Làm Sao Đối Diện Với Thị Phi
LÀM SAO ĐỐI DIỆN VỚI THỊ PHI
Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình, nhưng rồi sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác.
Ngày xưa, có một họa sĩ kiệt xuất tên là Ranga. Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã cho người đời chiêm ngưỡng nhiều kiệt tác đáng kinh ngạc khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Theo thời gian, tuổi trẻ của Ranga cũng dần qua đi làm ông trăn trở. Sau đó, ông quyết định mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp.
Ông hay nói với các học viên rằng: “Các con chỉ có thể thành công khi làm cho ta hài lòng với kỹ năng và sự hiểu biết của các con”.
Chính vì thế, không mấy khi thấy ông khen ngợi ai và cũng không đề cập thời gian kết thúc khóa học. Ông tận tụy truyền cho học trò những bài học về phương pháp đánh giá, ước định hết sức độc đáo. Ranga không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò. Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, lại chăm chỉ, sáng tạo nên tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ranga rất hài lòng về cậu học trò này.
Một ngày kia, ông gọi Rajeev đến và bảo:
“Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được, nhưng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng, ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi”.
Rajeev vâng lời. Cậu chăm chỉ làm việc ngày đêm và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Ranga xem qua rồi bảo:
“Con hãy đem bức tranh này đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu tất cả ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó”.
Rajeev làm theo lời thầy. Anh đặt bức tranh ở quảng trường lớn với thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất trong bức tranh của mình.
Hai ngày sau, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Thầy Ranga mỉm cười an ủi và khuyên Rajeev đừng thất vọng, hãy cố gắng thêm lần nữa.
Rajeev vẽ một kiệt tác khác mang đến cho thầy. Ranga nhìn ngắm nó và bảo:
“Rajeev, con hãy thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Hãy để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng chính những dụng cụ để vẽ ấy”.
Sau hai ngày, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết. Anh tự tin mang tranh đến thầy Ranga.
Ranga nói:
“Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng, con người bao giờ cũng thích phán xét, đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Thị phi là điều không thể tránh. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não và họ thích thú với việc làm đó. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ sự yếu kém của mình. Bởi vậy, những thứ mà con đã phải vất vả để làm ra thì đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi phán xét của người khác. Hãy tỉnh táo để tự đánh giá, nhìn nhận chính mình. Và tất nhiên, cũng đừng vội phán xét người khác”.
< Sưu Tầm >
Bài Cùng Thể Loại
- Không Thấy Lỗi Sai Của Mình: Không Phải Khôn Ngoan Mà Là Bất Hạnh
- Ý Nghĩa Hình Tượng và Biểu Pháp Của Ngài Địa Tạng Đại Sĩ
- Sự tích Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát
- Đừng Chạy Trốn Khổ Đau
- Hạnh Hiếu Của Ngài Xá Lợi Phất
- Làm Sao Trả Ơn Báo Hiếu Cha Mẹ
- Khéo Ứng Xử
- Quán Niệm Vô Thường Đễ Xả Ly, Buông Bỏ
- Quán Thế Âm Bồ Tát!
- Ý Nghĩa Cúng Dường Trai Tăng