CẬN TỬ NGHIỆP
CẬN TỬ NGHIỆP .
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trong nhà Phật có nói đến cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp này rất mạnh, có công năng đưa chúng ta tới chỗ tốt hay chỗ xấu khi chúng ta sắp lâm chung.
Trước hết nói cận tử nghiệp của người làm ác. Nếu người khi gần chết khởi tâm ác liền chuyển cả sự tu hành hay công đức trước của mình, liền sanh vào chỗ không tốt.
Trong kinh có kể: Một người tu ngoại đạo đạt đến định Phi phi tưởng, nếu người đó chết sẽ được sanh về cõi trời Phi phi tưởng. Nhưng khi gần chết gặp chút nghịch duyên, ông nổi giận, bực tức lên rồi chết. Sau khi chết ông sanh làm con chó sói. Như vậy, từ quả vị cõi trời Phi phi tưởng mà chuyển làm một con vật xấu xa, đủ cho ta thấy cận tử nghiệp nguy hiểm như thế nào.
Cận tử nghiệp là nghiệp gần lúc chết. Nếu khởi niệm ác thì nó sẽ dẫn chúng ta sanh vào cõi ác, cõi dữ.
Do đó chúng ta thấy trong cõi người cũng như trong các loài thú, có những người, hoặc những con thú sanh ra một thời gian ngắn liền chết. Chúng ta không hiểu tại sao. Nếu là duyên làm người hoặc làm thú thì phải ở lâu cho mãn kiếp người, kiếp thú, tại sao chỉ một thời gian ngắn thì đi.
Đó là lý do để thấy rằng những người ấy lẽ ra không phải sanh chỗ như thế, nhưng vì cận tử nghiệp ác mạnh nên phải sanh chỗ đó. Thời gian ngắn sau chết, sanh lại chỗ khác theo tích lũy nghiệp, tức là nghiệp chứa đựng lâu dài lúc trước của họ.
Vì vậy sức mạnh của cận tử nghiệp đưa đẩy người ta sanh vào chỗ không đúng sở nguyện của mình, chỉ vì cơn nóng giận hoặc khởi những niệm ác lúc sắp lâm chung mà ra như vậy. Đó là tôi nói trường hợp cận tử nghiệp ác.
Kế đến là cận tử nghiệp thiện, tức người gần chết khởi niệm lành. Lúc sắp lâm chung khởi niệm lành liền sanh về cõi lành, dù cho tích lũy nghiệp của họ ác, nhưng nhờ khi sắp chết khởi niệm thiện nên chuyển sang sanh cõi lành.
Do sức mạnh của cận tử nghiệp làm cho tích lũy nghiệp mờ đi, nhưng không phải mất. Nghĩa là người ấy phải theo cận tử nghiệp một thời gian. Khi nào cận tử nghiệp hết thì họ mới trở lại tích lũy nghiệp.
Nên nhớ nghiệp tích lũy là nghiệp quan trọng mà chúng ta chứa từ thuở nhỏ cho đến lớn trong đời sống. Giả sử chúng ta chứa điều lành, điều tốt đầy đủ, nhưng giờ chót bị cận tử nghiệp ác lôi đi thì phải trả hết nghiệp cận tử đó rồi mới trở lại với nghiệp tích lũy lành, được quả lành, chứ không phải mất hẳn.
Nên lúc sắp lâm chung chúng ta phải dè dặt tối đa, không nên khởi những tâm niệm ác.
Trong kinh nói người phạm hai tội trong năm tội ngũ nghịch là ông Đề Bà Đạt Đa, đức Phật thọ ký khi chết ông phải đọa địa ngục. Do đó lúc sắp lâm chung ông hối hận hướng về Phật chắp tay xin sám hối. Sau này đức Phật kể lại cho ngài A Nan nghe rằng ông Đề Bà Đạt Đa tuy bị đọa địa ngục vì tội ngũ nghịch, nhưng vì sắp chết ông biết hối hận sám hối với Phật.
Nên sau khi hết đọa địa ngục ông được trở lại làm người gặp Phật pháp tu hành, cuối cùng cũng chứng quả thành Phật.
Chúng ta thấy rằng cả đời Đề Bà Đạt Đa đã tạo những nghiệp ác nhưng khi sắp lâm chung ông đã có tâm thức tỉnh, hối cải. Vì vậy, sau này khi nghiệp ác hết, ông sanh về cõi lành và được tu hành chớ không mất luôn chủng duyên lành.
Nên biết cận tử nghiệp lành có thể giúp người bị khổ lâu dài chuyển thành khổ ngắn, không còn lâu dài nữa.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ .
Trích trong : CHO NGƯỜI GIÀ BỆNH
( Hoa vô ưu tập 3)
- Tôn Tượng Chuẩn Đề Vương Bồ Tát
- ANH VỀ MÀ XEM…, MẸ ANH PHIỀN THẬT..!
- Sự Thật Kỳ Lạ
- Trích Đoạn Kinh Ratthapàla
- Thế nào là vui theo đúng Chánh Pháp?
- Ba câu chuyện về triết lý sống của Steven Jobs
- TÂM và TÁNH ( Như Nguyện dịch)
- Thiền Sư và gã lái đò ( Thăng Điền dịch)
- Hạnh phúc và khổ đau
- Lấy Đại Thiên Làm Giường