NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN CHO CÁC PHẬT TỬ MỚI QUY Y TAM BẢO (1970)
Khi đức Phật mới thành đạo, Ngài dạy:
” Cửa vô sanh đã rộng mở
Ai có tai hãy nghe và
Dứt bỏ tà kiến mê lầm của mình ”
LỜI NÓI ĐẦU
Chúng ta đương bị mê lầm thống khổ nên chúng ta tìm đến đấng Từ bi Giác ngộ để nương tựa, hầu dứt trừ đau khổ, hưởng sự an vui. Đức Phật dạy ai chí thành quy y Phật, Pháp, Tăng sẽ khỏi đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các nơi tà kiến hung ác.
Phàm mỗi khi làm lễ quy y, người Phật tử đều được Bổn sư truyền cho phép Tam quy, Ngũ giới và những điều căn bản khác.
Nhưng làm sao trong một lần mà người nghe có thể thu nhận và nhớ kỹ tất cả những điều mà bổn sư đã nói. Nó cần được nghe, được nói, hoặc đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể không quên.
Vả lại trong đời sống thường nhật, phần đông các Phật tử phải lăn lộn nhiều, vất vả lắm trên địa hạt sinh nhai, không rảnh thời giờ để học hỏi hết những điều mình cần phải học, phải làm cho đúng với tư cách một tín đồ đạo Phật.
Nên ở đây chúng tôi soạn ra tập tài liệu này gọi là Những điều căn bản cho các Phật tử mới quy y Tam Bảo để giúp có một sự hiểu biết căn bản khả dĩ hướng dẫn bước tu tiến, không đi sai với mục đích của Đạo.
Chúng tôi mong tập tài liệu này được phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp Phật tử tại gia. Vậy yêu cầu quý vị cho truyền bá đến tận nơi các Phật tử chưa có để họ được học và thực hành.
Đó là điều lợi ích chung mà chúng tôi hằng mong muốn.
Nguyện sanh cực lạc cảnh phương Tây
Chín phẩm liên hoa là cha mẹ
Hoa nở thấy Phật, chứng vô sanh
Bồ tát bất thối làm bạn lữ.
I. SƠ LƯỢC VỀ MỤC ĐÍCH THỊ HIỆN CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Phật xuất hiện nơi thế gian này không phải vì danh, vì lợi, cũng không phải để ngồi trên ngai vàng mà cai trị bốn châu thiên hạ. Mà với mục đích làm cho chúng sanh đều được giải thoát vòng sanh tử luân hồi đau khổ, giác ngộ như Ngài.
Trong kinh Pháp hoa đã nói: “Như Lai xuất hiện nơi thế gian này với mục đích làm cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến”. Nhưng vì chúng sanh căn cơ cao thấp không đồng, cho nên, giáo pháp của ngài chia ra từng bực khác nhau mà bước đầu và căn bản là Tam quy, Ngũ giới: tam quy để tạo lòng chánh tín, ngũ giới tạo đức hạnh tốt lành; từ đó mà tiến dần lên bước đường tu học đưa đến niết bàn giải thoát.
II. SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI THỊ HIỆN CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Giáo chủ của đạo Phật chúng ta là đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Trong vô lượng kiếp về trước Ngài cũng là một chúng sanh như ta. Nhưng Ngài đã sớm giác ngộ nỗi khổ đau của chúng sanh, nên Ngài đã thành Phật.
Trong kiếp hiện tại, vì muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử, cho nên, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm (nhằm năm 624 trước Tây lịch), Ngài đã giáng sanh làm vị thái tử tên là Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da nước Ca-tỳ-la-vệ thuộc Bắc Ấn Độ.
Lúc còn làm thái tử, Ngài thông minh đỉnh ngộ, tài trí hơn người; hiếu, đức đầy đủ. Ngài rất được vua cha cùng tất cả mọi người thương mến và cung cấp cho đủ mọi thứ sung sướng trong đời. Nhưng mục đích xuất thế không phải để hưởng sự sung sướng vật chất. Cho nên, Ngài đã từ bỏ những vinh hoa phú quý của cuộc đời vương giả, vượt thành, xuất gia tìm đạo Giác ngộ.
Qua sáu năm khổ hạnh thực hành đủ các pháp tu, sau rốt, với 49 ngày tham thiền nhập định dưới gốc Bồ-đề, Ngài đã chứng ngộ và thành Phật.
Sau khi giác ngộ, Ngài đi khắp nơi trong xứ Ấn Độ để thuyết pháp độ sanh. Số người được độ bởi giáo pháp của Ngài nhiều không thể kể xiết. Năm 80 tuổi, cơ duyên độ sanh viên mãn, Ngài nhập niết-bàn nơi rừng ta-la song thọ xứ Câu-thi-na.
Hôm nay nhờ chút duyên lành, chúng ta được gội nhuần trong biển pháp của Phật, biết đường lối tu tập để cầu thoát khổ. Vậy chúng ta phải cố gắng tu tập hơn và đem hết năng lực để hộ trì chánh pháp, hầu mong đền đáp công ơn cao dày của Ngài.
III. TAM QUY
Tam quy là gì? Là quy y Tam Bảo. Tức là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, phước, trí đầy đủ , bên trong không bị các phiền não hoặc nghiệp làm rối loạn, bên ngoài không bị hoàn cảnh thuận, nghịch , làm trở ngại. Được tự tại giải thoát.
Pháp là giáo thuyết vô thượng của Phật. Nghĩa là những phương thức, đường lối Phật nói ra cho chúng ta tu tập để được giác ngộ và giải thoát như Ngài.
Tăng là những vị xuất gia chân chính, luôn luôn y theo giáo pháp của Phật mà tu tập, đồng thời đem giáo pháp ấy truyền bá trong nhân gian, hầu mong tất cả mọi người đều được giác ngộ.
Phật, Pháp, Tăng (tam bảo) có đủ công năng tự giác ngộ và giác ngộ cho tất cả mọi người như thế, nên chúng ta cần phải chí thành quy y.
Chữ quy y có nghĩa là quay về để nương tựa. Ví như đứa con dại từ lâu xa cha mẹ đi lưu lạc xứ người, hôm nay tự thấy đời mình bơ vơ đau khổ, hồi tâm trở về nương tựa cha mẹ để được sự nuôi nấng an ủi.
Quy y còn có nghĩa bỏ trái trở về phải, bỏ ác trở về thiện. Xoay mê mờ trở về giác ngộ, ngược chiều sanh tử khổ đau xoay về niết-bàn an lạc.
Nhưng muốn cho việc tu hành của mình có kết quả thiết thực, người Phật tử cần phải chí tâm và duy nhất về sự quy y. Nghĩa là:
– Sau khi quy y Phật rồi, không quy y thiên, thần, quỷ, vật. Bởi những vị ấy còn là chúng sanh ở trong tam giới, vẫn bị sanh tử luân hồi, chưa được hoàn toàn giải thoát như Phật.
– Sau khi quy y Pháp rồi, không quy y ngoại đạo tà giáo. Vì những giáo thuyết ấy chưa được chu toàn hướng dẫn đến chỗ giác ngộ hoàn hảo.
– Sau khi quy y Tăng rồi, không quy y thầy tà bạn ác. Vì những người ấy thường đem lại cho ta những suy tưởng lỗi lầm dẫn đến đau khổ cho cuộc sống.
Vậy các Phật tử nên thận trọng và chín chắn trong vấn đề quy y này.
IV. NGŨ GIỚI
Ngũ giới là năm cấm giới của Phật .
Người Phật tử tại gia sau khi lãnh thọ pháp Tam quy rồi cần phải tiếp thọ năm cấm giới. Năm cấm giới này do Phật thân chế ra với mục đích là ngăn ngừa những lời nói và hành động bất thiện, phi pháp của chúng ta. Nó là căn bản để làm người, mà cũng là bước thang đầu tiên để chúng ta hoàn thành đạo quả vô thượng Bồ-đề.
Năm cấm giới ấy là:
- Không sát sanh, hại vật.- Tất cả các sanh vật đều tham sống sợ chết, biết đau khổ, lo buồn như ta. Để dứt oan nghiệp vay trả nhiều đời nhiều kiếp và để trau dồi lòng từ bi đối với tất cả sanh vật, cho nên, chúng ta không sát hại.
- Không trộm cướp lường gạt.- Tất cả của cải mọi người đều do lao tâm nhọc sức làm ra mới có. Để cho họ yên vui sung sướng hưởng lấy của ấy và để khỏi chịu cảnh rượt bắt truy lùng kiếp này hoặc quả báo làm thân tôi mọi kéo cày mang nặng nhiều đời kiếp về sau, chúng ta không đem tâm trộm cướp.
- Không tà dâm bất chính.- Để tránh cảnh nhà tan cửa nát trong xã hội, để xây dựng êm đẹp hạnh phúc của gia đình, và để giảm bớt cội rễ sanh tử khổ đau Cho nên, chúng ta không tà dâm bất chính.
- Không nói dối.- Muốn cho tất cả mọi người đều sống an vui tin cẩn, hòa thuận, không có sự thù hiềm ganh ghét và hãm hại lẫn nhau, chúng ta không nói lời láo xược, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt và không nói lời hung dữ.
- Không uống rượu.- Người rượu chè say sưa thì mất hết giống trí tuệ. Đạo nghiệp không bao giờ thành mà phải đọa vào địa ngục tối tăm đau khổ. Chúng ta muốn cho đạo nghiệp mau thành, trí huệ chóng khai phát, cho nên, chúng ta không rượu chè say sưa.
Trong năm cấm giới này, người Phật tử tại gia khi làm lễ quy y có thể lãnh thọ bao nhiêu và giới nào, tùy khả năng mà phát nguyện. Nhưng khi đã lãnh thọ thì dù có tan mất thân mạng cũng quyết không hủy phạm. Vì nó là thuyền đưa ta đến chỗ giải thoát. Ví như người qua biển, khi chưa đến bến thì quyết không rời thuyền.
Tam quy và Ngũ giới là nền móng căn bản cho sự tu trì của người Phật tử tại gia. Ngoài ra, còn cần phải có những trợ duyên thiết yếu giúp cho công hạnh tu trì chóng đến kết quả. Những trợ duyên thiết yếu đó như dưới đây.
V. ĂN CHAY
Ăn chay là ăn những rau trái dưa đậu mà không ăn thịt, cá, tôm, cua v.v… Vì ăn thịt, cá, tôm, cua … tất nhiên phải làm tổn hại sinh mạng của chúng. Như ta đã biết tất cả chúng sanh đều tham sống sợ chết, cũng thích sung sướng và sợ đau khổ. Vì thế người Phật tử thể theo lòng từ bi của đức Phật, không nỡ giết hại chúng sanh để nuôi sống thân mạng mình.
Tùy theo khả năng và sự phát nguyện, chúng ta có thể ăn những trai kỳ như sau: Mỗi tháng ăn chay
Hai ngày (nhị trai) – Mồng một và rằm
Bốn ngày (tứ trai)- Ba mươi, mồng một, 14 và rằm
Sáu ngày (lục trai)- Mồng một, 14, rằm, 18, 23 và 30
Mười ngày (thập trai)- Mồng một, mồng tám, 14, rằm, 18, 23, 24, 28, 29và 30
Mỗi năm ăn chay ba tháng (tam nguyệt trai) – tháng Giêng, Năm và tháng Bảy
Hoặc ăn chay những ngày vía Phật và ăn chay trường như các vị xuất gia thì càng quý.
Nên nhớ: Những ngày ăn chay thì chúng ta bặt không nghĩ đến chuyện cá, thịt. Nếu làm thêm được những việc thiện như bố thí, phóng sanh thì phước biết chừng nào.
VI. NIỆM PHẬT
Niệm Phật là nhớ nghĩ đến đức Phật. Nhớ nghĩ đến các đức tính từ bi, trí huệ và giải thoát. Nhớ nghĩ đến các đức tướng thanh tịnh trang nghiêm không ai sánh bằng. Nhớ nghĩ đến các công hạnh tự lợi, lợi tha hoàn toàn viên mãn của Phật. Hầu đem áp dụng vào cuộc sống của mình và mọi người cho được hữu ích; mong tất cả đều giải thoát và giác ngộ như Phật. Đây là một pháp môn trong muôn ngàn pháp môn mà Phật đã nói ra cho hàng Phật tử tu tập.
Niệm Phật có nhiều cách. Như nhớ nghĩ hình dung đức tánh hoặc nhẩm đọc danh hiệu Phật.
Trong kinh Di Đà, đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni có dạy: “Cách mười muôn ức cõi Phật về phương Tây có thế giới tên là Cực Lạc và hiện thời có đức Phật tên là A Di Đà đang thuyết pháp độ sanh … Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói này đem lòng tin chắc, phát nguyện muốn vãng sanh về nước Ngài và đồng thời hàng ngày chí thiết chấp trì danh hiệu của Ngài đến chỗ nhất tâm bất loạn thì sau khi lâm chung sẽ được vãng sanh về nước Ngài.”
Nhưng tại sao chúng ta lại mong được vãng sanh về Thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà?
Vì ở thế giới đó không có sự khổ sanh, già, bệnh, chết và những nỗi thống khổ như thế giới mà chúng ta đang sống đây. Trái lại, chỉ thuần những sự an vui tự tại, luôn được gần gũi các vị Bồ tát và luôn được nghe Pháp âm của Phật. Mau thành đạo, chứng quả. Vì thế nên chúng ta tha thiết mong muốn được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Ngài.
Về phương thức thực hành thì tùy theo hoàn cảnh và khả năng từng người. Như người không có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên mỗi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng lúc thức dậy, thực hành theo phương pháp “Mười niệm” của ngài Từ Vân Sám Chủ sau đây: Trước bàn thờ Phật kính lễ ba lạy, tụng một bài kinh ngắn rồi lấy hơi dài chí tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật” không luận bao nhiêu câu, cứ mãn một hơi là một niệm, mười hơi là mười niệm. Kế thiết tha hồi hướng cầu vãng sanh Cực lạc. Rồi lễ Phật mà lui ra. Nếu ở chỗ không có thờ Phật thì quay mặt về hướng Tây cung kính xá rồi niệm và phát nguyện như trên. Trong lúc niệm phải buộc tâm nghe rõ tiếng niệm của mình không cho tán loạn. Hoặc người có thì giờ rỗi rãi thì niệm nhiều hơn tùy số mình định nhưng phải giữ cho thường, không nên bữa niệm bữa nghỉ.
Ngoài ra thường ngày, lúc đi đứng nằm ngồi hoặc làm việc, đi chơi, lúc nào cũng có thể thầm niệm; không nghĩ đến những chuyện xằng bậy khác. Niệm như vậy lâu dần, tịnh niệm nối luôn, vọng niệm tiêu trừ. Khi còn sống luôn tưởng niệm đến Phật thì tâm an ổn, được Phật hộ trì và lúc chết quyết được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Ngài.
VII. SÁM HỐI
Tất cả chúng ta từ hồi nào đến giờ vì mê lầm, không nhận rõ lý chân thật của các pháp nên đã gầy tạo vô lượng tội ác. Do đó, chúng ta bị sanh tử luân hồi chịu không biết bao nhiêu là đau khổ. Ngày nay muốn tiêu trừ tất cả tội ác mà chúng ta đã gầy tạo thì cần phải chí thành sám hối. Sám hối có nghĩa là ăn năn tất cả tội ác đã gây ra từ trước và nguyện từ nay về sau không gây tạo thêm nữa. Nếu y theo nghĩa này mà sám hối thì bao nhiêu tội ác bất luận nặng hay nhẹ đều có thể tiêu tan hết. Cũng ví như trong một căn nhà tối không biết bao lâu, nhưng khi đem vào một cây đèn sáng thì sự tối tăm ấy đều tiêu hết.
Phương pháp sám hối có nhiều. Nay nói phương pháp thông dụng nhất là “tác pháp sám hối”: Mỗi tháng vào tối 14 và 30 ở các chùa hoặc niệm Phật đường, chư tăng cùng tín đồ tập họp đông đủ trước Tam Bảo chí thành lễ hồng danh các đức Phật để cầu xin sám hối. Đó là thực hành “tác pháp sám hối”. Những ngày đó chúng ta nên về chùa mà cùng nhau chí thành sám hối.
Nhưng nên nhớ rằng đã sám hối như vậy thì từ ngày ấy về sau cần phải luôn giữ gìn ba nghiệp thân, miệng và ý không gây tạo lỗi lầm. Có như vậy, bao nhiêu tội từ trước mới tiêu trừ.
Phương pháp giữ gìn không tạo ba nghiệp tội thân, miệng, ý, không gì hơn là không hủy phạm năm giới cấm Phật dạy.
VIII. THỜ PHẬT
Tượng Phật ngự trị tại nhà để nhớ Phật tại tâm. Chúng ta ra vào hàng ngày chiêm ngưỡng để noi theo và luôn luyện tập những đức tánh cao quý sáng chói muôn thuở của Ngài như Từ bi, Hỷ xả, Hùng lực, Bình đẳng, Thanh tịnh, Trí huệ …
Thờ Phật là thờ chân lý cao siêu tuyệt diệu. Không gì quý hơn có Phật ngự trị trong nhà.
IX. LẠY PHẬT
Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, phước đức cao dày vô biên vô tận. Chúng ta lạy Phật sẽ được hằng sa phước đức, diệt trừ các phiền não nghiệp chướng. Lạy Phật để sửa mình, phục thiện, dẹp bỏ tánh cống cao ngã mạn. Lạy Phật để tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với đấng cha lành đã cứu độ biết bao sanh linh ra khỏi trầm luân khổ hải.
X. CÚNG PHẬT
Hằng ngày chúng ta đốt một nén hương, dâng một cành hoa cúng Phật để tỏ lòng thành kính tri ân. Như thế, chúng ta sẽ tạo được phước đức trong hiện tại và ngày mai. Cúng Phật cần nhất là phải thành tâm. Câu chuyện cậu bé cúng đất sét cho Phật, bà già cúng đèn, người hành khất cúng muối … đã chứng tỏ rằng với lòng thành thì vật nhỏ mọn cũng trở thành quý giá.
XI. TỤNG KINH
Tụng kinh để hiểu và nhớ lời Phật dạy, để ba nghiệp được thanh tịnh, thâu nhiếp vọng tâm, sanh định và phát huệ. Ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể như thế nào thì tụng kinh để nuôi dưỡng tâm thần cũng cần thiết như thế. Phải tụng đọc rõ ràng, trang nghiêm và đúng đắn.
XII. BỔN PHẬN CỦA MỘT PHẬT TỬ TẠI GIA
Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo rồi muốn xứng đáng mình là một Phật tử chân chính, cần phải nhận thức và thực hiện đúng với bổn phận của mình trên mấy phương diện sau đây:
a – Đối với Tam bảo: Phải có lòng tin Tam bảo đúng với ý nghĩa chân chính của nó và tin một cách vững chắc. Không để cho một thử thách cam go nào làm dao động. Không bao giờ làm điều gì có phương hại đến Tam bảo. Nhiệt tâm hộ trì và truyền bá chánh pháp. Nhất là ủng hộ các bậc xuất gia chân chính thực tâm tu học và hoằng dương đạo pháp.
b – Đối với xã hội: Dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng của đức Phật hết lòng phục vụ và xây dựng xã hội, làm cho cuộc sống giữa xã hội trở nên yên vui hòa hợp, không có sự tranh giành, ganh ghét hãm hại lẫn nhau.
c – Đối với gia đình: Phải hiếu thảo với cha mẹ. Hòa thuận vợ chồng, anh em họ hàng thân thích … Làm thế nào cho tất cả mọi người trong gia đình đều trở về với Tam bảo và xây dựng gia đình trên nền tảng Phật hóa.
d – Đối với bản thân: Tinh tấn tu học đúng theo giáo pháp Phật dạy. Bỏ dần dục vọng, ích kỷ. Tập sống cuộc đời rộng rãi, giải thoát. Luôn luôn làm những điều lợi mình lợi người. Tin đúng nhân quả. Nhận rõ tất cả sự vật đều vô thường để không sanh tâm tham đắm. hướng cuộc đời đi đúng vào con đường giác ngộ.
VÀI CHI TIẾT CẦN BIẾT
Ý nghĩa lá phái: Lá phái là vật để đánh dấu và tiêu biểu nhắc nhở trên bước đường tu tập của mình. Đem lá phái về, chúng ta nên treo ở một nơi nào dễ thấy. Hằng ngày nên nhìn đến nó và luôn luôn nhớ rằng năm ấy tháng ấy ngày ấy, chúng ta đã đến chùa ấy, cầu thầy ấy truyền cho Tam quy, Ngũ giới, pháp danh là gì.
Luôn luôn nhớ rõ pháp Tam quy Ngũ giới như trong phái đã dạy, để y theo đó mà tu trì. Có như vậy thời thiện căn mỗi ngày mỗi tăng trưởng, sẽ hưởng phước lạc an lành. Không phải việc gói cất kỹ đợi khi chết ép đem theo.
Bổn phận, tư cách đối với bổn sư và nơi mình đã đến quy y: Sau khi quy y rồi, chúng ta nên xem vị bổn sư là người thay mặt đức Phật và chúng Tăng truyền Tam quy Ngũ giới cho ta. Nơi đến quy y như là từ đường của chúng ta. Chúng ta nên thường về chùa để được gần gũi bổn sư, gần gũi các thầy mà học hỏi giáo lý. Có điều gì sai lầm nên về sám hối trước bổn sư và cầu xin chỉ dạy. Nên xem chúng ta là người con trong gia đình, người con của thầy, phải hết lòng cung kính và giúp đỡ các thầy về mọi phương diện.
Tư cách khi gặp các vị tăng già: Tăng già là tiếng chỉ chung cho các bậc xuất gia chân chính, tức là ngôi Tăng Bảo mà mình đã quy y. Cho nên, bất cứ ở một nơi nào khi gặp vị xuất gia, chúng ta phải cung kính chấp tay chào hỏi, xem như vị bổn sư của mình. Lúc đến chùa phải giữ trang nghiêm thanh tịnh. Đối với mọi người phải giữ lễ độ. Không mặc cảm tự tôn hoặc tự ty mà luôn tỏ thái độ xứng đáng mình là đệ tử của đấng Đại từ Đại bi Đại giác ngộ.