Hình Ảnh Chuột trong Kinh
-Trong đạo Phật, nếu chúng ta học kĩ, chúng ta cũng rất ngạc nhiên khi hình ảnh chuột được đức Phật đưa vào trong việc dạy dỗ đệ tử. Xin gởi đến đại chúng, bài pháp của đức Phật về các loài chuột.
Các Loại Chuột
– Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này. Thế nào là bốn?
Ðào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này.
– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại chuột này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ðào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này.
1 – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có đào hang, nhưng không ở?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, …”Ðây là Khổ tập”, … “Ðây là Khổ diệt” … “Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đào hang, nhưng không ở. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột có đào hang, nhưng không ở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.
2 – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có ở, không đào hang?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có học thuộc lòng Pháp, như Khế kinh, ứng tụng, … Quảng thuyết. Vị ấy như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, …”Ðây là Khổ tập”, … “Ðây là Khổ diệt”, … như thật quán tri: “Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có ở, không đào hang. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột có ở, nhưng không có đào hang. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.
3 – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không đào hang không ở?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không học thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, …”Ðây là Khổ tập”, … “Ðây là Khổ diệt”,… không như thật quán tri: “Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không đào hang, không ở. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột không đào hang, không ở, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.
4 – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có đào hang có ở?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người học thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Người ấy như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, …”Ðây là Khổ tập”, … “Ðây là Khổ diệt”… như thật quán tri: “Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có đào hang và có ở. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột có đào hang và có ở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như các loại chuột này có mặt, hiện hữu ở đời.
Thông qua bài pháp này, chúng ta có thể tóm tắt đại ý như sau:
Hạng người thứ nhất là hạng người chỉ biết lo trau dồi kinh sách, lý luận mà không chịu ứng dụng thực tập, chuyển hoá phiền não vọng tưởng để có thể đạt an lạc và giải thoát thì chúng ta cũng giống như con chuột tốn công sức đào hang nhưng lại không chịu ở. Trong trường hợp này, con chuột sẽ bị lạnh và sẽ gặp khó khăn khi kẻ thù của nó tới. Cũng như thế, người chỉ biết trao dồi đa văn để viết lách, để trao đổi, tranh luận thì sẽ bị kiêu mạn, tự hào, hơn thua, bất mãn nổi dậy và mình dễ dàng rơi vào tầm ngắm của những thế lực Ma Vương. Chúng ta sẽ thất bại trên đường tu. “Học mà không tu là đãy chứa sách.”
Hạng người thứ hai là hạng người không có học thuộc lòng những lời dạy của đức Phật, cũng như những lời dạy hay đẹp của các bậc thánh hiền nhưng lại có thực tập, có thể chuyển hoá những phiền muộn, bất an, lo lắng, khổ đau trong cuộc sống, và đạt được hạnh phúc trong cuộc sống. Hạng người này đáng khen. Trong chúng ta cũng có người như thế. Có người không biết nhiều về kinh điền, giáo lý – chẳng biết gì về Bát nhã, Kim Cang, Phật Tánh, nhưng lại biết lão thật niệm Phật. Một danh hiệu Phật A Di Đà không bao giờ buông bỏ. Chúng ta cũng nên lưu ý là, hạng người này không học thuộc lòng kinh điển, giáo lý; điều đó không có nghĩa là họ không biết gì về những lời dạy của đức Phật. Các vị này có thể nghe lời dạy từ vị Thầy, hay từ đạo bạn mà ghi nhớ, ứng dụng. Cuộc sống của người ấy được bình an, và tĩnh lặng, thấy được những phiền não nổi lên và chuyển hoá nó bằng danh hiệu Phật. Đây không phải là kết quả thực tiễn rõ ràng nhất từ nơi thực tập sao?
Hạng người thứ ba là không chịu học hỏi những điều hay lẽ phải và áp dụng thì cũng sẽ thất bại chẳng những đường đời mà đường tu nữa. Giống như người ngu ăn muối: khi người ngu ăn cơm thì thấy không ngon, người bạn bèn thêm một ít muối thì người ngu này ăn cảm thấy ngon. Từ đó anh chàng ta cho là chính nhờ một tí muối kia mà thức ăn ngon đến thế. Anh bèn nghĩ, nếu ăn muối không thì sẽ ngon đến dường nào. Do thế, anh chàng này ăn muối không, kết quả là anh ta đổ bệnh. Hạng người thứ ba này giống như vậy. Không biết gì về muối, vị và cách sử dụng nó, nên đã dẫn tới kết quả khó chịu như thế. Chúng ta đôi khi cười hạng người thứ ba và người ngu này, nhưng nếu chúng ta thực sự nhìn vào chính mỗi chúng ta, chúng ta sẽ thấy có mình trong đó. Chẳng hạn, chúng ta đi chùa, nhưng chỉ đến chơi cho vui nhưng không chịu lắng nghe quý Thầy hướng dẫn và thực hành, lại ngồi đó nói chuyện hoặc suy nghĩ chuyện này chuyện kia, đến khi có chuyện xảy ra với cuộc sống gia đình hoặc trong các mối quan hệ, chúng ta lại buồn thảm, sầu khổ, bấn loạn tâm trí. Đó có phải là thường xảy ra với chúng ta không?
Hạng người thứ tư lại đáng khen hơn. Người này không những thuộc lòng những lời dạy của đức Phật và các bậc thánh nhơn, mà còn ứng dụng để thăng hoa cuộc sống. Hạng người này còn hay hơn hạng thứ hai, bởi lẽ người này có thể giúp đỡ dạy bảo, hướng dẫn cho những người khác cùng thực tập pháp. Tuỳ theo căn cơ trình độ mà người này hướng dẫn. Bởi người này nhớ những lời dạy khác nhau thích nghi với từng hạng người khác nhau. Ví dụ như, một người tu theo tịnh độ. Khi người này gặp những người bệnh đau, ốm yếu thì người này chẳng những khuyên người kia niệm Phật đã đành mà còn khuyên phóng sanh cứu vật nữa. Chính nhờ phước phóng sanh, cứu giúp mọi người cùng với niệm Phật mà bệnh tình người kia mau thuyên giảm.
Nhìn chung, chúng ta là những người học Phật nên lấy mục tiêu an tịnh tâm hồn, chuyển hoá cuộc sống bản thân và gia đình là việc thiết yếu. Do thế, đừng nên phí phạm thời gian khi về chùa cũng như thời gian rảnh, hãy lắng nghe và học hỏi từ nơi quý Thầy, hoặc đọc sách giáo lý và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Có như thế, chúng ta mới cảm nhận được chân hạnh phúc, an lạc và pháp Phật thậm thâm vi diệu như thế nào. Đồng thời qua đó chúng ta cũng báo được ân của chư Phật đã thương xót mà chỉ dạy cho mình những cách thức đạt hạnh phúc trong hiện tại và tương lai./
- Giọng Nói Của Hạnh Phúc
- Vì Sao Một Cọng Rơm…
- Phật Dạy Người Có Nhiều Đức Tính Tốt Hơn Ta là Bậc Thầy Ta…
- Vài Điều Ứng Xử
- Hạnh Phúc Trên Đời Chính Là Tự Biết Hài Lòng Không Oán Trách
- Điều Bí Ẩn Giản Dị Của Hạnh Phúc
- Cứ Nghĩ Nuôi Được Cha Mẹ là Tròn Chữ Hiếu?
- Thì Ra Những Phiền Não, Đau Khổ Đời Người Không Phải Do Hoàn Cảnh
- Mẹ Ơi! Con Xin Lỗi Mẹ
- Lời Giáo Huấn Của Sư Ông Trúc Lâm