Truyện Cổ SỰ TÍCH CỨU VẬT PHÓNG SINH (p.8)
71. Quả Quyết Hoàn Thành Việc Nhân
Trần Tinh Viên thường kể cho mọi người nghe về một câu chuyện ngày trước của ông như sau:
Một lần nọ, ông cùng các bạn bè thi rớt kéo nhau đến thư viện Tây Hồ uống rượu giải sầu. Trong lúc ông đi bách bộ ngoài thư viện, bỗng thấy một người dắt trâu đi, anh ta đánh con vật liên tục, nhưng con trâu không chịu cất bước. Khi trông thấy Tinh Viên, mắt nó đổ lệ đầm dề. Tinh Viên hiểu rằng con trâu này tự biết rằng tính mạng mình không thể nào bảo vệ được, nhất định bị lôi đến lò mổ, vì thế nó không chịu đi tới. Chứng kiến cảnh ngộ ấy, Tinh Viên động lòng trắc ẩn, liền đến hỏi người dắt trâu: “Con trâu này giá bao nhiêu vậy?”. “Mười lăm quan”. – Người đàn ông ấy quay lại đáp.
Thế là ngay lập tức Tinh Viên trở vào trong thư viện nói với bạn bè: “Số tiền chúng ta chi trả tiền chúng ta chi trả còn thừa vì sao không dùng nó làm một thiện nhỉ? Hay là chúng ta xuất ra để mua trâu phóng sinh”.
“Không được đâu, số tiền mà chúng ta góp được hôm nay là nhằm mục đích để dành đến ngày thi năm sau chúng ta tìm một nơi rộng rãi mát mẻ để mọi người tụ họp lại liên hoan đấy nhé!” – Một người bạn học đáp.
“Nhưng mà sự tiêu khiển chẳng qua nhất thời, còn việc này liên quan đến sinh mạng của một con trâu. Cân nhắc nặng nhẹ, thiết nghĩ nên làm việc này thì hơn”. – Tinh Viên bàn như vậy, rồi tiếp: “Các bạn móc tiền đưa đây nào! Đến kỳ thi sau này, các khoản chi phí thưởng hoa đãi rượu để một mình tôi chi trả cho, nhất định không khi nào thất tín”.
Mọi người thấy tâm ý của anh ta đã nhất quyết, bất đắc dĩ phải móc tiền ra, đi mua con trâu đang chảy nước mắt đầm đìa kia đem đến chùa Tây Thiền phóng sinh.
Sau đó, vì để giữ chữ tín với các bạn học, Tinh Viên bèn đem bán một ít quần áo và đồ dùng của mình mà khoản đãi bạn bè. Mọi người đều khen ngợi anh là một bậc quân tử giữ chữ tín. Qua năm sau, anh được đậu cao, rồi làm Tri huyện về sau được thăng lên chức Tư mã đến trấn nhậm Hải Môn.
72. Xương Cốt Nát Bấy Vì Bị Đánh
Trước đây tại Việt Đông có một viên quan Tổng Nhung văn võ toàn tài, họ Trương tên Thần Đạo. Tính tình ông thô lỗ cang cường, có sức mạnh không ai địch nổi. Nhưng ông có học thức uyên thâm, ngọn bút tài hoa, chẳng kém gì tiền nhân. Mỗi khi các danh sĩ đề thi nơi các bức họa thì đều có ông tham dự. Danh tiếng văn chương của ông vang lừng bốn biển, chỉ có điều là ông rất thích món thịt chó, tựa hồ trong nhà bếp không có ngày nào là không nấu món thịt chó, đến nỗi nó đã trở nên chuyện bình thường như người ta ăn thịt gà, thịt heo vậy. Thế nên, mỗi lần ông đi qua một nơi nào, thì các con chó ở địa phương đó chạy theo sau ông sủa vang trời. Hình như bầy chó biết rằng đó chính là kẻ oan gia đang đối đầu với lũ chúng.
Hoạn trường của Trương Thần Đạo khá hanh thông. Lúc đầu ông đang trấn nhậm tại trấn Kiến Ninh, nhân khi đi tuần tra trên núi Võ Di, trời đã về chiều, bèn neo thuyền tại một khúc sông để nghỉ ngơi. Thuộc hạ biết rõ thị hiếu của ông nên giết chó làm món ăn dâng lên, ông nhấm nháp trông có vẻ rất khoái trá. Sáng hôm sau, nghe thiên hạ đồn rằng Thiên Du Quán ở trên núi là một thắng cảnh rất nổi tiếng, bèn đến đó tham quan.
Khi hai chân của Trương Thần Đạo vừa bước vào tới cửa điện, thì bỗng thấy một luồng kim quang chói mắt, đôi mắt ông trở nên tối sầm, liền lảo đảo nằm xuống đất. Những kẻ thuộc hạ vội vã đỡ ông dậy, thì không những ông không nói năng gì được mà toàn thân trở nên mềm nhũn tựa hồ không còn một chút khí lực nào, chẳng khác gì một cây thịt mềm mại không có xương. Mọi người hoảng kinh xem xét lại thật kỹ thì thấy hai mắt ông khép kín, trên trán lạnh như băng, khí tuyệt, tắt thở mà chết.
Ngay lúc mọi người đang kinh dị không thể hiểu nổi, thì vị đạo sĩ trong đền là Thái Nguyên Oánh nói với mọi người: “Tòa Vương Linh Quan mà đạo quán này thờ phụng thường hay hiển hiện uy linh. Phàm những kẻ nào ăn thịt chó đều không dám đi vào điện này, để tran1h sự mạo phạm đến thần thánh. “Rồi ông tiếp: “Nhân vì Trương Thần Đạo là bậc người quý hiển, trọng vọng cho nên tôi không dám ngăn cản, chính vì vậy nên đại nhân mới chuốc lấy thảm họa mạng vọng”.
Thế nhưng tại sao toàn thân lại biến thành một hối thịt không có xương, há chẳng phải là chuyện thần kỳ?” – Có người hỏi. Thái Đạo sĩ liền đáp: “Sở dĩ toàn bộ xương trên thân Trương Đại nhân nát bấy là vì bị Vương Linh Quan đánh bằng roi”. Do thế, mọi người đều phát sinh niềm tin sâu sắc, không còn nghi ngờ gì nữa.
73. Bị Chó Cắn Một Cái Mà Chết
Một người dân ở trấn Nam Tường Gia Định là Thái Lục, lâu nay lấy nghề giết chó làm kế sinh nhai. Vào thời gian cuối năm chính là lúc thịt chó trở nên rất đắt đỏ.
Vì ông giết chó đã nhiều năm nên phương pháp sát sinh của ông trở nên điêu luyện, ra tay một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng. Một ngày kia, vào lúc hoàng hôn, Thái Lục giết một con chó rồi đem bỏ vào trong một cái thùng, đoạn dùng nước sôi rưới lên mình chó để cạo lông, thì đột nhiên cảm thấy mắt mờ, tai ù, tâm hồn hoảng loạn, biết là có một điều gì khác thường. Là vì ngay trong lúc ông sơ ý, con chó đang nằm thở thoi thóp sắp chết kia từ trong thùng vùng dậy, dùng hết sức lực còn thừa ngoạm cho ông một phát, ông kêu la ơi ới.
Thế là nhanh như chớp, ông nằm lăn ra đất, và con chó ấy cũng nghiêng mình theo tư thế nằm của ông, đồng thời đôi hàm răng của nó cũng dính chặt vào trong cánh tay không hề nhúc nhích. Con chó dùng sức đôi hàm răng quá mạnh khiến ông đau đớn dữ đội kêu la thất thanh.
Tiếng kêu bi thảm của ông kinh động đến nhà hàng xóm, thế là có người cầm gậy gộc chạy tới đánh con chó để cho nó nhả ra. Thế nhưng, kỳ quái thay đôi hàm của nó vẫn bám chặt trên cánh tay của Thái Lục như định đóng, làm bất cứ cách nào cũng không buông ra. Không ai có thể tưởng tượng được một con chó sắp chết mà có sức lực mạnh mẽ đến như thế!
Răng chó vốn có chất độc nên để một hồi lâu, chất độc ấy từ cánh tay dần dần thâm nhập vào tim. Do vậy, Thái Lục đau đớn nằm lăn qua lăn lại trên mặt đất, nước mắt đầm đìa, cứt đái bắn ra, toàn thân rũ riệt, cất mình lên không nổi nữa. Đoạn sắc mặt biến đổi từ xanh sang trắng, hai tròng mắt trợn ngược, trông bắt phát khiếp. Thế rồi ông kêu rú lên một tiếng đặc sệt, trút hơi thở cuối cùng, chết một cách tức tưởi vì bị chó cắn. Khi ông chết rồi, con chó mới chịu nhả hai hàm răng ra, rồi tự nhiên cũng nằm lăn ra chết. Từ đó, câu chuyện Thái Lục bị chó cắn một cái mà chết dần dần được truyền đi khắp nơi, những người trong trấn khi nói đến chó đều biến sắc mặt, do vậy không còn ai dám ăn thịt chó nữa.
74. Lúc Lâm Chung Làm Chó
Trấn Phong Kinh là một thị trấn nhỏ, dân chúng ở đây chất phác hiền làm, phần lớn làm nghề nông, hơn nữa mọi người ai cũng siêng năng cần kiệm lo chu toàn bổn phận của mình. Vì vậy, dân chúng trong trấn này hằng ngày sống trong cảnh thanh bình vô sự.
Chỉ duy nhất một người dân tên là Trần Nhị Đích vốn là một tiểu thương, do buôn bán có tay nghề, cho nên cũng tích lũy được một ít tiền lẻ. Ông thích nhất là cùng bạn bè chén tạc chén thù, nên thường mua thịt chó về nướng cháy sém sém, rồi mới nhấm nháp với rượu.
“Mùi thịt chó thơm phưng phức mà kết hợp với vị rượu cay cay thì thực là một điều cựu kỳ thú vị trên cõi đời này”. – Ông hớn hở nói với mọi người như thế. Thường thường ông rủ rê một số bạn hữu quen thân cùng nhau tổ chức nhậu nhẹt thịt chó với rượu để thưởng thức cái lạc thú khoái khẩu này, cho nên bình sinh từng giết hại vô số con chó.
Vào năm Bính Tý niên hiệu Càn Long, ông cảm thấy cơ thể dần dần hao mòn, rồi cuối cùng ngã bệnh. Bệnh tình của ông không một thầy thuốc nào tìm ra nguyên nhân.
Thế rồi, không bao lâu chứng bệnh ấy trở nên trầm trọng, thường nằm hôn mê bất tỉnh nhân sự. Nhưng trong lúc mê sảng, ông chỉ nói:
– Lại mọt con chó mực, mầy hung dữ thế hả?
– Một con chó đốm ở đâu chạy tới táp vào tôi!
– Chó! Hai con, ba con, bốn con… vô số chó, chúng nó đến đòi mạng! Cứu mạng nha! Cứu mạng!
Vợ con lớn nhỏ đều không ai thấy được một con chó nào cả mà chỉ thấy ông dùng tay quơ tren hư không rồi múa tay đập chân, trông dáng vẻ rất sợ hãi, đồng thời lắc đầu lia lịa, nói: “Đáng sợ nhất là chó điên kìa!”.
Đến lúc chết, ông tự chui đầu xuống gầm giường, hai tay quào quào trên đất, giả tiếng chó sủa trong khoảnh khắc rồi tắt thở.
75. Bắn Chim, Chim Trả Thù
Trán rộng, trên đầu chỉ lưa thưa vài sợi tóc, cặp mắt ưa nhìn ngang liếc dọc, đôi nhãn cầu trắng nhợt thường thường lộ ra, còn chót mũi thường quắp vào như mỏ chim ưng, hai môi xệ xuống, răng cỏ thì lểnh khểnh không đều, dáng người tuy nhỏ thó nhưng trông có vẻ vạm vỡ khỏe mạnh, đó chính là Lý Phúc Tài ở Bảo Sơn mà người người đều biết, nhà nhà đều tường.
Lý Phúc Tài tính không đoan chính, dục vọng đầy ắp, bẫm tính tàn nhẫn không ai bằng. Gia cảnh anh ta cũng khá giả, nhà ở gần ven biển nên bốn phía trồng toàn những tre để ngăn ngừa những cơn sóng dữ. Do thế chim chóc thường đến lót ở trên lùm tre để cư trú. Phúc Tài từ bé đã thành thạo việc săn bắn, chuyên nghề bắn chim. “Tôi bắn rớt xuống rồi”. Nhìn con chim rừ trên ở rơi xuống, anh ta cao hứng vừa vỗ tay vừa hoan hô.
Đến lúc trưởng thành anh ta lại càng ưa săn bắn, lấy việc đó làm thú tiêu khiển hằng ngày.
Thì giờ thấm thoát không đợi một ai, Lý Phúc Tài giờ đây đã ngoài năm mươi tuổi, tóc bạc phau phau. Vào một buổi sảng nọ, người nhà trông thấy anh ta đứng tựa bên cửa sổ, hai tay giơ lên cao, rồi dùng tay che trán, miệng nói liên hồi: “Cắn ta đau quá!”
Thế rồi lấy tay che ở cổ, tiếp đó đặt trên vai, rồi trên cánh tay, phía sau lưng, hai bắp đùi, gót chân, nói chung là tay chân cử động lia lịa, miệng kêu ơi ới: “Ôi chao, ôi chao! Chim, chim, chim!”. Thần sắc anh ta kinh hoàng tựa hồ chuột nhắt vừa trông thấy mèo già. Thế nhưng, mọi người trong nhà không một ai trông thấy hình bóng một con chim nào cả.
“Tôi không đi đâu!”. Anh ta hốt nhiên kêu lên như thế. Thế rồi tứ chi cứng đờ không có cách nào duỗi thẳng ra được, đầu cổ thì hướng lên phía trước, thân hình hơi cong xuống, giống như hình dạng một con chim lớn đang bay trên hư không. Người nhà thấy tình trạng anh ta như vậy đều lắc đầu than thở, biết là không còn cách nào cứu được nữa. Quả nhiên, sau vài hôm, anh chàng chuyên môn giết chim này đã chấm dứt cuộc đời trong tình trạng khốn khổ.
76. Cứu Vật Vật Trả Ơn
Ông lão Châu Bình bản tính nhân từ, rất yêu thương loài động vật. Một hôm ông đến thăm nhà một người bà con, trông thấy bốn con chó sắp bị người ta đem vứt; nhân vì dân chúng ở vùng này thường có thói mê tín, họ cho rằng một con chó mẹ mang thai một lần mà sinh đến bốn con chó là điềm chẳng lành, nuôi chúng vô ích. Châu Bình ngỏ ý xin chúng và được người bà con đồng ý, ông bèn mang bốn con chó con ấy về nhà nuôi dưỡng. Ngày tháng trôi qua rất nhanh, bốn con chó kia dần dần khôn lớn, lanh lợi hoạt bát, chạy nhảy nhanh nhẹn, Châu Bình thường thường chơi đùa với chúng nó.
Vào một buổi chiều gần cuối năm, bỗng nghe có tiếng kêu lắc cắc từ trong bụi cây phát ra, càng lúc âm thanh càng lớn, tựa hồ trận cuồng phong đang thổi gấp, làm rung động núi non. Động tính hiếu kỳ, Châu Bình bước ra khỏi cửa, từ từ đi tới, thì bỗng thấy một con trăn to lớn dễ sợ, thân hình thô kệch giống như chiếc bánh xe, hai con mắt màu đồng đen long lanh, phát ra ánh sáng làm cho người ta phải khiếp đảm, miệng mở to như đọi máu, lưỡi lè ra đỏ chót, hướng thẳng về phía Châu Bình phan tới nhanh như tên bắn. Châu Bình thấy thế kinh hoàng tháo lui được mấy bước, thì đôi chân luống cuống đứng không vững, cơ hồ muốn ngã quuống đất. Ngay lúc hồn kinh phách tán chưa biết tính sao thì bốn con chó đã được nuôi dưỡng từ bấy lâu kia phóng đến nhanh như tia chớp, bủa vây bên trái, bên phải, phía trước phía sau, dũng cảm xông vào tấn công con trăn to tướng hung hãn ấy một cách quyết liệt. Hành động anh dũng bảo vệ chủ của chúng làm cho Châu Bình lấy được bình tĩnh, đồng thời ông nghe có tiếng chân của những người hàng xóm chạy đến. Bản ý của con trăn này là muốn nuốt Châu Bình, ai ngờ nửa chừng Trình Giảo Kim bỗng dưng xuất hiện. Do động tác của các con chó linh hoạt, hai con khỏe mạnh nhất đeo sát lên đầu của con trăn, dùng hàm răng bén nhọn cắn một cái thật mạnh vào yết hầu con trăn, ngay lập tức máu tươi phun ra như suối, chảy lai láng khắp mặt đất. Thế là con trăn kiệt sức nằm giãy giụa một lát rồi chết, còn Châu Bình thì bình an vô sự.
Lúc đầu thì Châu Bình cứu bốn con chó con, nhiều năm sau đó, bốn con chó ấy lại hợp sức cứu chủ mình, đây chẳng phải là tấm gương cứu giúp lẫn nhau rất có ý nghĩa hay sao?
77. Giết Heo Bị Quả Báo Khốc Liệt
Tại trấn Bài Dầu, huyện Hợp Phì, tỉnh An Huy có một người tên là Tuyên Tứ. Anh ta làm nghề mổ lợn đã hơn hai mươi năm, góp nhóp tiền bạc cũng đã khá nhiều. Anh ta có ba căn nhà, một căn dùng để ở, còn hai căn cho người ta thuê; lại có ruộng tốt khoảng một trăm mẫu. Theo lẽ, gia cảnh như thế anh ta có thể nghỉ tay được rồi, nhưng mà lòng người không bao giờ thỏa mãn, hơn nữa sự hiếu sát của anh ta cũng thành thói quen, cho nên ngày nào cũng mài dao soèn soẹt, giết heo vô số kể. Một ngày kia vào lúc canh năm, anh thức dậy nấu nước sôi chuẩn bị mổ heo, thì bấy giờ bà vợ đi vào cầu tiêu, bỗng dưng bà trông thấy có hai người đàn bà đang nằm trong chuồng heo. Bà ngạc nhiên, liền đến tận nơi xem cho kỹ, thì quả thật mình chẳng nhìn lầm chút nào. Thế là bà vội vàng đem chuyện ấy đến mách với ông chồng, rồi đề nghị: “Ông không nên giết heo nữa đấy nhá!”. Tuyên Tứ cười lớn nói: “Như vậy nhất định là bà bị hoa mắt rồi, chẳng lẽ lại có chuyện đó thật sao?”
Bà vợ ông bèn lấy con dao giết heo ném vào trong cầu tiêu. Do thế, ngày hôm ấy Tuyên Tứ không thể giết heo, thế nhưng chung cục ông không hề có chút mảy may hối hận nào. Hôm sau, bà mời những người thân bên gia đình bà chứng kiến, rồi bà nói rạch ròi với Tuyên Tứ: “Nếu anh vẫn một mực duy trì cái nghề này thì nhất định tôi phải chia ly với anh”. Thế nhưng, Tuyên Tứ cố chấp, chẳng đoái hoài gì đến tình nghĩa của người vợ đã bao năm chung sống với mình, nói nhát gừng: “Chia ly thì chia ly, để xem bà mong muốn cái gì?”.
Thế là hai người đem tất cả ruộng đất của cải ra chia hai mỗi bên một nửa, bà vợ bồng một đứa bé mặt mũi khôi ngô đem về ở với mình, còn Tuyên Tứ vẫn giữ nghề nuôi heo như trước. Rồi ông lần lượt đem giết thịt hết những con heo nuôi trong chuồng, lúc ấy lại nghe đứa con thân yêu của mình bị bạo bệnh mà chết, khiến bà vợ đã ly thân kêu khóc thống thiết. Bấy giờ, trong lòng Tuyên Tứ mới hơi nao núng hối hận một chút. Sau sự kiện bị chấn động này, bất đắc dĩ ông lao vào cờ bạc để tiêu sầu giải muộn. Thế rồi say mê cái thói đỏ đen, cả ngày lao vào sòng bạc, nhưng mà không có lúc nào gặﰠvận hên, lại bị ma đưa lối quỷ đưa đường, Tuyên Tứ đánh keo nào thua keo ấy, càng muốn gỡ gạc thì càng bị thua đậm. Chung cục, ông đem bán hết phần ruộng đất của mình để chạy theo canh bạc, hòng kiếm lại ít nhiều, nhưng tất cả đều tan theo mây khói. Thế là ông quyết định xây dựng lại sự nghiệp, bèn mua vài con heo đem gửi cho bà vợ đã chia ly nhờ bà nuôi giúp. Nhưng chưa đầy một tháng thì mắc một chứng bệnh kỳ quái, miệng mũi lúc nào cũng tuôn ra máu mủ, đau đớn tột cùng, sớm chiếu cứ nằm trên giường kêu la bi thảm như tiếng heo bị thọc huyết. Tình trạng ấy kéo dài chừng một năm, rồi chết một cách thê thảm.
78. Sét Đánh Kẻ Tham Tàn
Trong bộ sách Pháp Uyển Châu Lâm có thuật lại một câu chuyện xưa như sau: Vào đời Đường có một nhân sĩ ở Trường Hà Bột Hải tên là Phong Nguyên Tắc, anh ta vốn là một đồ tể chuyên nghiệp. Có lần ông được Quan Lộc Tự Đại phu mời trông coi việc đầu bếp. Bấy giờ gặp lúc Vua Vu điền của Tây Phiên là Quý Tân đến triều cống, Quan Lộc Tự đại nhân thiết yến đãi khách. Sau khi đãi yến còn dư gần một trăm con dê, vua Vu Điền bèn bảo Nguyên Tắc đem chúng đến chùa phóng sinh.
Nguyên Tắc nhận lời uỷ thác của người lẽ ra phải thực hiện một cách trung thực, không ngờ bỗng nhiên anh ta khởi lên lòng tham, nghĩ rằng những con dê mập này đã đến tay ta thì lẽ đâu lại đem thả một cách khơi khơi. Do thế, liền bí mật đem gần một trăm con dê ấy đem đến lò mổ bán cho đồ tể để nhận một món tiền ngoài dự kiến, cho nên trong lòng cảm thấy rất phấn khởi.
Sự việc ấy trải qua đã mấy năm, Nguyên Tắc đã quên bẵng nó từ lâu, không còn nhớ một chút nào nữa. Ông còn được các bậc đạt quan quý nhân giao trách nhiệm trông nom công việc đầu bếp, cho nên thu nhập cũng không đến nỗi tệ, sinh hoạt tương đối thoải mái.
Vào mùa hạ tháng sáu năm Long Sóc nguyên niên, trong lúc Nguyên Tắc đang đi bộ ở bên ngoài cửa Tuyên Nhân thì trời bỗng nổi cơn gió lớn, trên không mây đen tụ lại, sấm chớp dữ dội, mưa đổ xuống như cầm chĩnh trút.
Một tiếng sét nổ chát tai, làm kinh động toàn thành; khi ấy mọi người từ xa trông thấy một kẻ chạy trốn sét không kịp là Nguyên Tắc đang quỳ bên đường, hai tròng mắt lồi ra, tóc phủ xuống hai tai, đầu ngoẻo xuống hình như đã bị đứt. Người ta tiến lại gần xem, thì quả nhiên bộ phận cổ của anh ta đã bị cất gần đứt, nửa cái đầu tựa hồ đang bị dao chém, máu me chảy ra lênh láng.
“Đây há không phải là Phong Nguyên Tắc xưa nay rất nổi tiếng là gì?” – Người quen biết thấy anh ta bị chết thảm hỏi như thế.
Đa số người khác vừa chứng kiến thảm cảnh đau thương ấy, đều kinh ngạc thốt chẳng ra lời.
Không biết một người nào đó từ đâu lên tiếng: “Tôi biết hắn ta, đây chính là kẻ bất nhân bất nghĩa, vì lòng tham trộm đàn dê đem đi bán, cho nên chung cục rơi vào cảnh huống này vậy!”
79. Giết Dê Biến Thành Dê
Tiền Mai Khê viết quyển Nghiệt Đàm thuật một sự thật nhân quả báo ứng như sau:
Tiết Khánh Quan là môt người chuyên môn sống bằng nghề giết dê. Anh ta mở một cái quán nhỏ bán thịt dê và nước cốt dê. Nhân vì anh ta có nghệ thuật nấu xương thịt dê, nước cốt dê hương vị ngon ngọt, gần xa đều biết tiếng, cho nên cửa hàng này rất nhộn nhịp, có người ở từ các phương rất xa cũng tranh thủ đến thử một lần cho biết.
Sinh hoạt mỗi ngày mỗi phát đạt, thu nhập càng ngày càng gia tăng, chẳng bao lâu anh ta trở nên giàu có.
Trong số bạn bè của y có người vốn là phật tử thuần thành, thường khuyên y: “Anh đã giàu có như thế rồi, ngàn vạn lần không nên tham lam chi nữa. Nên biết rằng gây nghiệp sát càng nặng thì chịu quả báo càng thê thảm, sao bằng sớm thức tỉnh nhanh chóng rửa tay đổi sang nghề khác, ngoài ra cũng phải làm một ít việc thiện, để bù lại những tội lỗi đã qua, mới mong tránh khỏi những tai họa truyền lại cho con cháu”.
Lời ngay thì trái nhĩ, những lời khuyên chân thành của bạn bè đều không lọt vào tai, trái lại anh ta còn tỏ ra vênh váo, hỉnh mũi cười nhạt nói: “Cứ đợi xem sao! Tôi không hề tin nghiệp báo, cũng như các luận điệu nhân quả mơ hồ ấy!”
Đến năm TiêᴠKhánh Quan hơn bốn mươi tuổi bỗng nhiên phát sinh một chứng bệnh, chỉ thấy mũi y ngước về phía trước, râu mép mọc ra giống như râu dê, hai mắt không thần sắc, tinh thần tê liệt.
“Mặt của Tiết Khánh Quan đã biến thành mặt dê!”. Tin tức này không có chân mà truyền đi rất xa. Những kẻ hiếu kỳ vô sự đều đến nhìn xem cho tận mắt. Thế là mọi người đều chắc lưỡi cho là chuyện ly kỳ, còn anh ta thì sầu bi ảo não. Thế rồi, anh ta mang theo một túi tiền nặng trịch, đi tìm kiếm danh y khắp nơi, nhưng không một thầy thuốc nào có thể làm thay đổi được bộ mặt dê của anh ta trở lại thành diện mạo con người; thôi thì cứ phó mặc cho số phận.
Một hôm, nhân có công việ, anh ta đi đến tỉnh An Huy, vì bất cẩn nên bị rơi xuống sông. Đến khi có người biết được báo cho nhà chức trách, thế là họ bủa nhau đi mò tìm, nhưng chung cục thi thể của anh ta hoàn toàn không tìm thấy đâu nữa.
80. Bắn Nai Bắn Nhầm Con Mình
Phong cảnh đường núi cực kỳ đẹp đẽ, trông ở đâu cũng xanh biếc một màu. Có thể nói anh chàng Ngô Đường này không những đến đây để thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng, mà hai cha con anh còn là du khách thường xuyên của ngọn núi này, vì anh đế⮠đây với mụch đích săn bắn.
Lưng của Ngô Đường đeo cung tên nếu bảo anh ta là một tay thần tiễn thiết nghĩ cũng không sai mấy. Vì lẽ anh ta không khi nào bắn trật mà còn là một tay “Bách bộ xuyên dương” (Đứng xa hàng trăm bước mà bắn trúng lá dương liễu); nghĩa là trong tâm tương ứng với cánh tay buông ra. Bất cứ loài mãnh thú nào gặp phải anh ta thì coi như đã gặp phải khắc tinh, khó mà tránh được đại nạn.
Lúc bấy giờ, thấy từ nơi xa xa một con vật có sừng, à, thì ra đây là một con hoẵng. Khi thấy con nai con dễ thương này, Ngô Đường đã không sinh lòng thương cảm mà anh còn lập tức rút lên lắp vào cung, rồi buông dây. “Phặp” một cái trúng đích, con ai con ấy lăn quay xuống đất, tắt thở ngay lập tức. Ở phía trái có một con nai lớn chứng kiến cảnh tượng ấy, mặc dù thấy con chết đau thương đứt ruột, nhưng phát hiện có bóng người, nên chỉ kêu lớn một tiếng rồi tìm đường lẩn tránh.
Thế là Ngô Đường cùng con ẩn núp trong một bụi rậm, đứng rình đợi con nai kia xuất hiện trở lại, đến khi thấy nó dùng lưỡi liếm con nai con, liền lập tức buông tên. Con nai mẹ ấy cũng kết thúc số phận một cách bi thương, nằm quuống đất. Hạ liên tiếp hai con nai một lúc mà trong tâm ý của Ngô Đường vẫn chưa cho là đủ, bèn đứng chờ một lát, thì hình như có một con nai nữa xuất hiện ở bên cạnh đó, liền giương cung buông tên, con nai ấy cất tiếng kêu rồi ngã lăn ra. Nhưng mà tiếng kêu thê thảm ấy hình như không phải là tiếng nai kêu mà là tiếng người. Vội vàng chạy đến nơi xem kỹ, thì hóa ra con nai mình vừa bắn chết lại chính là con mình! Ôi thôi, phục xuống ôm chầm lấy tử thi của con đau đớn tột cùng.
Lúc bấy giờ bỗng có tiếng văng vẳng trên không trung truyền đến: “Này Ngô Đường, ngươi đã biết nỗi đau thương khi con mình chết chưa? Ngươi không hiểu rằng tình thương con của con nai với tình thương con của người nào có khác gì?”
Đoạn anh ta tựa mình xuống đất trông lên trời, trong lúc không đề phòng, thì bỗng dưng một con mãnh hổ hung dữ từ trong bụi rậm phóng đến nhanh như tia chớp, cắn lìa cánh tay mà Ngô Đường dùng để bắn; vậy là Ngô Đường nằm trên vũng máu mà chết.