Chương Hai – Pháp Bảo Tiết XIII Tứ Chánh Cần
Chương Hai – Pháp Bảo Tiết XIII Tứ Chánh Cần
Tứ chánh cần là bốn sự nỗ lực, tinh cần: tinh cần ngăn không để sanh khởi các ác pháp chưa sanh, đoạn tận các ác pháp đã sanh, tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và làm tăng trưởng các thiện pháp đã sanh.
Thiện pháp ở đây được hiểu là các pháp đưa đến giải thoát khổ đau, như mười thiện nghiệp, như vô tham, vô sân và vô si.
Tứ chánh cần ấy chính là chi phần chánh tinh tấn trong Bát Thánh đạo, là tinh tấn giác chi trong Thất giác chi, là Tấn căn và Tấn lực. Như đã được nói đến ở Bát Thánh đạo, chánh tinh tấn hay Tứ chánh cần luôn luôn đi chung với chánh kiến trong việc tu tập thành tựu các chi phần, giác phần khác. Tứ chánh cần chính là sức mạnh của tu tập giải thoát. Nó là đức tính cần yếu nhất để tựu thành mọi hạnh lành, mọi đức tính khác.
Thế Tôn dạy, như sông Hằng chảy xuôi về phương Ðông, Tứ chánh cần được tu tập sung mãn xuôi về Niết-bàn (Tương Ưng V, tr. 257). Sự tu tập Tứ chánh cần cũng dựa trên căn bản giới như Bát Thánh đạo, v.v… (Tương Ưng V, tr. 259).
Như thế, từ đây cho đến lúc đoạn tận mười kiết sử, Tứ chánh cần luôn luôn cần được tu tập vận dụng:
“Chính để thắng tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, Tứ chánh cần, cần phải tu tập”. (Tương Ưng V, tr. 261).
Như lời Thế Tôn dạy ở trên, Tứ chánh cần được tu tập trên căn bản giới và đi cùng với chánh niệm, chánh kiến, nên tu tập hoàn mãn giới, định và tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, hay gọi là đoạn tận mười kiết sử, chứng đắc A-la-hán quả.
Như làm việc cần phải có sức lực, như đi phải có hai chân, hành giả trên đường về giải thoát luôn luôn tu tập Tứ chánh cần để hoàn bị mọi thiện pháp./.