Kinh Hiền Ngu (Phẩm 19-26)

Phẩm thứ mười chín: SA DI HỘ GIỚI

NGƯỜI đã thọ giới phải giữ giới, dầu cho mất thân mạng cũng không nên phá giới. Tại sao? Giới là nền tảng của người tu Đạo, là một lối đi vững chắc qua Trời Người lên cõi Phật, là một bí pháp hết lậu nghiệp, là con đường thẳng vào thành Niết Bàn, là chốn an lạc giải thoát đời đời.

Người giữ giới được thanh tịnh, công đức ấy vô lượng vô biên; ví như biển lớn, sâu không đáy, rộng không bờ, thâu nạp muôn loài, như A Tu La Ma Kiệt ngư, cùng tất cả các loài thủy tộc.

Giới cũng như thế, thâu nạp những người tam thừa, sinh trưởng ở đó.

Biển lớn kia có rất nhiều vàng, bạc, ngọc lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách.

Nhân có giới mới sinh ra các pháp lành; bốn phi thường, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thiền, tam muội, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v…

Bể lớn kia đáy bằng ngọc kim cương, chung quanh bằng núi kim cương, có bốn sông lớn chảy vào luôn luôn, mà nước bể vẫn không đầy vơi.

Biển giới cũng thế, lấy giới làm đáy, lấy luận làm núi vây quanh, bốn A hàm làm sông, muôn dòng nước chảy vào trong bằng phẳng không thêm bớt.

Tại sao các sông vẫn chảy vào biển, mà nứơc biển vẫn không đầy? Vì sức lửa ở ngục A Tỳ bốc lên, nên nước biển vẫn không đầy, các sông thường chảy ra biển, nên nước biển không bao giờ vơi.

Biển giới của Phật Pháp cũng thế, không phóng dật tham lam cảnh dục nên không tăng, đủ công đức nên không giảm. Như thế biết rằng giữ giới là một công đức lớn lao.

Sau thời Phật vào Niết Bàn, nước An Đà có một vị Tỷ Khưu, tu hạnh Đầu Đà thích ở nơi vắng vẻ, oai nghi đầy đủ, giới đức hoàn toàn.

Khi Phật còn tại thế, Ngài thường khen các vị tu hành Đầu Đà!

Những vị Tỷ Khưu tu hạnh Đầu Đà không hay ở chung với Tăng chúng; vì những vị ấy ít lòng dục, tri túc, không bỏn xẻn tham lam tích trữ, thường ngày đi xin ăn ngồi trơ trên mặt đất, không nhà không cửa, ngày chỉ một bữa ăn, với một tấm áo là đủ, lại chăm tọa thiền tụng kinh. Những người như thế rất đáng tôn trọng, mới xưng đáng ngôi Pháp Vương Tử.

Trái lại những vị Tăng không có một trong đức hạnh nói trên, phần nhiều chỉ đa dục, lòng tham không biết chán, súc tích tiền của, tham lam tật đố, ghen ghét đầy lòng si ái mê muội, bởi thế cho nên mất công đức lớn, khiến cho người dân chán ghét, có khi còn làm cho người ta phỉ báng Tam Bảo là khác.

Vị Tỷ Khưu nói trên đức hạnh thuận hòa, có đủ lục thông, tam minh và tám phép giải thoát oai nghi đĩnh đạc, tiếng khen vang dội muôn phương, đáng làm một vị Sa Môn.

Bấy giờ có một người Ưu Bà Tắc tin kính ngôi Tam Bảo, giữ năm điều răn cẩn thận, lại chăm bố thí tu đức, được nhiều người khen ngợi Ưu Bà Tắc nguyện chung thân cúng dàng vị Tỷ Khưu nói trên.

Phúc cúng dàng theo nhân hưởng quả: Nếu thỉnh Tăng đến nhà cúng dàng các vị phải đi đường xa, hoặc nóng, lạnh, gió, giá, rét, bị mỏi mệt xảy ra thì làm phế bỏ sự hành đạo của chư Tăng. Người thí chủ sau có được hưởng quả báo tốt lành nhưng phải mệt nhọc, còn các vị đi ngoài đường khất thực thì không kể, mới có thể được, phúc báo ấy thì hơn, còn những vị tại chùa mình mang thức ăn lại nơi cúng dàng thì lai sinh được hưởng phúc báo tự nhiên, không khó nhọc mà vật chất tự nhiên đầy đủ tùy ý muốn.

Ông Ưu Bà Tắc này vì lòng tin chắc chắn, nên ông sai người mang đến tận nơi cúng dàng.

Sa Môn có bốn thứ hay dở khó nhận xét, cũng như quả Am La xanh chín khó hiểu biết.

1. – Cũng có vị Tỷ Khưu coi tướng mạo oai nghi đĩnh đạc, ung dung văn vẻ thế mà trong bụng đầy sân si, làm các hạnh phi pháp phá giới. Tỷ như quả Am La ngoài vỏ coi chín đẹp, nhưng trong lòng sống sượng.

2. – Cũng có vị bề ngoài coi thô sơ, oai nghi tầm thường bên trong có đầy đủ đức hạnh nào trí tuệ thiền định đạo đức. Cũng như quả Am La trong chín, ngoài xanh.

3. – Cũng có vị hình tướng cục mịch nói năng thô lỗ, không có oai nghi đức độ, phá giới tạo ác, trong lòng dầy sân si, ngã mạn tật đố tham dục. Cũng như quả Am La trong ngoài đều xanh.

4. – Cũng có vị oai nghi nghiêm chỉnh giữ giới thanh tịnh, bên trong đầy đủ đạo đức, trí tuệ rộng sâu, thiền định giải thoát, cũng như quả Am La trong ngoài đều chín.

Tại thành này có ông Trưởng Giả tin kính ngôi Tam Bảo, sinh được cậu con trai, ông muốn cho cậu đi xuất gia và nghĩ rằng:

– Phải tìm một vị Minh Sư đạo đức học vấn tinh thông, cho con mình nương theo, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, gần người lành, thì phát sinh lòng lành, gần kẻ ác sẽ tập nhiễm thói ác. Ví như gió không có thơm hôi, thổi qua rừng Thiên Đàn thì thấy gió thơm tho, nếu thổi qua Thiêm Bặc thì thấy gió hôi thối, cũng như tấm áo sạch để ở bồ hương, áo ấy sẽ thơm, nếu để chỗ hôi dĩ nhiên bị hôi. Gần bậc thiện trí thức, tính tình cao thượng, gần kẻ hèn hạ lòng dạ xấu xa.

Nghĩ như vậy rồi ông dẫn con đến vị Tỷ Khưu nói trên thưa rằng:

– Bạch Đại Đức! Cháu trai này là con của tôi, muốn để xuất gia tu học, kính xin Đại Đức từ bi tế độ!

Vị Tỷ Khưu dùng đạo nhãn quan sát, xem căn khí có lớn lao không? Có thể làm hưng long cho Phật Giáo được không? Có thể tu trì giới hạnh được không? Mới nhận lời, xem xong đáp:

– Quý hóa! Ông cho cháu đi xuất gia để nối chí Phật chủng, hay lắm tôi vui lòng tế độ!

Trưởng Giả vui mừng lễ tạ ra về.

Đoạn này nói người Ưu Bà Tắc cúng dàng vị Tỷ Khưu: Một hôm Ưu Bà Tắc có người bạn thân rủ đi xem hội, ông muốn cho cả nhà cùng đi, nhưng nghĩ “ai là người coi nhà, nếu bắt buộc một người ở lại thì không đành lòng” ông họp gia đình lại nói rằng:

– Mai đi xem hội, ai vui lòng ở lại coi nhà?

Cô con gái của ông đáp: – Thưa cha! Con xin coi nhà để cha mẹ và toàn gia đi xem hội!

Ông vui vẻ nói: – Hay lắm! Con ở nhà trông nhà cho cha, chớ đi chơi đâu nhé!

Sáng ngày mai cả nhà đi hết, ông quên không dặn con gái dâng cơm vị Tỷ Khưu, cô đóng chặt cửa ngõ vào nhà ngồi xem sách, đọc chuyện để giải buồn.

Bữa cơm ngọ đã tới mặt trời chừng xết trưa. Vị Tỷ Khưu không thấy mang cơm đến, thầm nghĩ rằng:

– Người trần tục bận nhiều công việc, hôm nay có lẽ họ quên dâng cơm?

Ngài gọi chú Sa Di con ông Trưởng Giả lại bảo:

Con đi lại nhà ông Ưu Bà Tắc lấy cơm, hôm nay có lẽ họ quên. Theo lời Phật dạy, con phải giữ oai nghi cho cẩn thận, vào các thôn xóm không được sinh tâm tham trước, tỷ như con ong lấy mật, chỉ cốt lấy mật, chứ không làm tổn thương đến sắc hương của hoa. Con cũng phải như thế, đến nhà người ta, chớ sinh lòng tham sắc đẹp v.v…giữ được cấm giới, là giữ được đạo. Ông Đề Bà Đạt Đa tuy tụng được nhiều kinh, vì tạo ác phá giới phải đọa vào địa ngục A Tỳ, ông Cù Ca Lợi tội phỉ báng phá giới phải đọa địa ngục, ông Chu Lợi Bàn Đặc chỉ tụng được câu kệ, vì giữ giới hoàn toàn nên được chứng quả La Hán. Giới là lối vào đạo Niết Bàn, là nhân thụ hưởng khoái lạc, cõi trời cõi người.

Tỷ như quy chế trường trai ba hoặc bốn tháng, của phái Bà La Môn họ mời những vị cao minh giữ giới trong sạch trước hết họ đưa cho mỗi vị một phong bao, trong để vị ngọt. Bọn ấy có một người tuy học cao nhưng tính tình không được liêm khiết tham mùi ngọt ăn hết, tới ngày nhập hội mọi người xuất trình phong bao để vào, ông này không có phong bao cũng bước vào, người gác cửa hỏi:

– Phong bao của ông đâu?

– Có, nhưng đã ăn hết vị ngọt!

– Thôi! Ông không được vào nữa, ông tham một chút mùi ngọt thiệt hại cho ông bốn tháng các mùi thơm ngon và các trân bảo khác, thôi ông đi ra!

Cũng thế! Con vào thôn xóm chớ tham một việc nhỏ, lỡ phá giới của tam thế chư Phật, thì mất các sự khoái lạc của năm món dục, vui trong cõi nhân, thiên, và những Pháp Bảo! Vô lậu ba mươi bảy phẩm trợ đạo Niết Bàn v.v…Phải nhớ! Chớ phá giới của tam thế chư Phật, làm ô nhục cho Tam Bảo cha mẹ, Sư Tăng.

– Dạ! Lạy thầy con xin ghi nhớ!

Sa Di lễ tạ lui ra, mang bình đeo bát đến nhà kia, gõ cửa. Cô gái chạy ra hỏi:

– Ai gõ cửa đấy! Có việc gì?

– Thưa! Tôi là Sa Di lại lấy cơm về dâng thầy!

Cô ngó thấy Sa Di đến vui vẻ bụng bảo dạ rằng:

– Ta hằng mong ước được gặp, hôm nay thật là toại nguyện cho ta lắm!

Mở cửa chắp tay vái chào:

– Mô Phật! Mời Ngài vào nhà con!

Cô này xinh đẹp vô song, dong tư yểu điệu, năm ấy mới mười sáu tuổi, vì tình yêu nồng nhiệt phát động lòng dâm dục mạnh như lửa đốt! Cô làm ra vẻ õng ẹo, chớp mắt dương mi, lườm nguýt cười nói lộ tướng dâm dục.

Sa Di nói: – Cô này có chứng bệnh phong hay sao? Điên cuồn như vậy hay bệnh dương giản?

Cô đáp: – Em không có bệnh chi hết!

Sa Di thầm nghĩ: – Cô gái này ý muốn phá hủy giới đức thanh tịnh của ta đây, ta phải nhớ lời thầy dạy: Cẩn thận giữ oai nghi. Sa Di vốn vững lòng không thay đổi ý chí, cô này lễ dưới chân thưa rằng:

– Bạch ngài! Em luôn luôn ước nguyện được gặp để ngỏ bày tâm sự, nhưng chưa gặp lúc nào vắng vẻ em tưởng tượng Ngài có tâm thương em, nhà em giàu có vàng bạc đầy kho chẳng khác gì bảo tàng của nhà vua Tỳ Sa Môn Thiên Vương trên thượng giới, nhưng chưa có người làm chủ. Vậy Ngài hãy ném lòng làm chủ nhà em, em cùng Ngài loan phượng trăm năm, suốt đời em xin tôn kính hầu hạ, xin đừng từ chối để mãn nguyện lòng mông ước của em.

Sa Di thầm nghĩ: – Ta có tội gì gặp các duyên này? Ta thà chết ở đây chứ không chịu phá giới của tam thế chư Phật. Ngày xưa có vị Tỳ Khưu đến nhà dâm nữ, bị cưỡng bách hành dục, còn đâm đầu vào hố lửa chết, quyết không chịu phạm giới, các Tỷ Khưu bị cướp lấy cỏ trói, chịu gió gào, nắng hét, trùng cắn, vì giữ giới không dám dứt cỏ mà đi, con ngang nuốt chuỗi ngọc, Tỷ Khưu nhìn thấy, vì giữ giới bị đánh vỡ đầu mà không nói; thuyền bị ngụp vào biển, Hạ Tọa Tỷ Khưu dâng phao cho Thượng Tọa, còn mình chịu chết chìm nơi biền cả. Các tiền bối đã khinh thân hộ giới mình là kẻ nào mà không giữ giới? Riêng những người đó là đệ tử Phật hay sao? Là vì họ giữ được giới cấm, đức Thế Tôn là thầy của họ, không phải là thầy của ta hay sao? Hột hồ ma ép chung với hoa thiềm bặc thì hôi, ta đã gặp được bậc thiện trí thức dạy bảo ta, dắt dìu ta, học đạo vô vi giải thoát an lạc, còn tham chi tình ái, tạo nghiệp luân hồi sinh tử làm gì, thà chết thân nầy quyết không phá giới để ô nhục cho Tam Bảo, phụ mẫu Sư Tăng. Nếu ta ra về, sợ cô tránh sự hổ thẹn, với sự nồng nàn của lòng dâm dục của cô, lôi kéo ta, phỉ báng ta, thôn xóm họ biết thì không tránh được sự ô nhục! Ta sẽ quyên sinh tại đây!

Đáp rằng: – Cô hãy cho tôi vào phòng nghỉ, thư thả tôi sẽ thưa chuyện cùng cô.

– Vâng! Mời Ngài vào phòng khách!

Vào phòng, Sa Di đóng cửa chặt, cởi áo giắt lên giá hoan hỷ quỳ thẳng chắp tay hướng về thành Câu Thi Na, nơi Phật nhập Niết Bàn tự thệ nguyện:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Con không bỏ Phật, Pháp, Tăng, không bỏ Hòa Thượng A Xà Lê và không bỏ chánh giới của Như Lai, chính con vì hộ trì giới để xin bỏ thân này. Nguyện cho con sinh vào nơi nào cũng được hạnh phùng ngôi Tam Bảo, và được xuất gia học đạo, tu phạm hạnh thanh tịnh tẩy trừ cho hết lậu nghiệp, thành đạo vộ thượng Bồ Đề.

Khấn nguyện xong rút dao đâm cổ chết! Máu chảy linh láng thân thể đỏ ngầu.

Cô đứng ngoài chờ lâu quá, nóng ruột bước lên gõ cửa bước vào, nhìn thấy tình nhân Sa Di của mình chết nằm trên mặt đất, coi rất rùng rợn, cô thất sắc, lúc đó lòng dục nguội lạnh, tâm hồn tán loạn hoảng hốt, lấy tay cào lên đầu làm cho tóc rối như tơ, tỏa che khắp mặt, lăn khóc mê hồn, rồi ngất đi.

Khi cha mẹ cô trẩy hội về đứng ngoài cửa gọi con gái, gọi mãi không thấy trả lời, sai người trèo qua vào trong mở cổng, ông vào phòng thấy con gái như thế, sửng sốt hỏi:

– Ôi! Con sao thế con? Cha đi vắng ở nhà ai làm phạm đến tiết hạnh con đấy ư? Con nói cho cha hay.

Cô yên lặng không nói sao cả, và thầm nghĩ:

– Nếu mình nói thật cho cha nghe thì rất xấu hổ, nếu đổ lỗi cho bác Sa Di, thì vô tình mình đã vu oan cho người lương thiện, tội ấy đọa địa ngục chịu khổ vô cùng, thôi cứ nói rõ cho cha ta nghe là hơn.

– Thưa cha! Hôm nay Hòa Thượng sai bác Sa Di đến nhà ta lấy cơm, con quá yêu người đòi hỏi lòng yêu cho toại ý muốn, nên con quấy nhiễu người, và bắt theo ý muốn của con. Sư bác Sa Di quyết giữ giới thanh tịnh nên người vào phòng tự sát, con nghĩ thân con nhơ bẩn lại làm hạ thanh tịnh của người, tội ấy không phải nhỏ, con sợ quá, cũng không biết làm thế nào được nữa, xin cha xá tội.

Ông vẫn thản nhiên không kinh khủng gì, vì ông tự biết đó là do nghiệp báo sử nhiên, ông nói:

– Tất cả muôn pháp đều thuộc vô thường, con chớ có lo!

Ông bước vào phòng tới trước thi hài Sa Di, lễ bái khen rằng:

– Quý hóa thay! Khí cao như trời mây, tri kiến như sắt đá, bỏ mạng để họ giới của tam thế chư Phật, trên đời có một không hai.

Luật nước ấy, nếu tu sĩ nào chết ở nhà ai thì nhà ấy phải nộp cho chính phủ một ngàn quan tiền vàng. Theo lệ có một không hai.

Nhà vua hỏi:

– Khanh có lỗi gì?

– Tâu bệ hạ! Có một tu sĩ chết tại nhà hạ thần.

– Vì lý do gì?

Ông cứ thực trình bày như trên cho vua nghe.

Nhà vua nghe xong, cũng cảm phục tâm hồn cao thượng của Sa Di và nói:

– Sa Di bỏ mạng để họ giới, không có lỗi gì, khanh mang tiền về, ta sẽ đi cùng khanh.

Nhà vua lên xe đi đến nhà ông Ưu Bà Tắc, thấy Sa Di thân đỏ như cây gỗ chiên đàn, một lòng kính cẩn lễ sát đất, khen lao công đức. Nhà vua đưa một cỗ xe quý nhất rước ông Sa Di ra nơi bằng phẳng cao sạch, lấy các thứ gỗ để đứng trên đài cao cho các người dân xem coi, giữa lúc đó vua tuyên bố rằng:

– Người con gái này có thể đẹp nhất thời nay, trong hàng nữ lưu, nhưng con người còn chịu ách được dục vọng kìm hãm nơi tâm ai là không yêu quý mê say! Đây ông Sa Di vì chưa đắc đạo, đem thân sinh tử hộ giới bỏ mạng thực là hiếm có trên thế gian này!

Sau nhà vua mời Hòa Thượng lên đài thuyết pháp, xong cuộc thuyết pháp này có rất nhiều người phát tâm xuất gia trì giới, ai nấy đều cảm mến đức tin cao thượng của Sa Di, cúi đầu lễ Hòa Thượng mà lui.

 

 

 

Phẩm thứ hai mươi: NGƯỜI KHÔNG TAI, MẮT, MŨI, LƯỠI

KHI bấy giờ đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ tại tinh xá Kỳ Đà giảng thuyết chính pháp cho bốn chúng.

Nước ấy có ông Trưởng Giả nhah giàu sinh hạ năm cô con gái, không có con trai.

Giữa lúc vợ ông có mang thì ông chết.

Luật nước: – Nếu ai không có con trai, sau khi chết tài sản sẽ thuộc về Chánh phủ.

Sau khi ông Trưởng Giả nầy chết chính quyền địa phương lại tịch biên tài sản. Người con gái lớn của ông đến tâu vua:

– Tâu Bệ Hạ! Cha con mới chết, không có con trai, nhưng hiện nay mẹ con đương có mang, không rõ trai hay gái. Vậy xin bệ hạ khoan thứ cho một thời gian, để mẹ con ở cữ xong, nếu là con gái, khi đó chính phủ tịch thâu tài sản cũng không muộn, xin Bệ Hạ minh xét.

Vua Ba Tư Nặc, nghe lời cô tâu rất có lý, khen phải và nói:

– Con nói có lý, phải lắm, ta sẽ cho quan địa phương biết, không lo.

Cô bái tạ lui ra.

Chẳng bao lâu bà Trưởng Giả sinh được đứa con trai nhưng không có chân, tay, tai, mắt, có mồm, không lưỡi cũng như một cục thịt lại có nam căn (buồi) nên họ cho là con trai, đặt tên là Man Từ Tỳ Lê.

Khi bấy giờ cô gái lớn lên tâu vua và trình bày rõ cho ông nghe.

Vua nghe xong, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói rằng:

– Em con tuy thế nhưng cũng có thể là con trai, vậy tài sản này em con có quyền được hưởng hết, chính phủ sẽ không thâu biên nữa!

– Dạ! Đội ơn Bệ Hạ! Con xin cáo lui!

Tuy thế nhưng cô vẫn buồn, vì sao? Một đứa em chẳng ra giống người được hưởng cả một gia nghiệp, con gái thực là vô ích, luật chi mà luật lạ như vậy?

Cô giận thân gái đớn hèn, luật nước bất công, từ đó bỏ nhà đi hầu hạ các phu chủ nhà khác, một cách kính trọng từ tốn, khi nấu ăn, khi dâng nước, chẳng khác đứa ở gái nhà họ.

Gần đấy có ông Trưởng Giả thấy cô như vậy tới hỏi:

– Con ơi! Nhà con giàu có, đâu con phải đi hầu hạ người, đạo vợ chồng nhà ai, có lễ phép của nhà ấy, tại sao con làm thế?

– Thưa bác, cha con chết rồi! Của cải đầy kho tài sản rất nhiều, sinh hạ được năm chúng con là gái, gia nghiệp này phải nộp cho chính phủ, chúng con không có quyền an hưởng. May sao mẹ con mới sinh được đứa em trai, lại không có tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, nên nhà vua cho em con được làm chủ ăn hương của này, con gái thực là vô ích nên con buồn mà làm thế!

– Thôi con đừng buồn làm chi, muốn thoát thân con gái, đời sau được thân nam tử trượng phu, con đi cùng bác đến yết kiến Phật.

– Dạ! Bác cho con đi cùng.

Tới chốn Phật cúi đầu làm lễ xong, ông Trưởng Giả bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Man Từ Tỳ Lê có phước duyên gì, được sinh vào nhà giàu sang, và không biết có tội gì mà không có tai, mắt, mũi, lưỡi, cúi xin Ngài chỉ bảo cho chúng con được rõ.

Phật dạy: – Trưởng Giả muốn biết chuyện ấy, ta sẽ vì ông mà nói.

– Dạ! Con xin chú ý nghe!

– Trưởng Giả! Việc này về đời quá khứ, có hai anh em con ông Trưởng Giả, người anh tên là Đàn Nhã Thế Chất, người em tên là Thi La Thế Chất.

Người anh nết na trung chính thành thực và hay làm hạnh bố thí, cứu đỡ kẻ bần cùng cô lộ, bởi thế nên trong nước đều kính nể tôn trọng, sau nhà vua dùng ông làm chức Bình Sự để xử đoán những việc kiện tụng trong nước.

Luật pháp nước ấy thời đó, những người vay nợ không phải viết văn tự, nếu ai có việc gì chỉ đến quan Bình Sự chứng nhận cho là đủ.

Ông Thi La Thế Chất nhà giàu hay cho vay nợ lấy lãi, hôm đó có người lái buôn đến vay ông một số tiền lớn để đi buôn, ông đồng ý cho vay. Ngày giao tiền ra tòa Bình Sự, ông đem theo đứa con trai nhỏ của ông, vì ông chỉ có một mình nó.

Ông thưa rằng: – Thưa anh Bình Sự! Người lái buôn đây, vay em một số tiền ngần này, để ra biển buôn bán, anh chứng nhận cho, nếu tôi không may chết thì số tiền này trả về cho con tôi.

Bình Sự gật đầu nói: Được, không sao, chú cứ yên tâm cho vay, chỉ cốt sao họ đi buôn được tốt lành trở về là hơn!

Qua thời gian không lâu Thi La Thế Chất chết, người lái buôn ra bể không may gặp trận bão đánh đắm thuyền mất cả, nhưng anh ta bám được một khúc gỗ trôi giạt vào bờ, thoát chết về nước nhà!

Người con ông Thi La Thế Chất biềt tin ông lái buôn vay tiền của cha mình, ra biển bị đắm thuyền được thoát chết trở về, song biết rằng bị tổn hại mất cả, nên không đòi nợ.

Khi đó có một người lái buôn khác thương tình anh buôn bán thất bại, cho anh mượn một số tiền đi buôn chuyến nữa. Lần này đi gặp sự tốt lành trở về được lãi rất nhiều, chở đầy thuyền các quý vật ở hải ngoại về, nào là vàng bạc châu ngọc vân vân.

Chuyến này anh được phát tài, mời anh em họ hàng thân quen, ăn uống vui mừng trả các món nợ, nhưng món nợ của ông Thi La Thế Chất to quá anh thầm nghĩ rằng:

– Chuyến trước ta về, không thấy con ông ta đòi hỏi gì, một là lúc ta vay cậu còn bé quá không nhớ, hai là thấy ta buôn thua lỗ mà không hỏi, vậy ta hãy thử xem cậu ta còn nhớ hay không, thì biết.

Hôm đó anh ta mặc áo mới đẹp cỡi ngựa đi chợ, tới chợ gặp cậu con trai ông Thi La Thế Chất, cậu hỏi:

– Tát Bạt! Hồi này nghe biết anh buôn bán phát tài, hôm nay mang tiền trả số nợ của cha tôi ngày trước có phải không?

Anh giả đò, ngẩn ngơ ra một lúc, rồi đáp rằng:

– Thực thế ư? Tôi không rõ, cậu lầm đấy không phải đâu, hay là ai? Cậu về mở sổ coi?

Anh dùng mưu để quỵt số tiền nợ, về nhà lấy một viên bảo châu đến nhà ông Bình Sự nói với bà ấy rằng:

– Thưa bà! Tôi có vay của ông Thi La Thế Chất một số tiền nhỏ, bây giờ con ông ta đòi trả, đối với gia đình tôi không thể trả được, vậy tôi xin biếu bà viên ngọc này, trị giá mười vạn, nếu cậu ấy kiện tôi thì bà nói với quan lớn, bác đơn đi, để tôi không phải trả số nợ ấy!

Đáp: – Quan lớn nhà tôi trung trực lắm anh ạ, tôi không dám nói đâu!

Anh ta năn nỉ mãi thí dỗ bà một cách khéo léo, bà bùi tai nói: Thôi anh để đó về đi, mai lại đây tôi trả lời.

Đến tối quan lớn về, bà đem chuyện đó nói nhưng ông ta gạt phắt đi, rồi nói rằng:

– Bà chỉ lôi thôi! Điều thứ nhất nó là cháu tôi, và chẳng tôi là người trung chính thành thực nên nhà vua mới cử làm chức Bình Sự, không làm càn thế được đâu, mai nó lại đây bà cho lính đuổi nó ra.

Anh lái buôn buổi sáng mai đến.

Bà nói rằng: Không được đâu anh ạ! Tôi có nói nhưng quan không nghe, trả lại anh viên ngọc.

Anh lái buôn ngẫm nghĩ hồi lâu, đưa thêm hai viên ngọc nữa rồi nói:

– Thưa bà lớn! Cũng là một việc nhỏ, bà chỉ mất một lời nói, mà được ba mươi vạn đồng, cậu ấy là chấu của ông, dẫu có thắng kiện được số tiền thường của tôi bà cũng chẳng được gì vào tiền đó, xin bà hoan hỷ nhận cho viên ngọc này, thưa bà ngọc này đắt lắm và hiếm lắm, bà để cho các cậu, các cô sau này có hơn không?

Bà nghe êm tai và lòng tham của bà nổi lên, nhận liền và hứa rằng:

– Anh cứ yên tâm, tôi sẽ thu xếp bằng xong.

Đến tối quan lớn về, bà nói năn nỉ mãi, nhưng Ngài không nghe, ông gắt nói:

– Không có lý như vậy, tôi là một người có tin cho thiên hạ, nếu tôi làm điều gian dối ăn hối lộ, thì hiện đời này họ không tin tôi, hơn nữa đời sau tôi sẽ bị đau khổ nhiều kiếp.

Nói xong ông đứng lên vào phòng nghỉ.

Lúc đó bà mới sanh được một cậu con trai chưa biết đi.

Bà cũng giận bế con theo vào phòng nói rằng:

– Tôi với ông kết duyên với nhau hai thân như một, gặp việc gì dẫu chết cũng không bỏ nhau và cũng không làm trái ý nhau, huống đây là một việc nhỏ, tôi nói với ông hết lời mà ông không nghe, thì tôi còn sống làm chi nữa, nếu ông không giúp tôi việc này, tôi sẽ giết đứa con tôi trước, sau tôi tự sát thân tôi cho qua đời.

Bình Sự nghe vợ nói tắt cổ như người bị nghẹt, muốn nuốt vào không được, khạc ra thì vướng! Thầm nghĩ:

– Ta có một đứa con, nếu chết thì gia nghiệp này giao phó cho ai? Nếu theo ý muốn của đàn bà làm trái pháp luật, hiện đời này không ai tín dụng, đời sau sẽ bị khổ, khó tả xiết.

Một việc khó giải quyết cho ông quá! Không thể từ chối được, ông phải tắc lưỡi nhận lời, rồi đáp:

– Thôi bà cứ yên tâm.

Thấy ông đã vui lòng nhận lời, nên bà rất vui vẻ! Sớm mai anh lái buôn đến bà tươi cười nói:

– Việc đó quan đã nhận lời cho anh rồi đấy! Hôm qua tôi phải làm ráo riết quan mới nhận, chứ chẳng dễ đâu.

Lái buôn nghe bà nói nét mặt tươi hơn hớn!

– Dạ! Thưa bà lớn, quí hóa lắm muôn đội ơn bà! Dạ xin phép bà cháu về!

– Phải anh về, cứ an tâm đừng lo.

Ngày mai anh lái buôn sớm rửa mặt mặc áo mới đẹp đeo rất nhiều vàng ngọc trên mình cỡi voi đi chợ. Cậu con ông Thi La Thế Chất thấy anh ra cách lắm tiền, nhiều của thầm nghĩ rằng:

– Có lẽ anh lái buôn hôm nay đem tiền ra trả mình đây!

Nhưng không! Không thấy anh nói gì, có vẻ làm lơ, cậu tới nơi hỏi: – Tát Bạt! Món tiền cha tôi anh trả đi chứ?

– Tôi không nhớ vay lúc nào cả! Nếu vay tất phải có ai chứng kiến chứ?

– Anh quên rồi quan Bình Sự chứng kiến.

Nói xong hai người đua nhau đến quan Bình Sự.

– Thưa bác, anh này có vay của cha con một số tiền đi buôn, bác làm chứng, lúc ấy con cũng ở đó, thực thế xin bác xét.

Bình Sự nói: – Cháu quên đấy, việc này bác không biết, thôi cháu ạ, đừng kiện tụng lôi thôi nữa.

– Không! Thưa bác lúc đó bác bảo với cha con rằng: “Được không sao! Chú cứ an tâm cho họ vay!” Bác không lấy tay chỉ vào số tiền ấy là gì, nay bác lại bảo là không biết!

Bình Sự nói: – Bác là người xử đoán cho toàn quốc, có lẽ nào bác làm trái pháp, cháu chớ nói nhiều nữa.

– Thưa bác! Bác là người trung chính nên nhà vua cử bác làm Bình Sự, người trong nước tin dụng bác, tôi là cháu ruột của bác mà bác xử phi lý như vậy nữa là người ngoài, bác còn làm oan uổng đến đâu. Thôi! Cháu cũng không biết nói sao, hư thực đời sau sẽ biết.

Nói tới đây đức Phật nhắc lại cho ông Trưởng giả biết rằng:

Trưởng giả ông nên biết! Quan Bình Sự thuở đó nay chính là Man Từ Tỳ Lê, không tai, mắt, mũi, lưỡi, hỗn độn như vậy. Bởi một câu nói dối ngày đó phải đọa vào địa ngục lớn, chịu khổ không cùng, khi thoát khỏi địa ngục, trong năm trăm đời chịu thân hỗn độn như vậy do cũng hay làm việc bố thí nên sinh vào nhà phú quý sang trọng và được làm tài chủ. Sự báo ứng của thiện ác dẫu cho lâu bao nhiêu kiếp, cũng không xóa nhòa được. Vì thế các ông cũng nên chăm chỉ giữ gìn thân miệng ý cho cẩn thận, chớ tạo ác nghiệp.

Tất cả đại chúng nghe Phật nói xong, có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm vô thượng Bồ Đề, ai ai cũng vui mừng kính mến đức Phật làm lễ mà lui.

Phẩm thứ hai mươi mốt: HAI VỢ CHỒNG NGHÈO

Chính tôi được nghe Một thời Đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ, tại tinh xá Kỳ Hoàn giảng thuyết cho bốn chúng tu tập.

Thuở đó có ông Trưởng giả sinh được cô con gái, dong nghi tốt đẹp, vào bậc nhất nhì hạng nữ lưu trong nước, lạ thay! Cô này sinh ra đã có miếng lụa trắng bọc quanh người. Thấy thế cha mẹ cô cho là quái gở, mời thầy về coi, thầy nói:

– Ông bà không lo, cô gái của ông bà có phước đức lớn, và tôi xin đặt tên cho cô là Thúc Ly.

Thúc Ly lớn thì miếng lụa cũng lớn theo. Cô xinh đẹp lại con nhà sang trọng, nên trong nước nơi xa, nơi gần, đều đến cầu hôn, nhưng cô không ưng thuận một ai.

Hôm ấy cha cô gọi thợ gốm về nhà làm các đồ nữ trang, cô hỏi:

– Thưa cha! Cha làm những vật này để làm gì?

– Con đã lớn tuổi, cha làm cho những vật này để gả chồng cho con.

– Thưa cha! Vợ chồng chỉ có nhất thời, con xét vô ích, chỉ gây thêm cái đau khổ cho mình mà thôi, ý con muốn xuất gia tu đạo giải thoát là hơn.

Ông bà chỉ sinh được mình cô, nên tùy ý chứ không cưỡng ép.

Hôm sau ông đi mua lụa sạch điệp về may áo, cô hỏi:

– Thưa cha! Lụa này để may áo gì?

– Cha may áo Ngũ Điều cho con đi xuất gia!

– Thưa cha! Khỏi phải may nữa! Tấm áo con đương mặc đây đủ rồi, xin cha dẫn con đến nơi Phật ngự!

Hôm sau cả hai ông bà và cô cùng đi yết kiến Phật tới nơi cúi đầu làm lễ bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Thân người khó được, gặp Phật tại thế lại khó hơn, cúi xin Ngài từ bi tế độ cho con được xuất gia tu đạo!

Phật dạy: Thiện Lai Tỷ Khưu! Ngài nói dứt lời đầu cô rụng hết tóc, còn tấm lụa trên mình cô biến thành áo Cà Sa Ngũ Điều. Phật giao cô cho bà Đại A Đạo Tỷ Khưu Ni dạy bảo pháp tu, cô tu hành tinh tiến, chẳng bao lâu chứng quả A La Hán.

Tôi thấy thế cho làm lạ nên tôi (A Nan) quỳ xuống thưa rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Thúc Ly Tỷ Khưu Ni xưa tu công đức gì, nay được sinh vào nhà tôn quý, lại có mảnh lụa trắng sinh theo, xuất gia chưa được bao lâu đã chứng quả La Hán, cúi xin chỉ giáo cho chúng con được rõ.

Phật dạy rằng: – Này ông A Nan hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ nói cho ông hay!

– Dạ con xin chú ý nghe!

– A Nan! Đời quá khứ đã quá lâu xa, có đức Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi, thường ngày Ngài cùng các đệ tử đi tế độ nhân gian, đi đến đâu vua quan dân chúng cúng dàng rất đông, và đặt ra những kỳ đại hội để thỉnh Phật thuyết pháp.

Khi đó một thầy Tỷ Khưu có lòng quảng đại, muốn tiếp phúc cho nhân dân, nên ngài chăm đi khuyến hóa từng nhà, làm hạnh bố thí và nghe giảng thuyết chánh pháp của Như Lai.

Thuở đó có một thiếu phụ nhà rất nghèo khổ, hai vợ chồng chỉ có mảnh vải che thân, nếu chồng đi xin thì chồng mặc, vợ trần truồng ngồi trong đống cỏ khô, nếu vợ đi xin thì vợ mặc, chồng trần truồng ngồi trong đống cỏ khô.

Thầy Tỷ Khưu đi qua ngó thấy cô, Ngài nói rằng:

– Cô nên biết: Được sinh làm người là khó, gặp Phật tại thế lại khó hơn, hiện nay đức Phật đang thuyết pháp, cô đi đến nghe thuyết pháp được phước vô lượng, con người tham sẻn bị tội nghèo đói, chăm làm hạnh bốt thí được phước giàu sang.

– Dạ! Kính bạch Đại Đức, con rất sung sướng được nghe lời của Ngài giáo hóa, xin Ngài hãy đứng đây chờ con một chút!

Cô vào nhà bảo chồng rằng:

– Anh ơi! Ngoài ngõ có một vị Sa Môn khuyên chúng ta nên đến gặp Phật, để nghe Phật thuyết pháp, và khuyên ta nên làm việc bố thí, là vì đời trước không biết bố thí nên kiếp này bị nghèo cùng khổ não, bây giờ ta phải làm cách gì, để trồng cái nhân lành, ngõ hầu kiếp sau mới có phần an hưởng.

Đáp: – Nhà ta nghèo đói như thế này, được bữa hôm mất bữa mai, biết lấy gì mà bố thí.

– Anh ơi! Đời trước tham sẻn, lại không biết làm hạnh bố thí cho nên đời này, bị nghèo khốn, nếu kiếp này không làm nhân bố thí đời sau lấy phước gì để nương cậy? Bây giờ anh hãy nghe tôi, tôi quyết định bố thí.

Người chồng thầm nghĩ: “Hay là vợ ta có chút của riêng”, thì cứ đồng ý đi:

– Phải em cứ bố thí đi, việc đó anh rất vui lòng!

– Thưa anh! Em muốn đem mảnh vải của em đang khoác đây ra để cúng dàng, anh có ưng thuận không?

– Hai vợ chồng chúng ta chỉ có một mảnh vải này, che thân để hằng ngày đi xin nuôi nhau, bây giờ đem cúng dàng thì lấy gì che thân mà đi xin, ngồi nhìn nhau mà chết hay sao?

– Anh ơi! Con người ai cũng phải chết, không bố thí với bố thí, rồi cũng chết cả, thà bố thí mà chết, đời sau còn có phước lành, hưởng quả báo giàu sang, không làm hạnh cúng dàng bố thí sau rồi cũng chết, trái lại đời sau không có nhân lành trông cậy.

 

Người chồng nghe vợ nói phải, vui vẻ đáp:

– Em nói thế hay lắm! Bây giờ chúng ta giữ lấy phần chết, đem cúng dàng cầu phước lành cho đời sau!

Cô thấy chồng có lòng cương quyết và vui vẻ, nên ra thưa rằng:

– Kính bạch Đại Đức, xin Ngài trèo lên mái nhà, con có chút vật mọn dâng Ngài về cúng Phật.

– Muốn cúng thì dâng trước mặt ta, để ta chú nguyện cho, trèo lên mái nhà làm chi?

– Bạch Đại Đức, vợ chồng con chỉ có một mảnh vải này, trong nhà không có vật gì khác nữa, sợ lõa lồ thân thể đàn bà xấu ác, tội nghiệp, nói xong vào nhà đóng cửa, cởi mảnh vải vất qua cửa sổ cúng dàng.

Thầy Tỷ Khưu thấy vợ chồng nhiệt tâm như vậy, mặc dầu bẩn cũng cứ nhận làm phép chú nguyện mang về dâng Phật.

Vừa về tới Tinh Xá, Phật hỏi ngay:

– Tỷ Khưu mang mảnh vải ấy lại đây cho ta!

– Dạ! Kính lạy đức Thế Tôn, nhận lòng thành cúng dàng của vợ chồng nhà nghèo.

Phật liền đỡ lấy, và có vẻ thương!

Lúc đó có ông vua, hoàng hậu, cung phi, thể nữ, quan đại thần, dân chúng đương ngồi nghe Phật thuyết pháp, ai cũng có chút tâm lạ với Phật, vì Phật cầm cái mảnh vải đầy nhơ bẩn cáu ghét tanh hôi. Phật biết tâm của đa số người như thế, ngài nói:

– Ta xem trong đại hội này, phát tâm làm việc bốt thí lớn và thanh tịnh, thì không ai hơn được người này!

Nghe Phật nói, tất cả đại hội đều sợ, Bà Hoàng hậu vui vẻ cởi áo của mình và nữ trang, vua cũng lấy áo và tiền bạc, sai người mang đến cho hai vợ chồng Đàn Ly Già, và mời ngay đến chốn Phật nghe pháp.

Nhân thế đức Phật thuyết về phước báu bố thí và tội keo sẻn trộm cắp cho đại chúng nghe, khi đó có rất nhiều người phát tâm tu hạnh bố thí!

Tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông nên biết vợ Đàn Ly Già, thuở đó nay là Tỷ Khưu Ni Thúc Ly vì phát tâm thanh tịnh cúng dàng, nên trong chín mươi mốt kiếp, sinh nơi đâu cũng có tấm lụa sinh theo, lại được giàu sang sung sướng an vui. Cũng bởi nghe Phật thuyết pháp và có tâm cầu giải thoát, nên đời nay được gặp ta chứng quả A La Hán như thế đó, các ông cũng nên tinh tiến nghe pháp và bố thí, ngày sau sẽ kết quả trang nghiêm.

Phật thuyết xong, có rất nhiều người phát tâm cúng dàng, làm hạnh bố thí, ai nấy đều vui vẻ lễ kính mà lui.

 

Phẩm thứ hai mươi hai: BÀ LÃO BÁN NGHÈO

KHI bấy giơ T ôn Giả Ca Chiên Diên đi giáo hóa ở nước A Bàn Đề, gặp một bà lão đương ngồi khóc ở bên bờ sông! Ngài hỏi:

– Bà lão tại sao khóc?

– Bạch Tôn Giả! Con tuổi tác già yếu, vì túng thiếu nghèo khổ phải đi ở mướn cho nhà ông Trưởng giả; ông ấy cay nghiệt quá! Nhà giàu lòng tham sẻn bạo ác, không có từ tâm. Sớm hôm bắt con hầu hạ, ngoài ra còn làm các việc, ít khi được nghỉ ngơi, hoặc có lầm lỗi gì, thì bị đánh đập, áo không đủ che thân, cơm không đủ no miệng, chết cũng không được, sống thì khổ, vì thế nên con khóc!

Ngài nói: Nghèo sao bà không bán nó đi?

– Bạch Tôn Giả nghèo làm sao bán? Và ai là người mua?

– Nghèo có thể bán được lắm! Muốn bán để ta bán hộ!

– Bạch Tôn Giả! Bán bằng cách nào, xin Ngài nói cho con được biết?

– Muốn bán phải nghe lời ta dạy.

– Dạ! Con xin tuân mạng!

– Trước khi bán bà phải đi tắm rửa cho sạch sẽ.

Khi tắm xong Ngài dạy:

– Người thế gian khi có phước được hưởng giàu sang, chỉ buông lung tâm tính say mê dục lạc, đã không bố thí, lại còn sinh lòng gian lận hiếp đáp người lấy của, keo sẻn tham lam nên bị quả báo nghèo đói đau khổ về thể xác lẫn tinh thần. Bà muốn được an vui sung sướng trên cõi nhân thiên, phải thành kính thụ trì Tam Quy Ngũ giới, mỗi tháng sáu ngày thụ phép Bát Quan Trai, ngoài ra chăm niệm Phật, trồng các công đức lành; làm hạnh bố thí đời được hưởng phúc an lành!

– Bạch Tôn Giả, con nghèo cùng lắm, thân con hoàn toàn không có một chút gì. Còn cái bình này là của chủ con, không biết lấy gì bố thí được?

– Bà đem cái bát lấy ít nước lại đây dâng ta. Ta sẽ chú nguyện cho.

Bà lão vui mừng! Thành kính cầm bát ra sông múc nước dâng Ngài.

Chú nguyện xong Ngài hỏi rằng:

– Bà có chỗ nằm ngồi gì không?

– Bạch Tôn Giả! Không có! Nếu lúc nào xay lúa giã gạo xong con nằm ngay bên cối ngủ, mùa xuân, mùa thu, làm lụng xong, cũng ngủ ở đó, ngoài ra không xay lúa, thì ra đồng phân trâu trữ để bón lúa, nằm ngủ tại bên.

Tôn Giả nói: – Bà giữ tâm cho khéo, làm lụng hầu hạ phải cung kính cẩn thận, chớ sinh lòng hiềm thù, oán giận, chờ chủ nhà đi ngủ xong, mở cổng ra ngoài, lấy nắm cỏ khô trải một bên, cung kính chắp tay quan sát hình tướng Phật, chớ có ác niệm.

Theo lời Tôn Giả dạy, cũng làm đúng như thế, đến quá nửa đêm bà lão chết, thần hồn được sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Sớm mai ông Trưởng giả thấy mụ già chết nằm ngoài ngõ, giận nói:

– Con mụ này đã chết tại đây tối qua rồi, lũ bay lôi nó ra rừng cho ta!

Tụi gia nhân Trưởng giả, lấy dây buộc vào chân lôi mụ ra rừng lạnh vất bỏ, không chôn cất chi hết.

Khi đó trên cung trời Đao Lợi có ông Thiên Tử mệnh chung, họ hàng có năm trăm người, thần hồn bà lão được thay thế.

Phép sinh thiên, những người lợi căn thông minh có thể nhớ được nhân do đời trước của mình tại nhân duyên gì được sinh: Còn kẻ độn căn ngu tối thì quên hết, ham hưởng dục lạc cõi thiên, chứ không biết nguyên uy lúc tiền sinh. Bà lão này cũng thế quên hết, chỉ mãi vui dục lạc với năm trăm thiên tử. Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất cũng ở cõi trời Đao Lợi biết thế hỏi:

– Ngươi nhân phước gì được sinh lên đây?

– Bạch Tôn Giả con không nhớ, xin Tôn Giả chỉ giáo cho!

Ngài bèn cho mượn phép đạo nhãn, xem biết tiền thân của mình, là mụ già ở của ông Trưởng giả, do nhờ Ngài Ca Chiên Diên dạy phép niệm Phật và lực của Ngài mà được thác sinh lên đây.

Cảm ơn Ngài Xá Lợi Phất, rồi đưa năm trăm thiên tử xuống nhân gian, nơi rừng lạnh đốt hương cúng dàng tử thi bà lão. Những thiên tử thân có hào quang chiếu sáng khắp rừng và nơi thôn dã ấy. Ông Trưởng giả thấy biến tướng như thế, không biết tại sao, gọi tất cả mọi người xa gần đến xem, đến tận nơi, thấy các ông thiên tử đương cúng dàng tử thi mụ già của nhà mình. Thưa rằng:

– Thưa quý ông! Mụ già này là người ở nhà tôi, bẩn lắm. Lúc sinh thời là kẻ ác kiến, nay đã chết, tại sao quý Ngài lại cúng dàng?

Ông thiên tử ấy, liền nói nguyên nhân cho mọi người nghe.

Nói xong ai nấy đều sợ hãi! Một lòng thành kính làm lễ thi hài cho mụ già xong, rũ nhau đên yết kiến Tôn Giả Ca Chiên Diên.

Mọi người tới nơi làm lễ xong lui ngồi về một bên. Ngài thuyết pháp nói về luận “bố thí”, luật “trì giới”, luận “sinh thiên” tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ là nhân của tâm ác đạo: Nó tạm thời khoái lạc! Lại bị lâu kiếp đau khổ: Ly dục là một pháp an vui, bất diệt.

Năm trăm thiên nữ nghe xong được xa lìa trần cấu; đắc “pháp nhân tịnh”, cúi đầu bái tạ bay về thiên cung.

Nhân gian những người được nghe Tôn Giả nói, ai nấy đều phát tâm ly dục, làm hạnh bố thí, cầu đạo giải thoát bái tạ lui ra.

 

 

 

 

Phẩm thứ hai mươi ba: KIM THIÊN

Chính tôi được nghe Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà giảng thuyết chánh pháp cho bốn chúng tu tập.

Tại thành này có ông Trưởng giả nhà giàu sinh được cậu con trai mình sắc vàng, phúc đức đầy đủ.

Cũng lạ thay: Khi sinh cậu tự nhiên nứt ra một cái giếng ngay giữa vường, ngang dọc mỗi bề tám thước, sâu tám thước, giếng nước ngọt thơm, uống vào mát mẻ khoái lạc, và cũng thấy no đủ, nếu không ăn cơm cũng được sức mạnh như thường, dưới lòng giếng lại có nhiều vàng bạc. Ông Trưởng giả lấy phân cấp cho mọi người, nhân thế ai muốn gì cũng được, là vì ai cũng được ông ban phát vàng bạc cho họ tiêu xài.

Đặt tên cậu là Tu Việt Na Xà Đề (Tàu dịch là Kim Thiên). Sau khi cậu lớn tài nghệ tinh thông, nhân từ đạo hạnh, vì thế nên ông bà yêu quý không bao giờ làm trái ý. Sau ông nhờ những người lái buông tìm một cô gái có đức hạnh sánh duyên cùng cậu.

Thuở đó ở nước Diêm Ba có cô con gái ông Trưởng giả tên là Bạt Na Ba Bà Tô (Tàu dịch là Kim Quang Minh). Cô này dong tư yểu điệu, thân thể vàng chói. Khi sinh cô ra điềm lành cũng biến hiện, như sinh cậu Kim Thiên không khác.

Ông thân phụ cô nghĩ như vầy:

– Con ta phúc đức xinh đẹp, ít người sánh kịp, phải tìm gả cho một người hiền sĩ, tướng mạo anh tuấn trượng phu, chứ không thể gả cho kẻ tầm thường được.

Danh đức cô này đồn khắp nước Xá Vệ, trái lại tiếng khen của cậu Kim Thiên cũng làm cho nhà cô nghe biết.

Nên chi hai ông Trưởng giả rất hoan hỷ, vì thân thế đôi bên cũng là một nhà thế phiệt, anh đức không kém nhau. Hai ông đồng ý gả con cho nhau, từ đó trai tài gái sắc kết duyên về nước Xá Vệ, chung hưởng cuộc đời vui thú.

Ông thân phụ của Kim Thiên muốn cho vợ chồng Kim Thiên thấm nhuần giáo lý đạo Phật, một hôm mời Phật về nhà cúng trai. Khi Phật và chư Tăng dùng cơm xong, Ngài thăng tòa thuyết pháp nói về “Bát Khổ” tức là: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, cầu chẳng được khổ, oán ghét ở với nhau là khổ, năm ấm nồng nhiệt khổ, và nói về tám giải thoát an lạc.

Vợ chồng Kim Thiên nghe xong như người tỉnh giấc mơ, như kẻ khát được uống nước cam lộ, tâm trí mở mang, hiểu thấu đời là vô thường, ngay giờ phút đó ông bà Trưởng giả và vợ chồng cậu, phá tan được những ác kiến trong hai mươi ức kiếp, đắc quả Tu Đà Hoàn.

Đức Thế Tôn sau khi trở về Tịnh Xá, vợ chồng Kim Thiên đều xin đi xuất gia, vì đã hiểu đạo nên ông bà chấp thuận không ngăn cản.

Hai người đến cúi đầu lễ Phật bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Được Pháp Bảo vô thượng của Như Lai tuyên diễn, chúng con nhận thấy đời là vô thường, ảo mộng, đạo an lạc vô vi phải cầu, nên chúng con thành kính xin Ngài từ bi tế độ cho xuất gia tu đạo.

Phật dạy: – Thiện lai Tỷ Khưu.

Ngài nói dứt lời, tóc của hai người đều rụng hết, áo mặc tại mình biến thành áo Cà Sa.

Kim Thiên được ở chung với Tỷ Khưu Tăng, còn Kim Quang Minh Phật giao cho bà Đại Ái Đạo giáo hóa.

Tu học không bao lâu, hai người đều đắc quả A La Hán “Tam Minh”, “Lục Thông”, “Tám Giải Thoát” công đức rất viên mãn.

Thấy thế tôi hỏi Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn, chẳng hay vợ chồng Kim Thiên trước tu công đức gì, mới sinh ra đã nhiều trân bảo, thân thể có sắc vàng, tu hành chưa được bao lâu đã đắc quả giải thoát, cúi xin nói cho chúng con được rõ?

Phật dạy: – A Nan! Ông nên biết: Cách đây chín mươi mốt kiếp, hồi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi, sau khi Ngài nhập Niết Bàn, các Thầy Tỷ Khưu đi giáo hóa nhân gian, đến thôn xóm kia dân chúng tranh nhau cúng dàng. Lúc đó có hai vợ chồng nhà nghèo tự niệm rằng:

– Lúc sinh thời cha mẹ ta giàu có, tiền của đầy kho, nay ta bị nghèo cùng cơ khổ! Nằm ngồi trên chiếc chiếu manh, áo không đủ che thân, nhà không một đấu gạo. Khi nhà giàu sang, lắm tiền nhiều của, thì không được gặp các vị Thánh Tăng, rồi òa lên khóc, nước mắt rơi xuống cánh tay vợ hỏi:

– Tại sao anh khóc?

– Em không biết hay sao? Các vị Thánh Tăng tới đây, nhân dân tranh nhau cúng dàng, nhà ta nghèo không có gì để trồng thiện duyên với các Vị đời nay bần cùng, rồi sau lại khốn khó, thế nên anh khóc!

– Thôi anh khóc làm gì! Anh vào kho tìm xem có được đồng nào thì đem cúng dàng.

Anh đứng lên vào kho tìm mãi, may sao được một đồng tiền vàng, mừng quá mua một cái bình mới đựng nước trong sạch rồi bỏ đồng tiền vàng ấy vào trong, cô vợ mua một cái gương sáng, chung đem cúng dàng, Tới nơi Tinh Xá dâng lên chư Tăng.

Chư Tăng nhận và làm phép chú nguyện, vợ chồng vui vẻ ra về.

Qua được ít năm, hai vợ chồng đều chết cả, do nhân duyên ấy được sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Hai vợ chồng nghèo thuở đó, nay chính là vợ chồng Kim Thiên bởi kiếp trước thành kính cúng tiền vàng, gương nước, nên đời đời được phước báo thân thể tươi đẹp, sắc vàng. Từ đó đến nay đã chín mươi mốt kiếp đều được hưởng quả báo tốt lành như nay. Thuở ấy vì phát tâm cầu đạo vô thượng nên đời nay gặp ta được thoát sinh tử, đắc đạo Niết Bàn. A Nan! Phúc đức phải nên tu, như kẻ nghèo kia cúng dàng một chút mà phước báo lớn lao như vậy.

Bấy giờ tôi và đại chúng nghe Phật nói xong, ai nấy đều ham làm việc cúng dàng bố thí, vui mừng lễ tạ lui ra.

Phẩm thứ hai mươi bốn: TRÙNG TÍN

Chính tôi được nghe Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.

Thuở đó có ông Trưởng giả, nhà giàu lại không có con trai, ông bà thường hay đi cầu đạo ở các miếu thần, vì lòng thành kính khẩn nguyền, nên bà sinh được cậu con trai quý.

Một hôm ông bà ẵm cậu đến bờ sông, để thưởng thức các thú vui ngày đầu năm của gia tộc: Ăn các mùi ngon, uống các rượu tốt, ca hát, nhảy múa xem các trò vui.

Ông vừa bế cậu vừa nhảy múa, múa xong lại trao cho bà. Muốn cho cậu bé tươi cười vui vẻ, nên bà cứ tung cậu lên lại đỡ lấy, vừa cười, vừa đi trên mé sông, vì bỡn với cậu con quý của bà, nên tâm hồn tán loạn không cẩn thận, sảy tay đánh rơi cậu bé xuống sông kêu chỏm, bà hô la khản tiếng, có nhiều người nhảy xuống mò nhưng ôi thôi! Sông sâu nước chảy mạnh tuyệt vô tăm tích! Ông bà Trưởng giả ngất đi hồi lâu mới tỉnh.

Cuối dòng sông này có một thôn nhỏ, thôn ấy có một nhà giàu cũng không có con. Hết sức cầu Trời khẩn đất, đền nọ, miếu kia, vẫn vô hiệu quả.

Hôm ấy ông sai người ở trại thả lưới tại cuối con sông này, bắt được con cá lớn đem về mổ ra, thấy một đứa bé trai bị con cá nuốt mà vẫn còn sống; anh bế nó ra tắm rửa sạch sẽ rồi đưa cho ông chủ. Ông chủ xem xong vui vẻ nói:

– Nhà ta từ trước đến nay chí thành cầu đảo, hôm nay thực là trời cho ta đứa con này, ông trao cho bà ẵm nuôi bú mớm cẩn thận.

Ông Trưởng giả mấc con hay tin có người mách bảo, cuối dòng sông này có người bắt được con cá lớn mổ ra được đứa con trai vẫn còn sống.

Ông bà rủ nhau đến xem, quả nhiên là con của ông thật.

Ông thưa rằng:

– Thưa ông! Đây chính là con tôi, bữa trước bà cháu giỡn chơi với nó không may đánh rơi xuống sông, phúc đức quá! Ông bà lại cứu được cháu. Vậy xin ông bà cho tôi chuộc lại, bao nhiêu chúng tôi cũng xin trả?

– Đáp: Thưa ông, nhà tôi thành kính cầu đảo thần kỳ đã lâu, được sự báo ứng cho tôi đứa con này, tôi để nuôi chứ không thể bán được!

– Thưa ông bà, chúng tôi thương con đứt ruột, giờ đây được thấy cháu như người sống lại, ông bà hoan hỷ, nếu ông bà có lấy nửa gia tài tôi cũng xin vâng!

– Thôi ông đừng nói nữa làm chi có chuyện lạ như vậy. Con ông rơi xuống sông là mất rồi, nếu bị cá nuốt thì chết rồi, còn sống sao được, đây là cái thai của con cá, đâu phải người đẻ.

Hai ông tranh luận mãi không giải quyết được, đưa nhau lên vua xử đoán.

Ông mất con tâu rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Bữa trước vợ tôi ẵm nó đi chơi xẩy tay rơi xuống sông, xin Bệ Hạ minh xét.

Ông được con nói:

– Tâu Bệ Hạ! Người ở nhà tôi đánh lưới được con cá, đem về thấy đứa bé nầy ở trong bụng, chứ không phải anh ấy sinh nó ra.

Nhà vua nói: – Bây giờ có một đứa bé hai nhà cùng nhận. Trẫm không biết cho ai là phải. Vậy hãy nghe ta giải quyết, đứa bé này ta cho hai nhà nuôi chung, sau nó sẽ là con của hai nhà, mỗi nhà cưới cho nó một con vợ, vợ nhà ai sinh thì thuộc con nhà ấy.

Hai ông đều thưa:

– Dạ! Muôn Tâu Bệ Hạ, chúng con xin tuân mạng.

Cứ thế, hai ông về nuôi chung, năm qua tháng lại không bao lâu đã lớn, mỗi nhà đều cưới cho một cô vợ, đôi bên cha mẹ giàu một mình cậu tận hưởng.

Nhân có việc cậu đi sang xứ khác, cũng là đại nhân duyên, khi xong việc ra về gặp Phật đi du hóa nhân gian, cậu nhìn thấy Phật oai đức lớn lao, quang minh sáng sủa, đầy vẻ tôn nghiêm và thấy các người dân theo Phật tu học rất nhiều, cậu tới trước lễ Phật rồi lui ngồi về một bên nghe Phật thuyết pháp như cây kia bị nắng héo khô hạn, gặp trận mưa tưới mát, cành lá xanh tươi, cậu được nghe Phật thuyết pháp cũng thế, nghe xong lễ tạ lui ra.

Về nhà cậu rất sung sướng, với một ý niệm xuất gia sắt đá đã phát khởi tự đáy lòng, mặc dầu cho đôi bên cha mẹ lắm bạc nhiều tiền, vinh hoa phú quý, cậu coi nó như mây bay, như bọt nước, thưa với cha mẹ đôi bên rằng:

– Kính thưa song thân, lúc con mới sinh, đã mắc nạn rơi xuống sông bị cá nuốt mạng thoát chết, con nhìn lại đời không có gì vững chắc, dù cho lắm bạc nhiều tiền, quyền cao chức trọng, vợ đẹp hầu sinh, không ai tránh khỏi hai chữ vô thường, chỉ có xuất gia cầu đạo giải thoát là vui thú nhất. Vậy kính xin cho con xuất gia tu học!

Ông bà trưởng giả nghe cậu nói có lý cao siêu, nên vui lòng cho tùy ý cậu.

Sau khi được sự đồng ý của đôi bên cha mẹ, cậu lên đường đi đến chốn Phật cúi đầu làm lễ bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn, thân người khó được, đời là ảo mộng con thành thực trút bỏ nơi tục lụy, tới đây cầu Thế Tôn cho con được nhập đạo tu hanh, xin từ bi tế độ!

Phật nói: – Thiện Lai Tỷ Khưu!

Ngài nói dứt lời tóc trên đầu cậu tự nhiên rụng hết, áo mặc trên mình biến thành áo Cà Sa. Phật đặt pháp hiệu cho là “Trùng Tín”.

Chăm chỉ tu hành không lâu đã đắc quả A La Hán.

Thấy thế tôi hỏi Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Không hay Trùng Tín quá khứ kiếp làm hạnh gì, trồng nhân lành gì, rơi vào mồm cá không chết, hơn nữa lại được hưởng hai gia nghiệp giàu có, cúi xin Ngài chỉ giáo cho chúng con được rõ nguyên nhân?

Phật dạy rằng: A Nan! Ông nên biết, đời quá khứ đã quá lâu có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi, một hôm Ngài đương thuyết pháp cho đại chúng, khi đó có một ông Trưởng giả đến dự thính. Buổi ấy Phật nói về phúc Bố thí, phúc Trì giới, ông vui mừng phát khởi lòng tin mạnh mẽ, xin Phật thụ Tam quy và thụ giới bất sát, thụ xong đem một đồng tiền dâng Phật. Bởi thế cho nên đời đời được phúc báo vô biên, trên cõi nhân gian, ít người bì kịp. A Nan! Ông Trưởng giả thuở đó nay chính là Trùng Tín Tỷ Khưu. Từ đó tới nay Trùng Tín đã được hưởng phú quý trong chín mươi mốt kiếp, nay được hưởng thụ gia nghiệp của đôi nhà. Do Trùng Tín giữ giới bất sát được hoàn toàn, nên cá nuốt không chết, và cũng thụ Tam quy nên nay mới được gặp ta, tắm gội pháp hóa của ta và đắc quả A La Hán, giải thoát sinh tử ba cõi.

Khi đó tôi và tất cả mọi người nghe Phật nói xong, ai nấy đều sung sướng phát tâm tu đạo, cúi đầu lễ tạ lui ra.

 

 

 

 

Phẩm thứ hai mươi lăm: TÁN ĐÀN NINH

Chính tôi được nghe Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỷ Khưu ơ đó.

Khi bấy giờ có năm trăm người ăn mày, bằng ngày cứ theo Phật và chư Tăng xin ăn, ngoài ra không xin ai hết, đã lâu năm vẫn không thôi. Khi đó tự bảo nhau rằng:

– Lũ ta sống nhờ dưới bóng Phật và chư Tăng, đã lâu ngày, xét rằng: Cứ như thế này mãi cũng vô ích, ngày qua tháng lại, không lại hoàn không, một mai quỷ Vô Thường tới bắt, chúng ta nhờ thế lực gì cứu thoát, chi bằng chúng ta xin Phật xuất gia tu đạo, cầu giải thoát là tối diệu.

Bàn xong họ đến lễ Phật bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn, chúng con bạc phúc sinh nơi hạ tiện, mong ơn cao cả hàng ngày được sống dưới bóng Từ Quang, hôm nay bọn chúng con tất cả năm trăm người một lòng thành kính cầu xin xuất gia tu đạo, cúi mong từ bi tế độ! Sợ rằng chúng con là kẻ ăn xin, vào chúng tu hành làm nhơ tiếng của ngôi Pháp Vương, việc đó có được xin Ngài chỉ giáo?

Phật dạy! Pháp của ta thanh tịnh, không phân biệt giàu, nghèo, sang , hèn, cũng ví như nước trong sạch, đem rửa những đồ nhơ bẩn thì các vật quý vật hèn, của tốt của xấu, trai hay gái đều trong sạch cả. Pháp của ta ví như lửa cháy, tất cả núi, sông, đá, đất, hoặc trên trời dưới biển muôn vật bất luận lớn nhỏ, nếu đốt đều cháy tiêu tan. Pháp của ta cũng như hư không, con trai, con gái, giàu nghèo, sang hèn, ai cũng có thể vào được.

Nghe Phật nói xong, tất cả bọn đều vui mừng! Cúi đầu lạy sát đất đồng thành xin nhập đạo tu hành.

Phật nói: – Thiện Lai Tỷ Khưu!

Tất cả năm trăm người đều rụng hết tóc, áo Cà Sa thấy mặc tại mình, biến thành những Vị Sa Môn tu hành không bao lâu đã dứt hết lậu nghiệp, thành ngôi A La Hán.

Khi đó trong nước các nhà hào trưởng và nhân dân hay tin Phật cho những người ăn mày xuất gia nhập đạo, họ rất không bằng lòng và nói:

– Những kẻ ăn mày hèn hạ, Phật cũng cho họ xuất gia đứng vào hàng Tăng chúng. Chúng ta có tác phúc mời Phật và chư Tăng, quyết không cúng dàng bọn họ, và cũng không thể cho họ ngồi giường chiếu của nhà mình được.

Thái Tử Kỳ Đà biết thế, sửa soạn cơm chay chu đáo, sai người đi mời Phật, dặn rằng:

– Anh đi mời Phật và chư Tăng, chứ không mời bọn ăn mày.

Người đó đến lễ Phật và bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Thái Tử Kỳ Đà ngày mai xin mời Thế Tôn và chư Tăng đến vương cung thụ trai, cho Hoàng gia được ân triêm công đức, song Thái Tử có dặn con, không mời những ông ăn mày, xin Ngài từ bi hỷ xả cho?

Phật mỉm cười nhận lời!

Sáng mai lúc sắp đi phó trai, Phật bảo năm trăm Khất Sĩ rằng:

– Hôm nay ta và các Thánh Tăng đi phó trai tại nhà Thái Tử Kỳ Đà, các ngươi đi sang xứ Uất Đan Việt ở bắc phương, lấy thứ lúa tám cánh, mang về nhà Thái Tử, nơi ta phó trai, rồi cứ theo thứ tự mà ngồi!

– Dạ lạy Đức Thế Tôn, chúng con xin thụ giáo.

Khi Phật đi khỏi các vị La Hán dùng thần túc bay đi lấy lúa, trở về như đàn chim nhạn trên hư không, tới vương cung từ từ hạ xuống, oai nghi đĩnh đạc, bước vào thứ tự ngồi nghiêm chỉnh.

Thái Tử thấy các vị này có thần túc tướng mạo oai nghiêm, phúc đức đầy đử, khen thầm trong bụng! Tự nghĩ: Hôm nay nhà ta có phước lắm! Mừng lắm!

Tới trước Phật quỳ thẳng chắp tay bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Các vị Hiền Thánh Đại Đức từ đâu lại, cúi xin Ngài chỉ giáo?

– Phật nói: Kỳ Đà! Chắc ông không biết! Các vị Tỷ Khưu này trước đây là người ăn mày, mới theo ta tu học đã chứng thánh quả, bữa qua Thái Tử không mời, hôm nay sang xứ Uất Đan Việc lấy lúa tám cánh về ăn đấy!

– Thế Tôn công đức vô lượng vô biên khó tả xiết, những người ăn xin đứng vào hàng hèn hạ nhất còn được đặc ân cao quý, đời hiện tại an lạc, lai sinh nhàn cư đạo Vô Vi. Lòng đại bi vô cùng cực không bỏ sót một chúng sinh nào.

Bạch rằng: Kính lạy đức Thế Tôn! Các vị Tỷ Khưu quá khứ trồng nhân lành gì? Tu công đức gì? Nay được gặp Thế Tôn! Và không rõ tại tội gì sinh nơi nghèo khổ phải đi ăn mày, kính xin Ngài chỉ giáo cho!

Phật dạy: Kỳ Đà ông nên biết: Đời quá khứ không biết lượng nào kiếp số, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một nước lớn tên là Lợi Ba La Nại, nước ấy có một quả núi rất lớn tên là Sự Bạt Ta (Tàu dịch là Tiên Sơn). Trước những thời cổ xưa, có các thứ Đức Phật tu trong núi này, thời nào không có Phật lại có các vị Bích Chi Phật, hoặc có các vị Tiên Sĩ, chứ không bao giờ vắng các vị Hiền Thánh.

Thời đó, núi này có hai ngàn vị Bích Chi Phật, gặp lúc hỏa tinh xuất hiện kéo dài mười năm, đồng ruộng khô khan, không cày cấy gì được, nhân dân bị đói khát đau khổ. Lúc ấy có ông Trưởng giả tên là Tán Đàn Ninh, nhà giàu thóc gạo nhiều, ông thường cung cấp cho các đạo sĩ. Hôm ấy có một ngàn vị Bích Chi Phật đến nói với ông rằng:

– Thưa Trưởng giả! Chúng tôi ở trong núi, gặp lúc hạn, nhân dân đói thiếu, đi xin không được, Trưởng Giả có thể cung cấp cho chúng tôi ở tại đây tu hành được không? Bằng không chúng tôi sẽ đi nơi khác!

Đáp: – Kính xin quý vị ngồi chơi để chúng tôi trả lời sau!

Ông gọi người coi kho hỏi:

– Thủ kho! Gạo còn nhiều không? Có thể cúng dàng được một ngàn tu sĩ ở tại đây được không?

– Dạ! Thưa Trưởng giả! Số thóc gạo còn rất nhiều, có thể cúng dàng được.

Ông ra đáp lời rằng:

– Dạ! Thưa quý vị, chúng tôi xin thành tâm cúng dàng, quý vị hoan hỷ và xin ở luôn tại nhà tôi cho tiện.

Hôm sau lại có một ngàn vị nữa đến thưa với ông rằng:

– Thưa Trưởng giả! Chúng tôi có một ngàn vị tu tại núi này, Ngài có thể cúng dàng được, thì quý hóa lắm, bằng không phải đi nơi khác.

– Dạ! Xin quý Ngài ngồi chơi!

Trưởng giả gọi thủ kho hỏi:

– Anh xem có thể cúng dàng được một ngàn vị nữa không?

– Dạ! Thưa Trưởng giả đủ.

Ông ra đáp lời quý vị rằng:

– Dạ! Thưa quý Ngài chúng tôi xin thành tâm chúng dàng!

Ông cúng dàng hai ngàn vị Bích Chi Phật, thuê năm trăm người hàng ngày để thổi cơm gánh nước giặt giũ quần áo, hầu hạ các vị đầy đủ, và một người coi đúng giờ đi mời các vị ăn cơm.

Bọn năm trăm người thấy sự hầu hạ mỏi mệt, phát giận nói với nhau rằng:

– Chúng ta chịu sự cực khổ buổi sớm ban hôm không được lúc nào nhàn rỗi cũng chỉ vì bọn ăn mày này.

Người mời này nuôi một con chó, mỗi khi đi mời cũng cho nó đi theo, một hôm mải chơi quên không đi mời, con chó có linh giác, biết rằng chủ quên mời nó tự đi đến chỗ các vị Bích Chi, cắn lớn mấy tiếng. Các vị hiểu nó đến mời, chú nguyện cho nó thoát khỏi thân súc sinh, sớm được gặp gỡ ngôi Tam Bảo.

Hôm đó thụ trai ngọ xong, các vị nói với ông Trưởng giả rằng:

– Thưa Trưởng giả, trời sắp mưa ông nên cấy lúa là được.

– Dạ! Các Ngài dạy bảo chúng tôi xin thọ giáo.

Ông sai canh điền bắt trâu cày ruộng, quả nhiên trời mưa, trồng các thứ lúa đều được tốt tươi. Nhưng lạ thay, những cây lúa ấy sinh ra những quả bầu, ông Trưởng giả cho làm lạ, đến hỏi các vị, các vị nói rằng:

– Trưởng giả không lo! Cứ tưới bón vun sới cho nó, một mai nó sẽ kết thành thóc gạo.

Sau ngày bầu chín, người ta mang về bổ xem, quả nhiên thấy lúa ở trong đầy ăm ắp.

Ông Trưởng giả vui mừng, nhân dân cho là điềm lạ! Vụ lúa này ông Trưởng giả được rất nhiều thóc, chứa đầy kho đụn, còn thừa phân cấp cho nhân dân, từ đó mỗi người được no nê sung sướng, mưa thuận gió hòa, được mùa lúa tốt.

Khi đó bọn năm trăm người nói với nhau rằng:

Năm nay được mùa lúa tốt no nê sung sướng là do nơi các vị Đại Sĩ. Trước đây chúng ta nói xấu các vị, phải đối trước quý Ngài tạ lỗi, kẻo lại sinh chịu quả báo đau khổ.

Mọi người ai nấy đều sợ nghiệp báo, nên cùng nhau đến trước các vị Bích Chi Phật, thụp lạy thiết tha sám hối.

– Các vị thấy họ đã phát thiện tâm, cũng vui lòng! Hỷ xả cứu tế.

Họ thấy các vị đã hoan hỷ rồi, mọi người đồng thanh phát nguyện rằng:

– Nguyện cho chúng con được thoát ba đường ác, lại sinh tri ngộ Hiền Thánh đắc quả giải thoát!

Tới đây Phật nhắc lại rằng:

Thái tử ông nên biết: Năm trăm người nói xấu các vị Bích Chi Phật thuở đó nay là năm trăm vị ăn mày, vì một lời nói ác nên trong năm trăm đời, phải đi ăn mày, cũng do có lòng sám hối phát nguyện, ông Trưởng giả Tán Đàn Ninh, chính là tiền thân của ta, người coi kho này là ông Tu Đạt, người đi mời hằng ngày, nay là vua Ưu Điền, con chó lúc ấy vì cắn mấy tiếng, nên đời đời được âm thanh tốt, nay là ông Mỹ Âm Trưởng giả.

Thái Tử Kỳ Đà và tất cả trong Hoàng cung dân chúng nghe Phật nói xong, ai nấy đều cảm mến lòng từ bi thương đời của Ngài một cách bình đẳng tuyệt đối, nên nhiều người phát khởi lòng hướng theo tâm cao cả, tiêu trừ tâm ngã mạn kiêu căng.

Lúc đó có người đắc sơ quả cho đến tứ quả. Tất cả đều tạ lễ lui ra.

 

 

 

Phẩm thứ hai mươi sáu: BỐ THÍ ĐẦU

Chính tôi được nghe Một thời đức Phật ở một nước Tỳ Xá Ly, trong vườn cây A La.

Khi đó đức Thế Tôn hỏi tôi (A Nan) rằng:

– Những người được phép tứ thần túc thì thọ được một kiếp, như ta được tứ thần túc còn phải tu tập. Vậy có biết Như Lai thọ được bao nhiêu không? Ngài hỏi luôn ba lần như thế.

Lúc đó tôi bị ma yếm chăng? Nên cứ lặng yên không trả lời. Phật lại bảo:

– A Nan! Ông hãy đi đến chỗ tĩnh mịch mà suy xét.

Tôi vâng lời đứng dậy đi vào trong rừng.

Vừa đi khỏi, thì ma Ba Tuần đến bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài ở đời giáo hóa đã lâu, tế độ nhân gian được thoát sinh tử, nhiều như số cát sông Hằng, nay tuổi đã già yếu, Ngài nên vào Niết Bàn đi!

Phật lấy chút đất để trên móng tay hỏi Ba Tuần rằng:

– Đất trên móng tay ta nhiều hay đất quả địa cầu nhiều?

– Kính lạy Ngài, đất quả địa cầu nhiều.

Ta độ chúng sinh cũng ít như đất trên móng tay vậy, còn những chúng sinh chưa được độ cũng nhiều như đất quả địa cầu, cách ba tháng nữa, ta sẽ vào Niết Bàn.

Ba Tuần nghe Phật nói xong vui mừng bái tạ lui ra!

Tôi ngồi trong rừng, chợt ngủ mê thấy một cây to lớn che khắp cả hư không, cành lá um tùm hoa quả tốt tươi, cống đức của cây này vi diệu vô cùng, không thể tả xiết. Bỗng nhiên có một trận cuồng phong làm cho cành lá tan nát tơi bời! Tôi lo sợ quá! Giật mình tỉnh dậy lồng ngực hãy còn đập liền hồi, tôi thầm nghĩ như vầy: Ta mộng thấy cây này là một cây mà tất cả thiên hạ đuợc nhờ, tự nhiên lại bị trận gió làm tan nát như thế, Đức Thế Tôn của ta tế độ cho khắp nhân Thiên, Phàm Thánh, muôn loài hàm sinh đều lợi ích. Cũng như cây này che chở cho khắp thiên hạ, mộng này có lẽ đức Thế Tôn vào Niết Bàn, tôi đứng lên vào Tinh Xá cúi đầu làm lễ bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Vừa đây con mộng thấy, một cây to lớn che chở cho muôn loài bỗng gặp cơn gió lớn, đập gẩy tan tành, con dự đoán hay Thế Tôn sắp vào Niết Bàn, lạy Ngày có phải, cúi xin chỉ giáo?

Phật dạy rằng: – Thực thế đấy! Sau ba tháng nữa ta vào Niết Bàn, cũng như lời ta vừa nói đây, những người được phép tứ thần túc thì thọ một kiếp, như ta được tứ thần túc còn phải tu tập. Vậy Như Lai thọ được bao nhiêu ư? Ta hỏi luôn ba lần như thế mà ngươi không đáp, ngươi đi khỏi ma Ba Tuần lại mời ta vào Niết Bàn và ta đã hứa.

Tôi nghe xong như sét đánh bên tai, lo sợ quá! Buồn khổ quá! Giờ đây Ngài vào Niết Bàn, chúng sinh biết nương tựa vào đâu?

Sau đó các đệ tử ai ai cũng âu sầu buồn bã, xúm xít thăm hỏi Ngài.

Phật dạy rằng: – Tất cả thế gian đều bị luật vô thường chuyển biến luôn luôn, nay còn mai mất, không có nhất định, từ loài người, loài vật cho đến núi sông vũ trụ bao la, không có một vật gì được tồn tại mãi mãi đâu. Ta vì chúng sinh trong pháp giới, việc nên làm ta đã làm xong, những việc phải nói, ta đã nói hết, các ông nên chăm chỉ tu hành, lo buồn làm chi vô ích.

Ngài Xá Lợi Phất than rằng:

– Than ôi! Con mắt sáng của thế gian đến ngày diệt, đức Như Lai vào Niết Bàn, chúng sinh hết chỗ trông nhờ!

Ông nói xong quỳ bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn, con không nỡ nào nhìn thấy Ngài nhập Niết Bàn, con xin nhập Niết Bàn trước, cúi xin Ngài hoan hỷ cho con được thỏa nguyện.

Ông thưa luôn ba lần như vậy.

– Phật nói: Nếu tới thời ông nên biết các Hiền Thánh cũng nên tịch diệt.

Nghe Phật nói xong, ông quỳ thẳng đi bằng hai gối, nhiễu Phật một trăm vòng, rồi đỡ lấy chân Phật để lên đầu ba lần, bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Hôm nay là lần cuối cùng con từ biệt Ngài! Nói rồi cúi đầu khoanh tay nghiêm kính đi ra, Ngài trở về nước La Duyệt Kỳ là nơi sinh quán, ông Sa Di Quân Đề đưa tin cho vua quan và các nhà thân tín hay, để họ đến thăm viếng.

Vua A Xà Thế biết tin Ngài vào Niết Bàn, tự nói rằng:

– Tôn giả Xá Lợi Phất là một vị đại tướng trong Phật Pháp, than ôi! Ngài nhập Niết Bàn chi sớm thế? Biết lấy ai để trấn tĩnh lũ tà gian.

Khi vua quan dân chúng đến đông đủ, họ thưa rằng:

– Kính lạy đức Tôn Giả! Được tin Ngài sắp vào Niết Bàn, chúng tôi đây như con mất cha, như gà mất mẹ, không chốn nương thân, không bề trông cậy.

Ngài đáp rằng: Các Phật tử chớ buồn chi! Tất cả muôn vật trên thế gian này đều thuộc hai chữ “Vô Thường”, đã có sinh tất nhiên phải có tử, ba cõi đều khổ, ai là người được an vui, các vị đời trước trồng nhân lành sinh gặp Phật tại thế, kinh pháp khó được nghe, thân người khó được, phải chăm tu phúc nghiệp, để cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi là cốt yếu.

Cứ như thế, Ngài tùy theo tâm chúng sinh mà giảng giải rất khéo léo, cũng như thầy thuốc tùy theo bệnh mà cắt thuốc, để khiến cho họ được phần lợi ích.

Khi giảng xong, cũng có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng, ai nấy tâm ý an hòa tạ lễ lui ra.

Khi giảng xong, cũng có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng, ai nấy tâm ý an hòa tạ lễ lui ra.

Giờ này đã quá nửa đêm, Ngài nghiêm tĩnh tâm ý để tại trước mặt, vào cõi sơ thiền, từ sơ thiền vào cõi nhị thiền, từ cõi nhị thiền vào cõi tam thiền, từ cõi tam thiền vào cõi tứ thiền, từ cõi tứ thiền vào cõi không xứ, từ cõi không xứ vào cõi thức xứ, từ cõi thức xứ vào cõi bất dụng xứ, từ cõi bất dụng xứ vào cõi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, lại từ cõi phi hữu tưởng phi vô tưởng vào định diệt tận, từ định diệt tận nhập Niết Bàn.

Ông Thiên Đế Thích biết thế, đem họ hàng một trăm ngàn người mang hương hoa xuống cúng dàng rồi than rằng:

– Tôn giả trí tuệ rộng sâu, như trời cao, như biển lớn, biện luận ứng cơ, mau hư chớp loáng, âm thanh như nước chảy, giới, định, tuệ hoàn toàn, là một đại tướng trong Phật Pháp, thay đức Như Lai chuyển Pháp luân. Ôi! Ngài nhập Niết Bàn, mất con mắt sáng cõi nhân thiên.

Từ thành thị cho đến thôn quê, người đông như kiến cỏ, mang hương hoa đến cúng dàng, ai nấy đều sa nước mắt.

Ông Thiên Đế Thích và ông Tỳ Thủ Yết Ma đem xe cõi trời xuống rước: Ngài đi trước, đi sau có bộ Thiên, bộ Long, quỷ thần, vua quan, dân dung, đến một nơi bình thản cao sạch. Vua Đế Thích sai các quỷ Dạ Xoa ra bờ biển lấy gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu về chất thành một đống, đổ dầu Tô phóng hỏa thiêu thi hài Tôn Giả.

Đốt xong mọi người bái tạ ra về. Chờ cho lửa tắt, ông Sa Di Quân Đề thu Xá Lợi của thầy và tấm áo Cà Sa đem về chốn Phật, bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Thầy con là Xá Lợi Phất đã nhập Niết Bàn, đây là Xá Lợi và áo bát, xin Thế Tôn chứng minh.

Thấy ông Quân Đề bạch xong cảm động quá! Tôi quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ông Xá Lợi Phất với Phật Pháp là một đại tướng, vào Niết Bàn sớm quá, sau khi Ngài nhập diệt chúng con biết nương cậy vào đâu?

Phật dạy rằng: Tuy ông Xá Lợi Phất nhập Niết Bàn, song pháp thân và giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của ông đâu có nhập Niết Bàn, vì ông không nỡ nhìn thấy ta nhập Niết Bàn, nên ông nhập trước ta đấy thôi. Chẳng những đời nay như thế, đời quá khứ, ông cũng không đành lòng nhìn ta chết, ông còn tự chết trước ta.

– Kính lạy đức Thế Tôn! Đời quá khứ Tôn giả Xá Lợ Phất chết trước Ngài, việc đó thế nào, cúi xin nói cho chúng con và chúng sinh đời sau được rõ.

– A Nan ông nên biết! Đời quá khứ đã lâu lắm, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Chiên Đà Bà La Tỳ (Tàu dịch là Nguyệt Quang) thống lãnh tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám muôn ức tụ lạc, ông có hai muôn phu nhân và thể nữ, bà thứ nhứt tên là Tu Ma Đàn (Tàu dịch là Hoa Thị), một vạn quan đại thần, ông quan lớn nhất tên là Ma Chiên Đà (Tàu dịch là Đại Nguyệt), năm trăm Thái tử, người thứ nhất tên là Thi La Bạt Đà (Tàu dịch là Hiền Thọ).

Thành ấy ngang dọc bốn trăm do tuần, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, bốn mặt có bốn trăm hai mươi cửa, đường sá thành phố trang nghiêm. Trong nước ấy có bốn hàng cây bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, cành vàng lá bạc, hoặc pha lê lá lưu ly. Những hồ ao bằng bốn thứ trân bảo, cát dưới lòng ao bằng bốn thứ bảo nói trên. Trong cung nhà vua chu vi bốn mươi dặm, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê. Thời đó nước giàu dân mạnh, an vui sung sướng!

Một hôm vua ngồi trên bảo điện thốt nhiên nghĩ như vầy: Người ta ở trên đời tôn vinh hay phú quý, thiên hạ kính nể muốn gì được nấy cũng do quả báo tích đức tu thiện đời trước đem lại. Cũng ví như kẻ nôn phu, mùa Xuân mất công cày bừa gieo mạ cấy lúa, tới mùa Hạ, mùa Thu gặt hái được thóc gạo đem về ăn uống. Nếu mùa Xuân họ không mất công cày cấy, dĩ nhiên mùa Hạ, mùa Thu không gặt hái thu hoạch được.

Ta cũng thế, đời trước tu phúc lành, đời nay hưởng quả tốt, nếu bây giờ ta không tiếp tục tu theo, đời sau lấy gì an hưởng?

Nghĩ rồi bảo các quan đem tiền của ở trong kho ra bố thí, và sắc lệnh cho tám vạn bốn ngàn ông vua, cũng phải mở kho bố thí cho dân.

Khi đó các ông vua phải tuân theo mệnh lệnh, thông cáo cho toàn cõi biết.

Ngày phát chẩn nhân dân kéo nhau đến Kinh thành đông như kiến cỏ, kẻ mạnh cõng người yếu, kẻ sáng dắt người mù, ai nấy đều được nhà vua phân cấp tiền gạo, áo quần đầy đủ, từ đó muôn dân được an vui sung sướng. Danh đức lừng lẫy, tiếng khen đồn khắp bốn phương.

Thuở đó có một ông vua nước nhỏ ở bên cạnh, tên là Tỳ Ma Tư Na, thấy nhân dân ca tụng và cảm phục vua Nguyệt Quang, đem lòng ghen ghét, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ông thầm nghĩ như vầy:

– Nếu ta không dùng mưu tiêu diệt được Nguyệt Quang, có lẽ danh tiếng của ta không bao giờ hiển đạt! Nghĩ xong ông triệu tập các thầy Bà La Môn trong nước đến, cúng dàng ba tháng rất trịnh trọng, xong ba tháng ông nói với các vị rằng:

– Thưa quý giáo sĩ! Tôi có một việc đáng lo! Đến nỗi ngày quên ăn, đêm mất ngủ, quý Ngài có phương tiện gì giải quyết hộ?

Thầy Bà La Môn hỏi:

– Tâu Bệ Hạ! Có việc chi xin nói cho chúng tôi rõ, nếu giúp được chúng tôi xin hết sức.

– Thưa quý Ngài! Hiện nay vua Nguyệt Quang muôn phương mến phục, phúc đức lớn lao! Dĩ nhiên có sự lo lớn cho tôi sau này! Quý Ngài có thần phép gì tiêu diệt ông đó hộ?

– Tâu Bệ Hạ! Vua Nguyệt Quang là người có đức lớn, thương dân như con, dân coi vua như cha mẹ, chúng tôi nỡ đem tâm gì để mưu hại, thà chịu chết chứ không nỡ hại người hiền.

Nói xong mấy ông đều xin cáo thoái.

Vua Tỳ Ma Tư Na rất bực mình, liền hạ chiếu cho toàn quốc biết:

– Nếu ai lấy được đầu vua Nguyệt Quang tôi sẽ gả con gái, và phân nước cho một nửa để cai trị!

Khi đó có một người dòng Bà La Môn tên là Lao Độ Sai, ở núi Hiếp, đến xin đi lấy đầu vua Nguyệt Quang, nhà vua vui vẻ nói:

– Nếu khanh làm được việc này, ta sẽ giữ lời hứa và định đến hôm nào đi, xin cho biết.

Lao Độ Sai nói: – Xin khất Bệ Hạ bảy ngày nữa.

Nói xong từ tạ ra về, về nhà nhập thất bảy ngày, trì chú hộ thân.

Qua bảy ngày, đến cung vua, nhà vua cung cấp lương thực tiền lộ phí, khi bước ra đi cương quyết nói:

– Xin Bệ Hạ chớ lo! Tôi thề rằng: Nếu không lấy được đầu vua Nguyệt Quang, quyết không về, cam đoan thế nào cũng lấy cho bằng được!

Khi đó trong nước vua Nguyệt Quang có những điềm bất tường xuất hiện:

1. – Động đất.

2. – Chớp giật, tinh rơi, sấm động.

3. – Ban ngày sương khói kéo mờ mịt.

4. – Sao chổi mọc.

5. – Mưa đá, sét đánh tứ tung.

6. – Các loài chim kêu rất thảm thiết ở hư không, và nó tự nhổ lông cánh rơi đầy mặt đất.

7. – Hổ, Báo, Sài, Lang, tự đâm mình xuống hố, hoặc kêu gào thảm khốc.

8. – Tám vạn bốn ngàn ông vua nước nhỏ đều mộng thấy cành phướn vàng của nhà vua, bị gẫy, trống vàng vị thủng.

9. – Ông vua Đại Nguyệt mơ thấy quỷ lại cướp mũ vàng của vua mang đi.

Thấy điềm bất tường biến hiện, bá quan văn võ đều lo.

Khi đó ông thần coi thành biết Lao Độ Sai đến xin đầu vua. Ông hóa phép làm cho mơ màng không biết lối vào, cứ đi lẩn quẩn bên ngoài thành.

Ông trời Tịnh Cư thấy thế báo động cho nhà vua hay rằng:

– Bệ Hạ làm hạnh bố thí, hiện có người đến xin, đương ở bên ngoài thành mà không được vào.

Nhà vua thức dậy ngạc nhiên rồi gọi ông Đại Nguyệt vào:

– Ông ra ngoài cổng thành, cấm không được ai ngăn giữ người nào vào xin.

Đại Nguyệt ra cổng thành, nhìn ngơ ngác không thấy ai là người ngăn cấm cả. Khi đó ông thần coi thành hiện lên nói rằng:

– Thưa Đại Thần! Hiện có một người dòng Bà La Môn, ở nước khác đến xin đầu vua, vì thế nên tôi không cho vào.

– Nếu quả như vậy, là một tai hại lớn, xong vua đã ra lệnh chúng ta không được trái ý.

Theo lời ông Đại Nguyệt nói, nên ông thần tha cho Lao Độ Sai.

Đại Nguyệt thầm nghĩ rằng:

– Nếu kẻ này xin đầu vua, thì ta dự lấy năm trăm đầu bằng thất bảo, về đặt thợ làm.

Lao Độ Sai như người tỉnh giấc mơ, bước vào cung vua lớn tiếng nói:

– Tôi ở nơi xa nghe biết nhà vua làm hạnh bốt thí, ai muốn xin gì cũng cho, tôi tới đây xin một việc rất khó.

Nhà vua thấy người có vẻ ngỗ nghịch, ăn nói thô lỗ biết rằng kẻ này thử thách ta mừng thầm! Tự đứng dậy ra đón chào, và hỏi thăm từ đâu tới, và đi đường có đỡ mỏi mệt không, rồi hỏi:

– Ngài muốn dùng gì xin cứ nói, dầu khó khăn đến đâu, nếu có thể tôi xin biếu Ngài!

Lao Độ Sai nói: Ngài bố thí tiền, của, thức ăn, cho đến mọi vật, tuy có phúc báu nhưng chưa lớn bằng phúc bố thí vật trong thân mình. Vậy tôi chỉ xin cái đầu của nhà vua, có thể được xin cho biết?

Nhà vua nói: – Dạ! Xin vui lòng biếu Ngài một cách thành thực.

– Ngài cho tôi bây giờ, hay ngày nào?

– Dạ! Xin khất Đại Đức bảy ngày nữa.

Vừa lúc đó ông Đại Nguyệt đem năm trăm cái đầu thất bảo đến, đấm tay vào ngực nói với Lao Độ Sai rằng:

– Đầu vua bằng xương thịt, huyết máu hợp thành, hôi thối và là vật bất tịnh nhơ bẩn, bác xin làm chi? Bác lấy đầu thất bảo này mang về có thể sung sướng suốt đời.

– Thưa Ngài đầu thất bảo tôi cũng không thiếu, chỉ thiếu đầu vua mới đến đây.

Thấy Lao Độ Sai ương ngạnh quá, nói không vào, ông dịu giọng năn nỉ thì dỗ rất ngọt ngào. Song Lao Độ Sai quyết định không nghe.

Ông phẫn uất quá, quả tim nổ thành bảy miếng, chết liền trước mặt nhà vua.

Khi đó nhà vua và triều thần văn võ thương ông quá! Mọi người đều sa nước mắt! Và thu xếp làm lễ an táng cho ông.

Xong việc an táng cho ông Đại Nguyệt, nhà vua sai các quan cỡi voi đi tám ngàn dặm báo cáo cho trong nước biết rằng:

– Quốc dân nên biết, vua Nguyệt Quang thực hành bố thí, trước đây phân cấp cho nhân dân các món ăn dùng, bây giờ có tên Lao Độ Sai ở nước khác đến xin đầu, Ngài quyết định bố thí cho thành đại nguyện, vậy để quốc dân được rõ.

Được tin như vậy, ai cũng buồn, tám vạn bốn ngàn vua nước nhỏ, khi tới đủ đều tâu với vua rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Tất cả Châu Diêm Phù Đề nhờ đức độ của Ngài được mưa hòa gió thuận, thái bình thịnh trị, cây cỏ xinh tươi, mùa màng lúa tốt, no nê sung sướng, thóc gạo ngon thơm, muôn dân an lạc. Tại sao Ngài vì một người mà không thường tất cả muôn phương?

Một vạn quan Đại thần đồng thanh nói:

– Xin Bệ Hạ miễn bỏ việc bố thí đầu, chưa từng thấy có sự quái lạ như vậy! Bây giờ Ngài nghe một kẻ khốn nạn, dở hơi để lũ chúng tôi buồn bực!

Hai muôn bà phu nhân và năm trăm Thái Tử, gieo mình xuống đất khóc lóc! Xin vua miễn bỏ việc bố thí đầu, nhưng nhà vua vẫn khoan hòa nét mặt an ủi nói:

– Xin các vương hầu khanh tướng, hãy bình tĩnh nghe tôi nói, con người vì kết buộc tình ân ái từ kiếp vô thủy, nên chịu ách sinh tử lâu dài, chưa thấy ai đã thực hành bỏ được, nhất là yêu tiếc bản thân. Xét rằng từ vô biên kiếp đến nay, sống chết đã bao đời không tả xiết, lúc ở trong địa ngục, một ngày bỏ thân vô số, chết trong nước sông phân, nằm sắt, ôm cột đồng, ngâm mình trong nước phân sôi, khi ngồi trên xe lửa, khi nằm dưới hố than. Còn nhiều địa ngục không kể, bị đau khổ vô cùng không nói hết, thì những thân ấy đã bỏ đi nhiều vô hạn lượng lại không có phúc báu gì.

Khi làm loài súc sinh bị loại người chém giết, thịt nát xương tan, thì những thân ấy toàn là vô phúc đọa lạc.

Khi làm loài quỷ đói, lửa trong mình phát ra, hoặc vòng dao lửa bay tới chém thân chặt đầu, chết đi sống lại vô số, những thân ấy đều không có phúc báu, nên bị đọa đày.

Khi ở nhân gian vì lòng tham giận tàn sát lẫn nhau, cũng do tài sắc kết buộc, những thân ấy bị chết rất nhiều, hoàn toàn không làm được một chút chi cho bản giác.

Hiện tại thân tôi đây toàn thị nhơ bẩn, rồi một ngày kia cũng bị tiêu không, tôi bỏ cái đầu nhơ uế xấu xa này, để đổi lấy pháp thân thường, lạc, ngã, tịnh, an vui vô cùng kiếp! Hơn nữa tôi còn có thể đem lợi ích cho toàn thể đời vị lại, phải nhìn xa, phải trông rộng, không cục hạn mặt cái thân hèn mọn bé nhỏ này, có lợi ích lớn như thế, can tôi làm chi. Tôi bố thí cái đầu này để cầu thành Phật, sau khi thành tôi sẽ độ thoát cho lũ các ông qua khỏi nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết, được an vui giải thoát đời đời, ngăn cản đạo tâm vô thượng của tôi làm chi?

Tất cả mọi người nghe nhà vua giảng thuyết vừa xong ai nấy đều phải nín thinh, không dám trả lời sao hết.

Nhà vua thấy quần chúng đã an tâm, ngoảnh bảo Lao Độ Sai rằng:

– Bây giờ ta cho nhà ngươi được tự do lấy đầu.

Lao Độ Sai đáp: – Tâu Bệ Hạ, hiện tôi có một mình, lực yếu thế cô, chung quanh vua quan dân chúng nhiều, nếu nhà vua có cho, xin ra hậu viên, nơi vắng, chỉ riêng một mình tôi với nhà vua mà thôi, thì mới dám chặt đầu.

Nhà vua tuyên bốt với đại chúng rằng:

– Tất cả các ông có yêu tôi! Kính tôi, xin chớ làm hại Lao Độ Sai.

Nói xong cùng Lao Độ Sai ra hậu viên.

Lao Độ Sai nói:

– Sức vua hùng tráng khỏa mạnh, cắt đầu đau đớn, lúc đó lại hối tiếc thì sao? Vậy nhà vua hãy lấy dây buộc cổ treo lên cành cây để tôi cắt cho dễ.

Nhà vua ngồi dưới gốc cây to lớn, lấy tóc buộc và thân cây nói rằng:

– Ông cắt đầu xong để lên trên bàn tay tôi, tôi dâng biếu ông.

Chắp tay kính cẩn nguyện rằng:

– Kính lạy thập phương tam thế Hùng Sư, nguyện công đức này không cầu làm Phạm Vương, Ma Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Thánh Vương để vui sướng ở ba cõi, con xin cầu thành Phật, độ chúng sinh, đưa dắt muôn loài đến cõi Niết Bàn an lạc.

Lao Độ Sai vừa giơ dao lên chém, trên cây có ông Thụ Thần, chỉ ngón tay vào đầu làm cho Lao Độ Sai rời rụng chân tay vất dao xuống đất, mê mệt ngã quay lơ.

Nhà vua ngửa mặt bảo Thụ Thần rằng:

– Thụ Thần ông nên biết, từ đời quá khứ tới nay, dưới gốc cây này, tôi đã bố thí chín trăm chín mươi chín cái đầu, hôm nay bố thí cái nữa, là đủ ngàn. Đối với nguyện bố thí của tôi đã sắp được hoàn toàn, ông đừng làm rắc rối nữa, cản trở đạo tâm bố thí của tôi làm chi!

Ông Thụ Thần nghe vua nói xong, liền buông thả Lao Độ Sai được bình phục như cũ.

Thoát ách ông Thụ Thần làm ám ảnh, Lao Độ Sai đứng dậy múa dao chém ngang cổ vua một nhát rất mạnh, đầu rơi vào tay, nhà vua kính cẩn dâng lên biếu Lao Độ Sai.

Ngay giờ phút này, trời đất đều chấn động, các cung điện trên thiên cung nghiêng ngã, các ông thiên tử không biết điềm tướng gì, ngó cõi nhân gian, thấy một vị Bồ Tát vì chúng sinh bố thí đầu, đều bay xuống xem, cảm động quá! Rơi lệ như mưa, lại khen rằng:

– Bồ Tát, Ngài làm hạnh xuất tục siêu phàm, chưa từng ai dám cả gan làm hạnh bố thí được như Ngài, vô cùng tận chúng sinh đều phải thán phục, sự thực hành vô ngã tướng này.

Vua Tỳ Ma Tư Na sau khi hay tin Lao Độ Sai đã lấy được đầu trở về nước vui mừng quá! Vì sức vui lên cực độ nổ tim chết.

Lao Độ Sai xách đầu ra về, vua quan dân chúng, phu nhân Thái tử nhìn thấy đều lăn đùng ra đất, gảo khóc! Có người cảm thương quá thổ quyết chết! Có người đứng ngay đơ không biết gì, các bà dứt tóc ra từng mảnh, người xé quần xé áo, người cào mặt be bét, máu chảy đầm địa, lăn lộn trên mặt đất!

Lao Độ Sai đem đầu đi được mấy hôm, thấy hôi thối ghê tởm, vất xuống đạp lên trên mà đi, nhân dân thấy, họ la mắng dữ dội. Anh là kẻ bất lương, ác độc, không dùng xin làm chi, đi tới đâu họ cũng nguyền rủa chửi mắng, họ lại ngăn cấm không được ai cho ăn, nên anh chịu nhịn đói, nửa đường gặp người quen, anh hỏi thăm vua Tỳ Ma Tư Na họ đáp rằng: “Nhà vua mừng quá nổ tim chết”.

Lao Độ Sai buồn quá, vỡ tim chết liền. Hai người đều phải vào địa ngục A Tỳ Nê Lộ, còn những người vì thương vua mà chết, nên được sinh thiên.

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông nên biết vua Nguyệt Quang thuở đó chính là tiền thân của ta, vua Tỳ Ma Tư Na nay là Ma Ba Tuần, Lao Độ Sai nay là ông Điều Đạt, ông Thụ Thần nay là ông Mục Kiền Liên, ông quan Đại Nguyệt nay là ông Xá Lợi Phất. Thời bấy giờ ông không nỡ thấy ta chết, mà ông tự chết trước, cho đến ngày nay ông cũng không nỡ nhìn thấy ta vào Niết Bàn mà ông nhập trước đấy thôi.

Tôi cùng tất cả đại chúng nghe Ngài nói xong, vừa thương Phật vừa cảm tấm lòng nhiệt thành của ông Xá Lợi Phất, có thủy chung với Phật, đồng thanh tán thán công đức rất nhiều, ai nấy đều phát tâm hiếu kính, nên có người đắc sơ quả, đến tứ quả, có người phát tâm vô thượng, tạ lễ mà lui.