ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN VÀ TƯƠNG QUAN GIỮA PHẬT TỬ CÙNG KITÔ HỮU

ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN VÀ TƯƠNG QUAN GIỮA PHẬT TỬ CÙNG KITÔ HỮU

Hương Vĩnh

Vào tháng chín năm 1994 ở Luân Đôn, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã hướng dẫn cuộc Hội Thảo John Main: đó là cuộc gặp gỡ hằng năm nhằm mục đích khai triển đời sống nội tâm để tưởng nhớ linh mục Biển Đức John Main mà cha Bede Griffiths đã có lần nói về ngài là vị linh hướng quan trọng nhất trong Giáo Hội ngày nay.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và Dom John Main đã gặp nhau hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1980 tại nhà thờ Chính Tòa Công giáo ở Montréal, tỉnh bang Québec, Canada. Tại đó, người ta đã xin cha John Main đón tiếp vị thủ lãnh Tây Tạng với tư cách là người tu sĩ anh em, trong buổi tối khai mạc cuộc gặp gỡ liên tôn.

Trong những cuộc hội họp chuẩn bị cho buổi chiều hôm đó, tôi nhớ lại cha John Main đã mạnh mẽ biện hộ là phải đưa vào chương trình một khoảng thời gian quan trọng cho việc chiêm niệm trong thinh lặng. Những vị lãnh đạo tôn giáo có mặt vào buổi chiều tối cầu nguyện liên tôn đó, từ Đức Tổng Giám Mục cho đến pháp sư người thổ dân châu Mỹ, đã phát biểu những tâm tình chứng tỏ tình thân hữu và đọc lên những lời kinh tuyệt vời.

Nhà thờ Chính Tòa tối hôm đó tràn ngập lời ca, lời xướng kinh cùng với những mỹ thuật rực rỡ của văn hoá Kitô giáo.  Những người tổ chức đã lo lắng về đề nghị giữ 20 phút thinh lặng trong một buỗi lễ với tầm vóc rộng lớn như thế.  Nhưng cha John Main đã khẩn khoản yêu cầu và cuối cùng ngài đã được mọi người đồng ý.

Sau buổi lễ, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã tìm gặp vị tu sĩ Biển Đức đón tiếp ngài để nói lên lời cảm kích biết bao đối với sự kiện bất thường là ngài được thiền định trong một ngôi thánh đường Công Giáo. Chứng kiến cuộc nói chuyện giữa họ, tôi nhận ra một sự tương thân tương ái lớn lao nối kết hai vị.

Những lời trao đổi giữa họ chỉ có tính cách bình thường, nhưng tôi có cảm giác họ đã thăm dò một cuộc đối thoại thâm sâu hơn, có tính cách thinh lặng hơn. Kế đó cha John Main đã mời Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma tới thăm viếng cộng đoàn bé nhỏ Biển Đức vừa mới thành lập cạnh trung tâm thành phố Montréal, chuyên về thực hành và quảng bá đường lối chiêm niệm theo truyền thống Kitô giáo.

Vào thời điểm đó, chúng tôi ở ngoại ô thành phố trong một ngôi nhà nhỏ, sống giữa một cộng đoàn mở rộng gồm nhiều giáo dân quanh vùng. Đó là một lối sống đời tu ở chốn thị thành theo đường hướng múc lấy nguồn sinh lực trong truyền thống tâm linh Kitô giáo.

Tôi phân vân không biết Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma sẽ nghĩ gì? Chắc hẳn ngài sẽ hình dung đến những đại tu viện thời Trung Cổ. Khi thư ký của ngài đã nói chen vào là tiếc thay thời khóa biểu của ngài đã dày đặc nên không cho phép ngài nhận lời mời được, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào.

Nhưng rồi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma xoay về phía người thư ký và nói với một giọng cương quyết – tuy vẫn ngọt ngào – là ngài quyết định nhận lời mời và phải dàn xếp để đưa cuộc thăm viếng đó vào thời khóa biểu của ngài. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhấn mạnh như thế và ngài đã thành công. Cha John Main và Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhìn nhau, mỉm cười và chia tay.

Chúa nhật kế tiếp, vài giờ sau khi cảnh sát Canada khám xét toàn diện trung tâm, đoàn xe limuzin của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã dừng lại trước tòa nhà của cộng đoàn tu trì. Ngài đã cùng với chúng tôi ngồi chiêm niệm vào lúc ban trưa trong phòng chiêm niệm bé nhỏ của chúng tôi. Tiếp theo, ngài đã ăn trưa với chúng tôi. Cũng theo lệ thường, chúng tôi ăn trong thinh lặng. Sau bữa ăn, chúng tôi có một cuộc nói chuyện ngắn ngủi, rồi cha John Main và Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã rút lui để trò chuyện riêng tư với nhau.Trước khi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma ra đi, chúng tôi biếu ngài một cuốn “Luật dòng Thánh Biển Đức” và ngài đã tặng lại cha John Main dải lụa trắng theo truyền thống Tây Tạng để tỏ lòng tôn kính. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma ra về và cha John Main tiếp tục công việc đặt nền móng xây dựng Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo. Và họ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa sau buổi chiều mùa thu năm 1980 đó.

Giữa lần gặp gỡ đó và lời mời vào năm 1993, nhiều việc đã xảy ra. Cha John Main đã qua đời năm 1982 vào lứa tuổi năm mươi sáu, trong khi Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô giáo vừa mới hình thành. Nhưng giáo huấn về chiêm niệm Kitô giáo của cha đã bắt đầu lan rộng trong Giáo Hội. Trong những năm kế tiếp, các bài học thiêng liêng này tiếp tục phát triển và chúng nuôi dưỡng cùng củng cố đời sống nội tâm của một số lớn Kitô hữu. Hai mươi lăm trung tâm đã mọc lên và hơn một ngàn nhóm nhỏ hàng tuần gặp gỡ nhau ngõ hầu hỗ trợ việc thực hành chiêm niệm của mỗi cá nhân. Những nhóm đó ở rải rác trên một trăm quốc gia.

Trung tâm quốc tế của Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới đã được thành lập ở Hoa-Kỳ nhân cuộc hội thảo vào năm  1991 ở New Harmony, Indiana, do cha Bede Griffiths hướng dẫn. Cha Griffiths là một tu sĩ Biển Đức và là người đi tiên phong trong vấn đề đối thoại liên tôn bắt đầu ở Luân Đôn. Những cuộc hội thảo trước đó được điều khiển bởi nữ chuyên viên Phạn ngữ là cô Isabelle Glover, triết gia Charles Taylor, nhà bình luận văn chương Robert Kiely, nhà tâm lý học thuộc dòng Thánh Giuse là nữ tu Eileen O’Hea, học giả John Todd, sáng lập viên cộng đoàn “L’Arche” – chuyên trách những người khuyết tật là ông Jean Vanier, và nhà thần học kiêm học giả dòng Tên là cha William Johnston.

Đáp lại lời mời của chúng tôi, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã ngỏ đôi lời vắn tắt là ngài còn nhớ cuộc gặp gỡ của ngài với cha John Main mười ba năm trước và ngài sung sướng thấy cộng đồng lớn mạnh khắp thế giới. Ngài cũng sung sướng và lấy làm hãnh diện được hướng dẫn cuộc hội thảo sắp tới. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của hai vị tu sĩ nhiều năm trước đây đã cung ứng cho chúng tôi một vận hội tuyệt vời. Chúng tôi đã nắm bắt vận hội đó như thế nào?

Nhiều lý do đã khiến chúng tôi đề nghị với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, người đầu tiên không phải Kitô hữu, điều khiển cuộc hội thảo. Cuộc gặp gỡ của ngài với Dom John Main tuy vắn vỏi nhưng cực kỳ quan trọng. Sự hội ngộ đó đã đưa ra ánh sáng sự cần thiết của việc triển khai cuộc “đối thoại giữa Kitô hữu và Phật tử” ở mức độ thâm sâu hơn, khả dĩ giúp mọi người có thể tiếp cận được nhờ vào đường lối chiêm niệm. Có cái gì đó dễ đánh động lòng người khi cùng nhau chia sẻ sự thinh lặng thâm sâu; điều gì đó mà ngôn từ có thể trao đổi cho nhau nhưng chẳng bao giờ thành công để diễn đạt trọn vẹn.

Sự lựa chọn của chúng tôi cũng hướng đến Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma bởi vì ngài đã trở thành một trong những bậc thầy tu đức hiện đại được yêu mến nhất và dễ dàng tiếp cận nhất. Cơn hấp hối của xứ Tây Tạng, cái thường xuyên theo đuổi ngài, đã đưa đẩy ngài vào vai trò lãnh đạo tâm linh có tính cách toàn cầu mà những giá trị đạo đức phổ cập như “hòa bình, công lý, sự khoan dung và bất bạo động” đã được thể hiện một cách hứng khởi và đồng thời cũng nghiêm túc nơi con người của ngài.  Điều đó được thấy rõ rệt khi ngài đọc lớn tiếng “Các Mối Phước Hạnh” trong Phúc Âm trong buổi thảo luận đầu tiên. Mọi người có cảm tưởng những điều đó mang một chiều kích khác trên đôi môi ngài. Đó là chiều kích của một tầm nhìn sắc bén mà ngài đã có kinh nghiệm bản thân.

Khi tìm cách để nắm bắt cơ hội này, chúng tôi được câu trả lời rõ ràng: hãy buông trôi trong phó thác. Thật vậy, chúng tôi ở trước một hoàn cảnh chưa từng xảy ra. Đó là một cuộc hội thảo ba ngày của một nhóm qui tụ những người chiêm niệm  Kitô giáo với các bằng hữu tuy không là người Kitô nhưng đã dấn thân một cách thâm sâu trong hành trình đó, đã cùng nhau tổ chức một “cuộc thảo luận có tích cách liên tôn”.

Tôi đã lưu ý Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma là cuộc hội thảo bao gồm những thời gian “chiêm niệm và thảo luận”. Chúng tôi phải cùng nhau chiêm niệm ba lần mỗi ngày. Những giờ chiêm niệm đó không phải là thời gian “đệm” trong cuộc hội thảo nhưng chính là tâm điểm của cuộc gặp gỡ. Hiển nhiên ngài không phản đối  đề nghị này. Nhưng vấn đề không phải là chỉ ngồi yên lặng mà còn tìm một đề tài để thảo luận nữa.

Chúng tôi đã duyệt xét những đề tài triết lý và tôn giáo thường được đề cập tới trong những cuộc gặp gỡ như thế giữa Phật tử và Kitô hữu, nhưng chúng tôi thiết nghĩ điều này không thích hợp với một cuộc hội thảo có một không hai này. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ trao cho Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma những gì mà Kitô hữu trân quý nhất, thánh thiện nhất và thâm sâu nhất. Vì vậy chúng tôi đã xin ngài dẫn giải “Phúc Âm”. Ngài đã nhận lời không chút do dự, chỉ lưu ý chúng tôi là tất nhiên ngài không biết nhiều về những văn bản đó. Tôi nhận thấy trong điều lưu ý của ngài một dấu hiệu đầy ấn tượng về lòng tự tin và đức khiêm tốn.

Hai ba năm trước đó ở Luân-Đôn, khi thuyết trình nhiều bài về triết lý Phật giáo, ngài đã làm ngạc nhiên cử tọa về tầm hiểu biết chính xác và sâu rộng của ngài. Giờ đây ngài đã vui lòng chấp nhận phát biểu trước một cử tọa Kitô hữu – dĩ nhiên  cởi mở và trầm ngâm – để đề cập tới một lãnh vực mà ngài biết rất ít – ít ra đó là điều mà ngài đã khẳng định với một nụ cười.

Được sự chấp thuận của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, những tham dự viên đã cương quyết dấn thân, nhưng kết quả không biết trước được. Đây là một cuộc đánh cược với niềm tin của cả hai tôn giáo. Chúng tôi không chút hoài nghi là thời gian chiêm niệm cũng như sự hiện diện của ngài để trao đổi tự nó đã có giá trị rồi. Những ai có thời gian tiếp cận với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, đều biết rằng sự hiện diện của ngài tỏa ra “sự bình an, chiều sâu nội tâm và sự an lạc”. Dù vậy, cũng chẳng có gì bảo đảm rằng cuộc hội thảo này sẽ thành công về mặt đối thoại.

Cuộc hội thảo năm 1994 với chủ đề “ĐỨC TỪ  TÂM” (The Good Heart) đã mang lại một sự thành công lớn lao mà chúng tôi không dự liệu trước. Những lời bình luận của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đối với những đoạn Phúc Âm chủ yếu của cuốn sách này.  Hiệu ứng của những lời này sẽ kéo dài đến những cuộc đối thoại ở thiên niên kỷ tới giữa các tôn giáo lớn của nhân loại. Điều này đặt để nhân loại trước một sự thách đố mới là phải kiến tạo một thế giới an bình và hòa hợp cho những thập niên kế tiếp: ngài đã đề nghị một mô thức đối thoại.

Trong những nhận xét khởi đầu của ngài, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc lại tầm mức quan trọng của những hình thức đối thoại hiện đang được áp dụng đối với các tôn giáo. Ngài đã nhấn mạnh đến những cuộc “đối thoại giữa các học giả”. Nhưng theo ngài, việc đối thoại cốt yếu và có tính cách thao tác nhất không nằm trên bình diện trí thức. Chính là một cuộc “trao đổi chân thật giữa những người thực hành đạo giáo một cách chân thành” từ quan điểm của chính đạo giáo họ, đây là cuộc đối thoại nhằm chia sẻ những sự thực hành liên hệ của chính họ.

Ý niệm đó tạo thành mẫu số chung cho những tư tưởng gia Kitô giáo lẫn Phật giáo. Trong truyền thống đan viện Kitô giáo lúc ban sơ, Các Thánh Giáo Phụ đã nhấn mạnh đến trọng tâm của việc “thực hành” (praktike) tức là kiến thức xuất phát từ kinh nghiệm chứ không phải từ sự hiểu biết có tính cách khái niệm. Đức Hồng Y Newman đã cảnh cáo sự nguy hiểm sống niềm tin của mình theo một đề cương giới hạn vào sự “đồng ý tự biện” mà quên đi sự “kiểm chứng bằng kinh nghiệm cá nhân”.

Nếu cha John Main hết sức khuyến khích Kitô hữu tìm lại chiều kích chiêm niệm của đức tin mình, chính là để chúng ta phải “kiểm chứng những chân lý thuộc về đức tin chúng ta bằng chính kinh nghiệm chúng ta”. Trong bối cảnh của cuộc thảo luận này – một cuộc thảo luận dựa trên Phúc Âm –  ý hướng đó mang lại điều mới mẻ là áp dụng vào cuộc “đối thoại liên tôn”, chứ không chỉ truy tầm có tính cách cá nhân về niềm tin đạo giáo của mình

Do đó, cuộc hội thảo nầy là cơ hội để Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma khai tâm cho chúng ta nhận chân giá trị của sự khác biệt. Ngay từ đầu, ngài đã cảnh cáo chúng ta là mục đích của ngài không nhằm đóng góp vào việc xây dựng một tôn giáo đại đồng. Ngài không tin là có thể tạo lập một tôn giáo đại đồng duy nhất, trái lại ngài tin tưởng ở sự kính trọng, thúc đẩy chúng ta “tôn sùng những đặc trưng của mỗi tôn giáo”.

Nếu có những Kitô hữu ủng hộ một quan điểm có tính cách chính thống cực đoan thì nhiều Kitô hữu khác lại hội nhập trào lưu tự do và chấp nhận ý niệm tôn kính những truyền thống tôn giáo khác nhau, mặc dù với những lý do khác với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma.

Rất nhiều lần, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhấn mạnh đến sự kiện ngài là một Phật tử. Mặc dù ngài nhận thấy nhiều điểm tương đồng rất xác thực và nổi bật giữa những giáo huấn của Chúa Kitô và Đức Phật Thích Ca, nhưng ngài cảm thấy sự nguy hiểm của một số từ ngữ có thể gây ra ngộ nhận. Vì vậy ngài nhắc đến sự quan trọng phải nhận chân tầm mức bao quát của “những điểm hội tụ cũng như bất đồng” mà người ta phải truy tầm ý nghĩa trong khi theo đuổi những ước vọng tâm linh.

Người ta có những nhu cầu tâm linh khác nhau mà mỗi tôn giáo có thể cung ứng cho họ theo những điểm đặc thù khác nhau. Điều xác quyết đó xem ra dễ dàng chấp nhận, hoàn toàn có tính cách bao dung và tự do. Nhiều người xem đó là thái độ thích ứng đối với đặc tính đa dạng có tính cách toàn cầu trong thiên niên kỷ sắp tới.

Lược trình của cha Laurence Freeman
KHÁT VỌNG HÒA ĐIỆU

Hội trường Đại Học Middlesex ở phía bắc Luân-Đôn xem ra không trang trọng chút nào: chỉ một gian phòng chật hẹp với những dãy ghế gỗ lưng thoai thoải, kêu răn rắc mỗi khi hơi động đậy.

Những bích chương lớn ghi lại những câu nói của cha John Main được viết nắn nót và gắn vào các cửa sổ mở ra trên khung trời màu xám nước Anh-Cát-Lợi. Vài chiếc ghế ỷ, một tấm thảm nhỏ và một bình bông được bày biện ra đó, trên một bệ gỗ lắc lư. Người ta có cảm tưởng như nơi đó đã được cất lên vội vàng đêm hôm trước và xem như chẳng có gì quan trọng sẽ diễn ra ở đó cả.

Mọi người trong phòng nao nức chờ đợi. Trong số giáo dân nói tiếng Anh – những  người Gia-Nã-Đại và Hoa-Kỳ – có xen lẫn vài tăng ni Phật giáo trong áo màu vàng và nâu sòng, với những mái đầu nhẵn bóng bất động giữa đám đông người không ngừng chuyển động. Các nam nữ tu sĩ dòng Biển-Đức – một số mặc áo dòng đen, riêng các tu sĩ ở Olive thì mặc áo dòng màu trắng – ngồi hàng ghế đầu. Những máy phát thanh và thu hình được điều chỉnh lại. Người ta hắng giọng cho trong trẻo. Không một tiếng đàn vọng lại.

Một nhóm nhỏ đi vào cửa hông và bước lên bệ gỗ. Ở giữa họ là Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tiến bước, ngài mang đôi hài khá thoải mái, khoác chiếc áo màu vàng lẫn nâu sòng, nụ cười tươi nở trên môi, gật đầu và khoác tay, hơi e lệ nhưng sung sướng ra mặt. Ngài tiến vào theo cách thức một Phật tử, không có tính cách một đoàn rước. Có khi không thấy ngài đâu, rồi lại thấy ngài xuất hiện rõ ràng ở đó.

Nhiều diễn văn chào mừng, trong đó có diễn văn của bà quận trưởng Enfield đại diện cho quận hạt của bà là một quận “đa chủng, đa văn hóa và đa tôn giáo”. Đó là khu bắc thành phố Luân-Đôn, tha thiết trong việc duy trì sự hòa hợp đa nguyên nên rất thích hợp để tổ chức một cuộc hội thảo qui tụ hai truyền thống tôn giáo lớn.

Sau những nhận xét của bà quận trưởng, Dom Laurence Freeman, dòng Biển-Đức, đã đứng lên chào đón Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Với tư cách linh hướng và giáo sư Cộng Đồng Quốc Tế về Chiêm Niệm Kitô giáo, cha Laurence đã đạt lời mời Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và giờ đây cha đón tiếp ngài.

Dịu dàng và đắn đo trong từng cử chỉ, cha để chiếu tỏa một nghị lực có tính cách trí thức và linh thiêng: điều đó hiển nhiên đã khơi dậy mối thiện cảm và hiếu kỳ nơi vị khách danh dự được mời. Cuộc hội thảo càng tiến hành, mối cảm tình giữa hai vị tu sĩ càng gia tăng thấy rõ. Khi cha Laurence nói, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nhìn cách chăm chú cũng như ngài đã làm đối với mọi đối thoại viên khác.

Trong những lời nhận xét về buổi khai mạc, cha đã khai triển một tâm điểm sẽ trở thành đề tài chính của cuộc hội thảo – đó là tính chất hỗ tương của biến cố.

Cha Laurence Freeman

“Thưa  Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Thật là một vinh hạnh cho tôi được đón tiếp ngài. Ngài đã nói là ngài muốn học hỏi nơi chúng tôi, và chúng tôi ở đây cũng mong muốn học hỏi nơi ngài. Thật là một đặc ân lớn lao đối với chúng tôi được ngài đến như vị khách danh dự của cuộc Hội Thảo John Main về một đề tài đã được ngài chọn lựa, đó là “Đức Từ Tâm” và ngài đã chấp nhận với sự cởi mở bằng trí thức và độ lượng lời mời của chúng tôi để dẫn giải một số đoạn Phúc Âm.

Theo truyền thống Kitô giáo, những văn bản nầy được gọi là “Thánh Kinh” vì chúng tôi tin tưởng có thể nhận chân được sự hiện diện của Đức Kitô ở đó cho dù chỉ đọc những giòng chữ đó mà thôi. Đó là những chữ do con người viết, vì vậy có thể hiểu đúng hay hiểu sai. Những chữ đó cần đến một sự giải thích bởi lý trí để con tim có thể lãnh hội ý nghĩa.

Chúng tôi biết ngài đại diện cho một truyền thống Phật giáo phong phú tuyệt vời, đã biết tinh luyện những công cụ trí thức để áp dụng vào việc tiếp nhận chân lý. Vì vậy chúng tôi rất nóng lòng đọc những văn bản Thánh Kinh của chúng tôi qua sự gạn lọc trí thức của ngài và với ngài, có được một cái nhìn mới trên những văn bản đó.

Là những Kitô hữu, chúng tôi chắc chắn sẽ được phong phú hơn; chúng tôi cũng hy vọng tất cả những Phật tử hiện diện nơi đây và mọi tín hữu những tôn giáo khác sẽ ra về được phong phú hơn – cũng như chúng tôi – bởi cuộc hội thảo nầy. Chúng tôi nhận thấy việc truy tầm để hiểu biết không chỉ đơn thuần trên bình diện trí thức, nhưng phải truy tầm sự nhận thức đích thật bằng trực giác – “thiền quán” (vipasyana) – một sự trực nhận về ý nghĩa các chữ linh thánh.

Một trong những đại danh sư thần học Kitô giáo – Thánh Tôma Aquinô – đã nói rằng chúng ta nên đặt để niềm tin không phải ở nơi những lý chứng, trái lại ở nơi những thực thể mà ngôn từ là dấu chỉ. Điều đáng nói là chính kinh nghiệm chứ không phải chỉ là gom góp những tư tưởng. Chúng tôi biết con đường chiêm niệm mà chúng tôi sẽ chia sẻ với ngài trong thinh lặng suốt cuộc hội thảo nầy sẽ là con đường phổ thông và nối kết tất cả chúng ta để đi vào một kinh nghiệm vượt ra ngoài ngôn từ.

Cha John Main hiểu rõ khả năng nối kết của sự “thinh lặng” đã mang chúng ta qua bên kia ranh giới ngôn ngữ. Do đó, trong cuộc hội thảo nầy, những lúc có lẽ quan trọng nhất mà chúng ta hội ngộ nhau sẽ là những lúc thinh lặng.

Sau khi ngài dẫn giải xong, chúng ta sẽ đi vào thời gian “chiêm niệm”. Vào mỗi thời khắc đó, chúng ta sẽ có thể vượt lên trên tri thức lý giải để đi vào ngay chân lý đang tiềm ẩn bên trong thực tế. Chiêm niệm đã làm cho chúng ta được phong phú hóa bằng nhiều cách khác nhau. Nhất là chiêm niệm làm cho chúng ta có thể đọc những sách thánh trên toàn thế giới với sự minh triết và mẫn cảm hơn.

Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Chúng tôi rất cảm kích ân huệ được ngài hiện diện. Nếu chúng tôi có thể mở lòng để đón nhận thực tế của giây phút hiện tại mà chúng tôi cảm nhận được trong Thánh Kinh, cảm nhận khi ngài cởi mở tâm trí ngài cho chúng tôi, chúng tôi cũng biết làm phát triển nơi chúng tôi tinh thần an lạc và thân thiện.

Nhân danh Cộng Đồng chúng tôi đang hiện diện trên toàn thế giới, chúng tôi xin đoan chắc với ngài là chúng tôi luôn mang hình ảnh dân Tây Tạng trong tâm thức và tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy dân ngài đang hiện diện với ngài hôm nay đây. “Thánh Giá và Phục Sinh” của Đức Kitô là trung tâm điểm đức tin Kitô giáo. Có thể chúng tôi nhận thấy được trong lịch sử Tây Tạng và trong lịch sử riêng ngài là Thánh Giá và Phục Sinh trở nên những thực thể có nhân loại tính thuộc mọi dân tộc và không phải tài sản riêng của một tôn giáo nào. Chúng tôi là chứng nhân cho sự khổ nạn của đất nước Tây Tạng, nhưng chúng tôi cũng đã chứng kiến sự phục sinh của một nền minh triết và huấn giáo của dân tộc đó, một quà tặng cho toàn thế giới hoàn toàn nhờ ngài.

Chúng tôi hoàn toàn cởi mở để đón nhận sự thực tế đầy huyền bí. Chúng tôi hy vọng và cầu mong rằng trong sự thinh lặng của chiêm niệm và trong những ngôn từ ngài sẽ hướng dẫn, chúng ta sẽ có thể đi vào trong sự viên mãn của ý thức và ánh sáng.”

Bài diển văn của cha Laurence đã được vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Với khuôn mặt rạng rỡ, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma tỏ ra cảm kích đối với những nhận xét sâu sắc trong lời chào mừng và sự đầm ấm tỏ lộ qua buổi đón tiếp đã dành cho ngài. Ngài đã ngỏ lời bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng bằng tiếng Tây Tạng, khi cần.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

“Thưa quí anh chị trong tinh thần,

Đối với tôi thật là một niềm vui và một đặc ân lớn lao được cơ may tham dự cuộc hội thoại nầy và khai mạc cuộc hội thảo John Main với đề tài “Đức Từ Tâm”. Xin cho phép tôi được tỏ bày lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã giúp đỡ trong việc tổ chức cuộc hội ngộ nầy.

Tôi xin cám ơn bà Quận Trưởng vì những lời chào mừng nồng nhiệt và tôi cảm thấy khích lệ khi bà nhắc tới sự hòa điệu và sự cảm thông đang triển nở ngay giữa các cộng đồng và những truyền thống tôn giáo khác nhau của quận hạt nầy, được mệnh danh là “đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo”. Tôi xin hết lòng tri ân.

Tôi đã biết cố  linh mục John Main từ nhiều năm qua ở Gia-Nã-Đại và tôi cảm thấy xúc động bởi việc gặp gỡ một vị đại diện thuộc truyền thống Kitô giáo đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của vấn đề thực hành chiêm niệm. Hôm nay, khi khai mạc cuộc hội thảo nầy, tôi thiết tưởng rất quan trọng nên gợi lại kỷ niệm về ngài.

Tôi cũng sung sướng được nhìn thấy bao khuôn mặt thân thương và có cơ hội gặp gỡ những bạn hữu cũ và mới.

Mặc dù quả địa cầu chúng ta đã tiến bộ rất nhiều trên bình diện vật chất, nhưng nhân loại đang đối diện với rất nhiều khó khăn mà một số thật ra do chính chúng ta tạo nên. Phần lớn, chính “thái độ tinh thần” chúng ta – tầm nhìn chúng ta trên cuộc sống và trên thế giới – sẽ định đoạt tương lai: tương lai nhân loại, tương lai thế giới và tương lai môi sinh.

Nhiều vấn đề tùy thuộc thái độ tinh thần chúng ta, vừa ở trong lãnh vực công cộng cũng như riêng tư. Hạnh phúc đời sống cá nhân hay gia đình chúng ta tùy thuộc phần lớn ở chính chúng ta. Đành rằng những điều kiện vật chất của cuộc sống là một yếu tố quan trọng để có được một đời sống tuyệt hảo và hạnh phúc, nhưng thái độ tinh thần chúng ta cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là lớn hơn nữa.

Khi thế kỷ hai mươi mốt đã điểm, những truyền thống tôn giáo lớn hơn bao giờ hết càng trở nên thích đáng hơn. Tuy nhiên, cũng như trong quá khứ, những xung đột và khủng hoảng đã xuất hiện, nhân danh những truyền thống tôn giáo khác nhau. Điều đó hiển nhiên rất bất hạnh. Chúng ta phải làm hết sức để chế ngự tình trạng nầy.

Do kinh nghiệm riêng, tôi nhận thấy phương thế hữu hiệu nhất để vượt qua những xung đột đó là việc “tiếp xúc chặt chẽ và trao đổi” giữa những người thực hành những niềm tin khác nhau, không những trên bình diện trí thức mà còn bằng những kinh nghiệm tâm linh sâu đậm nữa. Đó là một phương cách mãnh liệt nhất để triển khai sự cảm thông và tương kính lẫn nhau. Chính qua việc trao đổi mà một nền tảng vững chắc có thể được thiết lập để xây đắp một sự hòa điệu chân chính.

Vì vậy tôi luôn cảm nhận một hạnh phúc lớn lao khi tham dự một cuộc “đối thoại liên tôn”. Tôi rất vui mừng được trải qua mấy ngày nầy để đàm đạo với quí bạn và để thực tập tiếng Anh bập bẹ của tôi! Sau mấy tuần lễ tĩnh tâm ở Dharamsala, tôi nhận thấy tiếng Anh của tôi còn tồi tệ hơn trước; mấy ngày nầy sẽ cho tôi cơ hội tái thực tập một cách hoàn toàn đúng lúc.

Cũng như tôi tin tưởng mãnh liệt rằng sự hòa điệu giữa các tôn giáo là một điều tối quan trọng và là một sự kiện rất mực cần thiết, giờ đây tôi xin đề nghị một vài ý tưởng về những phương cách thực hiện.

Trước tiên tôi xin gợi ý là nên khuyến khích những cuộc “gặp gỡ giữa các nhà trí thức” thuộc những tôn giáo khác nhau để thảo luận những điểm tương đồng và dị biệt giữa những truyền thống tôn giáo của họ ngõ hầu làm nẩy nở lòng tha giác và cải tiến sự hiểu biết lẫn nhau.

Thứ đến, tôi xin gợi ý là chúng ta nên khuyến khích những cuộc “gặp gỡ giữa các tín hữu” thuộc những tôn giáo khác nhau nhưng đã có một kinh nghiệm nào đó trong đời sống tâm linh – những người đó không nhất thiết phải là những nhà trí thức, mà là những người thực hành chân chính, những hành giả – sẽ hội họp với nhau để chia sẻ những nguồn sáng có được do việc thực hành tôn giáo mà ra. Theo kinh nghiệm riêng tôi, đó là một phương cách hữu hiệu và có mãnh lực lớn lao để thức tâm lẫn nhau một cách trực tiếp và sâu đậm hơn.

Một số người trong quí bạn đã biết việc tôi thăm viếng đại tu viện ở Montserrat, Tây-Ban-Nha và sự gặp gỡ của tôi với một tu sĩ dòng Biển Đức. Ngài đã đến gặp riêng tôi và vì tiếng Anh của ngài còn tệ hơn tôi nên tôi cảm thấy được can đảm hơn để ngỏ lời trước tiên.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đã ngồi gần nhau một mình và tôi được biết tu sĩ đó đã trải qua nhiều năm ở trong rặng núi phía sau tu viện. Tôi hỏi ngài đã thực tập loại chiêm niệm nào trong những năm dài cô tịch đó. Câu trả lời của ngài thật đơn giản: “Yêu thương, yêu thương, yêu thương.” Tuyệt diệu biết bao! Tôi thiết tưởng chắc cũng có lúc ngài ngủ quên.

Mà không phải ngài chỉ quán chiếu trên bình diện ngôn từ. Trong suốt những năm đó, ngài chỉ quán chiếu về tình thương mà thôi. Trong ánh mắt ngài, tôi thấy rõ bằng chứng của một linh đạo thâm sâu và một tình thương thâm sâu – cũng như tôi đã cảm nhận nơi cha Thomas Merton. Hai cuộc hội ngộ đó đã giúp tôi khai triển một sự tôn kính chân thành đối với truyền thống Kitô giáo và năng lực của truyền thống đó có thể tạo nên những nhân vật có thiện hảo như thế.

Tôi tin tưởng mục tiêu của những truyền thống tôn giáo lớn không phải để xây dựng những đền thờ lộng lẫy ở bên ngoài mà để kiến trúc “những ngôi đền thiện hảo và mẫn cảm ở bên trong con tim” chúng ta. Tất cả các tôn giáo lớn đều có năng lực đó hết. Chúng ta càng ý thức về giá trị và hiệu năng của những truyền thống tôn giáo khác thì lòng tôn kính của chúng ta đối với những tôn giáo đó càng thâm sâu hơn. Đó là con đường tuyệt hảo nên theo đuổi nếu chúng ta muốn cổ võ một sự mẫn cảm đích thực và một tinh thần hòa điệu ở giữa các tôn giáo với nhau.

Ngoài những cuộc gặp gỡ giữa những nhà trí thức và những tín đồ thực hành đích thực, xem ra quan trọng cũng không kém, nhất là dưới con mắt người đời, đó là những vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau thỉnh thoảng nên hội họp lại để cầu nguyện, như đã xảy ra trước đây ở Assisi năm 1986. Đó là phương cách thứ ba, tuy đơn giản nhưng rất hữu hiệu, để cổ võ sự khoan nhượng và thông cảm lẫn nhau.

Phương cách thứ tư là những tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau nên “cùng nhau đi hành hương” và kính viếng những nơi linh thánh của nhau.

Cách đây vài năm, chính tôi đã bắt đầu đi hành hương ở Ấn-Độ. Từ đó, tôi đã có dịp tới Lộ-Đức và Jerusalem. Ở những nơi đó, tôi đã cầu nguyện với những tín hữu những tôn giáo khác nhau, đôi khi bằng chiêm niệm trong thinh lặng. Những lúc cầu nguyện và chiêm niệm như vậy đã mang lại cho tôi những kinh nghiệm tâm linh đích thực.

Tôi hy vọng rằng trường hợp của tôi sẽ làm gương cho những người khác, tạo thành một thứ tiền lệ, để rồi trong tương lai mọi người sẽ coi đó như một việc hoàn toàn bình thường khi cùng nhau đi hành hương những nơi linh thánh và chia sẻ những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau.

Để kết thúc, tôi xin trở lại vấn đề chiêm niệm đồng thời hướng về các anh chị Kitô hữu của tôi là những người đang thực tập một đường lối chiêm niệm trong cuộc sống hằng ngày. Tôi nghĩ rằng lối thực tập đó tối ư quan trọng.

Nước Ấn-Độ quen với lối “thiền định” (samadhi), chung cho mọi tôn giáo ở Ấn-Độ như Ấn-Độ giáo, Phật giáo và Kỳ-Na giáo (Jainism). Có vài loại “thiền quán” (vipasyana) cũng chung cho nhiều truyền thống tôn giáo đó. Người ta tự hỏi tại sao “thiền định” (samadhi) lại quan trọng đến thế. Bởi vì “thiền định” (samadhi) hay lối thiền tụ tiêu là một phương cách huy động tinh thần, huy động nghị lực tâm thần.

“Thiền định” (Samadhi) được xem như một yếu tố thiết yếu cho việc rèn luyện tâm linh của mọi truyền thống tôn giáo lớn ở Ấn-Độ bởi vì điều đó mang lại khả năng tập trung mọi năng lực tinh thần của hành giả và hướng dẫn tinh thần đến một đối tượng riêng biệt, giúp tập trung tinh thần vào một điểm duy nhất.

Tôi tin chắc rằng lời “cầu nguyện, thiền định hay chiêm niệm” – càng suy lý và phân tích – nếu được liên kết với nhau hằng ngày thì hiệu quả trên tinh thần và con tim hành giả càng tăng trưởng hơn. Việc thực hành tôn giáo trước tiên nhắm đến sự biến đổi nội tâm hành giả, khiến hành giả đi từ một trạng thái tâm linh vô kỷ cương, bất trị, phân tâm đến một trạng thái có kỷ luật, thuần hóa và quân bình.

Một người khai triển được khả năng tập trung tinh thần một cách hoàn hảo trên một tiêu điểm đương nhiên sẽ đạt tới đích điểm đó một cách dễ dàng hơn. Khi sự chiêm niệm làm thành một phần bất khả phân ly trong đời sống tâm linh, quí bạn có thể thực hiện sự biến đổi nội tâm một cách có hiệu quả hơn.

Khi đạt đến trạng thái mới đó, các bạn sẽ khám phá ra rằng, bằng cách nương theo truyền thống tâm linh riêng của chính bạn, một thứ khiêm tốn tự nhiên triển nở ở nơi bạn cho phép bạn giao tiếp tốt đẹp hơn với những con người thuộc những lãnh vực văn hóa và những truyền thống tôn giáo khác nhau. Quí bạn sẽ ở vào tư thế tốt nhất để thẩm định giá trị và sự phong phú của những truyền thống khác nhau bởi vì các bạn đã nhận chân giá trị đó bằng cách tự đặt mình ngay chính bên trong truyền thống quí bạn.

Người ta thường cảm nhận những “tư tưởng cố chấp” đối với tín ngưỡng tôn giáo của mình – xem linh đạo của tôi là duy nhất và chân chính – mà từ đó phát sinh những mối bất liên kết đối với những người thuộc các tôn giáo khác. Tôi nghĩ rằng phương thế hay nhất để chiến thắng lực vô hình đó là hình thành một thứ kinh nghiệm về chân giá trị của chính linh đạo mình bằng một đời sống chiêm niệm, để rồi sau đó nhận chân giá trị và tính chất cao quí của những truyền thống khác.

Để có một tinh thần hòa điệu chân chính căn cứ trên những kiến thức vững chắc, tôi thiết tưởng rất quan trọng phải “nhận ra những dị biệt căn bản” giữa những truyền thống đạo giáo. Dĩ nhiên có thể tìm hiểu xem các tôn giáo đã chia cách nhau ở điểm nào, đồng thời cùng một trật nhận chân giá trị và những khả năng của mỗi truyền thống. Nhờ vậy, hành giả sẽ phát huy một nhận thức quân bình và hòa điệu.

Có người quan niệm rằng phương cách hữu lý nhất để đạt tới sự hòa điệu và hóa giải những vấn nạn do sự bất khoan nhượng tôn giáo gây ra là thành lập một “tôn giáo hoàn cầu” có giá trị cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm rằng chúng ta phải có những truyền thống tôn giáo khác nhau bởi vì nhân loại có biết bao khuynh hướng tâm linh khác nhau: một tôn giáo không thể thỏa mãn hết mọi nhu cầu tâm linh của tất cả mọi người. Nếu chúng ta cố gắng thống nhất các tôn giáo trên thế giới thành một tôn giáo duy nhất, chúng ta sẽ đánh mất biết bao đặc tính và sự phong phú của mỗi một truyền thống tôn giáo đó.

Vì vậy, tôi thiết tưởng tốt hơn hết, cho dù có nhiều xung đột phát sinh nhân danh tôn giáo, nên “duy trì tính cách đa dạng” của các truyền thống tôn giáo. Tiếc thay, nếu sự đa hóa do bản chất có thể thỏa mãn một cách tối đa những nhu cầu tâm linh nhân loại, sự đa hóa đó cũng tự bản chất là một nguồn tiềm lực phát sinh ra những xô xát và bất hòa. Vì vậy, tín đồ của mọi truyền thống tôn giáo phải gia tăng nỗ lực gấp bội để “vượt thắng sự bất khoan nhượng và thiếu hiểu biết” ngõ hầu truy tầm sự hòa điệu.

Đó là mấy điểm tôi xét thấy hữu ích cần được xác định trước khi bắt đầu cuộc hội thảo. Giờ đây tôi rất nóng lòng muốn thăm dò những văn bản và những tư tưởng mà tôi không quen thuộc.

Quí bạn đã trao phó cho tôi một trọng trách nặng nề và tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp lại sự chờ mong của quí bạn. Tôi nhận thấy đó thật là một vinh dự và đặc ân lớn lao mà quí bạn đã để dành cho tôi bằng cách yêu cầu tôi dẫn giải những đoạn chọn lọc về Thánh Kinh, một loại kinh điển mà tôi phải thành thật thú nhận là chưa biết đến. Tôi cũng xác nhận đây là lần đầu tiên tôi phải lăn xả vào một cuộc thực tập như vậy. Rồi kết quả sẽ thành công hay thất bại, tôi hoàn toàn không biết!

Dù sao đi nữa, tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Giờ đây, tôi xin tụng niệm vài câu kệ để cầu mong điềm lành rồi chúng ta sẽ chiêm niệm.”

Sự khiêm tốn cũng như nụ cười không giả dối. Những tràng cười của cử tọa đã diễn tả sự ngạc nhiên gây nên bởi một con người có một đức tính đơn sơ tột độ, hoặc một niềm khát vọng được khích lệ bởi tình bạn. Đó là điểm khởi đầu của một sự nối kết mà trong vài ngày sẽ dâng cao tới tuyệt đỉnh giao lưu về tình cảm và tư duy trong sự tương kính và cảm mến nhau.

Những ngọn đèn điện đã được tắt đi và, trong ánh sáng mờ ảo của ban ngày len qua các khe cửa sổ, cử tọa bắt đầu trầm tĩnh, trong khi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nhắm mắt và tụng niệm bài kệ Tây-Tạng cổ xưa như sau:

“Tràn đầy ân đức như một đỉnh núi vàng,
những vị cứu tinh trong tam giới, được tẩy trừ tam độc,
là những vị Phật, đôi mắt tựa hồ những đoá sen nở;
các Ngài là ân phúc thứ nhất thuộc điềm lành cho thế giới.

Những Giáo Pháp các ngài ban bố thì siêu diệu thậm thâm,
vang rền trong tam giới, được tôn vinh bởi chư thần và nhân loại.

Giáo Pháp thánh thiện đó mang lại sự an bình cho toàn thể chúng sinh;
đó là ân phúc thứ hai thuộc điềm lành cho thế giới.

Cộng đồng linh thánh được phong phú hóa nhờ sự tu học,
được tôn vinh bởi loài người, chư thần và bán thần.

Cộng đồng tối thượng đó rất khiêm hạ, cho dù chỗ họ ở tràn ngập ánh vinh quang;
đó là ân phúc thứ ba thuộc điềm lành cho thế giới.

Đấng Đại Giác đã đến trong thế giới nầy;
Giáo Pháp chói lọi như tia sáng mặt trời;
các minh sư huấn dụ như anh em một nhà, rất mực hòa đồng;
cầu mong được những ân phúc thuộc điềm lành để những Giáo Pháp trường tồn miên viễn.”

Hát:

“Mọi sự sẽ tốt đẹp. Mọi sự sẽ tốt đẹp. Và mọi sự trong trạng thái khác biệt sẽ tốt đẹp.”

Sau ba mươi phút chiêm niệm trong thinh lặng, cha Laurence Freeman đứng lên ngỏ lời:

“Để chấm dứt buội họp mặt đầu tiên nầy, chúng ta sẽ xin Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thắp sáng một ngọn nến tượng trưng sự hợp nhất và những người được mời thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau sẽ thắp sáng những ánh nến khác lấy từ ngọn nến của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Các ngọn nến đó sẽ được thắp sáng mãi trong suốt thời gian hội thảo để tượng trưng sự hiệp nhất và tình thân hữu nối kết các tôn giáo chúng ta.”