Nga Mi Sơn
Nga Mi Sơn
Núi Nga Mi cũng thuộc về tỉnh Tứ Xuyên và nằm về miền nam. Từ trung tâm phố Lạc Sơn đến núi Nga Mi là 80 cây số, và từ Lạc Sơn ta có thể nhìn thấy Nga Mi sơn. Núi Nga Mi rất cao và rộng, tổng cộng có 154kmỲ và cao nhất là ngọn Vạn Phật Đỉnh, cách mặt biển đến 3079 mét. Độ cao này có thể khiến người bị choáng váng do tế bào não thiếu oxygen nhưng không vì thế mà khách hành hương ngại mệt, vì lên đến đỉnh núi này là thật sự vào đến thánh địa và được lễ bái Đại Hành Phổ Hiền Bồ Tát.
Cảnh sắc Nga Mi thanh tú, trên dãy núi có bốn ngọn núi chính, là Đại Nga, Nhị Nga, Tam Nga và Tứ Nga. Nhìn từ xa, Đại Nga và Nhị Nga trông như hai chân mày lụa bạc. Trời Nga Mi thường có nhiều sương, nhưng thời tiết cũng biến đổi theo từng nơi, có thể giản dị nói rằng trên một núi có thể tìm thấy bốn mùa, và chỉ trong mười dặm đã thấy tiết trời thay đổi. Đường trên núi quanh co, cứ qua một khúc quanh là cảnh vật hiện ra khác lạ. Núi Nga Mi cây lá xum xuê, nếu đi thật sâu vào những khu rừng trên núi sẽ thấy rằng đây đúng là ngọn núi thích hợp cho những người tu tiên cầu đạo. Vào thời Đông Hán, trên núi xuất hiện cung quán của đạo Lão và sau đó đến đời Đường Tống đạo Phật mới bắt đầu có mặt. Nhưng đến đầu đời Minh thì đạo Lão suy vi, Phật giáo ngày càng thịnh, tăng lữ đạt đến số 1700 vị, toàn núi có đến gần cả 100 tự viện lớn nhỏ.
Nga Mi Sơn Chí?và một số sách khác có ghi về một truyền thuyết như vầy: Vào ngày 1 tháng 6 năm Đông Hán Minh Đế Vĩnh Bình thứ 6 (63 CN), có một ông lão tên Bồ Công đi hái thuốc ở Vân Oa, thấy có dấu chân nai hình như hoa sen, lấy làm lạ, nên bèn theo tìm cho ra tung tích nhưng tìm mãi cho tới đỉnh thì mất dấu. Nhân giữa đường quay về, ông bỗng gặp một vị tăng đang kết cỏ ngồi tu nên hỏi, vị tăng ấy chỉ nói rằng đó là điềm lành theo bổn nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền tại núi Nga Mi. Vậy là sau đó Bồ Công về lấy nhà làm chùa thờ Ngài Phổ Hiền và từ đó lan truyền ra nên Nga Mi sơn trở thành đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Bên cạnh đó còn có tài liệu ghi rằng: Vào thời Tấn có một người họ Phổ cũng lên núi hái thuốc, chợt thấy có người cưỡi voi trắng ẩn trong mây. Vì thế về sau người ta thường y cứ vào truyền thuyết này, mỗi khi xây tự viện đều thờ Ngài Phổ Hiền là chính mà đặc biệt là tượng Ngài cưỡi voi trắng và công nhận núi Nga Mi là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền rồi dần dà phát triển thành một thánh địa của Phật giáo Trung Quốc.