Ấn Quang Đại Sư Khai Thị
ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ: VÀO THỜI MẠT PHÁP HÃY NÊN CHUYÊN TU TỊNH NGHIỆP, NƯƠNG THEO PHẬT LỰC CẦU SANH CỰC LẠC❗️
Nói đến Tín thì phải tin Sa Bà quả thật là khổ, Cực Lạc quả thật là vui. Sa Bà khổ vô lượng vô biên, nói tóm lại chẳng ngoài tám khổ, tức là: sanh, già, bệnh, chết, thương yêu phải xa lìa, oán ghét phải gặp gỡ, cầu không được, Ngũ Ấm hừng hực. Tám nỗi khổ này dù sang đến cực phẩm hay hèn như ăn mày, ai nấy đều có. Bảy nỗi khổ đầu là quả do đời quá khứ cảm thành. Suy nghĩ kỹ ắt sẽ tự biết, không cần phải viết tường tận, nói nhiều quá tốn bút mực. Sự khổ thứ tám, Ngũ Ấm hừng hực, chính là khởi tâm động niệm và những hành động, nói năng trong hiện tại, chính là nhân của nỗi khổ trong vị lai. Nhân quả kéo dắt nhau, nối tiếp không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, không thể giải thoát!
Ngũ Ấm chính là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc chính là cái thân do nghiệp báo cảm thành. Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là cái tâm khởi huyễn vọng khi tiếp xúc cảnh. Do những pháp “thân tâm huyễn vọng” này bèn khởi Hoặc tạo nghiệp nơi sáu trần cảnh như lửa cháy hừng hực chẳng thể ngưng tắt nên gọi là “xí thịnh” (熾盛: cháy hừng hực) vậy. Ngoài ra, Ấm 陰 (bộ Phụ) có nghĩa là che kín, đồng nghĩa với chữ Ấm 蔭 (cũng có nghĩa là che lấp, bộ Thảo), do năm pháp này che lấp chân tánh khiến nó chẳng thể hiển hiện, như mây dầy che khuất mặt trời. Tuy mặt trời tỏa sáng rực rỡ, trọn chẳng bị tổn giảm, nhưng vì mây che, nên chẳng chiếu sáng được. Phàm phu chưa đoạn Hoặc nghiệp, bị năm Ấm này chướng ngăn, mặt trời trí huệ nơi bầu trời chân tánh chẳng thể hiển hiện, cũng giống như thế. Sự khổ thứ tám này là gốc của hết thảy các khổ.
Người tu đạo sức Thiền Định sâu, đối với cảnh giới sáu trần, trọn chẳng chấp trước, chẳng khởi yêu – ghét. Từ đây gia công dụng hạnh, tiến lên chứng Vô Sanh, Hoặc nghiệp sạch hết, cắt đứt gốc rễ sanh tử. Nhưng công phu này thật chẳng dễ dàng, thật khó đạt được trong đời Mạt! Vì thế, hãy nên chuyên tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Cực Lạc, nương theo Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh thì liên hoa hóa sanh, không có các khổ. Thuần là tướng đồng nam (bé trai), thọ như hư không, thân không tai biến. Những danh từ như già, bệnh, chết v.v… chẳng còn nghe đến, huống gì thật có. Theo chân thánh chúng, thân cận Di Đà, nước, chim, cây cối đều diễn pháp âm, tùy theo căn tánh mình, do nghe pháp bèn chứng. Thân còn trọn chẳng thể được, huống gì có oán! Nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ ăn bèn có ăn; lầu, gác, nhà, viện đều do bảy báu hợp thành, chẳng nhọc sức người [tạo tác], chỉ là hóa ra.
Biến bảy sự khổ nơi Sa Bà thành bảy niềm vui. Lại thêm thân có đại thần thông, có đại oai lực, chẳng lìa chỗ mình liền có thể trong một niệm ở khắp trong mười phương thế giới chư Phật làm các Phật sự, thượng cầu hạ hóa. Tâm có đại trí huệ, có đại biện tài, từ một pháp biết trọn Thật Tướng của các pháp. Tùy cơ thuyết pháp không lầm lạc, dẫu nói bằng ngôn ngữ Thế Đế nhưng đều khế hợp diệu lý Thật Tướng, không có nỗi khổ Ngũ Ấm hừng hực, hưởng niềm vui thân tâm tịch diệt. Vì thế kinh nói: “Không có các khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc”. Sa Bà khổ, khổ không nói nổi; Cực Lạc vui, vui chẳng ví tầy! Tin sâu lời Phật, trọn chẳng nghi hoặc mới gọi là chân tín. Chớ nên dùng tri kiến phàm phu ngoại đạo lầm sanh suy lường, bảo các thứ thù thắng trang nghiêm mầu nhiệm trong Tịnh Độ đều là ngụ ngôn nhằm tỷ dụ tâm pháp, chẳng phải là cảnh thật! Nếu có sự thấy biết tà vạy, sai lầm như thế sẽ mất lợi ích thật sự được vãng sanh Tịnh Độ, tai hại quá lớn! Không thể không biết!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi cư sĩ Trần Tích Châu)
Tin Khác
- Kiết Già Phu Tọa Quán Âm Tướng
- Tất Cả Mọi Người Đều Có Thể Thành Phật
- Khéo Tích Công Bồi Đức
- Câu Chuyện Của Một Người Già Nhưng Dành Cho Các Bạn Chưa Già
- Người Càng Hiểu Biết Càng Sống Khiêm Cung
- Có Người Hỏi Bill Gates..
- Ấm Trà Tri Kỷ
- Tại Sao Cúng Dường Cho Bậc Chân Tu Sẽ Có Phước Báu Lớn?
- Bài Học Về Đạo Đức Của Cố Nhân
- Giờ Lâm Chung Của Alexander Đại Đế