Shangri-La (Trung Điện)
Shangri-La (Trung Điện)
Shangri-La, phiên âm tiếng Hán là Hương Các Lý La (香格里拉), cũng tức là Trung Điện (Zhongdian – 中甸) đã được đổi tên từ ngày 18 tháng 3 năm 1997. Tuy nhiên, tên gọi đầu tiên hết của người Tạng đặt cho nơi này là Gyalthang (Kiến Đường – 建 糖) và đến bây giờ họ vẫn còn sử dụng.Huyện Shangri-La cách Lệ Giang khoảng 180km và là “biên giới” của Trung Quốc từ Lệ Giang vào Tây Tạng. Shangri-La vốn là một thành phố nhỏ tự trị của người Tạng nằm về miền tây bắc, tỉnh Vân Nam, có độ cao 3300 mét. Tổng cộng dân số của Shangri-La từ huyện thành đến làng quê là khoảng 350.000.
Vì sao gọi là Shangri-La? Sau khi nhà văn người Anh James Hilton phát hành cuốn Lost Horizon vào năm 1933, nhiều người trên khắp thế giới đã bắt đầu đi tìm Shangri-La mà James Hilton gọi là “thiên đường nhân gian”. Trong sách, ông miêu tả về một thung lũng an lạc vĩnh cửu của loài người khiến ai cũng cho đó là một nơi hoang tưởng, không thể nào có thật. Song có lẽ vì lòng khao khát một cõi “thần tiên” như thế nên họ vẫn đi tìm thử ở Bhutan, Nepal, Pakistan v.v… Cuối cùng thì họ chỉ tìm thấy được sự khế hợp nhiều nhất từ sách của ông với Trung Điện này mà thôi. Thêm vào, sự khẳng định ấy đã trở nên vững vàng khi một người bạn của ông xác thực rằng họ đã từng sống ở đó một thời gian khá dài. Vậy là James Hilton đã lấy Trung Điện làm nguồn cảm hứng và bối cảnh cho truyện của ông. Nhưng lý do tại sao ông lại gọi nơi đó là Shangri-La vẫn là điều chưa ai biết được. Họ chỉ có thể giải thích theo Phật Pháp và Tạng ngữ rằng từ “Shangri” là một từ cùng loại với “shambhala” trong Kinh Phật giáo tiếng Tạng nghĩa là cõi an lạc hay tịnh độ và chữ “La” có nghĩa là vượt lên.
Từ khi Trung Điện (có nghĩa mặt trời và mặt trăng trong tâm) được biết đến là Shangri-La nổi tiếng trong tiểu thuyết của James Hilton, Trung Quốc đã đổi tên huyện này thành Shangri-La với chủ ý là để phát triển ngành du lịch ở nơi này. Tuy là ngày nay huyện Shangri-La đã được hiện đại hóa và có cả phi trường nhưng vẫn thật sự là một “thiên đường nhân gian” vì ở đây còn những nơi có cảnh thiên nhiên đẹp vô ngần, có mây trắng, có thảo nguyên đầy hoa, có hồ xanh, núi tuyết, ôn tuyền, thác nước v.v… và thật xa thành phố lẫn trong những cảnh đẹp đó là những ngôi nhà nho nhỏ của người Tạng trông rất thoát tục và xa rời thế giới bên ngoài. Những nơi có thể thăm viếng tại Shangri-La là Kim Sa giang, Bích Tháp hải, chùa Tùng Tán Lâm v.v… Trong số những nơi nêu trên, chùa Tùng Tán Lâm là nơi nổi tiếng nhất và là trụ xứ của hơn 700 tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng. Tùng Tán Lâm tự (songzanlinsi) Chùa Tùng Tán Lâm còn có một tên khác nữa là Quy Hóa. Đây là một ngôi chùa theo Phật giáo Tây Tạng lớn nhất tại vùng Vân Nam, nằm về phía tây bắc của Lệ Giang và cách huyện thành Trung Điện 5km. Công trình kiến lập của chùa được bắt đầu vào năm 1679 và hoàn thành hai năm sau đó. Chùa được xây như là một vùng cung điện cổ gồm nhiều lầu các và được đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ 5 đặt tên là “Cát Đan Tùng Tán Lâm”. Cách kiến trúc của chùa là sự kết hợp giữa Hán và Tạng, đỉnh ngói vàng đồng, điêu khắc trên các tầng là theo kiểu Tạng, còn 108 trụ chính là theo người Hán. Trong điện chính của chùa có những bức bích họa kể về Đức Phật, ngoài ra từ tượng Phật, Kinh điển đến đèn, lư v.v… trong chùa đều rất giá trị, có thể nói đều là bảo vật trên đời! Chùa được xem như là một cung Potala nhỏ vì có đủ hình thức trang nghiêm truyền thống huyền bí của Tây Tạng. Ngoài những ngày lễ sám của chùa, mỗi năm người Tạng đều tựu về đây để tổ chức lễ Cách Đông và lạy Phật rất nhiều. Chính điện của chùa rộng đủ cho khoảng 1600 người vào lạy Phật hoặc tụng Kinh.
Quan Châu