CÂU CHUYỆN VỀ NGÀI BỒ TÁT LONG THỌ
Con xin đảnh lễ Bồ tát đã cho con bài học quý CÂU CHUYỆN VỀ NGÀI BỒ TÁT LONG THỌ
Long Thọ (Nagarjuna, một trong 84 Đại thành tựu giả Ấn độ, khoảng thế kỷ thứ 9) là một khất sĩ trần truồng, nhưng ngài được yêu mến bởi tất cả những người tìm kiếm chân lý tối hậu. Một vị nữ vương cũng đem lòng yêu Long Thọ sâu sắc. Một ngày nọ nàng thỉnh cầu ngài vào cung làm tân khách. Long Thọ cũng đến. Nữ vương thỉnh cầu ngài một việc.
Long Thọ nói, “Nữ vương muốn gì?”
Nàng nói: “Ta muốn cái bát khất thực của ông.”
Long Thọ đã đưa nó cho vị nữ vương – đó là thứ duy nhất ngài sở hữu – cái bình bát khất thực của ngài. Và nàng đã mang một cái bình bát bằng vàng, nạm kim cương và đưa cho Long Thọ. Nàng nói, “Bây giờ ngài giữ cái này. Ta sẽ thờ cái bát khất thực mà ông đã mang theo trong nhiều năm – nó có năng lượng gia trì của ông. GIờ nó là đền thờ của ta. Và một người như ông không nên mang một cái bát khất thực bằng gỗ tầm thường – hãy giữ chiếc bình bát bằng vàng này. Ta đã đặc biệt làm nó tặng ông.”
Chiếc bình bát thực sự rất quý giá. Nếu Long Thọ là một hành giả tâm linh bình thường, ngài sẽ nói, “Tôi không thể dùng nó. Tôi đã xả bỏ những thứ thế tục rồi.” Nhưng đối với ngài thì mọi thứ đều có khác gì nhau, nên ngài đã nhận cái bát.
Khi ngài rời cung điện, một tên trộm đã nhìn thấy ngài. Kẻ trộm không thể tin vào mắt mình: “Một người trần như nhộng lại có thứ bảo vật này! Ông ấy còn có thể bảo vệ nó được bao lâu?” Vậy là tên trộm đã đi theo ngài.
Long Thọ ở bên ngoài thị trấn, trong một ngôi đền cổ đổ nát – không cửa ra vào, không cửa sổ. Nó chỉ là một đống đổ nát. Kẻ trộm rất vui mừng: “Chẳng bao lâu nữa ông ấy sẽ đi ngủ và sẽ không có khó khăn gì – ta sẽ lấy cái bát.”
Khi tên trộm đang nấp sau bức tường ngay bên ngoài cửa – Long Thọ chợt ném cái bát quý ra ngoài cửa. Tên trộm không thể tin được những gì đã xảy ra. Long Thọ ném nó đi bởi vì ngài đã theo dõi tên trộm đang theo dõi phía sau mình, và ngài hoàn toàn biết rõ rằng hắn không đến vì ngài mà hắn đến để lấy cái bát, “Vậy tại sao lại để anh ta đợi một cách không cần thiết? Đưa nó để anh ta có thể đi, và ta cũng có thể nghỉ ngơi. ”
“Một thứ quý giá như vậy! Và Long Thọ đã ném nó đi quá dễ dàng.” Tên trộm không thể đi mà không cảm ơn ngài. Hắn hoàn toàn biết rằng nó đã được ném cho hắn. Hắn nhìn vào và nói, “Thưa ngài, xin chấp nhận lời cảm ơn của tôi. Nhưng ngài là một người hiếm có – Tôi không thể tin vào mắt mình. Và một ước nguyện lớn lao đã nảy sinh trong tôi. Tôi đang lãng phí cuộc đời mình để làm một kẻ trộm – nhưng trên đời lại có những người như ngài. Tôi có thể vào và chạm vào chân ngài được không?”
Long Thọ cười và ngài nói, “Được, đó là lý do tại sao ta ném cái bát ra bên ngoài – để anh có thể vào trong.”
Hóa ra tên trộm đã bị “gài bẫy”. Hắn bước vào, chạm vào chân ngài… và phút giây đó gã trộm rất thật lòng vì hắn đã biết người này chẳng phải là người bình thường. Hắn khép nép, chân thành, biết ơn, thấy kì diệu và choáng váng. Khi chạm vào đôi chân Long Thọ, lần đầu tiên trong đời hắn cảm nhận được sự hiện diện của điều gì đó linh thánh.
Gã hỏi Long Thọ, “Phải mất bao nhiêu kiếp sống để tôi trở nên giống như ngài?”
Long Thọ nói, “Bao nhiêu kiếp à? – Nó có thể xảy ra hôm nay, nó có thể xảy ra ngay bây giờ!”
Tên trộm nói: “Chắc ngài đang đùa. Làm sao nó có thể xảy ra bây giờ? Tôi là một tên trộm, một tên trộm nổi tiếng. Cả thị trấn đều biết tôi, mặc dù họ chưa bắt được tôi. Ngay cả đức vua cũng sợ tôi, bởi vì ba lần tôi đã vào ăn cắp trong kho bạc. Họ biết điều đó, nhưng họ không có bằng chứng. Tôi là một tên trộm bậc thầy – Ngài có thể không biết về tôi vì ngài là người lạ lẫm trong những chuyện này thôi. Làm sao [một kẻ khốn như] tôi có thể chuyển hóa ngay bây giờ?”
Và Long Thọ nói, “Nếu trong một ngôi nhà cũ chìm trong bóng đêm trong nhiều thế kỷ và anh mang theo một ngọn nến, phải chăng bóng tối sẽ nói, “Ta đã ở đây hàng thế kỷ – Ta không thể ra đi chỉ vì anh đã mang theo một cây nến. Vì ta đã tồn tại rất lâu”? Bóng tối có năng lực kháng cự hay sao? Liệu có khác gì dù bóng tối tồn tại một ngày hay một triệu năm?
Tên trộm có thể nhìn ra chân nghĩa: bóng tối không thể chống lại ánh sáng; khi ánh sáng đến, bóng tối bị xua tan. Long Thọ nói: Dầu anh có thể đã ở trong bóng tối hàng triệu kiếp – điều đó không quan trọng – nhưng ta có thể cho anh một bí mật: anh có thể thắp sáng một ngọn nến trong con người của anh.”
Rồi tên trộm nói, “Còn nghề ăn trộm của tôi? Tôi có phải từ bỏ nó?”
Long Thọ nói, “Đó là do anh quyết định. Ta không quan tâm đến anh và nghề của anh, ta chỉ có thể cung cấp cho anh bí quyết làm thế nào để thắp sáng trong con người anh, và sau đó tùy thuộc vào anh.”
Tên trộm nói, “Nhưng bất cứ khi nào tôi đến bất kỳ vị thánh thiêng nào, họ luôn nói, ‘Trước tiên hãy ngừng ăn trộm – thì sau đó ta mới khai ngộ cho anh.”
Người ta nói rằng Long Thọ đã cười lớn và nói: “Chuyện của anh là đi ăn trộm chứ không phải đến thăm các vị thánh thiêng kia. Họ không biết gì đâu. Anh chỉ cần theo dõi hơi thở của mình – một phương pháp cổ xưa của Đức Phật – anh chỉ cần quan sát hơi thở vào, quan sát hơi thở ra, bất cứ khi nào anh nhớ, hãy quan sát hơi thở của mình. Ngay cả khi anh đi ăn trộm, khi anh vào nhà ai đó trong đêm, hãy tiếp tục theo dõi hơi thở của anh. Khi anh đã phá cửa những kho bạc và thấy kim cương châu báu ở đó, hãy cứ tiếp tục theo dõi hơi thở của anh và làm bất cứ điều gì anh muốn làm – nhưng đừng quên theo dõi hơi thở.”
Tên trộm nói: “Chuyện này có vẻ đơn giản. Không cần một quy tắc đạo đức? Không cần quy ước? Không yêu cầu gì khác?”
Long Thọ nói, “Hoàn toàn không – chỉ cần dõi theo hơi thở của anh.”
Và sau mười lăm ngày, tên trộm đã trở lại, nhưng hắn là một người hoàn toàn khác. Hắn quỳ xuống dưới chân Long Thọ và nói, “Ngài đã gài bẫy tôi, và ngài đã gài bẫy tôi khéo đến mức tôi thậm chí không thể nghi ngờ. Tôi đã cố gắng trong mười lăm ngày này – nhưng không thể. Chừng nào tôi còn theo dõi hơi thở của mình, tôi không thể ăn trộm. Nếu tôi ăn trộm, tôi không thể theo dõi hơi thở của mình. Theo dõi hơi thở, tôi trở nên tĩnh lặng, tỏ tường, tỉnh giác đến mức ngay cả những viên kim cương cũng giống như những viên sỏi. Ngài đã tạo ra cho tôi một tình thế khó khăn, tiến thoái lưỡng nan. Bây giờ tôi phải làm gì đây?”
Long Thọ nói, “Cứ đi lạc lối – cứ làm bất cứ điều gì anh muốn làm. Nếu anh vẫn muốn sự tĩnh lặng đó, sự an bình, hỷ lạc, vốn khởi sinh trong anh khi anh theo dõi hơi thở của mình, thì hãy chọn nó. Nếu anh nghĩ rằng tất cả kim cương và vàng bạc có giá trị hơn thì chọn nó. Cái đó là do anh chọn! Ta là ai mà bàn tính cho cuộc đời anh? ”
Gã trộm thốt, “Con không thể chọn sự bất tỉnh giác một lần nữa. Con chưa bao giờ biết đến những khoảnh khắc [tỉnh thức] như bây giờ. Xin nhận con làm đệ tử của thầy, và xin khai ngộ cho con.”
Long Thọ nói, “Thầy đã thực ra khai ngộ cho con rồi.”
Con đường tâm linh không [chỉ] dựa trên quy tắc đạo đức mà dựa trên thiền định. Con đường tâm linh không bắt nguồn từ những nguyên tắc mà từ tỉnh thức.
SƯU TẦM
- Đức Phật hỏi: “Thế gian điều gì là trân quý nhất?”
- 𝐂𝐨́ 𝟑 Đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐂𝐨𝐧 𝐍𝐞̂𝐧 𝐍𝐡𝐨̛́
- SỐNG CHẬM LẠI, NGHĨ KHÁC ĐI…
- Quan tâm nhiều…
- Những lời khai thị của Ngài Quãng Khâm.
- ĐỜI NGƯỜI SUY CHO CÙNG CÓ 7 CÁI PHẢI HỌC
- CON NGƯỜI CẢ ĐỜI TRANH GIÀNH NHAU RỐT CUỘC LÀ VÌ ĐIỀU GÌ?
- RỒI AI CŨNG SẼ GIÀ ĐI
- NẾM TRÀ, THƯỞNG ĐỜI
- OCEAN VUONG, NHÀ THƠ TRẺ NỔI TIẾNG TRÊN ĐẤT MỸ