Phật học viện trung phần Hải Đức – Nha Trang
Phật học viện trung phần Hải Đức – Nha Trang, những chặng đường phát triển
Xin giới thiệu đến độc giả bài viết “Phật học viện trung phần Hải Đức – Nha Trang những chặng đường phát triển”- một mô hình giáo dục Phật giáo được xếp vào loại mẫu mực, một trung tâm đào tạo Tăng tài, để lại một dấu ấn lớn trong trang sử Phật giáo VN thời cận đại của ĐĐ. Thích Không Nhiên.
Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu được các nhà lãnh đạo Phật giáo xác định là phải tập trung đào tạo tăng tài, nhằm xây dựng một hàng ngũ tăng già có đủ phẩm hạnh và năng lực để gánh vác những trọng trách phật sự do bối cảnh lịch sử – xã hội bấy giờ đặt ra. Như lời đức Pháp chủ Hội Sơn Môn Tăng Già Trung Việt khẳng định: “Đào tạo tăng tài là trước hết các phật sự”!’
Chủ trương “đào tạo tăng tài” tức chú trọng đến vấn đề con người. Và con người ở đây chính là hàng ngũ Tăng bảo, một đối tượng có mối quan hệ trực tiếp đến sự tồn vong của Phật giáo – “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng
bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”(1) .
Chính vì thế, kể từ khi Hội An Nam Phật học ra đời, trên khắp dãi miền trung, nhất là tại Huế, bên cạnh hệ thống Sơn Môn Học Đường do Hội Sơn Môn Tăng Già đảm trách đã hình thành nên hệ thống An Nam Phật Học Đường do các vị tân học khởi xướng. Các trường An Nam Phật Học tại Huế lúc đầu chỉ mở ở bậc tiểu học, về sau phát triển dần đến bậc trung học và cao đẳng, song song đào tạo cả hai chương trình Phật học và thế học, có sức thu hút mạnh mẻ đối với học tăng trên khắp mọi miền đất nước. Tiêu biểu nhất là Phật học đường Trúc Lâm, Phật học đường Tây Thiên, Phật học đường Báo Quốc và Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn. Chính những ngôi trường này là cái nôi đã đào tạo ra những thế hệ tăng sĩ tài đức, mà về sau, kể từ thập niên 50 trở đi, đã trở thành những vị lãnh đạo nòng cốt của Phật giáo nước nhà, như Hoà thượng Thích Thiện Minh, Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Hoà thượng Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Minh Châu… Và chính Hoà thượng Thích Thiện Hoà – nguyên Phó Tăng thống GHPGVNTN, Hoà thượng Thích Thiện Hoa – nguyên Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, Hoà thượng Thích Trí Tịnh – đương kim Chủ tịch HĐTS GHPGVN…, cũng vốn xuất thân từ những ngôi trường này.
Phật Học Viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang ra đời năm 1956 chính là một bước phát triển nối dài của những trung tâm đào tạo tăng tài ở Huế, và là một sự tiếp nối huy hoàng đường hướng giáo dục ấy trong một hoàn cảnh mới, vận hội mới.
TIỀN THÂN PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN TẠI NHA TRANG
Hệ thống các Phật học đường tại miền Trung ra đời và hoạt động được một chặng đường khoảng chừng 20 năm, đến đầu thập niên 50, trong tình hình nước nhà gặp nhiều biến động, cuộc sống người dân gặp nhiều khốn khó, việc duy trì hoạt động của các Phật học đường do vậy cũng gặp phải những thử thách không nhỏ. Trước tình hình đó, lãnh đạo của hai tập đoàn Phật giáo tại miền Trung – Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật giáo Trung Việt – đã họp bàn và đi đến quyết định:
– Cần phải hợp nhất các Phật học đường Trung phần về một mối, bao gồm cả hai hệ thống Phật học đường do Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật giáo Trung Việt quản lý, trên cơ sở hình thành một Phật Học Viện Trung phần, một trung tâm đào tạo tăng tài có quy mô lớn, chung cho cả miền Trung và của cả nước.
– Cần phải chọn một địa điểm thích hợp để xây dựng Phật Học Viện. Địa điểm đó phải là nơi kết nối của cả miền Trung, miền Nam và cao nguyên Trung phần, thuận tiện cho việc thông tin liên lạc cũng như phân phối giảng sư đi các nơi sau khi đã đào tạo.
Theo đó, Nha Trang chính là địa điểm lý tưởng được hai Tổng trị sự chọn làm nơi xây dựng Phật Học Viện. Và chính lúc đó, vào năm 1956, Đại lão Hoà thượng Thích Phước Huệ, trú trì Tổ đình Hải Đức – Nha Trang đã phát tâm hiến cúng ngôi Tổ đình này và toàn bộ đất đai của chùa cho Giáo hội mở trung tâm đào tạo tăng tài. Phật Học Viện Trung phần tại Nha Trang chính thức ra đời từ đó. Lễ khánh thành và khai giảng khoá đầu tiên đã diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo, mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (1956).
Về cơ bản, Phật Học Viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang vốn thoát thai từ Phật Học Đường Báo Quốc (Huế) và Tăng Học Đường Nha Trang, hai ngôi trường thuộc hai hệ thống đào tạo tăng tài của Phật giáo lúc bấy giờ. Phật Học Đường Báo Quốc do Giáo hội Tăng già quản lý, trong khi đó, Tăng Học Đường Nha Trang (còn gọi là Phật học đường Nam phần Trung Việt) chính là hậu thân của Cao Đẳng Phật học đường Kim Sơn (Huế), thuộc hệ thống Phật học đường của Hội Phật giáo Trung Việt.
Đôi nét về chùa Hải Đức
Chùa toạ lạc trên núi Trại Thuỷ, còn gọi là đồi Thuỷ Xưởng, thuộc phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang.
Lúc đầu, chùa chỉ là một ngôi thảo am nhỏ thờ Phật, có tên là Duyên Sanh Tự, do Đại sư Đạt Khương Viên Giác sáng lập vào năm 1883 tại làng Phước Hải (thuộc trung tâm thành phố Nha Trang hiện nay) để làm nơi chuyên tu thiền định. Về sau, nhờ công đức giáo hoá của ngài, tín đồ tìm đến học đạo mỗi ngày một đông, dần dần ngôi thảo am Duyên Sanh đã trở thành “chùa hội” đối với quần chúng phật tử khắp nơi trong vùng. Từ đó, Đại sư Viên Giác quyết định đổi tên chùa thành Hải Đức Tự như hiện nay.
Sau khi Đại sư viên tịch, vào năm 1909, đệ tử của ngài là Hoà thượng Ngộ Tánh Phước Huệ, tổ khai sơn Tổ đình Hải Đức – Huế vào kế thế trú trì. Để tưởng nhớ ơn thầy, Hoà thượng Phước Huệ đã triệu tập toàn thể tông môn và tín đồ nhóm họp, quyết định đại trùng tu Tổ đình. Kể từ đó, Tổ đình Hải Đức – Nha Trang trở thành một ngôi phạm vũ uy nghi, một đại tòng lâm có quy củ, quy tụ hằng trăm tăng tín đồ từ khắp nơi đến tu học, được chính phủ Nam triều sắc ban biển hiệu “Sắc Tứ Hải Đức Tự”.
Năm 1939, vì tuổi cao sức yếu, một mình không thể đảm trách chu toàn phật sự cả hai nơi (Hải Đức Nha Trang và Hải Đức Huế), Hoà thượng Phước Huệ đã quyết định uỷ nhiệm đệ tử của mình là Thượng toạ Bích Không thay thế trú trì. Bấy giờ Nha Trang đã phát triển thành một đô thị sầm uất. Nhận thấy cảnh huyên náo chốn thị thành không phù hợp với sự sinh hoạt của thiền môn, Thượng toạ Bích Không liền xin ý kiến Hoà thượng Phước Huệ tìm nơi thích hợp để di dời chùa. Kết quả là chùa được di chuyển từ trung tâm thị xã Nha Trang lên toạ lạc trên đồi Trại Thuỷ như hiện nay. Quá trình di dời chùa được tiến hành từ đầu năm 1943, đến đầu năm 1945 mới hoàn thành.
Năm 1950, Hoà thượng Phước Huệ từ Huế vào, thấy cảnh chùa không ai trông coi, Thượng toạ Bích Không bấy giờ đã tham gia Mặt trận cứu quốc và thoát ly ra Bắc, Hoà thượng đã cho thành lập một Ban hộ tự để tạm thời chăm sóc công việc chùa.
Năm 1956, khi hay tin Thượng toạ Bích Không vừa viên tịch tại chùa Diệc, tỉnh Nghệ An, và trong thời điểm đó, khi biết hai Tổng trị sự Phật giáo Trung phần (Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật giáo Trung Việt) đang có ý định thống nhất các Phật học đường tại miền Trung thành một tổ chức đào tạo tăng tài có quy mô lớn, và đang tìm kiếm địa điểm thích hợp tại Nha Trang để xây dựng Phật học viện, Hoà thượng Phước Huệ liền triệu tập toàn thể môn đồ và Ban hộ tự nhóm họp, nói rõ ý định hiến cúng chùa Hải Đức và các cơ sở liên hệ cho Phật giáo Trung phần để làm nơi đào tạo tăng tài.
Ngày 26 tháng 7 năm 1956 (nhằm ngày 19 tháng 6 năm Bính Thân), một phiên họp được diễn ra tại chùa Hải Đức – Nha Trang với sự tham dự của đại diện hai bên để bàn định các điều khoản giao ước hiến cúng chùa. Đại diện cho hai Tổng trị sự có Thượng toạ Thích Trí Thủ và Thượng toạ Thích Trí Quang, đại diện phía Tổ đình Hải Đức có Hoà thượng Thích Phước Huệ, Đại đức Thích Chánh Nhàn và các ông Nguyễn Diệu, Nguyễn Vinh, Nguyễn Huy, Phạm Ất thuộc Ban hộ tự. Sau khi bàn định, một văn bản thoả thuận nguyện cúng chùa gồm 7 khoản được thành lập, hai bên đồng ký tên, có đại diện tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hoà là ông Lê Bá Chẩn – Phó tỉnh trưởng chứng thực (2). Thượng toạ Thích Trí Quang, Chánh Hội trưởng Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật Học, thay mặt lãnh đạo hai Tổng trị sự đã có thư phúc đáp(3).
Ngay sau phiên họp đó, một Ban quản trị Phật Học Viện được thành lập, và hai Tổng trị sự quyết định chọn ngày 29 tháng 9 năm 1956 (nhằm ngày 22 tháng 8 năm Bính Thân) làm lễ nhập tự và tiếp quản chùa.
Về Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang
Phật học đường Báo Quốc chính thức được thành lập năm 1935, do Thượng toạ Thích Trí Độ làm Đốc giáo, đặt dưới quyền điều khiển của Hội An Nam Phật học. Lúc đầu, trường chỉ đào tạo ở hai cấp tiểu học và trung học. Về sau, Thượng toạ Trí Độ và Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám có ý phát triển trường theo mô hình đại học Nalanda nên đã xây dựng chương trình đào tạo đủ cả 3 cấp, bao gồm cả chương trình Đại học. Đến năm 1943, trường được chuyển lên đóng tại chùa Kim Sơn ở Lựu Bảo, lấy tên là Cao Đẳng Phật Học Đường Kim Sơn. Sau khi đào tạo khoá đầu tiên tốt nghiệp, đến năm 1945, gặp lúc nạn đói hoành hành, vật giá đắt đỏ (tiền ăn của học tăng từ 5 đồng một tháng bỗng nhiên vọt lên 60 đồng một tháng), trường không thể tiếp tục duy trì nên phải tạm thời đóng cửa. Một số học tăng được gửi ra Bắc theo học tại Tùng lâm Quán Sứ, một số lớn được Hoà thượng Thiện Hoa và Hoà thượng Trí Tịnh, bấy giờ vốn là những học tăng của trường vừa tốt nghiệp khoá đầu, đưa vào Nam theo học tại các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức, Mai Sơn, Ứng Quang. Đến năm 1947, khi tình hình kinh tế xã hội đã tạm vãn hồi, Phật học đường Báo Quốc mở cửa đón học tăng trở lại, nhưng lúc này trường được đặt dưới quyền điều khiển của Giáo hội Tăng già, do Thượng toạ Trí Thủ làm Giám đốc kiêm Đốc giáo.
Trong khi Phật học đường Kim Sơn tại Huế không thể tiếp tục duy trì thì tại Nha Trang, vào năm 1952, một ngôi trường của Hội Phật giáo Trung Việt (hậu thân của Hội An Nam Phật học) đã được thành lập, lấy tên là Tăng Học Đường Nha Trang, do Thượng toạ Thiện Minh làm cố vấn, Thượng toạ Huyền Quang làm Giám đốc, Thượng toạ Thiện Siêu làm Đốc giáo. Tăng Học Đường Nha Trang chính là hậu thân của Cao Đẳng Phật Học Đường Kim Sơn, tiếp tục duy trì đường hướng giáo dục của Hội Phật giáo Trung Việt. Chính trong lời diễn từ của Ban Giám đốc Tăng Học Đường Nha Trang đọc trong dịp lễ mãn khoá năm học 1955 đã khẳng định: “Phật học đường Nha Trang là đứa con chính thống, thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại” (4).
Như vậy, có thể nói, trên cơ sở hợp nhất Phật Học Đường Báo Quốc và Tăng Học Đường Nha Trang, Phật Học Viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang ra đời chính là đứa con đầu lòng, được thành hình do sự hợp lưu của hai hệ thống Phật học đường nói trên.
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN
Ban Quản trị Phật Học Viện
Ngay sau khi tiếp nhận chùa Hải Đức, một Ban quản trị Phật Học Viện đã được thành lập. Ban quản trị gồm 6 vị, trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt và đường hướng của Phật học viện, và phải chịu trách nhiệm trước hai Tổng trị sự. Thành phần được thỉnh cử gồm có:
Viện trưởng: Hoà thượng Thích Giác Nhiên
Phó Viện trưởng: Thượng toạ Thích Trí Quang
Giám viện: Thượng toạ Thích Trí Thủ
Giáo thọ trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu
Tổng thư ký: Thượng toạ Thích Huyền Quang
Tổng thủ quỷ: Thượng toạ Thích Thiện Minh
Mục đích, tôn chỉ của Phật Học Viện
Đạo pháp hưng thịnh hay suy yếu đều do tăng già quyết định, vì tăng già là người trực tiếp đẩy bánh xe chánh pháp đi giữa cuộc đời. Chỉ khi nào hàng ngũ tăng già có đủ giới đức thanh tịnh, học vấn uyên thâm mới đủ sức lèo lái con thuyền chánh pháp đi đúng hướng, đem lại an lạc hạnh phúc cho chúng sanh. Xác định rõ điều đó, mục đích của Phật Học Viện là: “đào tạo ra những tu sĩ có giới hạnh nghiêm túc, học vấn quảng bác, tinh thần mềm dẽo, ý chí hùng dũng, an nhiên bình thản khi an cũng như lúc nguy, không chấp cũng không vọng cầu, lấy việc độ sanh làm sự nghiệp, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm lẽ sống duy nhất cho đời sống chân thật” (5).
Từ đó, Ban quản trị Phật học viện thường xuyên nhắc nhở các học tăng phải luôn tâm niệm ba điều cốt tử, coi đó là tôn chỉ của mình, kể cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường cũng như sau này lên đường hành đạo:
1. Không có vấn đề cá nhân tranh thắng, chỉ có vấn đề Đạo pháp trường tồn.
2. Tín đồ là tất cả chúng sanh. Khả năng của tín đồ là một lực lượng vô biên để phát huy Chánh pháp.
3. Hoàn cảnh khách quan giúp cho tổ chức chúng ta phát triển có thuận có nghịch khác nhau, nhưng đường lối chủ quan mà Chánh pháp đã dạy là phải giải cứu tất cả khổ đau của chúng sanh, không phân biệt oán thân (6).
Cơ sở vật chất của Phật Học Viện
Để có đủ cơ sở tiện nghi cho tăng chúng tu học, ngay sau khi tiếp quản chùa, Ban quản trị đã uỷ nhiệm Thượng toạ Giám Viện trực tiếp đảm nhiệm công tác kiến thiết, mở rộng trường ốc và các cơ sở thiết yếu.
Cùng với Ban hộ tự, công việc đầu tiên được Thượng toạ Giám Viện thực hiện là cho mở rộng hai dãy liêu ở hai hông tả hữu của chùa.
Đầu năm 1958, cho xây dựng một ngôi nhà dài 20m, rộng 10m, nửa trước được ngăn làm phòng học, nửa sau làm tăng xá. Cũng trong năm này, một Bệnh xá được xây dựng hoàn thành, dài 10m50, rộng 6m, dành cho các vị Giáo thọ và học tăng tịnh dưỡng khi lâm bệnh.
Ngày 10 tháng 5 năm 1959, hoàn thành một dãy nhà dài 36m, rộng 9.0m, được chia làm 7 phòng, trong đó có Văn phòng Ban Giáo thọ, một hội trường lớn dùng làm Thư viện, còn lại là phòng học. Ngày 10 tháng 12 năm 1959, hoàn thành một dãy nhà dài, gọi là Tịnh nghiệp hiên, dài 16m, rộng 6m, dùng làm nơi tu tập hàng tháng cho Đạo tràng Bát quan trai của Phật tử tại Nha Trang, và làm nơi lưu trú cho khách thập phương.
Ngày 7 tháng 8 năm 1960, hoàn thành một Thiền thất gồm ba phòng, dành cho chư tăng nhập thất hành thiền.
Ngày 3 tháng 1 năm 1961, chú đúc một Đại hồng chung tại Phật Học Viện, cao 1m70, đường kính 1m10, nặng 1010 kg (với ý nghĩa biểu trưng cho năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long). Đại hồng chung được đặt tại gác chuông trên đỉnh đồi phía đông của Phật Học Viện. Tiếng chuông Phật Học Viện một thời đã lắng đọng vào tâm thức của biết bao thế hệ người dân thành phố Nha Trang, đã đi vào thi ca của giới tao nhân mặc khách. Đặc biệt, Thi sĩ Quách Tấn có khá nhiều bài thơ và ký rất tinh tế nói về tiếng chuông của Phật Học Viện.
Cơ sở vật chất của Phật Học Viện Trung phần còn có các chi nhánh Phật học viện trực thuộc tại Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, cũng như các cơ sở kinh tài của Phật Học Viện.
Nội dung – chương trình đào tạo
Sau ngày khai giảng, học tăng của hai trường Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang, với tổng số 105 người, được quy tụ về Phật học viện Trung phần, cùng học chung một chương trình do Phật Học Viện ấn định.
Nội dung giảng dạy bao gồm cả nội điển và ngoại điển. Phần nội điển gồm có kinh, luật, luận, sử Phật giáo…, và dĩ nhiên đây là nội dung đào tạo chính. Riêng ba tháng an cư, học tăng chỉ chuyên tâm tu tập và trau dồi nội điển. Về ngoại điển gồm có Việt văn và các môn giáo khoa căn bản. Về sinh ngữ có tiếng Anh, tiếng Pháp. Về cổ ngữ có Hán cổ, Pali và Sanskrit.
Chương trình đào tạo được phân làm ba cấp: Tiểu học, Trung học và Đại học. Thời gian theo học cả ba cấp được quy định là 10 năm, gồm một năm dự bị, 3 năm Tiểu học, 3 năm Trung học và 3 năm Đại học. Muốn vào lớp dự bị, học tăng phải đủ 15 tuổi trở lên, và phải tốt nghiệp ban tiểu học bên ngoài. Và khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, trình độ ngoại điển của học tăng tối thiểu phải từ Tú tài trở lên.
Các ban ngành của Phật Học Viện
Để tạo môi trường đào luyện và trang bị những kiến thức, kỹ năng căn bản cho học tăng, giúp học tăng chuẩn bị những hành trang cần thiết để sau này ra trường đảm trách sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, Phật Học Viện đã mở ra nhiều ban ngành đào tạo, mời những vị giáo thọ, giảng sư có uy tín phụ trách, kể cả những học tăng ưu tú sau khi ra trường cũng được sung vào các ban này. Những ngành cơ bản gồm có:
1. Ngành Giáo thọ: Ngành này gồm những vị tinh thông nội điển, có trách nhiệm giảng dạy giáo lý cho các lớp tiểu học, trung học và đại học tại Phật học viện hoặc được cử đi giảng dạy tại các chi nhánh của Phật học viện. Bên cạnh đó, nghành này còn có trách nhiệm nghiên cứu, dịch thuật, trước tác những giáo trình, những tác phẩm cần thiết để phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như quảng bá. Đây được xem là ngành đầu não của Phật học viện.
2. Ngành Trụ trì: Ngành này gồm những vị có năng lực về tổ chức hành chánh, hướng dẫn phật tử và thông thạo nghi lễ. Các học tăng sau khi tốt nghiệp Phật học viện được phái về thường trú tại các tự viện, các chùa Hội quán của các địa phương để hướng dẫn và điều hành phật sự tổng quát, với tư cách là đại diện cho Phật giáo tại địa phương, phụ trách cả công tác đối nội và đối ngoại. Trú trì cũng có thể đảm trách luôn trách nhiệm giảng sư, nếu địa phương ấy chưa có giảng sư được phái đến.
3. Ngành Giảng sư: Ngành này gồm những vị tinh thông nội điển cũng như những kiến thức xã hội cần thiết, có khả năng diễn thuyết trước quần chúng, đảm trách giảng dạy Phật pháp cho quần chúng Phật tử tại các địa phương. Khác với trú trì, giảng sự không thường trú tại các địa phương mà được thuyên chuyển liên tục. Lãnh đạo Phật Học Viện và Tổng Hội Phật giáo còn lên kế hoạch đưa học tăng đi tham học và giảng pháp ở nước ngoài.
4. Ngành Giáo sư tư thục: Ngành này gồm những vị hội đủ điều kiện để đảm trách giảng dạy giáo lý và chương trình ngoại điển ở các cấp tại các trường tư thục Phật giáo. Mục đích của Phật Học Viện hướng đến là đào tạo ra những con người có năng lực để đảm trách việc quản lý, giảng dạy tại các trường tư thục Bồ Đề của Phật giáo cũng như dạy giáo lý cho Gia đình Phật tử tại các địa phương. Ngoài ra, ngành này còn hợp lực với ngành Giáo thọ để biên soạn giáo trình, sách báo phục vụ cho công tác giảng dạy.
5. Ngành kinh tài: Với quy mô tổ chức lớn như vậy, Phật Học Viện cần phải có một kế hoạch sinh tài có hiệu quả để duy trì mọi sinh hoạt của Phật học viện, như kiến thiết trường ốc, cung ứng những nhu cầu tối thiểu cho học tăng trong quá trình theo học tại viện. Vì vậy, Ban quản trị quyết định thành lập ngành kinh tài, giao cho những vị thiệp thế, có sáng kiến, có khả năng kinh tài và đã được đào tạo chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phụ trách. Người được Ban quản trị tin tưởng và giao trọng trách này chính là Thượng toạ Thích Đỗng Minh.
Các cơ sở kinh tài của Phật Học Viện gồm có Nhà xuất bản Hoa Sen, nhà in Liên Hoa, hãng vị trai Lá Bồ Đề và Hương Giải Thoát, xưởng sản xuất Đèn sáp Giác Ngộ, Thuốc tẩy Phiền não, xà phòng Chân Như… được mở tại Nha Trang và Huế.
6. Thư Viện: Từ năm 1958, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các phật tử hảo tâm, các Nhà xuất bản, Ban quản trị Phật Học Viện đã cho thành lập một Thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của học tăng cũng như các vị giáo thọ. Thư viện đã sưu tập được một nguồn tư liệu khá phong phú, có đủ nội điển, ngoại điển và các sách báo quốc văn cũng như ngoại văn.
(xem tiếp phần 2- mục Văn hoá-lịch sử)