Lệ Giang
Lệ Giang
Lệ Giang (丽江 Lijiang) là một thành phố thuộc vùng tây bắc của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện nay Lệ Giang có 1,1 triệu dân và trong số đó có khoảng 30% người dân vẫn còn làm nghề thủ công như đúc đồng, chạm bạc, may, dệt những thứ thuộc về da hay lông thú.
Thành phố Lệ Giang có diện tích 21.219kmỲ, gồm một quận (Cổ Thành), 2 huyện (Vĩnh Thắng & Hoa Bình) và 2 huyện tự trị (Tộc Nạp Tây Ngọc Long & Di Ninh Lang). Song tiếp theo đó, Lệ Giang lại được chia thành những khu vực nội thị như Khu đô thị mới, Đại Nghiên cổ trấn, Thúc Hà cổ trấn, Bạch Sa cổ trấn và một vài phần của Hổ Khiêu Hiệp.
Cổ thành
Cổ Thành tức là cổ trấn Đại Nghiên, một trong ba khu phố cổ Lệ Giang được biết đến nhiều nhất vì Cổ Thành là một thành phố cổ tuyệt đẹp về cả phong cảnh và lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số mà trong đó dân tộc Bạch, Nạp Tây và Tây Tạng chiếm phần đa số. Đô thị cổ Lệ Giang rộng 3.8km2, được xây dựng dọc theo dãy núi và giòng sông vào cuối đời Tống và đầu đời Nguyên (giữa thế kỷ 12), có lịch sử dài hơn 800 năm, nằm trên cao nguyên Vân Quý, cao 2400 mét.Lệ Giang đặc biệt không có thành quách, dinh thự hay sảnh đường cao sang nào cả như những thành phố lớn của Trung Quốc, mà trung tâm hội hợp chính là quảng trường phố Bốn Phương (Sifangjie). Xung quanh thành phố của những con đường lát gạch chạy ngoằn nghèo bên những ngôi nhà mái ngói kiến trúc hoa văn tinh xảo này chỉ là cảnh thiên nhiên kỳ thú với những cánh đồng phì nhiêu và giòng sông như pha lê chảy qua. Và phố cổ tràn cả lên sườn núi. Lên đến Vạn Cổ Lầu nhìn xuống ta sẽ có thể thấy cả thành phố Lệ Giang với hầu như đâu đâu cũng là những ngôi nhà với mái ngói bằng kiến trúc cổ xưa. Vừa đến Lệ Giang nhìn những con phố chằng chịt tưởng như đan xen hỗn loạn, song thực ra chúng lại được phân cấp rất khoa học theo chiều từ cao xuống thấp nương theo giòng nước. Và hệ thống hàng chục con kênh lớn nhỏ dẫn nước chảy dọc theo khắp các con phố cùng điểm nhấn là những cây cầu đá là biểu hiện của nền văn minh khá xưa kết tinh từ nhiều dân tộc khác nhau.
Lệ Giang rất nổi tiếng về hệ thống đường thủy và những con kênh đào, nên còn được gọi là “Venice của phương Đông”, có tổng cộng 354 chiếc cầu lớn nhỏ khác nhau (bình quân cứ 1km2 có 93 cầu) bắc trên sông Ngọc Hà ở nội thành. Trước cửa các ngôi nhà của người dân đều trồng dương liễu và có suối nước chảy qua. Những cây cầu được nhắc đến nhiều là Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên và Nhân Thọ, được xây vào đời nhà Minh và Thanh từ kết quả của sự hòa trộn những nét văn hóa khác nhau. Đa số những người đến Lệ Giang đều cảm nhận được sự gần gũi giữa con người với con người và đặc biệt là giữa con người với thiên nhiên trong lành, và cũng vì thế mà Lệ Giang còn được mệnh danh là “Tô Châu trên cao nguyên”. Với cảnh thiên nhiên kỳ mỹ, những con kênh đào và trăm chiếc cầu đá, Lệ Giang như là một thành phố tĩnh lặng trong sự vận động không ngừng.
Ngoài ra, từ phố cổ Lệ Giang nhìn về phương bắc là một dãy núi tuyết, sương mù phủ trắng quanh năm, tạo nên một hình thù như là con rồng bằng ngọc bích đang trườn lên mây, vì thế dãy núi ấy có tên là Bích Tuyết Long Sơn. Đối với dân tộc Nạp Tây, dãy núi này rất linh thiêng, họ thường hướng đến núi này khi cầu nguyện. Vì cũng như trong văn hóa phương Đông, núi là nơi hun đúc các giá trị tinh thần. Hành trình đi lên núi là hình ảnh của sự đi tìm chân lý và giải thoát. Dân tộc Nạp Tây ở Lệ Giang tương đối nổi bậc hơn những dân tộc khác, vì thế họ cũng là một phần đáng được chú ý của thành phố cổ ấy. Người Nạp Tây có nguồn gốc từ Tây Tạng, di cư đến vào khoảng 1400 năm trước và từ đó đến nay họ vẫn giữ nguyên cấu trúc gia đình mẫu hệ của người Tạng. Con gái Nạp Tây khi mặc áo da dê, trên vai áo lúc nào cũng có đính bảy viên đá hay ngọc nho nhỏ tùy theo gia tộc giàu nghèo, điều đó tượng trưng cho các tinh tú trên trời và được gọi là “khoác sao đội trăng” (披星戴月 – phi tinh đái nguyệt). Tộc Nạp Tây còn có câu ngạn ngữ: “Tay khéo không bằng tâm khéo, dáng đẹp không bằng mắt đẹp” (手巧不如心巧,貌美不如眼靓- thủ xảo bất như tâm xảo, mạo mỹ bất như nhãn tịnh), mà “mắt đẹp” ở đây ngụ ý là có cái nhìn hay ý tưởng đẹp. Nghe nói những ai đến Lệ Giang cũng không thể bỏ sót 10 điều sau đây:
1). Lên Vạn Cổ Lầu nghe chim ca và nghe các cụ kể chuyện.
2). Ăn một bát mì đậu nành.
3). Đọc những câu liễn đối bằng chữ Hán trên các cổng nhà.
4). Thử phát hiện ra một “con đường hay lối nhỏ” riêng cho chính mình.
5). Đến thăm hỏi một vị ẩn sĩ hay một kẻ cuồng.
6). Đứng xa xa quan sát một lão bà Lệ Giang hoặc nhìn nét mặt của những người trên khắp phố Bốn Phương.
7). Uống một ngụm nước giếng của Lệ Giang.
8). Mua và nếm thử các loại bánh có hình thù khác nhau.
9). Hít vào một bầu không khí trong lành của Lệ Giang.
10). Mang một chút kỷ niệm gì từ Lệ Giang về. Đô thị cổ Lệ Giang (bao gồm: Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa) đã được UNESCO công nhận là một trong những Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1997, sau khi một phần ba thành phố cổ đã bị phá hủy bởi trận động đất 7 độ richter vào tháng 2 năm 1996.
Từ Cổ Thành hướng về phía nam khoảng chừng 25km là phi trường Lệ Giang, được mở từ năm 1994, và từ nơi đó cũng là xa lộ đến Shangri-La, nên Cổ thành này chính là cửa ngõ từ phía nam của Trung Quốc để đi lên cao nguyên Tây Tạng vậy.
Quan Châu