Dưới bóng Bagan

Dưới bóng Bagan

Bagan, kinh đô cổ của nước Myanmar dưới thời vua Anawrahta (1044-1077), quá khứ vẫn bền bỉ hiện diện trong mọi ngõ ngách của đời sống hiện đại. Hơn 2.000 đền chùa cổ kính vẫn thi gan cùng tuế nguyệt ở vùng đất này, chúng là nơi giao thoa giữa quá khứ – hiện tại, một nơi nương tựa tâm linh gần như duy nhất cho cuộc sống quá đỗi gian khó của người Bagan.


Ananda – ngôi đền đẹp nhất Bagan

Từ Yangon (thủ đô cũ của Myanmar), chiếc máy bay ATR72-210 cánh quạt cũ kỹ của hãng Yangon Airways đưa chúng tôi đến thành phố cổ Bagan theo ngả Mandalay – cố đô của Myanmar. Sân bay nội địa ở Yangon nhìn chẳng khác gì ga Hàng Cỏ của Hà Nội 20 năm về trước.

 

Nhà ga cũ được phủ lớp sơn màu xám dưới ánh đèn mờ mờ càng tăng thêm vẻ u ám. Mới 6 giờ sáng, thời tiết đã oi bức khó chịu, nhưng toàn bộ khu vực nhà ga hàng không đều không gắn máy lạnh.

Không chỉ có sân bay này mà hầu khắp các nhà hàng, khách sạn chúng tôi có dịp ghé qua trong hành trình thăm Myanmar đều không có máy lạnh, trừ trong phòng khách sạn. Thậm chí nhiều nơi không lắp quạt, còn đèn chỉ được bật hạn chế. Tiết kiệm là cách duy nhất người Myanmar có thể làm khi lưới điện quốc gia đói điện một cách trầm trọng vì hoàn toàn phụ thuộc vào thủy điện.

Bagan dưới ánh nắng mặt trời


Những cụm đền cỏ nối tiếp nhau ở Bagan

Tháng 5 đang là cao điểm mùa khô ở xứ này, ngay cả dòng sông lớn Ayeyarwaddy ở Bagan cũng cạn kiệt nước nên mất điện là chuyện thường ngày. Trên những đường phố ở Yangon và thành phố Bagan, máy phát điện của các hộ gia đình cứ đến chiều tối lại chạy ầm ầm, tỏa ra mùi xăng dầu khét lẹt và làm tăng thêm sức nóng trên mặt đường.

Chuyến bay sớm từ Yangon đi Bagan mất một giờ rưỡi, tính cả thời gian transit hơn mười phút ở Mandalay. Bay nội địa với Yangon Airways chỉ cần một chiếc thẻ lên máy bay, trên đó không ghi tên với số ghế, khách cứ việc ngồi tự do. Người hướng dẫn của đoàn phát cho mỗi người một mảnh giấy dán có in logo con voi bay của Yangon Airways để dán vào ngực áo. Thế là xong!

Thậm chí ở sân bay Bagan Nyaung Oo của thành phố Bagan (cách Yangon hơn 600km) những thiết bị thường thấy ở một nhà ga hàng không như bảng điện tử, máy vi tính… cũng không có, chỉ có máy kiểm tra hành lý. Nhưng bay với hãng này là một sự trải nghiệm thú vị theo hai chiều ngược nhau.

Các cô tiếp viên mặc đồng phục váy đen với áo màu cam hoặc cốm vô cùng xinh đẹp và luôn cười tươi với khách, trong khi cơ trưởng chuyến bay vừa nhai trầu (đàn ông Myanmar thích nhai trầu) vừa điều khiển máy bay với một cú cất cánh mà cô bạn cùng đoàn ngồi cạnh tôi mô tả là “dựng ngược” máy bay lên.

Mười lăm phút nối chuyến ở sân bay Mandalay là 15 phút chờ đợi dằng dặc như một ngày rưỡi, bởi khách bay tiếp đi Bagan phải ngồi trên máy bay trong điều kiện máy lạnh bị tắt. Tôi và cô bạn mồ hôi nhễ nhại, đành tự an ủi nhau “hết khổ là vui ấy lẽ đời”.

Chưa hết cái khổ này lại đến cái khổ khác. Vừa đặt chân xuống sân bay Bagan Nyaung Oo, thành phố này như đã muốn “xông hơi” du khách bằng khí hậu nóng và khô với nhiệt độ hơn 40 độ C. Hơn 8g sáng, ánh mặt trời đã nung nóng những con đường, sấy khô những ngọn cây nim – loại cây tán rộng cho bóng mát mọc nhiều ở đây và vắt kiệt nước trong cơ thể người Bagan, khiến họ trông như những cây sậy quắt queo vì nắng.


Một gia đình nghèo vào đền Ananda trốn nóng

Lạ thay, dưới cái nóng như rang, những cánh hoa giấy mỏng tang vẫn vươn cao khoe sắc. Vẫn biết đây là giống hoa giỏi chịu nắng nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước sức chịu đựng phi thường của nó. Dường như ánh nắng thiêu đốt chỉ giúp tôn thêm vẻ đẹp của loài hoa này và làm ta tạm quên đi sự khắc nghiệt của khí hậu.

Khách sạn Bagan River View – nơi chúng tôi tạm trú – nép mình sát bờ sông Ayeyarwaddy, được xây bằng gạch nâu đỏ để mộc, có kiến trúc cổ rất phù hợp với những ngôi đền nằm rải rác xung quanh. Cây xanh và hoa được trồng rất nhiều nhưng cũng không xua tan được hơi nóng khủng khiếp lên tới 45-46 độ C. Sảnh khách sạn rộng và đẹp, song nóng hầm hập vì không có máy lạnh và quạt.

Bù lại, chúng tôi được đặt chân vào một cuộc viễn du kỳ thú, trên chuyến xe ngược thời gian trở về quá khứ của miền đất từng một thời trên đỉnh vàng son.

Thời cực thịnh nay còn đâu!

Xưa kia, Bagan từng đạt tới điểm phát triển cực thịnh của mình dưới sự trị vì của vị vua anh minh Anawrahta. Thành phố nằm bên bờ đông sông Ayeyarwaddy, được vua Anawrahta xây dựng vào năm 1044 và trở thành thủ đô của Myanmar trong hai thế kỷ rưỡi, từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.

Trong suốt giai đoạn phát triển rực rỡ trên 250 năm ấy, thành phố ở vùng đất khô hạn miền Trung Myanmar đã trở thành di tích lịch sử quan trọng nhất đất nước, nơi từng có tới hơn 4.446 ngôi đền thờ bằng gạch nung.


Nữ nghệ nhân Bagan đang chế tạo đồ thủ công

Tuy nhiên, những đứt gãy trong lịch sử, đặc biệt là sự sụp đổ của vương triều Myanmar thứ I và trận động đất kinh hoàng xảy ra tại đây vào năm 1975 đã biến nhiều ngôi đền thành tro bụi. Người Myanmar có một câu nói rất nổi tiếng, nôm na là “Những thanh âm ngọt ngào của những vòng quay bánh xe mới đếm được số lượng các ngôi đền ở Bagan”. Đó là cách nói đầy tự hào của dân Bagan đối với những di sản mà ông cha họ truyền lại.

Thật vậy, với khoảng 2.230 ngôi đền cổ còn sót lại đến ngày nay (theo ước tính từ năm 1993 của UNESCO và Cục Khảo cổ Myanmar) trên mảnh đất chỉ rộng 42km2, Bagan xứng đáng là một thiên đường của những ngôi đền, được công nhận là một công trình vô giá, là “di tích khảo cổ tráng lệ và đầy ngạc nhiên nhất ở châu Á”.

Đến đây, bạn sẽ thấy bốn góc của Bagan cũ (Old Bagan, để phân biệt với khu Bagan mới) tọa lạc bốn ngôi chùa tháp và đền nổi tiếng với những cấu trúc tiêu biểu cho thánh địa này. Mỗi di tích lại được ca tụng bằng một chữ “nhất”: chùa Shwezigon cổ kính nhất; đền Ananda đẹp nhất; đền Thatbyinnyu cao nhất (63m) và đền Dhamayangyi đồ sộ nhất có kiến trúc giống hình kim tự tháp, thường được người Myanmar gọi là “kim tự tháp đỏ” do được xây bằng loại gạch có màu nâu đỏ.

Ở xứ Myanmar huyền bí này, đời sống tâm linh của người dân đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Người ta có thể đói, có thể nghèo nhưng không thấy khổ, bởi họ biết nương nhờ cửa Phật, biết tìm niềm vui sống sau hàng giờ lặng lẽ ngồi tụng kinh niệm Phật trong những ngôi chùa đồ sộ lấp lánh ánh vàng.

Người ta có thể ấn mình trên những chiếc xe chở khách cũ rích và chật như nêm hay đạp xe giữa trưa hè nắng cháy, nhưng ánh mắt bỗng sáng lên niềm hạnh phúc, an lạc khi nhìn thấy ngôi chùa vàng Shwezigon thấp thoáng xa xa. Trang phục đi lễ của người Bagan có thể cũ nhưng nhất thiết phải sạch.


Gỗ cây Thanakha bán trong chợ thị trấn Nyaung Oo

Ở Shwezigon là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Myanmar. Người dân địa phương nói rằng có một xá lợi của Đức Phật đang được thờ. Có lẽ vì thế mà người dân càng tôn sùng ngôi chùa nằm ở thị trấn Nyaung Oo. Đó còn là nơi chứa hài cốt các nhà sư, xung quanh chùa được bao bọc bởi cụm đền, miếu nhỏ hơn.

Pan Hsai Myoe, nghĩa là “mười bông hoa” là tên gọi mười nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của người Myanmar dưới thời Bagan còn là thủ đô. Nhiều nghề thủ công đã từng được sử dụng để xây dựng các đền chùa ở Bagan từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tiêu biểu là pan tee (nghệ thuật điêu khắc tượng trên kim loại), pan tamaw (chế tác đá và đá quý), pan chi (nghệ thuật vẽ), pan put (làm gốm sứ), và pan yun (chế tác đồ sơn mài).


Chùa Shwezigon ở Bagan

Ngôi chùa cổ Shwezigon được vua Anawrahta xây dựng từ thế kỷ XI nhưng được hoàn thành bởi vua Kyansittha – người kế vị vua Anawrahta qua đời năm 1077. Nhiều tượng Phật được khắc trên kim loại, cả lớn lẫn nhỏ, bằng vàng và đồng còn được lưu giữ trong chùa gợi nhớ lại nghệ thuật pan tee nổi danh từ thời Bagan (thế kỷ XI-XIII).

Người thợ thủ công Bagan xưa rất tinh xảo trong việc kết hợp năm loại kim loại, bao gồm cả vàng, bạc, rồi nung chảy chúng và tạc thành những hình mặt người trên các bức tượng sao cho những kim loại quý này hiện lên trên mỗi khuôn mặt tượng. Có thể tìm thấy bốn khuôn mặt được tạc theo lối này trên các bức tượng trong chùa Shwezigon, mỗi khuôn mặt tượng có chiều cao tới bốn mét.

Một thế giới không phẳng

Ở Myanmar, mọi khoảng cách vẫn còn về đúng với nghĩa đen của nó chứ không như quan niệm của thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Sự đóng cửa với thế giới bên ngoài khiến đất nước rộng gấp đôi Việt Nam (676.577km2) và có dân số 54 triệu này trở thành một ốc đảo bé nhỏ và tách biệt với những nền văn minh bên ngoài.

Sang Myanmar, tốt nhất không nên mang theo những vật dụng hiện đại, bởi chúng sẽ trở nên vô dụng. Điện thoại di động không sử dụng được vì không có dịch vụ roaming, còn nếu muốn mua thẻ điện thoại quốc tế để gọi về Việt Nam, bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền. Một cách khác rẻ hơn cũng khiến bạn xót: trả 5 USD cho một phút gọi về nước từ khách sạn mà chất lượng cuộc gọi rất kém.

Internet là thứ cực quý hiếm ở đây vì ngay cả một khách sạn lớn như Bagan Hotel cũng chỉ có một chiếc máy tính duy nhất trong Business Center, nói gì đến WiFi. Tôi đã bỏ ra 5 USD để có thể check mail trong nửa giờ từ chiếc máy tính này và cũng chỉ vào được Gmail với tốc độ rùa bò.

 


Cô bé Kthwemoe (trái) và bạn đang bán hàng ở đền Shwe San Daw

Trên ngôi đền Shwe San Daw – nơi ngắm hoàng hôn lý tưởng ở Old Bagan – tôi rợn người khi nhìn những em bé Bagan đen nhẻm vì nắng, mặt bôi thanakha (một loại bột mài ra từ cây gỗ thanakha mà người Myanmar tin rằng có tác dụng chống nắng), đầu trần chân đất leo lên ngôi đền dốc đứng. Chúng chạy thoăn thoắt khắp ngôi đền, mời những vị khách du lịch chưa hết choáng vì độ cao mua những tấm bưu ảnh, vòng đeo tay, tranh cát, longyi – loại váy truyền thống của đàn ông Myanmar.

Trẻ con bán hàng ở đây nói tiếng Anh khá giỏi và có thái độ khá dễ chịu, dù chúng cũng bám khách. Tôi hỏi Kthwemoe – một cô bé 16 tuổi có nụ cười tươi như hoa rằng một ngày bán được bao nhiêu tiền. Cô bé nhoẻn miệng cười, nói chỉ bán một buổi vào giờ nghỉ học để đỡ đần bố mẹ. Cái hay là trẻ bán hàng dù đi theo khách mời mua hàng nhưng vẫn vui vẻ chuyện trò với khách như bạn bè dù không bán được hàng.


Tượng Phật trong một ngôi chùa

Lang thang trong những ngày ở đây, giữa xứ sở Phật giáo có quá nhiều di sản vô giá này, tôi cứ băn khoăn tại sao dân Myanmar còn nghèo quá. Họ đang sống một cuộc sống giống như người Việt Nam thời bao cấp. Bao giờ quốc gia này tìm lại thời hoàng kim xưa, khi Bagan dưới sự cai trị của nhà vua Anawrahta xây dựng nên những công trình tôn giáo được cả thế giới ngả mũ kính phục. Một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, đủ dầu mỏ, gỗ, thiếc lẫn đá quý, cẩm thạch… nhưng không có đủ điện dùng vào mùa khô thì thật là đáng tiếc.

NGUYỄN CHÍ (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần )