101 Câu chuyện Thiền (1-10)

Chuyện 1: Một Tách Trà

Nan-In, một thiền sư Nhật Bản vào thời Minh Trị (1868 – 1912), tiếp một ông giáo sư đại học đến tìm hiểu về Thiền.

Nan-In mời dùng trà. Ông đã rót đầy vào tách của khách và vẫn tiếp tục rót thêm.

Ông giáo sư nhìn nước tràn cho đến khi tự mình không nhịn được thêm nữa. “Tách đã đầy tràn rồi. Không thêm vào được nữa đâu!”

“Giống như cái tách này” Nan-In nói, “ông mang đầy ý kiến và suy đoán riêng của ông. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền trừ phi ông cạn cái tách của ông trước đã?”

Chuyện 2: Tìm Thấy Kim Cương Trên Đường Bùn

Gudo là thầy của hoàng đế vào thời đó. Tuy thế, ngài vẫn thường hay du hành một mình như là một khất sĩ lang thang. Một lần khi ngài trên đường đi tới Edo, trung tâm văn hóa và chính trị của một địa phương quan trọng, ngài đến gần một làng nhỏ có tên là Takenaka. Trời đã chiều tối và một cơn mưa đang rơi nặng hạt. Gudo ướt sũng. Đôi dép rơm của ngài giã ra từng mảnh. Tại một căn nhà nông trại gần làng ngài nhận thấy có khoảng bốn hay năm đôi dép trong cửa sổ và định hỏi mua một đôi khô ráo.

Người đàn bà biếu dép cho ngài, thấy ngài bị thấm ướt quá, mời ngài ở lại qua đêm trong nhà bà. Gudo nhận lời và cám ơn bà ta. Ngài vào và tụng một thời kinh trước bàn thờ của gia đình. Sau đó ngài được giới thiệu với mẹ và các con của bà chủ nhà. Nhận thấy cả nhà đều buồn bã, Gudo hỏi xem có điều gì xảy ra không.

“Chồng con là một kẻ cờ bạc và say sưa”, bà chủ nhà thưa với ngài. “Khi anh ấy mà được bạc thì anh ấy uống rượu rồi trở nên thô lỗ. Khi anh ấy thua thì lại vay mượn tiền người khác. Đôi khi say sưa quá mức thì anh ấy lại chẳng về nhà gì cả. Con phải làm sao đây?”

“Ta sẽ giúp anh ấy cho,” Gudo nói. “Đây có ít tiền. Hãy đi mua cho ta một hũ rượu tốt và ít đồ gì ngon để ăn. Rồi bà có thể vào nghỉ ngơi đi. Ta sẽ thiền định trước bàn thờ.”

Khi anh chủ nhà trở về vào khoảng nửa đêm, say mèm, anh ta tru tréo lên: “Này, mụ vợ ơi, ta đã về đây. Mụ có gì cho ta ăn không?”

“Ta có đồ ăn cho anh đây” Gudo nói. “Ta bất ngờ bị mắc mưa và bà vợ anh tử tế cho ta tạm trú tại đây qua đêm. Để đáp lại ta có mua một ít rượu và cá, như vậy anh có thể dùng được đấy.”

Anh chồng hài lòng. Anh ta uống rượu ngay rồi nằm lăn xuống trên sàn nhà. Gudo ngồi thiền bên cạnh anh ta.

Vào buổi sáng khi anh chồng tỉnh dậy anh ta quên hẳn mọi chuyện đêm qua. “Ông là ai? Ông ở đâu đến đây?” anh hỏi Gudo, khi ngài vẫn còn đang thiền định.

“Ta là Gudo ở Đông Kinh và ta đang trên đường đi đến Edo,” vị thiền sư trả lời.

Anh chồng quá xấu hổ. Anh rối rít xin lỗi vị thầy của hoàng đế của mình.

Gudo mỉm cười. “Mọi vật trên cõi đời này đều vô thường,” ngài giảng dạy. “Cuộc đời rất ngắn ngủi. Nếu anh cứ tiếp tục đánh bạc và uống rượu thì anh chẳng còn lại thì giờ đâu mà hoàn thành được việc gì khác, và anh sẽ làm khổ cho cả gia đình của anh nữa.”

Anh chồng chợt tỉnh ngộ như ra khỏi cơn mê. “Ngài nói đúng,” anh ta lên tiếng. “Làm sao con có thể đền ơn cho ngài về lời dạy tuyệt vời này! Hay là để con tiễn chân ngài và mang hành lý hầu ngài một quãng đường.”

“Nếu anh muốn,” Gudo đồng ý.

Cả hai người lên đường. Sau khi đi được chừng ba dặm đường Gudo bảo anh ta quay về. “Chỉ xin được thêm năm dặm nữa thôi,” anh năn nỉ Gudo. Họ tiếp tục đi tới.

“Anh có thể trở lại bây giờ,” Gudo đề nghị.

“Sau khi thêm mười dặm nữa,” anh ta đáp lại.

“Bây giờ hãy quay trở về đi,” Gudo nói, sau khi đã đi qua hết mười dặm.

“Con sẽ theo ngài suốt quãng đời còn lại của con,” anh ta tuyên bố.

Những thiền sư hiện đại ở Nhật Bản đều xuất phát từ dòng của một v? thầy nổi danh, ngài là người kế thừa của Gudo. Tên của ngài là Mu-nan, người không bao giờ quay trở lại.

 

Chuyện 3. Vậy Sao?

Thiền sư Hakuin được mọi người chung quanh ca tụng là một người sống cuộc đời trong sạch.

Một cô gái Nhật Bản xinh đẹp, mà bố mẹ có một cửa hàng thực phẩm, sống gần ngài. Bỗng nhiên, thật chẳng ai ngờ, bố mẹ cô khám phá ra rằng cô đang có thai.

Điều này làm bố mẹ cô tức giận. Cô không chịu thú nhận ai là người làm chuyện đó, nhưng sau bao phen bị vặn hỏi cuối cùng cô chỉ tên người đó là Hakuin.

Cha mẹ cô giận dữ vô cùng, đến kiếm ông thiền sư. “Vậy sao?” ngài chỉ nói có vậy thôi.

Sau khi đứa trẻ sinh ra, người ta mang nó tới cho Hakuin. Vào lúc này ngài đã mất hết cả danh ti?ng rồi, nhưng điều đó không làm ngài bực bội, ngài chăm sóc đứa trẻ rất là chu đáo. Ngài xin sữa của những người lối xóm và các thứ khác mà đứa trẻ cần đến.

Một năm sau cô gái làm mẹ kia không chịu đựng được điều đó thêm nữa. Cô bèn thú thật với bố mẹ cô rằng người cha thật sự của đứa con là một anh trẻ tuổi làm việc trong chợ cá.

Mẹ và bố cô gái vội vàng tìm đến Hakuin xin ngài tha thứ, sau khi xin lỗi hết lời, rồi xin nhận lại đứa trẻ.

Hakuin ưng thuận. Khi trao đứa trẻ lại ngài chỉ nói: “Vậy sao?”

 

Chuyện 4: Tuân Lời

Những buổi thuyết pháp của thiền sư Bankei không những chỉ có các thiền sinh mà còn có thêm người thuộc các đẳng cấp và tông phái khác tham dự. Ngài không bao giờ viện dẫn kinh điển cũng chẳng hăng say thuyết giảng về những điều nặng phần học thuật. Thay vào đó, lời ngài nói đi thẳng từ tâm ngài tới tâm các người nghe ngài.

Số thính giả đông đúc của ngài làm cho một tu sĩ của môn phái Nichiren tức giận bởi vì các môn đồ của ông ta cũng bỏ đi nghe Thiền. Ông tu sĩ môn phái Nichiren tự đắc kia tìm đến thiền đường, định tranh luận với Bankei.

“Này, ông thầy dạy Thiền!” ông ta kêu lớn tiếng. “Đợi một chút đi. Bất cứ ai kính phục ông đều nghe theo lời ông nói cả, nhưng một người như ta đây không hề kính phục ông đâu. Ông có thể làm cho ta tuân lời ông được không?”

“Hãy đến gần tôi đây và tôi sẽ chỉ cho” Bankei nói.

Với vẻ tự hào, ông tu sĩ chen lấn đường qua đám đông bước đến phía thiền sư.

Bankei mỉm cười. “Ông hãy sang bên phía trái tôi.”

Ông tu sĩ tuân theo.

“Không,” Bankei nói, “chúng mình có thể nói chuyện thoải mái hơn nếu ông ở phía bên phải. Hãy bước qua đây.”

Ông tu sĩ kiêu hãnh bước sang bên phải.

“Ông thấy đấy” Bankei nói, “ông đang tuân theo lời tôi và tôi nghĩ rằng ông là một người rất hoà nhã. Bây giờ hãy ngồi xuống và lắng nghe nhé.”

 

Chuyện 5: Nếu anh Yêu, Hãy Yêu Công Khai

Hai mươi tăng sinh và một ni sinh, cô được đặt tên là Eshun, đang tu tập thiền định với một vị thiền sư nọ.

Eshun rất xinh đẹp mặc dù đầu cô đã cạo và quần áo của cô thì đơn sơ. Một vài tăng sinh thầm yêu cô. Một tăng sinh trong nhóm đó viết cho cô một lá thư tình, ước mong được gặp gỡ riêng tư.

Eshun không trả lời. Ngày hôm sau thầy giảng bài cho cả nhóm, và khi bài giảng chấm dứt, Eshun đứng dậy. Nhắm về người đã viết thư cho cô, cô nói: “Nếu anh thực sự yêu tôi quá nhiều, thì hãy đến đây và ôm tôi bây giờ đi.”

 

Chuyện 6: Không Có tâm Từ

Có một bà lão ở Trung Hoa đã cung dưỡng cho một ông sư hơn hai mươi năm. Bà đã cất một thảo am nhỏ cho ông và cung cấp lương thực cho ông khi ông thiền định. Cuối cùng bà muốn thử biết xem ông đã đạt được tiến bộ đến đâu trong suốt thời gian này.

Muốn khám phá ra điều đó bà tìm một cô gái nhiều dục vọng nhờ giúp đỡ. “Hãy đến và ôm ông ấy,” bà bảo cô, “và rồi hỏi ông một cách bất ngờ: ‘Làm gì nữa bây giờ đây?’”

Cô gái đến thăm ông sư và chẳng cần làm bộ làm tịch gì cả cô vuốt ve ông ta, rồi hỏi ông xem ông sẽ làm gì tiếp về chuyện này.

“Một cây cổ thụ mọc trên một tảng đá lạnh vào mùa đông,” ông sư trả lời một cách hơi thi vị. “Không đâu còn chút ấm áp nào.”

Cô gái quay về và thuật lại những gì sư đã nói.

“Nghĩ xem ta đã nuôi cái ông này cả hai mươi năm trời!” Bà già kêu lên giận dữ, “Ông ấy đã không thèm đếm xỉa đến nhu cầu của cô, đã không có ý muốn giải thích cho cái tình cảnh của cô. Ông ấy không cần phải đáp ứng sự tham dục, nhưng ít nhất ông ấy cũng phải tỏ lộ ra một chút tâm từ chứ.”

Bà già lập tức đi ngay tới thảo am của ông sư và đốt rụi nó luôn

 

Chuyện 7: Thông Báo

Tanzan viết sáu mươi tấm bưu thiếp vào ngày cuối cùng của đời ông, và sai một người hầu cận gửi bưu thiếp đi. Xong rồi ông từ giã cõi đời.

Những tấm thiếp viết:

Ta sắp rời khỏi cõi trần gian này.

Đây là lời thông báo cuối cùng của ta.

Tanzan.

Tháng 7 ngày 27, 1892

 

Chuyện 8: Những Con Sóng Lớ

Vào những ngày đầu của thời Minh Trị có một tay đô vật nổi tiếng tên là O-nami, Sóng Lớn.

O-nami khoẻ vô cùng và biết nghệ thuật đô vật. Trong những lần đấu riêng tư chàng còn hạ ngay cả thầy của chàng nữa, nhưng trước công chúng thì chàng lại nhút nhát đến nỗi những học trò riêng của chàng cũng quật ngã được chàng.

O-nami thấy chàng cần phải tìm đến một thiền sư nhờ giúp đỡ. Hakuju, một ông thầy du hành lang thang, đang dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ gần đó, cho nên O-nami tìm đến gặp ông và trình bày cho ông rõ về cái trở ngại của chàng.

“Sóng Lớn là tên của anh,” ông thầy khuyên nhủ, “vậy thì hãy ở lại trong chùa này tối nay. Hãy tưởng tượng rằng anh là những cuộn sóng lớn đó. Anh không còn là một tay đô vật bị hãi sợ nữa. Anh là những đợt sóng hùng vĩ này cuốn phăng đi tất cả mọi thứ ở trước sóng, nuốt đi tất cả mọi thứ trên con đường sóng cuộn. Hãy làm như vậy và anh sẽ là tay đô vật vĩ đại nhất trong nước”.

Ông thầy lui vào. O-nami ngồi thiền định cố tưởng tượng chính mình là những cuộn sóng. Chàng nghĩ ngợi đến nhiều thứ khác nhau quá. Rồi dần dần chàng chuyển càng ngày càng nhiều hơn nữa qua cái cảm giác của những cuộn sóng. Đêm càng về khuya thì những cuộn sóng càng lúc càng lớn thêm lên. Sóng cuốn phăng đi những bông hoa trong các bình. Ngay cả ông Phật trên bàn thờ cũng bị ngập chìm. Trước khi trời sáng thì ngôi chùa chẳng còn là gì nữa mà chỉ còn là sóng dâng lên rồi lại rút đi trong một đại dương bao la.

Vào buổi sáng ông thầy thấy O-nami đang thiền định, một nụ cười thoáng nhẹ trên khuôn mặt chàng. Thầy vỗ vào vai tay đô vật. “Giờ đây không còn gì có thể quấy nhiễu anh nữa,” ông nói. “Anh là những cuộn sóng đó. Anh sẽ cuốn phăng đi mọi vật trước anh.”

Cùng ngày hôm ấy O-nami tham gia vào các cuộc thi đấu vật và chiến thắng. Sau đó, không còn ai ở Nhật Bản có thể đánh bại được chàng nữa.

 

Chuyện 9: Mặt Trăng Không Thể bị Ăn Cắp

Ryokan, một thiền sư, sống cuộc đời đơn giản nhất trong một thảo am nhỏ bé ở dưới chân một ngọn núi. Một đêm có một tên trộm đến viếng thảo am nhưng chỉ thấy rằng chẳng có gì trong đó để lấy trộm cả.

Ryokan trở về và bắt gặp hắn. “Có lẽ anh phải đi khá xa để đến thăm ta,” ngài nói với kẻ rình mò, “và anh chẳng nên quay về với tay không. Hãy lấy bộ quần áo của ta mà làm quà.”

Tên trộm chưng hửng. Hắn lấy bộ quần áo và chuồn đi ngay.

Ryokan ngồi trần truồng, ngắm mặt trăng. “Anh bạn đáng thương,” ngài trầm ngâm, “Ta ước gì ta có thể tặng cho anh ấy mặt trăng đẹp đẽ này.”

 

Chuyện 10: Bài Thơ Cuối cùng Của Hoshin

Thiền sư Hoshin sống ở Trung Hoa nhiều năm. Rồi ngài quay về vùng đông bắc nước Nhật Bản, ở đó ngài dạy các đệ tử của ngài. Khi ngài quá già, ngài kể cho họ một câu chuyện mà ngài đã nghe được ở Trung Hoa. Đây là câu chuyện:

Một năm vào ngày hai muơi lăm tháng chạp, Tokufu, đã rất già, nói với đệ tử của ngài: “Ta không sống nổi được đến sang năm vậy các con hãy chăm sóc ta cho chu đáo trong năm nay.”

Các đệ tử nghĩ rằng ngài nói đùa, nhưng vì ngài là vị thầy có tấm lòng cao cả cho nên mỗi người trong nhóm đệ tử thay phiên nhau đãi tiệc ngài trong những ngày kế tiếp của năm sắp tàn.

Vào đêm giao thừa, Tokufu sau chót nói: “Các con đã tử tế với ta. Ta sẽ xa các con vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi.”

Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng ngài đã có tuổi và ăn nói lẩm cẩm bởi vì đêm thì quang đãng và không có tuyết. Nhưng vào nửa đêm tuyết bắt đầu rơi, và đến ngày hôm sau thì họ chẳng thấy ông thầy họ đâu nữa. Họ đi đến thiền đường. Ngài đã qua đời nơi đó.

Hoshin, người kể câu chuyện này, nói với các đệ tử của ngài: “Một thiền sư đoán trước ngày mình viên tịch cũng không phải là một điều cần thiết chi, nhưng nếu vị ấy thực sự muốn làm như vậy, v? ấy có thể làm được.”

“Thầy có làm được không ạ?” một đệ tử hỏi.

“Được chứ,” Hoshin trả lời. “Ta sẽ cho các con biết ta có thể làm được những gì sau bảy ngày nữa tính từ hôm nay.”

Chẳng có một đệ tử nào tin ngài hết, và hầu như đa số trong bọn họ cũng đã quên câu chuyện rồi cho đến lần sau khi Hoshin cho gọi họ tụ họp lại.

“Bảy ngày trước đây,” ngài nhắc lại, “Ta nói ta sẽ xa lìa các con. Theo lệ thường thì nên viết một bài thơ từ biệt, nhưng ta chẳng phải là thi sĩ cũng không là người viết thư họa. Vậy một người trong các con hãy ghi lại những lời cuối cùng của ta.”

Các môn đồ của ngài tưởng ngài nói đùa, nhưng một người trong bọn họ đã sửa soạn để viết.

“Con sẵn sàng chưa?” Hoshin hỏi.

“Thưa thầy rồi ạ” người viết đáp lời.

Rồi Hoshin đọc:

Ta đến từ tánh sáng

Và về với tánh sáng.

Đây là cái gì vậy?

Bài thơ thiếu một dòng nữa để trở thành một bài tứ tuyệt thường làm, vì vậy người đệ tử nói: “Kính thầy, chúng ta thiếu một câu.”

Hoshin, với tiếng gầm của một con sư tử chiến thắng, la lớn lên: “Kaa!” rồi ra đi.