đổ vỡ của hàng ngũ chư Tăng. Chấm dứt sớm các mầm mống đưa đến suy sụp, đổ vỡ trong Tăng chúng là củng cố xây dựng một Tăng chúng hưng thịnh để duy trì diệu pháp đem lại nhiều an lạc, hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người.
Pháp Yết-ma (Kamma hay Karma):
Yết-ma là từ dịch âm chữ Karma (Sanskrit) hay Kamma (Pàli), có nghĩa là làm, công việc làm. Ðây là phương pháp tuyên cáo trong khi tiến hành các việc thọ giới, tranh luận… của chư Tăng. Danh từ Yết-ma nói đủ là Tăng-già Yết-ma (Sangha-kammam hay Sanghakarmam). Việc thực hiện Yết-ma chỉ xảy ra trong một nhóm chư Tăng có ít nhất là bốn vị thì pháp Yết-ma mới thành nghĩa. Số lượng chư Tăng đòi hỏi tối thiểu cho công việc Bồ-tát là bốn vị, cho công việc hành Tự tứ là năm vị, cho việc truyền thọ Cụ túc giới là mười vị, và cho việc hành xử tội Tăng-già-bà-thi-sa (Tăng tàn) là hai mươi vị. Số lượng và hình thức này đã có từ thời Thế Tôn tại thế mà chúng ta có thể đọc thấy trong các kinh của A-hàm và Nikàya. Nếu số lượng chư Tăng nhiều hơn số lượng tối thiểu được ấn định ở trên thì cũng được chấp nhận, pháp Yết-ma được thành nghĩa.
Khi pháp Yết-ma đã được làm xong, có nghĩa là Tăng chúng đã hoàn toàn (100%) nhất trí quyết định vấn đề đã được đưa ra thì tuyệt đối không một vị Tỷ-kheo nào được phép phủ nhận hay phản đối. Nếu vị nào còn bàn tán vào, ra về kết quả của pháp Yết-ma trên thì sẽ bị xử tội theo luật định.
Pháp Yết-ma chỉ thực hiện riêng biệt giữa Tăng, Ni: không được làm tập hợp Tăng và Ni.
Bên cạnh các pháp Yết-ma đúng nghĩa trên, chư Tăng trong một số trường hợp đặc biệt chỉ có từ một tới ba người thì vẫn làm Yết-ma mang tính chất hình thức của Yết-ma. Như trường hợp một người tự mình nói và làm theo thể thức Yết-ma, nhưng không có người thứ hai đến nghe để làm chứng, trường hợp này gọi là tâm niệm Yết-ma (tâm niệm Bố-tát và tâm niệm Tự tứ).
Trường hợp việc làm trên xảy ra giữa sự có mặt của hai hay ba Tỷ-kheo thì gọi là đối thủ Yết-ma.
Pháp Yết-ma đúng nghĩa có ba loại: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ.
Ðối với những công việc xảy ra có tính thường xuyên không mang một tầm ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thì chỉ tuyên cáo cho chư Tăng biết một lượt, không cần gạn hỏi; đây gọi là đơn bạch Yết-ma. Với công việc có tầm mức khá quan trọng thì sau khi tuyên cáo vấn đề giữa chúng Tăng cần phải hỏi lại một lần nữa để tránh sự bất đồng ý kiến về sau, đây gọi là bạch nhị Yết-ma. Với công việc có tầm quan trọng đặc biệt, thì sau khi tuyên cáo, cần gạn hỏi lại ba lần nữa. Sau khi toàn thể Tăng chúng có mặt đáp “thành” (hay chấp thuận) thì pháp Yết-ma mới thành. Ðây gọi là bạch tứ Yết-ma.
Về tầm mức quan trọng của các Tăng sự để thực hiện đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ, có một số đối tượng để làm Yết-ma đã được quy định làm điển hình. Về đơn bạch có bốn mươi bốn việc; về bạch nhị có bảy mươi tám việc; về bạch tứ có ba mươi chín việc (theo Yết-ma Chỉ Nam). Tuy nhiên, tùy theo điều kiện xã hội, văn hóa và đoàn thể chư Tăng đang sinh hoạt mà tầm mức quan trọng của các pháp Yết-ma vừa kể có thể được định giả lại, và một số sự việc chưa được liệt kê, có thể thêm vào, nếu chư Tăng xét thấy cần. Chính sự việc xét về sự thay đổi giá trị của các tâm mức quan trọng này, bản thân nó cũng cần được làm pháp Yết-ma để quyết định.
Nguyên tắc của việc tiến hành Yết-ma khác nhau ở các đối tượng Yết-ma khác nhau, như Yết-ma của Bố-tát khác với Yết-ma của truyền thọ Cụ túc giới, v.v… (Ở đây không đi sâu vào chi tiết).
Nghĩa là thành tựu của mỗi pháp Yết-ma đòi hỏi đủ bốn nhân tố: nhân tố người, nhân tố Tăng chúng, nhân tố giới trường, và sau hết là nhân tố tiến trình Yết-ma.
Về nhân tố người, ví dụ về Bố-tát thì đòi hỏi số lượng Tỷ-kheo ít nhất là năm vị Tỷ-kheo. Có mặt đủ ít nhất là năm vị thì gọi là nhân tố Tăng thành tựu.
Về nhân tố giới trường, là tiểu giới trường hay đại giới trường đã được làm pháp Yết-ma để ấn định đúng pháp. Khi pháp Yết-ma được tiến hành đúng vị trí giới trường ấn định thì gọi là nhân tố giới trường thành tựu.
Về nhân tố tiến trình Yết-ma, khi các thủ tục, các giai đoạn Yết-ma được tiến hành đúng thì gọi là nhân tố tiến trình Yết-ma thành tựu.
Nếu một pháp Yết-ma được tiến hành, được thể hiện không đúng loại của nó (đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ) và không đúng tiến trình của nó thì được gọi là Yết-ma không thành tựu. Trường hợp này còn được gọi là phi pháp.
Nếu một pháp Yết-ma được tiến hành không đủ túc số nhân sự thì gọi là phi tỳ-ni.
Trên đây chỉ là một số nét chính về pháp Yết-ma. Các phần chi tiết khác cần được tham khảo ở sách Yết-ma Chỉ Nam.