Chương Một – Phật Bảo Tiết VI Các Tinh Thần Giáo Dục của Thế Tôn và sự Liên Hệ giữa Ngài với các hàng Ðệ Tử, Chư Thiên, Ác Ma và Ngoại Ðạo.

Chương Một – Phật Bảo Tiết VI Các Tinh Thần Giáo Dục của Thế Tôn và sự Liên Hệ giữa Ngài với các hàng Ðệ Tử, Chư Thiên, Ác Ma và Ngoại Ðạo.

(tiếp theo)


– Thế Tôn và Tôn Giả A-Nan (Ananda)

Tôn giả A-nan là người hoàng tộc, xuất gia khi Thế Tôn về thăm vua Tịnh Phạn và hoàng tộc.

Tôn giả là một trong mười vị đại đệ tử của Thế Tôn. Trong hai mươi năm đầu, Thế Tôn không có thị giả riêng. Năm năm mươi sáu tuổi, Thế Tôn ngỏ ý cần thị giả, Thánh chúng đề cử Tôn giả A-nan. Tôn giả hoan hỷ làm thị giả Thế Tôn với điều kiện Thế Tôn từ chối bốn việc và chấp nhận bốn việc:

– Từ chối, không cho Tôn giả y, đồ ăn, phòng ở riêng và mời ăn- Nếu Tôn giả được mời thọ trai, Thế Tôn cho phép đi; nếu có người từ xa đến xin yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn bằng lòng cho gặp khi A-nan giới thiệu; Thế Tôn cho A-nan yết kiến khi A-nan gặp điều khó xử; Thế Tôn giảng lại những giáo lý Ngài dạy những khi A-nan vắng mặt.

Thế Tôn chấp nhận lời yêu cầu của Tôn giả (Trưởng Lão Tăng Kệ).

Công việc thị giả của Tôn giả A-nan gồm: đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, quét phòng, đi theo Thế Tôn; ban ngày ở cạnh Thế Tôn để bạch Thế Tôn những điều cần làm; ban đêm, cầm đèn và gậy đi quanh phòng Thế Tôn; sẵn sàng khi Thế Tôn gọi. Tại Jetavana, Thế Tôn xác nhận Tôn giả là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm phương diện: đa văn, cảnh giác, sức khoẻ đi bộ, kiên trì và hầu hạ chu đáo. Tôn giả chỉ đắc A-la-hán sau khi Thế Tôn nhập diệt vào đêm trước ngày kiết tập đầu tiên (Trưởng Lão Tăng Kệ).

Tôn giả A-nan được đề cập đến trong rất nhiều kinh Nikàya và A-hàm, là bậc khéo nói, có cử chỉ rất tốt đẹp trong xã giao, là thị giả rất trung thành, rất tận tụy, học rộng bậc nhất và có trí nhớ bậc nhất. Kinh Ðại-Bát-Niết-Bàn đã ghi lại rằng Tôn giả rất đau xót mỗi lần Thế Tôn bị mệt hay bị bệnh. Tôn giả đã khóc vật vã khi Thế Tôn nhập diệt.

Trước khi thị tịch, Thế Tôn đã hết lời ca ngợi, tán thán và khích lệ Tôn giả. Thế Tôn nhấn mạnh, Tôn giả A-nan thắng hơn thị giả của chư Phật quá khứ ở một điểm là: A-nan biết ý Thế Tôn muốn gì để đáp ứng trước khi Thế Tôn dạy, còn thị giả của chư Phật quá khứ thì chỉ biết ý khi chư Phật đã dạy mà thôi.

– Thế Tôn và Các Tôn Giả A-Nậu-Lâu-Ðà, Ca-Chiên-Diên, Phú-Lâu-Na v.v…

Các Tôn giả đại đệ tử này đều được đề cập đến trong nhiều kinh và đều được Thế Tôn tán thán về hạnh tối thắng và đại tuệ. Các Tôn giả đều hết lòng tôn kính và hầu hạ Thế Tôn trong các Phật sự của Giáo hội: truyền bá Chánh pháp và hướng dẫn các vị tân Tỷ-kheo.

Thỉnh thoảng Thế Tôn một mình ghé lại chỗ tu hành của các Tôn giả để hỏi thăm sức khoẻ. Một lần đến thăm Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), Tôn giả Nan-đề (Nandida), Tôn giả Kim-tỳ-la (Kimpila), Ngài dung dị đến độ người giữ vườn không biết Ngài là Thế Tôn, ngăn cản Ngài đi vào vườn, cho đến khi các Tôn giả biết, ra cung thỉnh Thế Tôn. Lời thăm hỏi của Thế Tôn mở đầu là: “Này các Tỷ-kheo, các Ông có được an lành không? Sống được yên vui không? Ði khất thực có mệt không?” (17)

Khi biết tin các Tôn giả đau ốm, Thế Tôn đến viếng thăm khích lệ và thuyết pháp để các Tôn giả sinh khởi hỷ lạc mà thoát cơn bệnh nặng (18).

Tôn giả A-nậu-lâu-đà là vị chủ trì lo việc hỏa táng, thiêu Xá lợi lúc Thế Tôn nhập diệt.

– Thế Tôn và Các Tân Tỷ Kheo

Một số các tân Tỷ-kheo do Thế Tôn thu nhận, một số do các vị đại đệ tử thu nhận. Hầu hết các tân Tỷ-kheo về sau đều do hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trực tiếp hướng dẫn. Bên cạnh các đại đệ tử, các tân Ty- kheo vẫn thường được nghe Thế Tôn thuyết pháp và khích lệ. Thế Tôn rất quan tâm đến việc giảng dạy và khích lệ các tân Tỷ-kheo, dù đã có các đại đệ tử của Ngài hướng dẫn.

Kinh Tương Ưng IV, phẩm Bệnh ghi rằng: Khi Thế Tôn nghe bạch có Tỷ-kheo mới tu bị bệnh nặng, Thế Tôn liền đi đến thăm. Khi thấy Thế Tôn đến, Tỷ-kheo bị bệnh nặng gượng dậy trên giường nhưng Thế Tôn liền nói: “Thôi chớ có gượng dậy, Thế Tôn đã có chỗ ngồi ở đây rồi”. Rồi Thế Tôn thăm hỏi bệnh tình, an ủi và nói pháp khích lệ. Vị tân Tỷ-kheo này liền đắc Tu-đà-hoàn ngay trên giường bệnh.

Thế Tôn đến thăm nhiều tân Tỷ-kheo bị bệnh như thế.

– Thế Tôn đối với Nữ Tôn Giả Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Ðề.

Nữ Tôn giả Ma-ha Ba-xà-ba-đề vốn là mẹ nuôi của Thế Tôn, về sau, nữ Tôn giả cùng với năm trăm Thích-ca nữ xin xuất gia. Thế Tôn xét theo sự khẩn cầu của Tôn giả A-nan, chấp thuận cho xuất gia với điều kiện chấp nhận Bát Kỉnh Pháp.

Ðức Phật thuyết pháp cho nữ Tôn giả nghe. Sau một thời gian tinh cần tu tập, nữ Tôn giả đắc A-la-hán. Năm trăm Tỷ-kheo-ni thì đắc sáu Thánh trí, sau khi nghe Tôn giả Nandaka giáo giới (do Thế Tôn cử). Thế Tôn đã tuyên bố Tôn giả là người có kinh nghiệm đệ nhất của Ni chúng, sống được hạnh phúc giải thoát, Niết-bàn.

Trong lời tuyên bố chứng ngộ của tự thân, nữ Tôn giả đã hết lòng cung kính và tán thán hạnh đức của Thế Tôn (Trưởng Lão Ni Kệ).

– Thế Tôn đối với Các Nữ Tôn Giả Khác

Thế Tôn đã tuyên bố và tán dương hạnh bậc nhất của một số nữ Tôn giả (như đã trình bày ở phần trước). Một số nữ xuất gia, Thế Tôn thu nhận, hoặc các đại đệ tử của Thế Tôn giới thiệu và chuyển qua Ni chúng, dưới sự hướng dẫn của Tôn giả Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Một số lớn do chính các nữ Tôn giả tế độ.

Các nữ Tôn giả có hạnh bậc nhất đều là các vị có đại tuệ, đã đắc quả A-la-hán.

– Trường hợp Vimalà và Ambapàli là hai kỹ nữ về sau đắc A-la-hán (Trưởng Lão Ni Kệ).

– Trường hợp Kisàgotamì là một cô gái nhà nghèo, có gia đình và bị khinh thường, sức khỏe kém. Khi nàng có con thì được gia đình chồng kính trọng. Ðứa con vừa biết chạy thì chết. Nàng đau khổ ôm xác con đến tịnh xá Thế Tôn xin thuốc cải tử hoàn sinh. Thế Tôn thấy căn cơ nàng đã đến thời điểm nhập đạo liền dạy: “Hãy đi đến nhà nào không có người chết (chưa từng có người chết) xin về đây một hột cải, Thế Tôn sẽ giúp cho nàng”. Sau đó, nàng tỉnh ngộ, biết là Thế Tôn dạy khéo nàng, nên nàng đem con vào nghĩa địa, rồi xin Thế Tôn xuất gia. Thế Tôn dạy:

Tâm ai bị đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ. — (Dhp 287).

Nàng liền đắc Pháp nhãn ngay tại chỗ (Trưởng Lão Ni Kệ).

– Nữ Tôn giả Khemà, thuộc hoàng tộc ở Ma-kiệt-đà, có nhan sắc tuyệt trần, là hoàng hậu của vua Tần-bà-sa-la. Khi Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, nàng cùng các người hầu cận đến hầu Thế Tôn. Thế Tôn hóa hiện một tiên nữ đẹp hơn cả nàng, đứng hầu quạt Thế Tôn. Trước mắt nàng, tiên nữ bỗng trở nên già sụm rồi ngã xuống đất, khiến nàng thức tỉnh, tiêu tan tất cả kiêu mạn về nhan sắc của mình. Bấy giờ Thế Tôn dạy:

“Người đắm say các dục,
Như nhện sa lưới dệt,
Bỏ mọi khổ không màng,
Tự lao mình xuống dòng,
Người trí cắt trừ nó”. — (Dhp. 347).

Nàng chứng đắc A-la-hán ngay tại chỗ rồi mới xuất gia.

– Nữ Tôn giả Dhammadinnà là vợ của một người có địa vị trong xã hội, ông Visàkhà. Khi Visàkhà nghe Thế Tôn dạy, liền đắc A-na-hàm và xuất gia. Nàng cũng xin xuất gia nhập thất, không bao lâu liền đắc A-la-hán, quả vị cao hơn cả Visàkhà (người chồng cũ). Nữ Tôn giả là vị Ni thuyết pháp giỏi nhất (Trưởng Lão Ni Kệ, và Trung Bộ I).

– Nữ Tôn giả Patàcàrà vốn con nhà giàu, về sau lập gia đình với chàng trai giúp việc và trốn nhà ra đi. Ðến lúc sinh được hai con (trong một điều kiện rất khổ) thì chồng bị rắn cắn chết, một đứa con bị diều tha, một đứa con bị nước cuốn trôi, cha mẹ và các em bị chết trong cùng một đêm bão tố. Quá đau khổ, nàng bị điên. Trên đường điên loạn, nàng gặp Thế Tôn và hồi tỉnh. Thế Tôn thuyết pháp tế độ nàng. Về sau nàng đắc A-la-hán quả và thuyết pháp độ được năm trăm vị Ni khác cũng đắc quả (Trưởng Lão Ni Kệ).

Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình. Thế Tôn cho phép thành lập đoàn thể nữ giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Xác nhận nữ giới đồng đẳng với nam giới về mặt chứng đắc giải thoát, có khả năng đắc A-la-hán quả, đoạn tận vô minh. Ðây là tiếng nói của nhân bản, dân chủ, bình đẳng nhất và sớm nhất trần gian, giải phóng nữ giới ra khỏi vòng ràng buộc và tối tăm của cuộc sống, bị đè nặng bởi các văn hóa chậm tiến.

– Thế Tôn đối với Các Nữ Cư Sĩ và Nam Cư Sĩ

Hàng đệ tử của Thế Tôn gồm có bốn chúng: Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

Thế Tôn bằng tinh thần khế cơ, bằng thiện xảo phương tiện, đã giáo hóa rất nhiều nam và nữ cư sĩ đủ các giai cấp, các thành phần xã hội và các lứa tuổi. Hàng đệ tử tại gia có đủ các hạnh. Thế Tôn đã tán thán các hạnh bậc nhất của các cư sĩ (như đã trình bày ở phần trước). Ở đây, chỉ giới thiệu một số trường hợp điển hình và một số giáo lý điển hình dành cho các cư sĩ tại gia.

1. Trường hợp Singàla (Thiện Sinh) (Trường Bộ Kinh, 31), Thế Tôn dạy chàng thanh niên đảnh lễ sáu phương trong luật của bậc Thánh (Phật giáo) là đảnh lễ sáu mối tương quan của con người: cha mẹ – con cái; thầy trò; vợ – chồng; chủ – thợ; cá nhân – bè bạn, bà con, láng giềng; và tu sĩ – cư sĩ.

Ðối tượng của đảnh lễ phải là đối tượng thiêng liêng nên sáu mối tương hệ trên được Thế Tôn dạy là sáu mối tương hệ thiêng liêng, cao quý của con người. Ðối tượng đảnh lễ này vừa rất thiết thực, vừa rất nhân bản, bởi vì nội dung của đảnh lễ chính là thể hiện những gì mà con người phải làm để thiết lập tương giao tốt, có ý nghĩa, đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và cho người:

* Bổn phận của cha mẹ đối với con cái là giáo dục tốt con cái, hướng dẫn con cái vào đường thiện, giúp con cái đi đến hôn nhân tốt.* Bổn phận của con cái đối với cha mẹ là săn sóc cha mẹ lúc tuổi già, giữ danh dự và truyền thống gia đình, giúp các việc khi cha mẹ cần, giữ gìn tài sản của cha mẹ.

* Bổn phận của thầy giáo là dạy giỏi, hướng dẫn học sinh chọn bạn và chọn nghề, dạy nghề để học trò có việc làm khi học xong. Ðây chính là trách nhiệm của học đường ngày nay, với tinh thần dạy chuyên môn và dạy nghề là tinh thần giáo dục hiện đại nhất và thiết thực nhất.

* Bổn phận học trò thì kính trọng, vâng lời thầy, học hỏi và giúp đỡ khi thầy cần.

* Liên hệ vợ chồng: Vợ chồng phải thương yêu và kính trọng nhau; người vợ phải vừa là vợ, vừa là người yêu, vừa là bạn, và có khi là chị hay em (hoặc mẹ); người chồng phải vừa là chồng, vừa là người yêu, vừa là bạn, và có khi là anh, em (hoặc là cha), người chồng thường săn sóc các nhu cầu, hay sắm quà tặng cho vợ; người vợ phải quán xuyến các việc trong nhà, cả hai phải trung thành với nhau.

Thật là lạ lùng! Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm mà Thế Tôn lại quan niệm về hôn nhân và tình yêu của tuổi trẻ rất là đặc biệt, tiên tiến. Ngày nay con người vẫn còn bối rối giữa ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu. Có người quan niệm hôn nhân khác hẳn với tình yêu, người vợ khác hẳn với người tình. Tách rời hôn nhân khỏi tình yêu là quan niệm thiếu thực tế, chỉ làm cho tuổi trẻ thêm bối rối. Thế Tôn đã giáo dục tình cảm một cách thiện xảo: Tương quan giữa vợ chồng chính là tương quan của tình yêu, vừa là tình bạn, vừa là vợ chồng, và có khi cả hai người còn đòi hỏi thứ tình cảm được săn sóc, nuông chiều nữa, đó là thứ tình cảm mà người vợ phải giữ vai trò của người chị, người mẹ hoặc người em gái của chồng, và người chồng phải giữ vai trò người anh trai, em trai hay người cha của vợ. Tương hệ nầy đầy tình người, hạnh phúc và rất là xây dựng, thiết thực!

Rõ ràng đây là một chỉ hướng giáo dục “lý tưởng” về tình cảm, tâm lý, hôn nhân và tình yêu!

Trong Tăng Chi IV, Tương Ưng I, và Trường Bộ Kinh II (như đã được trích dẫn ở phần đầu của giáo dục cá nhân của Phật giáo, chương I, tiết VI), Thế Tôn dạy rõ cách sống như thế nào để có hạnh phúc của đời sống gia đình trong hiện tại. Trong đó, Thế Tôn dạy đến đời sống kinh tế của gia đình trong hiện tại, đời sống quân bình sức khỏe, tình cảm, suy tư, tâm lý. Quả là một tinh thần hướng dẫn giáo dục đầy thực tế!

2. Có một lần, Thế Tôn giáo dục nàng Sujàtà, dâu của cư sĩ Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika), người không vâng lời cha mẹ chồng, hay to tiếng, lớn tiếng trong gia đình. Thế Tôn kể cho nàng nghe có bảy hạng người vợ: Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, và vợ như người nữ tỳ. Sau khi nói rõ nội dung, thái độ sống của mỗi hạng người vợ, Thế Tôn kết luận: Vợ như bạn, như mẹ, như chị, như nữ tỳ thì có đức hạnh và sau khi chết sẽ được sanh Thiên; còn ba hạng vợ kia thì sau khi chết sẽ sanh vào địa ngục. Tiếp theo Thế Tôn hỏi Sujàtà, “Trong bảy hạng người vợ ấy, con thuộc hạng người nào?” Sujàtà tỉnh ngộ và bạch: “Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay, đối với chồng con, con sẽ là người vợ nữ tỳ”.

Ðấy là thái độ giáo hóa của Thế Tôn, quan tâm đến an lạc hạnh phúc người đời. Ðây lại là tinh thần giáo dục rất nhân bản và tiên tiến: Thế Tôn chỉ trình bày bảy hạng người vợ, rồi để cho nàng Sujàtà tự suy xét và chọn lựa (Tăng Chi IV, chương Bảy Pháp).

3. Ở nơi khác, cư sĩ Uggaha thỉnh Thế Tôn thọ trai. Sau khi Thế Tôn độ trai xong, cư sĩ bạch xin Thế Tôn dạy cho người con gái của ông ta sắp về nhà chồng, nàng phải làm gì để sống tốt đẹp, hạnh phúc (Tăng Chi IIA, tr. 262-263, 1981).

4. Về quan niệm giai cấp xã hội, Thế Tôn dạy cho các cư sĩ về bình đẳng giai cấp. Về hạnh phúc tương lai, Thế Tôn dạy cho cư sĩ về tín, thí, giới và tuệ. Về các cư sĩ có thực tu, thực học, có thể lãnh đạo chúng cư sĩ, như cư sĩ Hatthaka, Thế Tôn dạy thêm về “Bốn nhiếp pháp” (Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp).

5. Về hai cư sĩ hộ Tăng đắc lực là Cấp Cô Ðộc và nàng Visàkhà, Thế Tôn đã dạy đạo giải thoát. Sinh thời, hai cư sĩ này đã chứng “Pháp nhãn” (Thánh quả Nhập lưu).

Thế Tôn với Các Vua Chúa

* Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisàra) là vị vua đầu tiên yết kiến Thế Tôn tại Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) – khi Giáo hội vừa mới có một ngàn vị đệ tử – nghe pháp, hiểu pháp, dâng cúng Thế Tôn tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana), và cung thỉnh Thế Tôn cùng chư Tỷ-kheo thọ trai.

Nhà vua có hoàng hậu nhan sắc tuyệt trần, đã xuất gia do thấy rõ vô thường, và đã trở thành một A-la-hán; ấy là nữ Tôn giả Khemà, là vị trí tuệ bậc nhất của Ni chúng.

* Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nước Kiều-tất-la (Kosala) được Thế Tôn xác nhận là thiện hữu, thiện giao du (Tương Ưng I, phẩm thứ hai, Tương Ưng Kosala).

Một hôm, vua Ba-tư-nặc đến hầu thăm Thế Tôn và đặt một số câu hỏi: “Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?”

– Thưa Ðại Vương: “Tôi đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

– Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn là các vị hội chủ, giáo trưởng có danh vọng, khai mở các giáo phái, được quần chúng tôn sùng, như: ngài Purana Kassapa, Makkhali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Kukudha Kaccàyana, Ajita Kosakambala (đây là Lục sư ngoại đạo). Khi con hỏi các vị ấy: “Có tự xem là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?” thì các vị ấy đã trả lời: “Không”. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia, lại tự cho mình như vậy?”

– “Thưa Ðại vương, có bốn loại không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Ðại vương, Sát-đế-lợi trẻ.., con rắn trẻ.., ngọn lửa trẻ…, và Tỷ-kheo trẻ.. ” (Tương Ưng I, Tương Ưng Kosala).

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc tán thán Thế Tôn và xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, xin trọn đời quy ngưỡng.

* Vua A-xà-thế (Ajàtasattu) là vị vua đã giết cha để chiếm ngôi, đã cùng với Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta) chia rẽ giáo hội của Thế Tôn, tách rời năm trăm vị Tỷ-kheo để thành lập Giáo hội riêng. Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã giáo hóa được năm trăm vị Tỷ-kheo ấy quy hướng Thế Tôn. Vua A-xà-thế biết lỗi mình và cũng quy y với Thế Tôn. Tại một thời thuyết pháp, Thế Tôn đã dạy một số Tỷ-kheo rằng: “Nếu không phạm tội giết cha, thì ngay tại đây A-xà-thế đã đắc Tu-đà-hoàn quả”. (Kinh Sa-môn Quả, Trường Bộ I).

Theo Kinh Sa-môn Quả (Sàmanna – Phalasuttam), vua A-xà-thế đã phát biểu nhận xét của nhà vua về Giáo hội của các Giáo phái đương thời, và đã hết lòng tán dương Giáo hội của Thế Tôn với kết quả rất thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.

Trước hiện tượng xã hội, có nhiều áp bức, bất công của một số lãnh thổ thuộc Ấn Ðộ đương thời, Thế Tôn đã dạy mười điều mà một nhà vua và triều thần cần thực hiện để đem lại hạnh phúc cho nhân dân:

1. Vua độ lượng, bác ái, bố thí, không khát ái, không tham lam tiền của, tài sản.2. Giữ giới: không sát sinh, không bóc lột, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa.

3. Hy sinh tất cả cho lợi ích dân chúng. Vị ấy (vua) sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân, danh tiếng và ngay cả sự sống.

4. Thành thật và liêm khiết.

5. Hiền từ và hòa ái.

6. Khắc khổ trong nếp sống.

7. Không được sân hận, không được tư thù.

8. Nhẫn nhục trước mọi khó khăn, chỉ trích, mà không để mất bình tĩnh.

9. Bất hại: không hại người, đề cao hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và những bạo động phá hoại sự sống.

10. Không chống lại ý muốn của nhân dân, thuận ý dân (Kinh Dhammapadatthaka và Bổn Sinh – Jàkata).

Tăng Chi Bộ Kinh (IV-A, tr. 13, Bản dịch của HT. Thích Minh Châu) ghi bảy điều dạy của Thế Tôn làm cho một xã hội cường thịnh:

1. Hoà hợp trong dân chúng.2. Dân chúng đoàn kết.

3. Pháp luật công minh và có truyền thống dân tộc.

4. Dân chúng sống đạo đức và biết kính trọng người lớn tuổi.

5. Xã hội an ninh, không có các hiện tượng hà hiếp bắt cóc, cưỡng ép các thiếu nữ, phụ nữ.

6. Có tín ngưỡng và tôn trọng truyền thống tín ngưỡng.

7. Kính trọng và ủng hộ chư Tăng.

Trong Kinh “Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống” (Trường Bộ Kinh III, số 26), Thế Tôn xác nhận nguyên nhân của các hiện tượng tội ác trong xã hội như trộm cắp, vô luân, nói dối, bạo động, thù hằn hung ác là do nghèo đói.

Kinh Kùtadanta (Trường Bộ Kinh III), Thế Tôn giải thích các hình phạt không hữu hiệu, không lợi ích và không thành công bằng sự cải thiện kinh tế. Ðể cải thiện kinh tế, Thế Tôn dạy:

1. Cung cấp các thứ hạt giống và phương tiện canh tác cho các nhà nông.2. Cung cấp vốn cho những người kinh doanh đầu tư, trả lương thích đáng cho công nhân.

3. Ðại bố thí cho nhân dân thay thế các lễ tế đàn.

Khi mà dân chúng thu hoạch đủ lợi tức, sẽ vừa lòng, sẽ không sợ hãi hay lo lắng, và kết quả sẽ là xứ sở được thanh bình, ra khỏi tội ác.

Thế Tôn cũng đã gián tiếp trả lời một số câu hỏi mà sứ thần của vua A-xà-thế đặt ra để thăm dò ý kiến Thế Tôn về việc có nên tiến quân đánh nước Vajji (Bạt-kỳ) hay không. Kết quả là lời dạy của Thế Tôn đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh ấy (vua A-xà-thế thuộc dòng Câu-lợi-Kobiyas, còn Vajji thì thuộc dòng Thích-ca-Sàkyas).

Các quan đại thần của các nước lân cận xứ Vajji vẫn thường đến viếng thăm Thế Tôn, hỏi đạo và quy y. Một số con trai và con gái của các quan đại thần đã trở nên các đệ tử xuất gia của Thế Tôn và đã chứng Thánh quả (xem Trưởng Lão Tăng và Ni Kệ).

Thế Tôn với Các Ngoại Ðạo Bà-La-Môn

Ðức Phật giác ngộ như một vầng thái dương sáng chói làm lu mờ hết thảy những vùng trăng sao của ngoại đạo. Vì thế, một số giáo chủ ngoại đạo và các tín đồ ngoại đạo thì quy ý Thế Tôn, một số thì trở nên thù hận.

Chúng ta sẽ dần đi vào hai mối tương hệ đó giữa ngoại đạo và Thế Tôn.

Về mặt chống đối, đại để ngoại đạo đã thực hiện nhiều hình thức: vu khống, tuyên truyền xuyên tạc để làm giảm ảnh hưởng của Thế Tôn và đoàn thể Tăng-già, thách đố thi thố thần thông, tranh luận và vấn nạn, cho người nằm vùng trong tổ chức của Giáo hội để tìm hiểu sự thật của Thế Tôn, v.v…

1. Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna) 43, chép rằng: “Bấy giờ Thế Tôn trú ở Xá-vệ (Sàvatthì), tại Tịnh xá Kỳ Hoàn (Jetavana), khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc, được nhiều người cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường.. Các du sĩ ngoại đạo ganh ghét bèn bày mưu độc cho nữ du sĩ Sundari thường lui tới Kỳ Hoàn, rồi cho người giết Sundari và chôn vào một cái mương tại Jetavana (Kỳ Hoàn). Sau đó đến báo cáo với vua Ba-ta-nặc (Pasenadi) rằng: “Nữ du sĩ Sundari bị mất tích sau nhiều lần lui tới Kỳ Hoàn”. Nhà vua cho phép các du sĩ tới tìm kiếm ở Kỳ Hoàn. Thế là họ đào xác Sundari lên, đặt trên một cái giường, rồi đi khắp các ngã ba, ngã tư đường phố Xá-vệ (Savatthì) cho công chúng xem và tuyên truyền rằng: “Các ngươi hãy xem công việc làm của các Thích tử vô liêm sĩ, ác pháp, ác giới …”.

2. Bổn sanh (Jàtàka), lại kể chuyện một ngoại đạo bày mưu cho một nữ tín đồ lui tới nghe Thế Tôn giảng. Sau mỗi buổi giảng, nàng cứ lảng vảng gần tịnh xá của Thế Tôn giữa khi mọi người ra về. Sau đó độn bụng giả có thai và đòi Thế Tôn giải quyết cái thai ấy. Thế Tôn yên lặng. Vua trời Ðế Thích hiện thần thông làm đổ bể sự man trá ấy trước công chúng. Nàng hổ thẹn bưng mặt chạy. Vừa chạy ra khỏi đạo tràng thì đất tự nhiên nứt ra và chôn sống nàng (tr. 337, bản dịch của HT. Thích Minh Châu).

Những âm mưu xấu xa lộ liễu như thế của ngoại đạo khiến trí thức đương thời chán ngán, càng hướng về Thế Tôn nhiều hơn; việc truyền đạo của Thế Tôn càng kết quả nhanh chóng hơn.

3. Tiểu Bộ Kinh, Kinh “Phật Tự Thuyết” số 61, chép: “Khi Thế Tôn đi bộ giữa dân chúng Kiều-tất-la (Kosala) với đại chúng Tỷ-kheo thì một nhóm thanh niên Bà-la-môn đến gần Thế Tôn và vô cớ lăng mạ Ngài. Thế Tôn yên lặng, và ngay tại chỗ ấy Ngài chỉ nói lên lời cảm hứng:

“Lời nói của kẻ trí,
Khi bối rối luống cuống,
Cái gì dẫn dắt họ,
Họ đâu có biết rõ”. — (Tr. 358).

4. Ở Kinh “Thanh Tịnh” (Trường Bộ IV), ngoại đạo chỉ trích Thế Tôn đã đưa các đệ tử vào đam mê và các hỷ lạc thấp hèn (ly tham, tịch tĩnh).

5. Ngoại đạo chỉ trích rằng: “Thế Tôn chỉ có trí tuệ siêu việt về quá khứ, mà không có trí tuệ siêu việt về tương lai”. Thế Tôn đã giải thích: “Về quá khứ, Như Lai nhớ xa như ý muốn, về vị lai, Như Lai do trí tuệ sanh, biết rằng đây là đời sống cuối cùng, không còn đời sống nào khác nữa”.

6. Một số ngoại đạo lại chỉ trích rằng: “Các Thích tử sống không giữ lập trường”. Thế Tôn giải thích: “Các đệ tử của Ngài luôn luôn hướng đến một mục tiêu tối hậu là giải thoát, Niết-bàn”.

7. Kinh “Ma-kiến-đà” (Trung Bộ II), du sĩ ngoại đạo Màgandiya (Ma-kiến-đà) cho rằng: “Thế Tôn là một người phá hoại sự sống”. Thế Tôn đã hỏi Ma-kiến-đà: “Có phải vì Thế Tôn đã dạy nhiếp phục mắt, mũi, tai lưỡi, thân và ý mà Ma-kiến-đà cho rằng Thế Tôn phá hoại sự sống không?” Ma-kiến-đà đáp: “Phải”. Rồi Thế Tôn đánh tan ngộ nhận đó.

8. Lại nữa, một hôm ngoại đạo Bà-la-môn Bhaddiya đến bạch Thế Tôn rằng: “Tôi nghe dư luận cho rằng Thế Tôn là một nhà huyễn thuật lôi cuốn các đệ tử ngoại đạo. Không biết sự thật có huyễn thuật như thế nào?” (19). Thế Tôn dạy Bhaddiya: “Chớ có tin vì nghe theo báo cáo, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe theo tin đồn, chớ có tin vì rằng kinh Tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân định lý,… chớ có tin vì Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào Ông tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện v.v…” Sau khi Thế Tôn giải thích rộng rãi câu nói trên, Bhaddiya sinh lòng ngưỡng mộ Thế Tôn và xin làm đệ tử của Thế Tôn. Thế Tôn bèn hỏi Bhaddiya có phải Thế Tôn dùng huyễn thuật quyến rũ Bhaddiya không? Bhaddiya bạch: “Thưa không, bạch Thế Tôn, nhưng nếu gọi đó là huyễn thuật, thì thật là hiền thiện huyễn thuật ấy. Con mong rằng các bà con huyết thống của con gặp được “huyễn thuật” dụ dỗ này. Như vậy; các bà con huyết thống của con sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài….”.

9. Lại nữa, một hôm nữ Bà-la-môn Bhannanjàni tán thán Thế Tôn, Bà-la-môn Bhàradvàja, một học giả ngoại đạo, tức tối mắng: “Con mụ ti tiện kia lại buông lời tán thán lão Sa-môn trọc đầu ấy. Ta sẽ luận phá Ðạo sư của người”.

Bhàradvàja đi đến Thế Tôn, bực tức hỏi:

“Giết vật gì được lạc?
Giết vật gì không sầu?
Có chăng một pháp gì,
Ngài tán đồng giết hại,
Tôn giả Gotama?”

Thế Tôn hoan hỷ đáp:

“Giết phẫn nộ được lạc,
Giết phẫn nộ không sầu:
Pháp ấy bậc Hiền Thánh
tán đồng sự giết hại,
giết pháp ấy không sầu,
Này Bà-la-môn kia”. — (Tương Ưng Bộ Kinh I, tr. 179).

Bhàradvàja khởi lòng ngưỡng mộ, xin xuất gia với Thế Tôn, sau đó không lâu đắc A-la-hán.

Bấy giờ Bà-la-môn Akkosaka nghe tin Bhàradvàja xuất gia với Thế Tôn, lòng phẫn nộ, đi đến Thế Tôn và mắng nhiếc Ngài. Thế Tôn ôn tồn hỏi: “Này Akkosaka, nếu có người đem quà biếu Bà-la-môn mà Bà-la-môn không nhận thì người ấy làm thế nào nhỉ?” “- Người ấy đem về ạ” “- Cũng vậy, này Akkosaka, những gì mà Ông đem đến cho Ta”. Akkosaka xin xuất gia với Thế Tôn, nỗ lực tu tập và chứng đắc A-la-hán sau một thời gian.

10. Lại nữa, Kàsi-Bhàradvàja, một nông dân theo Bà-la-môn ngoại đạo hỏi Thế Tôn: “Này Sa-môn, sao Sa-môn không cày ruộng mà sống?”.

Thế Tôn nói: “Ta có cày: Lòng tin là giống; đầu-đà là mưa, trí tuệ là cái cày, tàm quý là cán cày, tinh tấn là sức mạnh để cày, đưa Ta đến nơi an ổn khỏi ách nạn” (20).

Rồi Bà-la-môn Kàsibhàradvàja dâng Thế Tôn một bát cháo sữa và thưa: “Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!” Sau đó Kàsibhàradvàja xin xuất gia với Thế Tôn, về sau cũng đắc A-la-hán quả.

11. Một trường hợp khác, Bà-la-môn Pokkharasàti, rất danh tiếng ở Ukattha, sai Ambattha, một đệ tử bậc nhất, rất thông minh, tinh thông ba tập Vệ-đà, được xem ngang hàng với bậc thầy, đến yết kiến Thế Tôn để xem hư thực thế nào về danh tiếng được đồn đãi của Ngài. Thái độ tiếp xúc với Thế Tôn của Ambattha rất ngạo nghễ. Ambattha thì chủ trương phân biệc giai cấp, Thế Tôn thì quan niệm bình đẳng giữa các giai cấp. Sau lần gặp gỡ này, Ambattha tuyên bố: “Thế Tôn quả thực là bậc Như Lai, ứng Cúng…. đúng như tin đồn rằng, Thế Tôn có đủ ba mươi hai tướng tốt của một Ðại nhân”. (Trường Bộ Kinh I, Kinh A-ma-trú).

12. Một Bà-la-môn khác, Sonadanda, người dòng dõi Bà-la-môn rất giàu có, rất thông thái, đẹp trai, khả ái, có tướng tốt của một Ðại nhân, được vua Tần-bà-sa-la và quần chúng kính trọng, ngưỡng mộ v.v… Ông này ngõ ý tới yết kiến Thế Tôn, nhưng các đệ tử của Sonadanda cho rằng: “Thế Tôn yết kiến Sonadanda mới phải”. Sonadanda là người có tài luận thuyết lại ăn nói trang nhã cao thượng, đã chứng minh cho các đệ tử biết các đức tướng và đức tính của Thế Tôn vượt xa Sonadanda, thật là xứng đáng để Sonadanda yết kiến Thế Tôn.

Sonadanda đã kể đến hai mươi mốt ưu điểm của Thế Tôn. Tưởng chúng ta cũng cần biết qua người ngoại đạo lừng danh thời bấy giờ đã hình dung như thế nào về Thế Tôn trước khi diện kiến Ngài. Hai mươi mốt ưu điểm của Thế Tôn, theo Sonadanda là:

1/- Ðức Gotama từ bỏ hoàng tộc và ngai vàng xuất gia.
2/- Từ bỏ rất nhiều vàng bạc, châu báu.
3/- Ngài quyết tâm ra đi giữa tiếng khóc than và đầy nước mắt của song thân (Phụ vương và Hoàng hậu).
4/- Ðức Gotama đẹp trai, khả ái, trang nhã, tuấn tú, cao thượng, làm đẹp lòng người.
5/- Ðầy đủ giới đức, thiện đức.
6/- Xứng đáng là bậc Tôn sư của hàng Tôn sư.
7/- Ðã đoạn tuyệt tham ái và xao động của tâm.
8/- Xuất gia từ chủng tộc cao quý: Sát-đế-lợi.
9/- Ðức Gotama chủ trương về Nghiệp.
10/- Vô số dân chúng đã vượt suối băng ngàn đến học đạo với Sa-môn Gotama.
11/- Hàng ngàn Thiên, Nhân quy y Thế Tôn.
12/- Là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác, v.v…
13/- Có đủ ba mươi hai tướng quý của một bậc Ðại nhân.
14/- Lời chào đón của Thế Tôn thân thiện, tao nhã, trang trọng, chân thực, lời nói có dẫn chứng.
15/- Ðược bốn chúng tôn sùng, ngưỡng vọng.
16/- Tại nơi nào Thế Tôn ở thì các loài Phi nhân không làm hại loài Người.
17/- Là Giáo tổ được tôn là tối thượng trong các Giáo tổ.
18/- Danh tiếng của các Bà-la-môn thì dựa trên những căn cứ không đâu, còn danh tiếng của Thế Tôn dựa trên trí tuệ vô thượng của Ngài.
19/- Vua Tần-bà-sa-la cùng cả Hoàng tộc và truyền thần đều quy y và trọng vọng Thế Tôn.
20/- Vua Ba-tư-nặc cùng Hoàng tộc và triều thần đều quy y và ngưỡng vọng Thế Tôn.
21/- Bà-la-môn Pokkharasàdi là một Giáo chủ, ngoại đạo thời danh, đã cùng với gia đình, vợ con, thị giả, thân cận quy y, kính nể và ngưỡng vọng Thế Tôn.

Rồi Sonadanda cùng đại chúng Bà-la-môn đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ Sonadanda tán thán Thế Tôn: “Thật là kỳ diệu! Thế Tôn như người đã dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống… Con xin trọn đời quy ngưỡng Thế Tôn” (21).

13. Loã thể Kassapa một lần hỏi Thế Tôn: “Có phải Ngài chỉ trích khổ hạnh, tuyệt đối phỉ báng, mạt sát khổ hạnh?” Thế Tôn đáp: “Lời nói đó không đúng với lời của Thế Tôn” Thế Tôn cắt nghĩa rằng có những khổ hạnh đi xuống địa ngục, ác thú; có những khổ hạnh đi lên các cõi Trời, thiện thú. Nhưng chắc chắn không có khổ hạnh nào bằng con đường tu Giới, Ðịnh, Tuệ của Thế Tôn và các đệ tử của Ngài. Bấy giờ Thế Tôn đề nghị với Kassapa: “Này Kassapa, có một số Bà-la-môn, Sa-môn bác học, biện tài…. Ta đến các vị ấy và nói: “Hãy để yên những quan điểm bất đồng. Các vị có trí hãy đàm luận trao đổi các điểm đồng ý….” Này Kassapa, sự tình này xảy ra: một phần lớn các vị tán thán chúng ta rằng: “Các Tôn giả, Sư trưởng kia chỉ xả ly một phần các pháp ô nhiễm, không xứng đáng bậc Thánh, còn Tôn giả Gotama thì xả ly hoàn toàn…”.

Thế Tôn giới thiệu con đường Giới, Ðịnh, Tuệ cho Kassapa. Lõa thể Kassapa đã xúc động tán thán: “Bạch Ðại đức Gotama, ai có thể sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng lại không hoan lạc với niềm hoan hỷ lớn nhất … Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn”. (Sđđ, tr. 176 – 177).

14. Ngoại đạo sư Ni-kiền Tử (Niganthaputta Saccaka) (Trung Bộ Kinh I, Kinh Saccaka, tr. 229) là người ưa luận chiến, có tài biện luận thiện xảo, được số đông kính trọng, thường tự đắc, tuyên bố khoác lác trước Hội chúng của ông ta ở Tỳ-xá-li (Vesàli) rằng: “Ta không thấy có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào, dù là Giáo chủ, là A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… khi đối thoại với ta lại không run sợ, không khiếp sợ, không toát mồ hôi nách. Dù là cột trụ vô tình, khi đối thoại với ta cũng run sợ….” Ông tiếp: “Sa-môn Gotama nếu đối thoại với ta, thì sẽ như một lực sĩ nắm chặt lông dài của con cừu, kéo tới, kéo lui, vần quanh; cũng thế, ta dùng lời nói kéo tới, kéo lui, vần quanh Sa-môn Gotama”.

Rồi một hôm Saccaka Niganthaputta đi cùng với năm trăm người Licchavi trí thức để mong đánh bại Thế Tôn tại Trùng Các giảng đường. Câu hỏi đầu tiên của Saccaka là: “Tôn giả Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Những bộ môn nào Sa-môn Gotama giảng dạy cho đệ tử?”. Thế Tôn trình bày năm uẩn là vô ngã… còn Saccaka chủ trương Năm uẩn là có tự ngã, thuộc tự ngã của ta. Khi Thế Tôn chứng minh lập luận của Saccaka là không hợp lý, không có căn cứ, thì Saccaka hoảng sợ, toát mồ hôi, nhưng giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi hợp lý của Thế Tôn. Thế Tôn bèn nhắc cho Saccaka biết rằng, theo truyền thống, khi Thế Tôn hỏi một câu hỏi hợp lý đến lần thứ ba mà người đối thoại không chịu trả lời thì thần Dạ-xoa (Yakka) sẽ đánh một chùy Kim cang làm đầu vỡ thành bảy mảnh; rồi Thế Tôn đặt lại câu hỏi đến lần thứ hai. Bấy giờ chỉ có một mình Saccaka thấy Thần Dạ-xoa đã nghiêm nghị với chầy Kim cang đứng ở trước mặt, Saccaka run sợ, hoảng sợ, chỉ biết nương tựa vào sự che chở của Thế Tôn, liền bạch: “Thế Tôn hãy hỏi, tôi sẽ trả lời”.

Kiêu khí của Saccaka trước năm trăm người Licchavi tan thành mây khói, đã phải thốt lên lời xưng tán Thế Tôn, tuy tính kiêu ngạo của ông ta đang muốn dìm sâu trong lòng sự khâm phục của ông ta đối với Thế Tôn: “Ôi! Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thật là lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh xuất, đã dám dùng lời luận chiến với Thế Tôn. Rất có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với con voi điên, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama. Rất có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống đám lửa hừng… chống con rắn độc hung hãn, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama”.

15. Bà-la-môn ngoại đạo Brahmayù (Trung Bộ Kinh II, Kinh Ma-kiến-đề) là người bấy giờ sống thọ một trăm hai mươi tuổi thông suốt Vệ-đà, thông suốt chú thuật, thông thái ngôn ngữ cùng Thuận thế luận và Ðại nhân tướng, đã phái thanh niên Uttara, một đệ tử xuất chúng, cũng tinh thông ba tập Vệ-đà, gia nhập Giáo hội của Thế Tôn, sống gần Thế Tôn suốt bảy tháng để xem Thế Tôn có thật sự như lời đồn tán thán về Ngài.

Sau bảy tháng không rời khỏi Thế Tôn (bám sát Thế Tôn), Uttara đã báo cáo cho Brahmayù biết rằng: “Thế Tôn chẳng những tốt đẹp như tiếng đồn tốt đẹp về Ngài, mà Ngài còn nhiều đức tánh hơn thế nữa”.

Brahmayù đã cùng với Hội chúng của ông ta đi đến yết kiến Thế Tôn. Thấy rõ đúng sự thật về Ngài, Brahmayù đắp y, đầu mặt sát đất đảnh lễ Thế Tôn, ưu ái cung kính lấy tay xoa lên bàn chân Thế Tôn và tự xưng tên mình: “Bạch Tôn giả Gotama, con là Bà-la-môn Brahmayù”. Hội chúng của Brahmayù rất kinh dị thốt: “Ôi thật là vi diệu, thật là kỳ diệu! Ðại thần lực của Sa-môn Gotama đã khiến cho Bà-la-môn Brahamayù với đầy danh vọng, đầy tiếng tăm, hạ mình tối đa như vậy!”.

Brahmayù tiếp tục được nghe Thế Tôn thuyết pháp về bốn Thánh đế và sự xuất ly các pháp. Bảy ngày sau đó, Brahmayù đắc A-na-hàm và mệnh chung.

16. Bà-la-môn Cankì Bhàradvàja (Trung Bộ Kinh II, Kinh Cankì) là Bà-la-môn nổi tiếng bậc nhất tại nước Kiều-tát-la (Kosala) bấy giờ, đã cùng với năm trăm Bà-la-môn danh tiếng khác hội họp bàn cách đánh bại chủ trương bình đẳng giai cấp của Thế Tôn và nêu cao chủ trương phân biệt có bốn giai cấp của họ.

Tất cả năm trăm người của họ cùng Cankì đi đến yết kiết Thế Tôn. Họ đặt rất nhiều câu hỏi trong đó có các vấn đề: hộ trì chân lý, hành trì chân lý, chứng ngộ chân lý (Thanh niên Bhàradvàja là người được Cankì ái mộ) đứng ra đặt các câu hỏi. Thế Tôn cắt nghĩa: “Này Bhàradvàja, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi. Nhưng người ấy không chủ trương chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm. Như thế này là ý nghĩa hộ trì chân lý”. Sau khi giám sát một vị Tỷ-kheo thuyết pháp thâm sâu, tịch tịnh… vượt ngoài luận lý suông…. và biết rõ vị ấy thuyết pháp không do tham ái, không do sân hận, không do si mê. Sau khi quan sát đi đến thân cận giao thiệp, rồi lắng nghe… rồi thọ trì… rồi tìm hiểu… rồi hoan hỷ chấp nhận… rồi sinh ước muốn tinh cần thực hiện. Nhờ tinh cần, vị ấy chứng ngộ chân lý cao cả nhất, cho đến mức độ này, này Cankì, là ý nghĩa giác ngộ chân lý… nhưng chưa phải là chứng đạt chân lý. Này Bharadvàja, nhờ tu tập, luyện tập nhiều lần chân lý mới được chứng đạt. Như thế này là ý nghĩa chứng đạt chân lý”. (Trung Bộ II, tr. 174 A-B. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu).

Nghe xong, Bhàradvàja thay đổi quan điểm và nói lên lời ca ngợi Thế Tôn: “…Thật sự Tôn giả Gotama đã làm cho con khởi lên lòng kính trọng, ái kính các Sa-môn (đệ tử của Thế Tôn). Thật là vi diệu! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ đây cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng”. (Sđd, tr. 171).

Thế là mọi chiến dịch chống Thế Tôn của các Giáo phái ngoại đạo đều thất bại, chỉ làm tăng uy tín của Giáo hội Phật giáo, khiến các giới trí thức chán nản ngoại đạo và quy hướng Thế Tôn.

Qua các hình thức chống đối ấy, ta có thể hình dung ra các khó khăn trên đường hoàng đạo của Thế Tôn. Sự kiện các phái ngoại đạo hoảng hốt tìm chỗ đứng về ảnh hưởng cho chính mình bằng việc tìm mọi cách để hại uy tín của đức Phật đã nói lên giá trị cao cả của giáo lý giải thoát.

Sự kiện các ngoại đạo quy hướng Thế Tôn nói lên sự trống rỗng, mất nền tảng của giáo lý của họ, và đồng thời nói lên giá trị ưu việt về thái độ giảng dạy và nội dung giảng dạy của Thế Tôn.

(xem tiếp đoạn kế)