Oanh Vũ Trốn Học và Gặp Nạn
Oanh Vũ Trốn Học và Gặp Nạn
Câu chuyện chim Oanh Vũ
4) Oanh Vũ Trốn Học & Gặp Nạn:
Hôm đó, nhân ngày mát trời, bốn chú bé Oanh Vũ rủ nhau trốn học đi chơi, mặc dù Bố Mẹ chúng đã nhiều lần căn dặn: phải siêng năng chăm chỉ học hành, đừng ham chơi lêu lõng giữa đường.
Dọc đường, rừng núi hùng vỹ, suối reo róc rách, lá thông reo cười; từng đàn bướm bay lượn, vừa hút nhụy hoa vừa ca hát… “Này các chú bé kia ơi! Sao mà các chú rảnh rang đến thế?”. Một con tò vò vừa xe cát vừa nghêu ngao: “Xấu xa thay những kẻ trốn học biếng lười!”.
Bốn cậu bé thẹn thùng xấu hổ, cúi mặt xuống và cắm cổ bay đi… nhưng vừa được một khoảng thì chúng gặp một con cáo, lão cất tiếng gọi: “Này các em bé dễ thương của ta ơi! Đi đâu mà vội thế, lại đây cho tôi hỏi cái này một tí đi”. Bốn chú Oanh Vũ đến gần lễ phép hỏi: “Bác có việc gì cần đến chúng tôi thế?”
Cáo ta thấy chim non thì thích ăn thịt lắm, nhưng nghiệt nỗi là gã còn đang cấn cái sương gà ngang cổ nên đành nhìn mà chảy nước bọt…
Số là hôm qua, cáo đi ăn giỗ tại nhà bác Sói, vì tham ăn, gã đã nhịn ăn trước hai ngày, nên khi ngồi vào bàn tiệc là gã đã ngấu nghiến nhai lấy nhai để, một cái xương mắc kẹt ngang cổ, nuốt không xuống mà khạc nhỗ không ra. Gã nằm bên vệ đường chờ bác Cò làm thầy mằn đi ngang qua để nhờ lấy cái xương ra, nhưng mãi vẫn chưa thấy Cò đến.
Sau khi nghe các chú Oanh Vũ hỏi, Cáo vừa khát vừa nói: “Các cháu ơi ! Đi đâu mà vội thế? Lại đây ta kể chuyện này cho mà nghe, hay lắm”.
Bốn chú Oanh Vũ đem chuyện trốn học của mình kể lại cho Cáo già nghe, Cáo già lên mặt kẻ cả, trầm giọng bảo: “Chà, tội nghiệp cho các cháu của tôi quá, ai đời lại nghe bọn con ong, con tò vò bao giờ; chúng chỉ biết làm tiền thôi các cháu ạ! Nầy, các cháu lại đây, bác có chuyện này bí mật muốn nói với các cháu”.
Bốn chú chim ngây thơ chạy lại bên cạnh lão cáo già; lão chớp mắt lia lịa, há hốc mồm ra định nuốt chững bốn chú chim, nhưng khốn nỗi, mới vừa há mồm ra, thì cái xương lại xốc sâu hơn nữa… nước mắt lão trào ra…
Bốn chú Oanh Vũ ngạc nhiên hỏi: “Sao bác lại khóc?”
Cáo già cắn răng: “—! Tại vì bác tủi thân, bác có một kho tàng đồ sộ, mà con cái lại không có”.
Bốn chú Oanh Vũ ngắt lời: “Tội nghiệp bác quá đi!”
Cáo già lại tiếp: ” Bây giờ bác muốn để lại cho các cháu, nhưng bác sợ các cháu không chịu nhận, bác đau lòng quá… hu, hu hu…”
Cánh Hồng hỏi: “Kho tàng của bác có bánh ngọt không?”; còn Cánh Nâu thì : “Kho tàng của bác có lúa thóc không ?”. Cáo già mau mắn: “Có, có tất cả, cái gì cũng có hết, không thiếu thứ gì”. Cánh Vàng thỏ thẻ: “Như vậy, kho tàng của bác có sách vở và Thầy giáo không?”
Cáo già trả lời: “Cháu chỉ nói bậy, đã là kho tàng thì làm gì có những thứ ghê gớm và nguy hiểm ấy”.
Bốn chú Oanh Vũ cùng reo lên: “Thích quá nhỉ, nhưng kho tàng của bác ở đâu nhỉ?”
Cáo già bèn dẫn cả bốn chú Oanh Vũ vào một cái hầm đốt than bỏ phế lâu ngày, cáo ta định bụng chờ bốn đứa nhỏ vào đó, gã sẽ đóng các cửa và nhốt chúng lại, rồi chờ khi nào hết mắc xương sẽ vào bắt ăn dần. Bốn chú bé đứng trên miệng hầm nhìn xuống hơi e ngại, nhưng cáo già đã nhanh chân hất cả bốn chú xuống rồi lấy đá chận cửa lại.
Bốn chú Oanh Vũ khóc hu hu, nhưng nào có lối thoát?! Trên miệng hầm có tiếng cười ngạo nghễ của Cáo già: “Cho đáng đời kẻ nhẹ dạ, tham ăn và nhác học”.