ĐẠO ĐỨC CỦA LÒNG TỪ BI
ĐẠO ĐỨC CỦA LÒNG TỪ BI
nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma – Chuyển ngữ: HT. Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách: “Ethics for the New Millennium”.
Như tôi đã trình bày trước đây là các tôn giáo lớn trên thế giới đều chú tâm đến sự quan trọng của việc phát triển tình thương và lòng từ bi. Trong truyền thống Phật giáo, các mức độ thành tựu khác nhau đã được diễn tả. Với trình độ căn bản, từ bi được hiểu theo nghĩa chủ yếu là thiện cảm – năng lực đi vào, và ở một mức độ nào đó, chia sẽ nổi đau khổ của người khác. Nhưng Phật tử và tín đồ các tôn giáo khác tin rằng, khả năng này có thể phát triển đến một trình độ không những tâm từ bi của chúng ta phát khởi không cần chút cố gắng mà còn vô điều kiện, vô phân biệt và phổ cập toàn cầu. Một tình thương bao trùm khắp cả chúng sinh muôn loài, kể cả những kẻ làm hại ta, chẳng khác gì thứ tình yêu của bà mẹ dành cho đứa con duy nhất.
Nhưng ý nghĩa về sự cảm mến này đối với tất cả mọi người không thể xem như dẫn đến một điểm kết thúc. Đúng hơn nó còn được hiểu như là một tấm ván nhún đẩy bật lên một tình thương cao cả hơn. Bởi vì khả năng của sự mến thương là bẩm sinh và năng lực của lý luận cũng vốn tự nhiên sẳn có. Do vậy, chúng ta có khả năng phát triển lòng từ bi rất kiên cố và liên tục. Nó không phải là nguồn tài nguyên có thể dùng đến khánh tận như nước khi ta đun sôi thì khô cạn.
Mặc dù từ bi có thể được diễn tả như một hoạt động, nhưng lại không giống như sinh hoạt vật lý, ví dụ như nhảy cao chúng ta chỉ có thể luyện tập đến một mức độ nào đó, chứ không thể vượt quá hơn được. Trái lại, khi nâng cao sự xót thương trước nổi khổ đau của người khác qua tấm lòng rộng mở của chúng ta cùng lúc phát triển được tâm từ bi đến mức độ có thể rất cảm động trước nổi khổ đau tinh tế nhất của kẻ khác vì nhận biết rõ trách nhiệm đối với họ. Điều này khiến cho người có tâm từ bi sẽ tích cực hết lòng cứu giúp mọi người thoát khổ và những nguyên nhân tạo khổ. Trình độ cao thượng này ở Tây Tạng được gọi là nying je chenno, có nghĩa là “đại từ bi”.
Ở đây, tôi không đưa ra ý kiến bảo rằng mỗi cá nhân đều cần phải đạt đến tình trạng tiến bộ của sự phát triển tinh thần này để dẫn đến một đời sống đạo đức lương thiện. Tôi đã diễn tả nying je chenno không phải vì đó là điều kiện trước hết của hành vi đạo đức nhưng đúng ra vì tôi tin rằng khi thúc đẩy lý luận về từ bi đến một trình độ cao nhất thì có thể tạo thành một nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Nếu chúng ta có thể giữ khát vọng ấy để phát triển nying je chenno hay tâm đại bi như một lý tưởng, nó sẽ có tác dụng trọng yếu đến quan điểm của chúng ta.
Căn cứ trên sự hiểu biết đơn giản là, cũng như tôi, mọi người khác đều muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau; bởi vậy cần ứng dụng nó như sự nhắc nhở thường xuyên chống lại tâm ích kỷ và phân biệt. Nó gợi ý rằng nếu ta có lòng tốt và rộng lượng với hy vọng sẽ được đền đáp thì kết quả thành tựu rất ít. Nó nhắc nhở rằng các hành động nhằm chủ đích mong cầu danh thơm tiếng tốt cho mình vẫn còn là ích kỷ, mặc dù bề ngoài việc làm trông như có vẽ nhân đạo. Nó cũng lưu ý chúng ta rằng chẳng có gì đặc biệt trong các việc làm từ thiện đối với những bà con thân thuộc. Và nó sẽ giúp chúng ta nhận biết rằng thành kiến dành cho các gia đình và bạn bè hẳn nhiên là điều không đáng tin cậy trong việc xác định hành vi đạo đức.
Nếu đặc biệt chúng ta chỉ dành thực hiện việc làm từ thiện giúp đỡ cho những người thân quen thì điều tai hại là có thể ta sẽ quên trách nhiệm đối với các người không quen biết xa lạ bên ngoài. Tại sao vậy? Bởi lẽ khi những cá nhân đó tiếp tục thoả mãn điều ước vọng của ta thì mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng nếu họ không giúp ta thành công thì người mà hôm nay ta xem như bạn thân, ngày mai có thể trở thành kẻ thù tệ hại nhất.
Như chúng ta đã thấy, ta thường có phản ứng xấu đối với những người đe doạ không đáp ứng được các ham muốn cuồng nhiệt nhất, mặc dù họ là người bạn rất thân của chúng ta. Vì lý do đó, lòng từ bi và kính trọng lẫn nhau đưa ra một căn bản vững chắc hơn cho sự giao hảo giữa chúng ta với người khác. Điều này cũng đúng trong tình bạn đời. Nếu ta yêu một người vì sự lôi cuốn bề ngoài hay vài đặc điểm giả tạo nào khác của họ, thì tình cảm ta dành cho người đó sẽ dễ tan biến theo thời gian.
Khi họ đánh mất sức quyến rủ hay lúc ta nhận thấy nhàm chán bất mãn điều ấy, tình trạng có thể hoàn toàn thay đổi mặc dù cũng vẫn con người đó. Cho nên sự liên hệ yêu thương được xây dựng thuần tuý trên vẻ đẹp hấp dẫn, là điều không có gì chắc chắn. Hơn nữa, khi ta bắt đầu phát triển toàn hảo lòng từ bi thì bề ngoài hoặc thái độ của người đó không ảnh hưởng gì đến cách cư xử của ta.
Thêm nữa, tình cảm của ta đối với người khác thường hay dựa vào hoàn cảnh của họ. Phần đông chúng ta khi tiếp xúc với những kẻ tật nguyền đều cảm thấy xót thương cho họ. Nhưng khi thấy người nào có học thức, giàu sang hay địa vị hơn mình, lập tức ta sanh tâm ganh ghét và tranh đua với họ. Tình cảm tiêu cực này sẽ ngăn cản chúng ta không nhận biết được sự giống nhau giữa chúng ta và người khác. Chúng ta quên rằng, cũng như ta, dù gặp may hay rủi, bà con gần hoặc xa, họ đều mong có hạnh phúc và không thích khổ đau.
Như vậy, sự tranh đấu nhằm để vượt qua những tình cảm phân biệt đó. Chắc hẳn phát triển được lòng từ bi chân thật dành cho các người thân yêu vẫn là nơi thích đáng để khởi đầu. Ảnh hưởng hành động của chúng ta dành cho người quý mến vẫn thường lớn hơn trên những kẻ khác, do đó trách nhiệm của ta đối với họ cũng nặng hơn. Tuy nhiên, ta cần nhận biết rằng cuối cùng, không có nền tảng nào để phân biệt dành quyền ưu tiên cho họ.
Trong ý nghĩa này, tất cả chúng ta đều cùng đứng ở vị trí của một bác sĩ trước mười bệnh nhân cùng mắc phải một chứng bệnh. Họ đều đáng được chữa trị bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, điều cần được nêu rõ ở đây không phải là thái độ thờ ơ phân biệt. Một thử thách căn bản khác là khi chúng ta khởi sự mở rộng lòng từ bi đến tất cả mọi người tức chúng ta duy trì được cùng một trình độ thân thương mà ta muốn mang đến cho những người gần gũi nhất. Nói khác, điều đề nghị là chúng ta cần phải cố gắng trong ý hướng dành cho tất cả mọi người một nền tảng trên đó chúng ta có thể gieo trồng hạt giống của tâm đại từ và đại bi.
Nếu chúng ta có thể khởi đầu liên hệ với những người khác trên căn bản bình đẳng như thế, lòng từ bi của chúng ta không còn phân biệt người này là chồng tôi, kẻ khác là vợ tôi hay thân nhân, bạn bè v..v…. Đúng hơn, một tình cảm thân thương đối với những kẻ khác sẽ phát triển trên nhận thức đơn giản là, cũng như tôi, tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc chứ không thích khổ đau. Nói cách khác, chúng ta sẽ bắt đầu thương yêu kẻ nghèo khó trên căn bản họ là một chúng sanh. Chúng ta có thể nghĩ đến điều ấy như một lý tưởng, một điều rất khó đạt tới. Nhưng theo tôi nghĩ, đó là nguồn cảm hứng rất sâu xa và phúc lạc.
Bây giờ ta thử xét đến vai trò của tâm từ bi và tình thương trong cuộc sống hằng ngày. Phải chăng lý tưởng phát triển nó đến mức độ trở thành vô điều kiện nghĩa là ta phải dứt bỏ hoàn toàn các quyền lợi cá nhân? Không hẳn thế. Ngược lại, đó là phương cách tốt nhất để phục vụ chúng sanh. Có thể bảo đó là xây dựng sự tự lợi sáng suốt nhất? Bởi lẽ nếu bảo rằng các đức tính như tình thương, nhẫn nhục, khoan dung và tha thứ bao gồm hạnh phúc con người trong đó là đúng hay nếu nói rằng lòng từ bi vừa là nguồn gốc và kết quả của những thiện tánh trên cũng hoàn toàn không sai chút nào; nếu như vậy, khi tâm ta càng từ bi, thì ta lại càng có nhiều hạnh phúc. Do đó, mọi ý tưởng liên hệ đến các người khác, nếu nhằm mục đích lợi ích cho đời sống cá nhân thì dù đó là đức tánh cao thượng, vẫn trở thành hẹp hòi và thiển cận. Tâm từ bi nằm trong mọi lãnh vực của sinh hoạt, và dĩ nhiên bao gồm cả nơi chúng ta làm việc.
Ở đây, tôi muốn đưa ra một nhận thức được nhiều người nhìn nhận là từ bi, nếu không phải là một trở ngại, thì ít ra cũng là điều không thích hợp cho đời sống nghề nghiệp. Cá nhân tôi nghĩ rằng chẳng những thích hợp mà nếu thiếu tâm từ bi, sinh hoạt của chúng ta sẽ bị đe doạ huỷ diệt. Bởi vì khi ta không biết đến vấn đề ảnh hưởng của hành động đối với sự an lạc của người khác, ta có thể làm hại đến họ. Luân lý của từ bi giúp ta xây dựng một nền tảng và sự thúc đẩy cần thiết cho cả hành động kiềm chế lẫn trau giồi đức hạnh. Khi ta khởi đầu thực sự biết quý trọng giá trị của từ bi, quan điểm của ta đối với người khác tự động sẽ thay đổi. Chỉ riêng điều này có thể tạo một ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư cách đạo đức trong đời sống chúng ta.
Chẳng hạn như khi cám dỗ của sự lường gạt kẻ khác khởi dậy, lòng từ bi dành cho họ sẽ ngăn cản không cho chúng ta thực hiện ý định xấu ấy. Và khi nhận biết rằng việc làm của mình đang có nguy cơ bị lợi dụng để gây tổn hại cho người khác, tâm từ bi sẽ giúp ta ngừng không làm điều đó. Hảy tưởng tượng trường hợp một khoa học gia đang nghiên cứu một đề án nhằm gây đau khổ cho đồng loại, nhờ từ bi, họ sẽ nhận ra và hành động thích đáng, ngay cả có thể huỷ bỏ luôn kế hoạch tàn ác ấy. Trái lại nếu nhà khoa học tiếp tục hành động theo chiều hướng làm tổn hại cho tha nhân, có thể tạo thành các hậu quả bất lợi cho chính họ và gia đình.
Cũng thế, những người làm các dịch vụ chăm sóc y tế; cố vấn, công tác xã hội vân vân hoặc ngay cả các nhân viên chăm nom người già tại nhà, đôi khi cảm thấy mệt mõi vì công việc vượt quá sức mình. Sự thường xuyên tiếp xúc với nổi khổ đau, đôi khi sẽ tạo nên một ý tưởng như bắt buộc chịu đựng, có khi đưa đến cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Hoặc có thể xảy ra điều cá nhân làm việc từ thiện đó chỉ vì công tác phải làm hay hành động chỉ theo nhu cầu đòi hỏi. Điều này dĩ nhiên còn tốt hơn không làm gì hết.
Nhưng nếu không tự kiểm thảo, việc này có thể dẫn đến sự mất cảm giác đối với nổi khổ đau của người khác. Nếu nó bắt đầu xảy ra, tốt hơn là nên tạm ngưng bỏ một thời gian, và nỗ lực thận trọng hầu đánh thức tính dễ cảm xúc đó. Trong vấn đề này, cần nên nhớ rằng tuyệt vọng không bao giờ là một giải pháp tốt. Đúng hơn, điều ấy là sự thất bại hoàn toàn. Cho nên, một thành ngữ Tây Tạng nói rằng, dù cho sợi dây bị đứt làm chín khúc, ta cũng phải cố gắng nối lại mười lần. Bằng cách đó, dù cuối cùng ta vẫn thất bại, ít ra ta sẽ không có điều gì hối tiếc. Và khi phối hợp cái nhìn này cùng với sự nhận thức rõ ràng về khả năng giúp đỡ người khác của mình, chúng ta có thể bắt đầu phục hồi niềm hy vọng và tự tin.
Vài người có thể phản đối lý tưởng này trên căn bản là khi dấn thân cứu khổ tha nhân, ta sẽ rước khổ luỵ vào cho chính mình. Ở một giới hạn nào đó, điều ấy đúng. Nhưng tôi bày tỏ rằng, có sự phân biệt chủ yếu giữa kinh nghiệm khổ đau của chính ta và kinh nghiệm đau khổ khi chia xẽ cùng người khác. Trong trường hợp nổi khổ của riêng ta, dù là không phải tự nguyện, vẫn có một cảm nghĩ bị áp chế: dường như nó đến từ bên ngoài ta. Trái lại, chia xẽ nổi khổ đau cùng người khác, với một trình độ tự nguyện nào đó, nhưng tự nó cho thấy có một thứ nội lực. Bởi lý do đó, sự phiền bực do nó tạo nên còn ít khốc liệt hơn là sự đau khổ của riêng ta.
Hẳn nhiên, dù là một lý tưởng, ý niệm về phát triển lòng từ bi vô điều kiện, rất dễ gây cho ta sự nản lòng. Phần đông mọi người, kể cả tôi, phải tranh đấu mới có thể dễ dàng đạt tới trình độ đặt lợi ích của kẻ khác ngang bằng với quyền lợi của mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể để cho điều ấy khiến ta thối tâm bỏ cuộc. Và trong khi chắc chắn có nhiều trở ngại trên con đường phát huy một cõi lòng rộng mở, ta lại có một nguồn an ủi sâu xa khi biết rằng hành động như thế là ta đang tạo các điều kiện cho hạnh phúc của chính mình.
Như tôi đã nói trên, khi ta càng thực lòng muốn cứu giúp kẻ khác thì năng lực và tự tin càng được phát huy, và ta sẽ có kinh nghiệm càng lớn lao về sự an lành và hạnh phúc. Nếu không phải vậy, thì chúng ta tự hỏi thử còn có phương cách nào khác chăng? Với bạo lực và gây hấn? Dĩ nhiên là không. Với tiền tài? Có thể đạt tới một mức nào đó, nhưng không xa hơn. Nhưng với tình thương, chia xẽ nổi đau khổ của người khác, nhận thức rõ ràng chúng ta và những người khác là một – đặc biệt là những kẻ không may mắn và nhân quyền bị tước đoạt – bằng cách giúp đỡ họ có hạnh phúc: đúng vậy. Qua tình thương, lòng nhân đạo và qua từ bi, chúng ta xây dựng sự thông cảm, hiểu biết giữa ta và người. Đó là cách rèn luyện sự đoàn kết và hoà hợp.
Lòng từ bi và tình thương không phải là các xa xỉ phẩm. Đó là nguồn an lạc trong nội tâm lẫn bên ngoài. Chúng là nền tảng cho sự sống liên tục của con người. Một mặt chúng tạo dựng việc làm bất bạo động. Mặt khác, chúng là nguồn gốc của các đức tính tâm linh như tha thứ, khoan dung và từ bi hỷ xả vân vân. Hơn nữa, đây hẳn là điều xây dựng, mang lại ý nghĩa cho mọi sinh hoạt của ta. Không có gì tự đắc khi học cao, không có gì kiêu hãnh khi giàu sang phú quý. Chỉ có con người với một tâm hồn vị tha mới có thể làm các điều hữu ích thực sự có giá trị.
Đối với những người nghĩ rằng đức Đạt Lai Lạt Ma không thực tế khi biện luận cho lý tưởng về tình thương vô điều kiện, tôi mong rằng họ hãy thử kinh nghiệm với nó. Họ sẽ phát hiện, nhận ra rằng khi chúng ta sống vượt lên trên sự ích kỷ hẹp hòi của điều lợi ích cá nhân, trái tim của ta sẽ rộng mở ngập tràn tình thương. Sự an lạc và hạnh phúc sẽ trở thành bạn hữu thường xuyên của ta. Nó phá tan các chướng ngại và cuối cùng tiêu diệt hành động vị kỷ là điều chống trái lại với tánh lợi tha. Nhưng quan trọng nhất, trên phương diện đạo đức, nơi nào có tình thương, sự quý mến, lòng tốt và tâm từ bi dành cho đồng loại, nơi đó tự động sẽ có hành vi đạo đức. Các hành động luân lý phước thiện tự nhiên phát sinh trong khuôn khổ của từ bi.