Cửu Hoa Sơn Thiên Thai Phong
Cửu Hoa Sơn Thiên Thai Phong
Tại Cửu Hoa sơn, Thiên Thai phong là ngọn núi cao hơn mặt biển 1306 mét, chỉ thấp hơn ngọn Thập Vương phong và Thất Hiền phong mà thôi. Từ Cửu Hoa nhai lên Thiên Thai ước chừng 15 dặm đường, bởi vì trên đỉnh núi có Vạn Phật tự, Phụng Nhật đình, và ven đường đi lên núi có nhiều chùa, phong cảnh đẹp nên hầu hết khách đến nơi này đều tôn núi lên hàng đầu của Cửu Hoa, cho rằng đến Cửu Hoa là phải lên Thiên Thai.
Tọa lạc trên đỉnh còn có Địa Tạng tự (xưa gọi là Thiên Thai tự), chùa này thường được khách đến viếng nhất. Bên trái của chùa là ngọn Long Đầu, bên phải là ngọn Long Châu, đối diện là Thập Vương phong, dưới ngọn Long Đầu là Thanh Long Bối. Trên ngọn Long Châu có một viên đá lồi ra rất lớn gọi là Long Châu Thạch. Truyền thuyết nói Cửu Hoa là long mạch sống nên có núi có hình như rồng xanh sống ở nơi cao vậy. Lên Thiên Thai phong, đứng nhìn cảnh núi non muôn hình và những cụm mây đến rồi đi, đất trời vẫn hồn nhiên, lòng du khách sẽ cảm giác như nơi đây chẳng phải nhân gian vậy!
Cổ Bái Kinh Đài nằm ngay dưới chân núi Thiên Thai, cách Quan Âm phong khoảng 2 dặm của Tàu (1 dặm = 0,5km). Muốn đi lên núi phải ngang qua am này. Am được xây vào đời Đường và trải qua nhiều lần trùng tu và xây thêm, hiện am rất lớn, toàn khu vực của am có diện tích 898 m2 nên cũng gọi là chùa. Tương truyền, Kim Địa Tạng (tức ngài Kim Kiều Giác) từng ở nơi này bái thỉnh được Kinh Hoa Nghiêm nên chúng tăng đời sau xây am ở đó để kỷ niệm gọi là Đại Nguyện am. Nhưng vì hai chữ “Bái Kinh” có tích dễ nhớ nên ai cũng gọi am là Cổ Bái Kinh Đài. Từ Đại Hùng Bảo điện của Cổ Bái Kinh Đài đến một tảng đá bên cạnh khoảng hơn 10 bước thì chính là nơi ngài Kim Địa Tạng bái Kinh. Ở sau đài có một đồi dốc cao 20 mét, hình như đại bàng leo vách nên tăng chúng gọi đó là Đại Bàng Thính Kinh Thạch (đá đại bàng nghe Kinh). Và nơi ngài Kim Địa Tạng bái Kinh thì người ta thấy có để lại hai dấu chân lớn ấn xuống mặt đá.