GIỚI LUẬT – H.T Thích Trí Thủ

Viên Âm – Số 91 trang 7 năm 1950

I. YẾU ĐIỂM GIỚI LUẬT

Bài trước đã nói đại cương sự quan hệ của giới luật, ở đây nói rõ thêm và phân biệt ranh giới giữa đại thừa luật và tiểu thừa luật.

Giới luật là một trong ba tạng giáo điển của Phật đà. Hai tạng Kinh và Luận có xen sự nghị luận của các Bồ tát và các đệ tử Phật v.v… Về luật thì nhất định chỉ có đức Phật mới chế định mà thôi. Đức Phật căn cứ vào nhất thế chủng trí, như sự thật mà thuyết minh giới luật cốt xứng hợp hành vi của hàng đệ tử với thường trú chơn tâm cứu cánh chơn thật của muôn loài vạn vật. Muốn thấy sự thật của muôn loài vạn vật như Phật, phải nghiêm trì giới luật; muốn đạt được chơn hạnh phúc hoàn toàn của nhơn sinh, tức là cảnh giới Phật Đà, cũng phải nghiêm trì giới luật. Đức Phật dạy: “Thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị”, “Giới luật là đại sư của các ngươi, cũng như ta còn tại thế”, “Giới luật còn là đạo ta còn”. Người không nghiêm trì giới luật là người phản bội đức Phật, đi ngược cảnh giới giải thoát là cảnh giới thường trú chơn tâm, không thể thấy sự thật và hưởng hạnh phúc chơn chính. Người thọ trì giới luật, không những không phạm đến các điều ngăn cấm của Phật đã chế ra, mà hành vi hàng ngày càng xứng hợp với oai nghi khuôn mẫu. Oai nghi là những hành vi như đi đứng nằm ngồi v.v…. đúng theo một khuôn mẫu, quy tắc đã định. Đại thừa hay tiểu thừa luật đều y vào bốn yếu điểm sau:

  1. TÁC: Nghĩa là tạo tác. Những người chưa thọ trì giới pháp, nay y theo pháp tắc oai nghi, làm lễ thọ giới. Nếu xét lại từ trước đến giờ, vì lầm lạc đã tạo ra nhiều điều phi pháp, cũng y theo quy tắc luật chế mà sám hối; về sau nếu còn vô tình phạm đến các giới điều đã cấm, thì cũng y theo phương pháp mà sám hối lại.
  2. CHỈ: Nghĩa là ngăn dứt. Đối với những hành vi bất thiện như ngũ nghịch, thập ác … quyết ngăn dứt mà không làm. Một nghĩa nữa nếu giữ gìn giới luật tinh tấn thì vô minh vọng tưởng sẽ ngăn dứt mà không phát sanh lại được nữa.
  3. TRÌ: Có hai nghĩa: a) Trì xả, nghĩa là đối với những điều ác, quyết bỏ hẳn, không bao giờ làm lại, dù có hại đến tánh mạng. b) Trì thủ, nghĩa là đối với việc thiện quyết giữ gìn làm theo không để bỏ qua, dù là một việc thiện rất nhỏ.
  4. PHẠM: Nghĩa là những hành vi không hợp pháp, trái với điều đã ngăn cấm; điều này mới là quan hệ. Người cầm cân giới luật cần phải sáng suốt, thông hiểu tất cả những tâm lý hành vi của hành giả. Căn cứ vào giới luật Đại thừa hay Tiểu thừa mà ấn định có phạm luật hay không. Lại còn phải căn cứ vào tâm niệm (nhất là tâm niệm) vào thời gian và nghiệp cảnh ( ) là thế nào mới có thể định đoạt là phạm hay không phạm. Ví dụ về giới sát sanh: Giết một con vật, đối với Thanh văn tiểu thừa là phạm nhẹ, đối với Đại thừa bồ tát thì phạm giới nặng, vì làm mất căn bản Từ bi tâm. Còn phải căn cứ vào tâm niệm cố ý lầm lạc, khi khởi tâm giết hại mạnh hay yếu, trong thời gian khởi tâm giết hại, đến khi giết và sau khi giết, trong khoảng thời gian ấy, trực tiếp hay gián tiếp, hối hận hay không hối hận, ác niệm tăng hay giảm, và nghiệp cảnh giết hại có thích hợp với lòng ưa muốn không (Như móng tâm muốn giết con bò mà khi giết lại giết lầm con trâu v.v..). . Từ khi móng tâm, trải qua thời gian đến nghiệp cảnh kết quả, một tâm niệm không thay đổi là tội nặng nhất. Nếu trong đó, móng tâm thì hăng hái hoặc vì một thiện niệm đến khi làm và sau khi làm thì hối hận hoặc gián tiếp, hoặc làm việc không kết quả như ý muốn, thi phạm tội nhẹ. Tùy theo những cảnh huống ấy mà định đoạt phạm hay không phạm, tội lỗi nhẹ hay nặng. Tội lỗi nặng nhẹ có chia làm ba loại thượng, trung và hạ. Về Đại thừa thì chú trọng nhất về tâm niệm. Bốn điểm yếu trên này làm khuôn khổ cho tất cả giới luật, dù Đại thừa hay Tiểu thừa cũng vậy.

II. NĂM THỪA LUẬT

Giáo pháp của Phật dạy có chia ra năm thừa sai biệt khác nhau, giới luật cũng y theo đó mà có năm thừa.

Năm thừa luật là Nhơn thừa luật, Thiên thừa luật, Thanh văn thừa luật, Duyên giác thừa luật và Bồ tát thừa luật. Nhơn thừa luật là năm giới của Ưu bà tắc, ưu bà di. Thiên thừa luật là mười thiện giới. Hai hạng trên này gồm cả tại gia và xuất gia (Bát quan trai giới cũng nhiếp ở trong này). Thanh văn thừa luật và Duyên giác thừa luật chỉ đặc biệt riêng cho hàng xuất gia, gồm có bốn chúng Sa di (con trai), Sa di ni (con gái), có mười giới; Tỷ kheo(đàn ông) có hai 250 giới, Tỷ kheo ni (đàn bà) có 350 giới; có luật tăng đến 500 giới. Duyên giác thừa luật gồm ở trong Thanh văn chứ không có luật riêng. Bồ tát thừa luật gồm cả tại gia và xuất gia, phổ thông đều theo giới kinh Phạm võng, có tất cả 58 giới, chia ra 10 giới nặng và 48 giới khinh.

Năm thừa luật trên đây, tùy theo căn cơ trình độ, hoàn cảnh mà lãnh thọ, trong đó chia ra có đại thừa và tiểu thừa sai khác nhau. Như bốn thừa trước thuộc về tiểu thừa luật, một thừa sau tức bồ tát thừa là thuộc về đại thừa luật.

III. NHẤT THỪA LUẬT

Nhất thừa luật, không phải ngoài năm thừa luật trước mà có, tức là chỉ cho Đại thừa bồ tát. Đây cũng căn cứ vào giới kinh Phạm võng, 10 điều trọng và 48 điều khinh làm căn bản. Như người tùy theo hoàn cảnh, muốn làm khuôn mẫu đạo đức về nhơn đạo, chỉ thọ trì năm giới tại gia, nhưng thâm tâm muốn phát bồ đề tâm, hồi hướng về quả vô thượng bồ đề, nên dù ở hoàn cảnh triền phược gia đình, có thể thọ trì thêm giới bồ tát luật gọi là Ưu bà tắc bồ tát hay Ưu bà di bồ tát. Còn hàng xuất gia, chí khí trượng phu, trang nghiêm nhơn tướng làm khuôn mẫu cho muôn loài, cũng thọ giới bồ tát là hàng sa di bồ tát, sa di ni bồ tát, tỷ kheo bồ tát, tỷ kheo ni bồ tát v.v… Cho nên, năm thừa luật cũng không ngoài nhất thừa luật mà có, mà cuối cùng năm thừa luật đều quy nạp vào nhất thừa luật cả. Nhất thừa luật mới thật là mục tiêu cứu cánh về giới luật. Và cũng chính bản ý của Phật hiện thân ở thế gian này. Muốn chỉ định hành vi của Nhất thừa bồ tát luật (tức Đại thừa luật) cần phải căn cứ vào ba phương diện sau này:

  1. a) Phương diện tiêu cực nghĩa là nghiêm trì tất cả giới luật oai nghi một cách rốt ráo thanh tịnh, tuyệt hẳn bao nhiêu lỗi lầm nhỏ nhiệm không có thể phạm được.
  2. b) Phương diện tích cực nghĩa là thâu nhiếp tất cả những điều thiện mỹ thế gian, xuất thế gian, hữu lậu vô lậu, để áp dụng vào hành vi đạo đức của mình. Hai phương diện trên này thiên trọng về tự lợi.
  3. c) Phương diện cứu cánh lợi tha. Đến phương diện thứ ba này mới thật hoàn toàn cứu cánh của người thọ trì giới pháp đại thừa. Nghĩa là một hành vi gì, không cần kể đến có lợi hay có hại cho mình, miễn hành vi ấy có lợi cho quần chúng, một cách thiết thực về hiện tại cũng như về tương lai, thì chơn chính đại thừa Phật tử triệt để thi hành ngay, không do dự lùi bước. Chỉ có người phát đại bồ đề tâm, mới thọ trì nhất thừa luật. Người ấy mới xứng với hai chữ Phật tử.

LỜI PHẬT

Thọ giới Phật dạy là được dự vào hàng chư Phật.

Giới luật còn là đạo ta còn.

Giới luật là vị đạo sư của các ngươi,

cũng như ta còn tại thế, không có sai khác.