Thiền Sư và gã lái đò ( Thăng Điền dịch)
Vào triều Minh, tại Bồ Điền tỉnh Phúc Kiến có vị đại quan tên là Hoàng Trọng Chiêu. Năm đó ông được vua bổ nhiệm làm chủ khảo. Bấy giờ, 6 bộ trong triều thì Bồ Điền chiếm hết 5. Một số các danh thân trong làng nhận định đây là một cơ hội tốt cho việc thi cử của Bồ Điền, bèn kêu gọi bọn con em lên kinh ứng thí. Thôi thì gà phụng lộn bầy, người thực học cũng có, người thừa cơ hội tung tiền mua danh cũng có. Những hạng người này đến kinh đô là nhắm cửa phủ Hoàng Trọng Chiêu bái phỏng. Để tránh tị hiềm, hễ những người đồng hương, Hoàng đại nhân tuyệt đối không tiếp. Nhưng rồi họ cũng có cách là tìm một vị quan lớn làm môi giới. Sau cùng, không tránh mãi được, Hoàng đại nhân đành cho họ gặp mặt, nhưng chỉ cho phép họ cử người đại diện đến gặp thôi. Hoàng đại nhân vốn đã biết ý đồ của họ nên khi gặp mặt cũng không vồn vã, chỉ hỏi một câu: “Năm nay trong nhà có khá không?”
Thì ra Hoàng đại nhân quá biết về văn tài của bọn họ, có ý muốn nhắc nhở nhưng không tiện nói trắng ra, chỉ nói câu đó để xem bọn họ hiểu như thế nào. Người đi gặp Hoàng đại nhân đoán không ra, để lại hết những quà biếu rồi đem lời của Hoàng đại nhân đoán chừng chừng là: Năm nay Bồ Điền đại mạch tiểu mạch thu hoạch được mùa, không biết việc này có liên quan đến việc thi cử không? Quả nhiên, bọn họ đoán cũng trúng một phần. Nhờ câu nói đó mà số người thực học nhiều hơn số người kém chữ nghĩa. Trong số 50 học trò Bồ Điền đi thi thì 49 người đỗ Tiến sĩ, chỉ rớt có một người. Ấy là do Hoàng đại nhân không dám lấy đậu hết, sợ mắc phải tội tác tệ.
“Đi thi 50 đỗ 49”. Bồ Điền nhân đó mà danh tiếng nổi như cồn. Mấy vị danh thân muốn khoe khoang mình trị huyện có phương pháp, bèn trên con đường ở sau huyện nha làm một đại phường bằng gỗ, trên đó treo một tấm biển khắc 4 chữ tổ bố: “VĂN HIẾN DANH BANG”. Biển treo lên rồi tin tức truyền nhanh như gió khắp cả 81 xã trong huyện. Có người biết rõ nội tình cũng có ý ngầm không phục. Có một hiền sĩ Thiền lâm cũng vì việc này mà nảy sanh ra câu chuyện văn chương kỳ thú. Thì ra, gần vùng đó có một ngôi chùa, trong chùa có một vị Cao tăng. Vị này chẳng những võ nghệ siêu quần mà cầm kỳ thi họa thứ nào cũng đạt đến mức tinh vi. Nghe tin mấy vị văn thân trong thành treo tấm biển ấy, vị sư cũng muốn đến xem cho biết. Chuyến đi đã gây kinh động biết bao người.
Hôm đó vị sư lên thành phố đi tản bộ loanh quanh, sau cùng đến trước nhà phường gỗ, ngước mắt nhìn lên tấm biển. Bốn đại tự “Văn Hiến Danh Bang” nét chữ bay bướm và sắc sảo phi thường. Trong lòng vị sư có chủ ý: Mượn cơ hội này gặp mặt các chân tài tử Bồ Điền một phen. Ông từ từ cởi chiếc áo tràng của mình ra rồi khẽ vung tay. Vù một cái, chiếc áo bay lên giá phường gỗ, vừa vặn phủ lên tấm biển nhè nhẹ lôi tuột xuống đất.
Tấm biển bị gỡ xuống là chuyện không thể được rồi, nhất thời không ít người đổ xô trước phường gỗ. Họ thấy một vị Hòa thượng từ từ đỡ tấm biển lên kẹp vào nách rồi khệnh khạng bước về phía cổ lâu. Đoàn người hiếu kỳ đến mỗi lúc một đông, đa số không muốn vây vào chuyện không đâu nên chỉ lấy mắt ngó thôi. Một số tay chân của các vị văn thân có tăm tiếng muốn ra tay ngăn cản, nhưng ngán thân thủ bất phàm của Hòa thượng, nên đành xuôi tay đứng nhìn. Hòa thượng lên đến cổ lầu đặt tấm biển lên bệ lan can, khom mình chắp tay nói với mọi người:
– Bần đạo có điều mạo muội, dám xin quý vị lượng thứ chọ Chỉ vì tấm biển này treo không được ổn, nên đành phải lấy xuống vậy.
Bấy giờ, mấy vị danh thân đã biết được sự việc cũng có mặt, hỏi Hòa thượng:
– Xin Hòa thượng cho biết thế nào là không ổn chứ?
– Tấm biển này đâu phải là ngự phong, dù cho ngự phong đi nữa cũng khó làm cho người ta khâm phục. Bần đạo đây có một câu đối, nếu quý vị đối được thì bần đạo sẽ lấy vải đỏ bao lại, trên đó gắn hoa rực rỡ rồi đích thân gắn lại chỗ cũ. Kèm theo đó, xin sắm một tiệc rượu, mời gánh hát về hát một ngày để tạ tội với quý vị. Còn như quý vị đối không được thì xin thứ lỗi cho bần tăng vô lễ. Sau ba ngày bần tăng sẽ mang đi vậy.
Mấy vị danh thân nghĩ thầm: “Cái ông Hòa thượng này được bao nhiêu tài cán mà khoe mẻ, muốn so tài học vấn với chúng ta? Thì, đây cũng là dịp chúng ta hiển lộ chân tướng cho thiên hạ biết”. Do đó, bọn họ thương lượng xong, quyết định đồng ý cuộc so tài này. Hòa thượng bảo người mua mấy tờ giấy lớn nối lại thành một bức dài rồi mới hươi đại bút viết một loáng thành một câu đối: “Nhật tiến trùng thiên, đông lôi tây điện nam bắc vũ”. Viết xong đem treo lên, bức giấy rủ từ trên xuống dưới thành một dải dài, đứng xa mấy trăm bước cũng có thể nhìn thấy. Mấy vị danh thân bình thường tự ỷ mình văn chương đầy bụng, bấy giờ nhìn thấy câu đối của Hòa thượng, ai nấy đực mặt ra lấy mắt nhìn nhau, kêu khổ thầm: “Không ngờ Hòa thượng lại có nghề tay trái”. Câu đối này xem ra thật lém! “Nhật” đối với “nguyệt”, “tiến” đối với “thoái” đều dễ tính. Còn đoạn “đông lôi tây điện nam bắc vũ” mới là khó nuốt. Thông thường, đông đối với tây, nam đối với bắc, lôi điện có thể đối phong vũ. Khó nỗi là mấy chữ đó bị Hòa thượng xài hết thì câu sau lấy gì đối lại đây? Thực ra, những vị danh thân này học vấn theo lối chánh quy không nhiều, học phần lớn những thứ vặt vãnh. Họ biết rằng mình đối không được, không lẽ thú thiệt cái dốt trước mọi người, bèn viện cớ mắc công kia việc nọ rồi từ từ rút lui về nhà.
Cứ thế ba ngày qua đi, trước cỗ lầu sĩ tử chen nhau đứng như rừng, có người phí cả tâm tư cũng không đối được. Vế liễn treo trước cỗ lầu đã ba ngày, tấm biển trên cổ lầu vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Tới ngày thứ ba, mặt trời sắp khuất núi mà vẫn chưa có ai đối được. Điều này càng làm lo lắng thêm cho các vị danh thân. Bọn họ chỉ nghĩ đến thể diện của chính mình nên không ai muốn lại đến trước cỗ lầu để bêu xấu. Có người muốn bặm gan bước ra, nhưng lại sợ thua Hòa thượng thì thêm xấu hổ với mọi người. Vì thế, họ dù có cho bọn tâm phúc đi dò la tin tức, nhưng tuyệt nhiên không ai chịu xuất đầu lộ diện cả.
Về phần Hòa thượng, thấy liên tiếp ba ngày không có người nào đối được, trong lòng cảm thấy rất là kỳ lạ. Tuy nhiên cũng nói:
– Mấy vị danh thân kia treo tấm biển này là cử chỉ mạo tên khi đời, nhưng mà chả lẽ bực chân tài tử của xứ này đều đi đâu cả? Sao không ai chịu xuất đầu lộ diện? Thôi được, khi mặt trời khuất núi, tôi đành phải vác tấm biển về vậy!
Đêm ấy, trăng sáng như ban ngày, vị Hòa thượng kẹp tấm biển dưới nách, vội vàng trở về chùa. Trước mặt ông, một dải nước khe trắng xóa cản lối. Đây là Mộc Tòng Khê, muốn qua phải nhờ đò. Hòa thượng bước lên đò, dưới nách kè kè tấm biển. Người chèo đò thấy bộ dạng ông đã biết rõ 8 – 9 phần. Mấy hôm nay, khách qua đò đều bàn luận đến chuyện Hòa thượng gỡ biển ở trong thành, người chèo đò cũng có ý muốn vào thành để xem thử, ngặt nỗi không thể rời thuyền được. Anh ta muốn hỏi thăm mọi người, nhưng lại sợ bị chê cười. Bởi lẽ anh ta xuất thân từ cảnh bần hàn, từ nhỏ tới lớn chỉ nhờ con thuyền này mà sống qua ngày, chẳng được đi học, những điều hiểu biết chẳng qua chỉ là nhờ sự dạy bảo của khách qua đò. Biết được mấy chữ làm sao dám mơ tưởng đến việc ứng đối chứ? Nay đây, anh ta thấy vị Cao tăng đã đến trước mặt mình rồi, định bụng không nên bỏ qua cơ hội ngàn năm xin cầu giáo này. Bấy giờ anh ta mới khom lưng cung kính xin Hòa thượng nói cho biết nội dung câu đối. Vị Hòa thượng thấy anh chèo đò này quá lễ phép trân trọng, lời nói khác thường, trong lòng thấy vui vui, bèn đem câu liễn ngâm qua một lượt. Anh chèo đò vẫn lay động mái chèo, con thuyền từ từ lướt lên phía trước. Trên mặt khe, gió thổi sóng nhấp nhô, bóng trăng xao xuyến, sóng vỗ mạn thuyền kêu lách tách. Trước tình cảnh này, anh chèo đò tâm cơ máy động, à lên một tiếng, rồi buộc miệng ngâm rằng: “Nguyệt lâm thủy diện, tiền ba hậu lãng, tả hữu phong”.
– “Hay, hay !”
Hòa thượng nghe anh ta đối hay quá, khen lia lịa. Không ngờ ở một cái xó xỉnh này ông lại gặp được một vị chân tài tử! Ông vội vàng thi lễ chúc mừng anh chèo đò, rồi dục anh chèo đò mau mau quay thuyền lại, hai người ngay đêm đó cùng tiến vào thành. Hòa thượng có ý muốn cho mọi người xem đây mới thực là chân tài tử! Tấm biển “Văn Hiến Danh Bang” bấy giờ thay vì treo ở trên phường gỗ nơi đường cái sau huyện nha, lại được đem treo ở bến đò vào làng.
Thăng Điền