Một Lần Kia..
Một lần kia, một vị giáo sư trẻ tuổi đi du lịch bằng đường thủy. Ông là một nhà đại trí thức. Tên của ông có một đuôi dài lê thê đằng sau với bằng cấp, nhưng kinh nghiệm đời của ông thì chẳng có bao nhiêu. Trong thủy thủ đoàn có một người thủy thủ già thất học. Mỗi buổi chiều người thủy thủ này thường đến phòng của vị giáo sư trẻ để nghe ông ta nói chuyện về nhiều đề tài. Ông rất ấn tượng với tài học của vị giáo sư trẻ.
Một buổi chiều, sau mấy tiếng đồng hồ nói chuyện với vị giáo sư, người thủy thủ già sửa soạn đi thì vị giáo sư hỏi, “Này bác, bác đã học môn Địa chất chưa?”
“Thưa ngài đó là gì ạ?”
“Là môn khảo sát về trái đất.”
“Thưa ngài chưa. Tôi chưa hề tới trường bao giờ, và tôi cũng chưa bao giờ học cái gì.”
“Bác ạ, bác đã lãng phí một phần tư cuộc đời rồi!”
Ông già buồn bã tự nghĩ: “Nếu nhà thông thái nói vậy, chắc chắn là phải đúng; ta đã phí phạm một phần tư cuộc đời.”
Chiều hôm sau, khi người thủy thủ già sắp rời đi thì vị giáo sư lại hỏi:
“Này bác, bác đã học Hải dương học chưa?” “Đó là gì thế, thưa ngài?”
“Là môn khảo cứu về biển.”
“Thưa không, tôi chưa từng được học gì cả.” “Bác ơi, bác đã phí phân nửa cuộc đời rồi.”
Người thủy thủ đi ra, càng buồn thêm: “Ta đã phí nửa cuộc đời; nhà thông thái này nói thế.”
Chiều hôm sau nữa, vị giáo sư trẻ lại hỏi ông già:
“Bác ơi, bác đã học môn Khí tượng chưa?”
“Là gì thế ạ? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến cả.” “Sao thế, đó là ngành học về gió, mưa, thời tiết.”
“Thưa ngài không. Như tôi đã từng nói với ngài, tôi chưa bao giờ đi học, và chưa từng được học gì cả.”
“Bác không học khoa học về trái đất bác đang sống, bác không học về đại dương đang giúp bác kiếm sống, bác không học về thời tiết mà bác phải đương đầu hằng ngày? Bác ơi, bác đã lãng phí ba phần tư cuộc đời bác rồi!”
Người thủy thủ già rất buồn: “Nhà thông thái này nói ta đã phí ba phần tư đời mình! Chắc chắn là ta đã uổng phí ba phần tư đời mình.”
Ngày hôm sau đến lượt người thủy thủ già. Ông chạy đến phòng vị giáo sư trẻ và kêu lên:
“Thưa giáo sư, ngài có học Bơi lội học không?” “Bơi lội học, bác muốn nói gì thế?”
“Ngài có biết bơi không?”
“Không, tôi không biết bơi.”
“Thưa giáo sư, ngài đã phí mất cả cuộc đời! Con tàu đã đâm vào tảng đá và đang chìm. Những người biết bơi có thể bơi vào bờ, những người không biết bơi có thể bị chết đuối. Thưa giáo sư, tôi rất tiếc, chắc chắn là ngài đã mất cả cuộc đời!”
…. Bạn có thể đọc và viết sách về bơi lội, bạn có thể tranh luận những điểm tế nhị về lý thuyết, nhưng nó có thể giúp gì bạn nếu bạn không chịu xuống nước. Bạn phải học cách bơi.
Trích cuốn Nghệ Thuật Sống (quý vị nào muốn nhận sách . ạ, cuốn này rất hay, dễ đọc và có nhiều câu chuyện ý nghĩa)
P.s. Quý vị có thể học thuộc rất nhiều kinh điển, tụng kinh lễ bái mỗi ngày, nhưng để đến được bờ giải thoát, chúng ta cần sự thực hành! ?
Sưu Tầm
Bài Cùng Thể Loại
- Không Thấy Lỗi Sai Của Mình: Không Phải Khôn Ngoan Mà Là Bất Hạnh
- Ý Nghĩa Hình Tượng và Biểu Pháp Của Ngài Địa Tạng Đại Sĩ
- Sự tích Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát
- Đừng Chạy Trốn Khổ Đau
- Hạnh Hiếu Của Ngài Xá Lợi Phất
- Làm Sao Trả Ơn Báo Hiếu Cha Mẹ
- Khéo Ứng Xử
- Quán Niệm Vô Thường Đễ Xả Ly, Buông Bỏ
- Quán Thế Âm Bồ Tát!
- Ý Nghĩa Cúng Dường Trai Tăng