Bài Học Về Đạo Đức Của Cố Nhân
BÀI HỌC VỀ ĐẠO ĐỨC CỦA CỔ NHÂN.
Ai cũng muốn trở nên sang trọng quý phái nhưng tiền bạc, trang sức chưa bao giờ làm nên sự quý phái. Vậy điều gì mới khiến một người có khí chất ?
1. Đức dày:
Cổ nhân nói: “Đức dày chở vật”, người có đức hạnh thì không việc gì là không gánh vác được. Trái lại, người không có đức lớn thì không thể thành tựu đại nghiệp.
Người xưa khuyên răn chúng ta rằng: cần phải vui vẻ chịu thiệt, nghĩ cho người khác nhiều hơn thì mới có thể làm nên sự nghiệp. Đồng thời, đức dày là phúc, trong tâm có Đạo thì mới có thể được người khác tôn trọng.
Người có đức dày luôn luôn rộng lượng khoan dung với kẻ khác. Một người muốn làm nên sự nghiệp thì ắt phải có khí độ to lớn, có thể dung nạp các nhân tài trong thiên hạ, thì mới được người khắp bốn phương quy phục.
Đạo Đức Kinh viết: “Đại trượng phu sống đôn hậu, không sống kiêu bạc, sống chân thực chất phác, không sống hư giả hào hoa”. Như vậy, nội hàm rất quan trọng của đức dày là “sống chân thực chất phác, không hư giả hào hoa”.
Lão Tử thấy rằng hoa lệ và phồn hoa về bản chất là rất nông cạn, không thiết thực, càng không thể vĩnh hằng.
Người sang trọng chân chính sẽ không truy cầu phồn hoa, hư danh. Họ đơn giản liêm khiết, thuần thiện thuần chân. Do đó, những nhân sỹ càng có học thức, càng có tu dưỡng thì càng hòa ái. Họ không để ý đến quyền quý, khi đối diện với người khó khăn hoạn nạn thì nội tâm họ sinh lòng thương xót. Và chính thiện tâm ấy lại khiến họ trở nên tôn quý, cao sang. Điều này không phải cố ý làm ra vẻ như thế mà sự quý phái sang trọng tự khắc sẽ biểu lộ ra ngoài.
Ngược lại, những kẻ chỉ dựa vào công danh, cơ hội hoặc các thủ đoạn phi pháp để tranh giành danh lợi, thì cũng giống như cành hoa cắm trong bình, thiếu đất đai nuôi dưỡng nên sẽ mau chóng héo tàn.
2. Biết cho đi:
Người xưa có câu: “Hành thiện tối nhạc” ( ý nói làm việc thiện là vui sướng nhất ). Lòng người quả thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kỳ việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái.
Còn nếu như một người làm việc thiện tuyệt đối không vì điều kiện gì thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc.
Một số người cho rằng, phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể cho đi. Nhưng kỳ thực, ngay cả khi chúng ta không có những thứ vật chất ấy, chúng ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích.
Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là chúng ta đã có thể chuyển một người buồn thành một người vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.
3. Thiện lương:
Một người sống trong biệt thự sang trọng thế nào đi nữa, đi siêu xe đắt tiền thế nào đi nữa, kỳ thực chẳng có gì là ghê gớm cả. Còn người đối với kẻ xa lạ mà vẫn bày tỏ thiện ý lớn nhất, thì mới thực là người cao quý.
Làm thế nào để nhận biết phẩm chất của một người ? Đừng xem người đó giàu có hay không, mà hãy xem họ đối đãi với người yếu thế hơn ra sao, hoặc đối đãi với những người xa lạ như thế nào. Bởi thước đo của sự cao quý là phẩm đức, thiện lương, chứ không phải tiền tài. Đó là lý do tại sao có đại gia phất lên sau một đêm, trên người toàn hàng hiệu, mà không hề sang trọng chút nào.
Không phải ai ai cũng thời thời khắc khắc thể hiện ra sự thiện lương. Những kẻ nổi giận với nhân viên phục vụ kia, có thể trong công việc cũng giữ được nét tươi cười với người nào đó. Những kẻ trên mạng động một chút là là nhục mạ người khác, có thể trong cuộc sống cũng vâng vâng dạ dạ với người già.
Thiện lương chân chính ngấm vào tận xương tủy là thiên tính của một người, cũng là tu dưỡng giáo dục của họ. Người có nhiều thiện tâm, làm nhiều việc thiện, thì sao có thể không sang trọng quý phái ?
4. Thấu hiểu người khác:
Trong cuộc sống, khi người thân, bạn bè giúp đỡ chúng ta là họ làm việc thiện, là đạo nghĩa. Nhưng khi người thân, bạn bè không thể giúp đỡ chúng ta thì chúng ta cũng không nên trách mắng, không nên mang oán thù trong lòng. Bởi vì suy cho cùng, họ không nợ chúng ta, cũng không có trách nhiệm phải làm những điều chúng ta mong muốn.
5. Giữ chữ tín:
Người không giữ chữ tín thì không thể lập thân lập nghiệp được, quốc gia không giữ chữ tín thì không thể giàu mạnh được. Người xưa coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh quan trọng nhất. Tuân Tử nói: “Thành thật là điều người quân tử phải giữ, là cái gốc của chính sự”.
Nếu không có chữ tín thì việc gì cũng không làm tốt được. Trong giao tiếp giữa người với người, mấu chốt là phải giữ chữ tín. Chú trọng ‘nói tất sẽ làm’, tín tất có kết quả.
Thành tín thuộc phạm trù đạo đức, không có trọng lượng, không có giá cả, nhưng có thể khiến một người nhẹ như lông hồng mà thân bại danh liệt, cũng có thể khiến một người nặng tựa Thái sơn mà lưu danh thiên cổ.
Người nói lời không giữ lời thì phẩm cách anh ta chẳng đáng giá một xu, thậm chí bị người đời thóa mạ. Người thành thật thủ tín thì tâm hồn cao quý khiến người đời ngưỡng mộ.
6. Kiên cường và tiếp nhận:
Sống trong cuộc đời, mọi sự giúp đỡ đều là yếu tố bên ngoài, kiên cường mạnh mẽ mới là yếu tố bên trong của mỗi người. Nó giúp người ta vượt qua sóng gió cuộc đời, ngay cả khi chỉ có một mình, không có người giúp đỡ. Cho nên, bản thân mỗi người cần phải học được tính độc lập, kiên cường, vui vẻ và hạnh phúc.
7. Khiêm tốn:
Khiêm tốn là biểu hiện của tu dưỡng, cũng là một cảnh giới làm người.
“Khiêm tốn thọ ích, tự mãn tổn hại”, người trong tâm luôn giữ được khiêm tốn mới có thể học tập người khác, mới có cơ hội phát triển, trưởng thành.
Nhà văn Hemingway có câu nói rất hay rằng: “Cao quý chân chính không ở chỗ cao hơn người một bậc, mà chính là ở chỗ tốt hơn bản thân mình trước đây”.
Người càng sang trọng quý phái càng hiểu rõ đạo lý ‘cao nhân tất hữu cao nhân trị’, nên càng khiêm tốn đối đãi với những người xung quanh, càng phát hiện ra những điểm sáng của họ để học tập.
Người coi mình là nhất, không coi ai ra gì, nói thao thao bất tuyệt, thì cho thấy nội tâm quá nông cạn, rèn giũa còn quá ít. Một người cao ngạo tự đại, biểu hiện cuồng vọng, thực tế là đang che cặp mắt mình, bịt đôi tai mình, không tiếp thu ý kiến người khác, nhìn không ra chân lý và sự thật.
Khiêm tốn là trí tuệ, cũng là sự thông minh đích thực ẩn chứa mà không phô bày. Người khiêm tốn cung kính, người người đều yêu quý là vậy !
Sưu Tầm
Bài Cùng Thể Loại
- Giọng Nói Của Hạnh Phúc
- Vì Sao Một Cọng Rơm…
- Phật Dạy Người Có Nhiều Đức Tính Tốt Hơn Ta là Bậc Thầy Ta…
- Vài Điều Ứng Xử
- Hạnh Phúc Trên Đời Chính Là Tự Biết Hài Lòng Không Oán Trách
- Điều Bí Ẩn Giản Dị Của Hạnh Phúc
- Cứ Nghĩ Nuôi Được Cha Mẹ là Tròn Chữ Hiếu?
- Thì Ra Những Phiền Não, Đau Khổ Đời Người Không Phải Do Hoàn Cảnh
- Mẹ Ơi! Con Xin Lỗi Mẹ
- Lời Giáo Huấn Của Sư Ông Trúc Lâm