Lá Thư Hộ Trì Tam Bảo

Lá Thư Hộ Trì Tam Bảo

Khi làm thiện, tức là bố thí, chúng ta làm vì tâm cảm thương hay tội nghiệp những người nghèo khổ. Chúng ta muốn sao cho họ bớt khổ, được sướng. Ý muốn này mang ý nghĩa từ bi trong đạo Phật (Bi là cứu khổ, Từ là ban vui). Như vậy, làm thiện là thuận theo đạo từ bi, nên tâm chúng ta an lạc và hoan hỉ. Chúng ta đã có chút phần nào đó thực hành Bồ-Tát Đạo vậy.

Nhưng pháp thiện bố thí này theo đạo Phật còn có rất nhiều tác dụng lợi ích thiết thực khác nữa mà người Phật tử cần nên biết đến: Cũng sinh ra là người như nhau, tại sao mình có phương tiện để bố thí mà sao người kia lại thành kẻ ăn xin, sao người kia lại nghèo khổ thiếu thốn đến mức vậy? Theo chân lý nhân quả trong đạo Phật, điều này rất đơn giản: Bởi vì trong các đời trước mình từng làm thiện, từng bố thí, nên đời này mình có dư phương tiện để bố thí giúp người. Còn người kia trong đời trước đã không bố thí, mà còn trộm cắp lường gạt, nên đời này thiếu thốn khốn khổ vô cùng. Khi chúng ta bố thí và làm thiện, ít ai nghĩ đến nhân quả ba đời (đời trước, đời này và đời sau), đây là một thiếu sót lớn đối với người làm thiện, nhất là một Phật tử.
Nhờ đời trước chúng ta bố thí nên quả báo đời này chúng ta có tài của để lại bố thí, và nhờ đời này chúng ta bố thí, nên quả báo đời sau chúng ta lại dư dả tiếp để bố thí nữa. Theo luật nhân quả, bố thí không mất mát gì hết mà là một “nhân” rất lợi ích đem lại kết “quả” lợi mình lợi người thật là tốt đẹp. Bố thí càng nhiều quả báo càng giàu có. Bố thí vật càng có phẩm chất, quả báo tài của càng cao phẩm chất. Bố thí với tâm tôn trọng, quả báo vừa giàu vừa được tôn kính. Bố thí với tâm trì giới, quả báo làm vua cõi trời… Bố thí với tâm thí xả hoàn toàn, quả báo có thể đến mức giải thoát niết-bàn. Và cuối cùng bố thí với trí Bát-Nhã và tâm Đại Bi, quả báo là mình cùng chúng sinh đều đạt đến Phật quả.

Một điều nữa chúng ta cần phải biết là: ngược lại với bố thí là keo kiết, bo bo giữ của. Điều này theo nhân quả trong đạo Phật rất tai hại và đầy nguy hiểm! Đời trước có duyên bố thí đôi chút, đời này giàu có bo bo giữ của, không biết không tin nhân quả. Do tâm trói chặt tham tiếc ấy, khi chết khó đi tái sinh, tiếc của dễ sinh quỷ đói, các loài ốc sên v.v… bo bo giữ mình! Thế nên trong Kinh Dược Sư, đức Phật tận tình tuyên thuyết bỏn sẻn đoạ ba ác đạo là vậy.

Vì vậy, người Phật tử không thể chỉ sống qua ngày chẳng màng gì tới nhân quả ba đời, trái lại phải tích cực tránh xa bỏn sẻn, luôn luôn chính niệm về nhân quả ba đời, tìm cách hành thiện bố thí.

Điều nữa, bố thí có đối tượng của bố thí. Chúng ta thường cho rằng đối tượng của bố thí chỉ là những người nghèo khổ, ăn xin ăn mày. Đúng vậy, nhưng những người “ăn xin” này có hai loại: (1) Một là những người cùng khổ trong xã hội, (2) hai là đức Phật và chư Tăng. Tại sao Phật và chư Tăng lại sống đời sống khất thực (Khất có nghĩa là xin, Thực có nghĩa là ăn)? Bởi vì bố thí đem lại công đức cho chúng sinh, nên Phật và Tăng đứng ra “xin” cho chúng sinh được thực hành bố thí mà có công đức. Người nghèo khổ đi ăn xin để sống là đúng rồi, Phật và Tăng cớ gì phải đi xin để sống? Câu trả lời là: Nếu không có ăn có mặc thì làm sao sống còn được, nếu không sống thì làm sao tu đây, nếu phải đi làm như mọi người để sống, thì ý nghĩa xuất gia tu Đạo đâu còn có nữa! Thế nên phải đi xin mà sống và sống là để tu. Như vậy hai bên đều được lưỡng lợi, tức lợi mình lợi người: (1) Nhờ mình xin mà người có công đức bố thí là người được tự lợi, người bố thí cho mình sống là người được lợi tha.
(2) Nhờ mình sống là để tu nên là tự lợi cho mình, và mình xin để sống nên làm lợi cho người ở chỗ người có được công đức bố thí. Ngoài ra, mình càng tu công đức bố thí của người càng tăng, càng tu lâu công đức bố thí của người càng dài lâu. Nếu người bố thí bằng tâm tuỳ hỉ theo công đức tu hành, thì người tu tiến đến đâu tâm đạo và công đức của người bố thí cũng tăng trưởng đến đó. Nếu ai hỏi rằng: Nếu mình bố thí cho một vị thầy mà thầy đó lại không tu hành gì hết thì có công đức gì chăng? Trả lời: Nếu mình bố thí cho một người ăn mày, rồi người ăn mày đó không tu gì hết thì mình có công đức không? Hỏi: Nhưng người ăn mày thì đâu cần phải tu, còn một vị thầy thì phải tu chứ! Đáp: Thì khi bố thí cho một vị thầy mà thầy đó tu thì bố thí này có công đức cả hai mặt là đời và đạo. Còn khi thầy đó không tu, thì bố thí này chỉ có một công đức của đời, giống như bố thí cho người ăn mày mà thôi. Hỏi: Phải chăng khi bố thí cho Tam Bảo thì gọi là cúng dường? Nghĩa có khác gì nhau không? Đáp: Nghĩa không khác gì nhau. Chẳng qua chúng ta dùng chữ “cúng dường” để tỏ lòng tôn kính Tam Bảo mà thôi. Cúng dường còn đọc là “cúng dưỡng” hoặc “cung dưỡng”, có nghĩa là cung cấp nuôi
dưỡng. Cúng dường Tam Bảo nghĩa là cung cấp nuôi dưỡng Tam bảo vậy. Tóm lại, hễ đã cho ra bằng tâm thiện thì ít nhiều gì cũng là có công đức rồi. Còn bằng như keo kiết, bỏn sẻn thì hãy nên tin nghe theo Phật mà tránh xa chúng đi. Hãy dùng bố thí mà đối trị bỏn sẻn!

Cuối cùng, nếu đã biết được sự lợi ích và cần thiết phải làm của công đức bố thí, thì chúng ta sẽ thấy ra là người Phật tử là người may mắn nhất. Tại sao? Bởi người Phật tử luôn luôn có cơ hội để bố thí theo cấp hạng nhất: đó là bố thí cho Tam Bảo được sống còn và trường tồn trong thế gian này. Bố thí này thường được gọi là “Hộ Trì Tam Bảo”. Phổ Môn Đạo Tràng kêu gọi quý Phật tử bố thí để hộ trì cho Tam Bảo. Bất cứ nơi đâu có chùa chiền, có đạo tràng, có tịnh thất hay tu viện nào thuộc về Tam Bảo, chúng ta hãy nên phát tâm hộ trì mạnh mẽ. Tuỳ theo nhân duyên mình có với nơi Tam Bảo nào và khả năng của mình mà hoan hỉ hộ trì. Hộ trì được nhiều nơi càng tốt. Khả năng hộ trì được một nơi thôi cũng vô cùng tốt rồi. Thật sự, đã là người Phật tử, chúng ta cần nên tìm một ngôi Tam Bảo để bố thí hộ trì đều đặn. Ai chưa có duyên hộ trì Tam Bảo, thì cũng phải tìm công đức từ thiện thế gian nào đó mà thực hành, đừng để đời sống lãng phí trôi qua mà không làm được công đức gì hết.

Ai có duyên muốn hộ trì cho Phổ Môn, cách nào tiện nhất cho mình thì xin cứ theo đó mà làm. Hoặc chuyển thẳng vào compte/bank/account/trương mục của Hội theo hàng tháng, hoặc cứ để dành đó bao giờ có dịp thì trao lại v.v… Làm sao cho tâm mình thường có chính niệm về chính pháp bố thí hộ trì Tam Bảo của đức Phật, ngõ hầu làm căn bản để mở đường thực hành Bồ-Tát Đạo sau này. Nguyện chúng ta cùng nhau hồi hướng tất cả công đức này về cho pháp giới chúng sinh đồng thành Phật Đạo.

Tỳ-kheo Thích Nhất Chân


Cùng tác giả