NHẤT HOA KHAI NGŨ DIỆP
NHẤT HOA KHAI NGŨ DIỆP
Đ.Đ Thích Viên Duy dịch
Từ lúc Đạt Ma từ phương Tây đến Trung Hoa cho đến khi Huệ Năng xác lập Thiền Đốn Giáo phương Nam, Thái Hư đại sư mang nó liệt xếp thành thời kỳ thứ nhất (Nhất Hoa) của sự phát triển Thiền Tông Trung Quốc, lập danh ‘‘Thiền đốn tâm thành Phật’’. ‘‘Đốn ngộ tự tâm, tức tâm tức Phật’’ là tông chỉ của Thiền Pháp thời bấy giờ, sau Huệ Năng, Thiền Tông trở nên hưng thịnh trong thiên hạ và biến thành năm phái Thiền (Ngũ Diệp), tức Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn.
Lâm Tế Tông
Trong số đệ tử của Huệ Năng, có khá nhiều Thiền sư nổi bật xuất chúng, Thiền Sư Hoài Nhượng (677-744) là một trong số đó. Ngài từ nhỏ rất thích đọc Kinh Phật, một hôm, có vị Hòa thượng đi ngang nhà ngài, nói với cha mẹ của Hoài Nhượng rằng :‘‘ Cậu bé này nếu như xuất gia, nhất định đạt được Thượng Thừa Phật Pháp, có thể độ khắp chúng sanh.’’ Không lâu sau, Hoài Nhượng xuất gia tại Ngọc Tuyền Tự, về sau do được Tung Sơn An Hòa Thượng chỉ điểm, đến Tào Khê tham bái Lục Tổ, theo bên Lục Tổ 15 năm, sau đó đến Nam Nhạc Hoành Sơn Bát Nhã Tự khai pháp. Lục Tổ đoán trước: dưới chân ông sẽ xuất hiện một con tuấn mã (ý nói Mã Tổ sau này), ‘‘người dẫm lên trên thiên hạ.’’
Đời Đường năm Khai Nguyên, có vị Hoà thượng tên Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) đến Bát Nhã Tự. Ông không xem Kinh, không hỏi Pháp, một mình tọa Thiền. Hoài Nhượng hỏi ngài : ‘‘Đại Đức tọa Thiền làm gì vậy?’’ Đạo Nhất nói : ‘‘Làm Phật.’’ Hoài Nhượng cũng không nói chi nhiều, lấy một miếng ngói, mài trước mặt ông ta, thoạt tiên Đạo Nhất vẫn không hiểu, cứ an nhiên độc tọa, Hoài Nhượng bèn tiếp tục mài. Lâu ngày, Đạo Nhất cảm thấy kỳ lạ, hỏi Hoài Nhượng mài ngói làm gì. Sư đáp : ‘‘Làm gương soi.’’ Đạo Nhất nói : ‘‘Mài ngói thế nào thành gương được?’’ Sư đáp : ‘‘Nếu mài ngói không thành gương, chẳng lẽ ngồi Thiền thành Phật được sao? Xe không tiến trước, ông sẽ đánh xe hay đánh bò?’’ Lại nói : ‘‘ Nếu ông học ngồi Thiền, Thiền đâu phải ở nơi ngồi nằm; Nếu muốn học ngồi thành Phật, Phật đâu có hình tướng không thay đổi. Chấp trước nơi tướng ngồi, tức không thông đạt Phật lý, tọa Phật tức sát Phật.’’ Đạo Nhất đại ngộ, hiểu ra được chỉ có thân ngồi thì không đủ, mà còn phải dụng tâm, thế rồi theo bên Hoài Nhượng tu học.
Đạo Nhất hầu hạ bên cạnh Hoài Nhượng mười năm, đắc hoàn toàn tâm pháp của sư phụ. Sau khi rời khỏi Nam Nhạc, Đạo Nhất đến Hồng Châu, tỉnh Giang Tây khai đường thuyết pháp, tứ phương học giả, vận tập dưới tòa, bấy giờ người ta gọi Thiền Pháp của Đạo Nhất là Hồng Châu Thiền. Đạo Nhất tục gia họ Mã, đời sau Lục Tổ Huệ Năng, cho rằng thời môn phong của Đạo Nhất là thời kỳ hưng thịnh nhất, người ta tôn xưng Đạo Nhất là ‘‘Mã Tổ’’.
Có vị Tăng thỉnh giáo Mã Tổ làm sao tu Đạo, Mã Tổ dẫn dạy ông, nói : ‘‘Đạo không cần tu, bình thường tâm tức là Đạo. Cái gì gọi là bình thường tâm? Tức là vô tạo tác, vô thị phi, vô thủ xả, vô đoạn thường, vô tâm cảnh phàm thánh. Mặc áo ăn cơm, đi đứng nằm ngồi, ngôn đàm cử chỉ, khởi tâm động niệm, nhất thiết ứng cơ tiếp vật đều là Đạo. Nó tựa như giòng nước chảy của nghìn vạn con sông, tất cả hình trạng tình cảnh mỗi một con sông khác nhau, nhưng vẫn đều chảy về biển lớn.’’ Tiếp theo, Mã Tổ lại khai thị đại chúng, nói : ‘‘Chỉ cần trong đời sống hằng ngày hai phương diện thiện ác đều không tiêm nhiễm ngừng đọng, thì có thể gọi là người tu Đạo rồi.’’ Tùy thuận tự nhiên, xúc loại thị Đạo, là đặc điểm của Hồng Châu Thiền. Tư tưởng ‘‘bình thường tâm thị Đạo’’ này của Mã Tổ, gây ảnh hưởng rất lớn đối với những người tu Thiền định sau này
Trước thời Mã Tổ, Thiền Tông không có Chùa chiền riêng biệt, mà đều nương tựa nơi tự viện Luật Tông. Mã Tổ soái lệnh môn đồ, khai khẩn rừng hoang, lập riêng tòng lâm. Đệ tử của ngài là Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư (720-814) chế định đặt ra nội quy tự viện, xác lập quy tắc sinh hoạt cho riêng biệt Thiền Tông, đề xướng ‘‘nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.’’ Vừa thay đổi quy chế di truyền của Phật giáo khất sĩ, đồng thời nêu cao phong quy nông nghiệp Thiền Tông, Thiền Tông từ đó hoàn toàn độc lập riêng biệt.
Một hôm, Mã Tổ cùng Bách Trượng đi dạo quanh núi, thấy một đàn vịt trời bay qua, Mã Tổ hòi : ‘‘Cái gì vậy ?’’ Bách Trượng đáp : ‘‘Đàn vịt trời.’’ Mã Tổ lại hỏi : ‘‘Bay đi phương nào rồi ?’’ Trượng đáp : ‘‘Bay qua rồi ?’’ Mã Tổ chụp lấy lỗ mũi Bách Trượng, vặn mạnh một cái, nói : ‘‘Ông còn nói bay qua rồi sao ?’’ Bách Trượng chịu đau không lên tiếng, trở về liêu phòng của Tăng nhân ở, buồn rầu khóc lớn. Các huynh đệ hỏi ngài : ‘‘Chuyện gì huynh khóc vậy ?’’ Bách Trượng nói : ‘‘Lỗ mũi của ta bị Mã Tổ sư phụ bóp đau quá.’’ Đại chúng hỏi : ‘‘Huynh có chuyện gì bất hòa với sư phụ chăng ?’’ Bách Trượng nói : ‘‘Các ông đi mà hỏi Hòa Thượng.’’ Chúng Tăng đến hỏi Mã Tổ, Tổ nói : ‘‘Hoài Hải (tức Bách Trượng) biết đó, các ông đi hỏi ông ta.’’ Mọi người trở lại hỏi Bách Trượng, Bách Trượng cười ha hả, nói : ‘‘Ban nãy khóc, bây giờ cười.’’ Bách Trượng trả lời vịt trời bay qua rồi, tại sao lại bị đánh? Thiền, phản cầu tự tâm, mà không ngưng đọng lại nơi bên ngoài hiện tượng của sự vật. Chỉ do chúng ta khởi tâm động niệm, nên mới có sự sai biệt hiện ra trước mặt. Thiền, sao nói ‘‘nơi này’’, ‘‘nơi kia’’ ? hay ‘‘quá khứ’’ ‘‘hiện tại’’ ? Cái nhéo của Mã Tổ, ngay tức thì bóp nát tất cả cảnh giới phân biệt thời gian không gian của Bách Trượng, Bách Trượng liền tỉnh ngộ, ý thức thời không vừa biến đổi, ‘‘ngã’’ và ‘‘thế giới ’’ đều trở thành khác nhau, thế nên Bách Trượng nói : ‘‘Ban nãy khóc, bây giờ cười.’’
Tư tưởng của Mã Tổ bắt nguồn từ nơi Huệ Năng, nhưng phương thức tiếp ứng với người học có đôi chút khác nhau. Huệ Năng tác phong bình thực, nơi nơi đều hiển lộ ra chơn đế, còn Mã Tổ cơ phong cheo leo như vách núi, biến hóa khôn lường. Ngài ta tùy cơ ứng nghi, đánh, uống, thôi, đạp. Tương truyền có lần ông hét to một tiếng, Bách Trượng điếc tai ba ngày. Mục đích ở nơi tùy cơ ứng nghi là cắt đứt những cảm giác biết thấy hiểu của người học, ngộ đắc bổn tâm. Cơ phong này trải qua người đời sau phát triển, trở thành tông phong của một hệ phái Lâm Tế.
Hoàng Bá Hi Vận thọ học nơi Bách Trượng Hoài Hải. Ngài vốn đến Giang Tây để tham bái Mã Tổ, nhưng bấy giờ Mã Tổ đã viên tịch, thế rồi xoay đến gặp Bách Trượng. Bách Trượng nhận ra ông ta có cái nhìn của bậc Thiền sư siêu việt. Về sau Thiền phong đã trở nên đại thịnh tại Giang Nam. Đệ tử ngài là Lâm Tế Nghĩa Huyền Thiền sư (787-867), đắc được đại cơ đại dụng, khai sáng riêng một tông phái gọi Thiền Lâm Tế, Thiền phong biến khắp cả nước, lưu truyền lâu nhất và rộng khắp nhất.
Quy Ngưỡng Tông
Thạch Sương Tánh Không Thiền sư là đệ tử của Bách Trượng. Một hôm, có vị Tăng nhân đến tham bái Thiền sư, hỏi ý nghĩa của Tổ Sư (Bồ Đề Đạt Ma) từ phương Tây đến là gì ? Tánh Không Thiền sư bảo ông rằng : ‘‘Nếu có người ở trong giếng sâu nghìn tấc, không nương nhờ dây thừng, mà có thể cứu người ấy ra, thì ta sẽ trả lời cho ông.’’ Trong các Tông phái Phật giáo, có Tông phái mong muốn nơi trợ giúp lực bên ngoài, như Tịnh Độ Tông tụng niệm Danh hiệu Phật, Mật Tông trì tụng Chân ngôn, v.v…, đều là cầu Phật gia hộ, lấy sự cầu mong để làm giải thoát. Thiền Tông lại không như vậy, các Thiền sư cho rằng, kiến tánh thành Phật là chuyện riêng trong nhà, nhờ người khác giúp đỡ thì không sao đắc Đạo, hoàn toàn nương vào lực của chính mình. Do vậy ý của Tánh Không Thiền sư là, nếu người ta có thể một mình gánh lấy, không nương vào dây thừng người khác, tự mình hoàn thành, đó chính là điểm đặc sắc của Thiền, đó tức là ý của Tổ Sư từ phía Tây đến Trung Hoa. Vị Tăng nhân không hiểu, lại nói : ‘‘Gần đây Hồ Nam có vị Sướng Hoà Thượng ra đời, cũng vì người mà thuyết Đông nói Tây.’’ Tánh Không bảo một vị Sa Di, nói : ‘‘Lôi cái thây chết này ra ngoài!’’ Vị Sa Di này tức là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch Thiền sư (807-882) nổi tiếng sau này. Sau khi sự việc xảy ra, chú Sa Di thỉnh giáo Đam Nguyên Hoà Thượng: ‘‘Sư phụ, làm sao mới có thể cứu người dưới giếng lên được vậy? ’’ Đam Nguyên nói : ‘‘Ô hay! Chú ngốc này, có ai ở dưới giếng bao giờ? ’’ Ngưỡng Sơn muốn tìm ra ý nghĩa cứu cánh, bèn đến hỏi Quy Sơn Linh Hựu thiền sư (771-853). Quy Sơn Hòa Thượng trực tiếp chỉ điểm chú, bèn hô to một tiếng ‘‘Huệ Tịch’’, Ngưỡng sơn đáp ‘‘có’’. Quy Sơn nói : ‘‘Ra đây mau!’’ Sau này, Ngưỡng Sơn thường đưa công án này ra áp dụng cho học trò của Ngài, rồi nói : ‘‘Ta ở nơi Đam Nguyên được danh, còn ở chốn Quy sơn được địa.’’ Về sau 2 Thầy trò lập ra phái Quy Ngưỡng.
Thanh Nguyên Hành Tư Thiền Sư (?-740)
Phần trước những Thiền sư được kể đến, tận mãi Mã Tổ, đều thuộc về pháp hệ của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Dưới trướng của Lục Tổ Đại Sư, ngoài ra còn một hệ phái Thanh Nguyên, phát triển song song với Nam Nhạc, truyền thừa cho đến ngày nay.
Thanh Nguyên Hành Tư Thiền sư, họ Lưu, tham kiến lễ bái Lục Tổ, rất được coi trọng. Lục Tổ nói với Hành Tư : ‘‘Trước kia Tổ Sư truyền thọ Y Pháp, dùng Y biểu hiện cho ‘‘tín’’. Từ khi ta được Y Bát, gặp nhiều hiểm nạn. Vì để tránh sự tranh chấp, nay đem Y Pháp lưu giữ tại sơn môn. Ông nên phân hóa đi một nơi, hoằng truyền Thiền pháp.’’ Thế rồi Hành Tư đến Giang Tây núi Thanh Nguyên.
Trước khi Lục Tổ viên tịch, có chú Sa di tên Hi Thiên, hỏi qua Tổ : ‘‘Sau khi Hòa Thượng viên tịch, con sẽ dựa vào người nào đây? ’’ Tổ đáp : ‘‘Đi tầm Tư!’’ Sau khi Lục Tổ tịch, Hi Thiên thường thường tĩnh tọa. Đại sư huynh hỏi : ‘‘Sư phụ đã tịch rồi, sư đệ còn ở đó “không tọa” làm gì ? ’’ ‘‘Đệ vâng lời sư phụ dạy, tầm tư tĩnh tọa.’’ Sư huynh bèn chỉ điểm cho ngài, nói : ‘‘Sư đệ có một sư huynh tên Hành Tư Hòa thượng, hiện đang ở núi Thanh Nguyên, nhân duyên của đệ tại nơi đó, sư phụ nói rất rõ ràng, tự sư đệ mê hoặc thôi! ’’ Hi Thiên hốt nhiên đại ngộ, bấy giờ mới gom chút hành trang, đảnh lễ từ biệt tháp Tổ, thẳng đến Hành Tư.
Hi Thiên vừa đến, Hành Tư hỏi ngài : ‘‘Từ Tào Khê mang cái gì đến? ’’ ‘‘Trước khi đến Tào Khê, vốn chưa từng thất lạc thứ gì.’’ Hành Tư nói : ‘‘Thế thì tại sao chú vẫn đến Tào Khê? ’’ ‘‘Nếu không đến Tào Khê, làm sao biết lúc trước không mất mát ? ’’ Hành Tư biết chú Sa di này không phải bậc tầm thường. Trong mười lăm năm Hi Thiên ở núi Thanh Nguyên, Hành Tư nhiều lần nhiều lượt rèn luyện, rồi lại bảo Chú đến nơi Nam Nhạc Hoài Nhượng học tập, huấn luyện trở thành Tông Sư một thời kiệt xuất của Thiền Tông.
Thạch Đầu Hi Thiên (700-790)
Đường Thiên Bảo sơ niên, Hi Thiên rời khỏi Thanh Nguyên, được mời đến Hồ Nam Hoành Sơn, chùa Nam. Phía đông cạnh chùa có một tảng đá lớn, nghiêm phẳng như đài, Hi Thiên kết am trên đài mà ở, do vậy người ta gọi ngài là Thạch Đầu Hòa thượng.
Tương truyền một hôm, Thạch Đầu đọc <<Triệu Luận>> một quyển, khi xem đến ‘‘Thánh nhân dung hội vạn vật nhi dĩ ’’, gợi ra được nghĩa lý xâu xa. Khi xếp sách nghỉ ngơi, mộng thấy mình và Lục Tổ đồng ngồi trên con linh quy, bơi trong một cái đầm sâu lênh láng. Sau khi tỉnh thức tự nói : ‘‘Ngã dữ Tổ Sư thừa linh trí đồng du tánh hải.’’ Thế rồi viết ra quyển sách <<Tham Đồng Khế>>, đúc kết tâm đắc của chính mình, nói lên tư tưởng đặc biệt thù thắng.
<<Tham Đồng Khê>> vốn là tên quyển sách do Đạo gia đời Hán Ngụy Bá Dương trước tác. Người họ Ngụy viết <<Tham Đồng Khê>>, mục đích là khế hợp hai học thuyết Nho và Đạo gia, Hi Thiên mượn dùng ý tưởng này, mà phát huy Thiền pháp ‘‘hồi tương’’ của ngài. Những gì gọi là ‘‘tham’’, tức chỉ vạn vật chư pháp mỗi một giữ riêng vị trí của nó, hỗ tương nhưng không phạm nhau. ‘‘Đồng’’ là thế nào, tức chỉ vạn vật mỗi mỗi tuy khác, nhưng vẫn thống nhất nơi nhất nguyên, tức cá biệt tồn tại nơi cả thể. ‘‘Hồi tương’’ là sao, ý chỉ vạn vật hỗ tương nhưng không phạm nhau mà lại quan hệ dính dáng nhau và nhập vào nhau. ‘‘Khế’’ là thế nào, tức là mang tư tưởng này hướng dẫn người ta thiền quán, ứng dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Hi Thiên dường như xiển minh mối quan hệ gốc ngọn giữa tâm và pháp ẩn hiện qua lại, nơi riêng ‘‘sự’’ hiển hiện lên toàn thể ‘‘lý’’. Vạn vật chư pháp bỉ thử đối đãi ỷ lại, như minh ám tương sanh, khuất khúc vô cùng. Thiền pháp của Thạch Đầu, sự tồn lý ứng, tức sự nhi chân, xoay tròn vô ngại, như vòng không đầu, do vậy Mã Tổ nói ‘‘Thạch Đầu lộ hoạt’’, muốn nói lên tính đặc trưng của Hi Thiên Thiền pháp.
Dược Sơn Duy Nghiêm (751-834) là học trò của Thạch Đầu Hi Thiên. Ngài bác thông Kinh Luận, trì Giới nghiêm cẩn, nhưng đối với Thiền thì lại không mấy liễu giải, thế bèn thỉnh giáo sư phụ : ‘‘Người ta thường nói đặc điểm của Thiền phương Nam là ‘trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật’, con thực sự không hiểu rõ, mong Hòa thượng từ bi, khai thị cho con.’’ Thạch Đầu hỏi ngược lại ngài : ‘‘Nếu như khẳng định không đúng, phủ định cũng không đúng, đồng thời khi chiếu cố cả hai đều không đúng, thì ông nghĩ sao?’’ Duy Nghiêm không biết chỗ trả lời. Thạch Đầu nói : ‘‘Nhân duyên của ông không phải nơi này, ông hãy đến chỗ Mã Tổ đại sư đi.’’ Duy Nghiêm vâng lời sư phụ, đi tới cung kính lễ bái Mã Tổ. Điều xin chỉ bảo cho vẫn là vấn đề như trước : trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật là thế nào? Mã Tổ đối trước ngài nói : ‘‘Ta đôi lúc gọi ‘dương mi thuấn mục’, có khi lại không gọi nó ‘dương mi thuấn mục’, đôi khi ‘dương mi thuấn mục’ là nó, đôi lúc dương mi thuấn mục’ lại không là nó, vậy rốt cuộc ông làm sao hiểu nó?’’ Duy Nghiêm nghe xong hốt nhiên đại ngộ. Mã Tổ nói ‘dương mi thuấn mục’ là nó lại không phải nó, là nó tức khẳng định, không phải nó là phủ định. Cái gì là Thiền tâm, tức phải vượt qua khẳng định và phủ định. Thiền, vốn là đạo viên dung, ‘‘thị’’ ‘‘phi’’ như nhất, ‘‘hữu’’ ‘‘không’’ như nhất, vạn vật quy tại nhất nguyên. Duy Nghiêm thấm thía rồi lễ bái Mã Tổ, Tổ hỏi : ‘‘Ông hiểu được điều gì, mà hành lễ ta?’’ Duy Nghiêm nói : ‘‘Con ở nơi Thạch Đầu, giống như con mũi đốt trâu sắt, không tìm ra được cửa vô.’’
Sau khi Duy Nghiêm hầu hạ Mã Tổ ba năm, trở về lại nơi Thạch Đầu. Ngay khi đi, Mã Tổ giáo huấn Ngài, nói : ‘‘Nếu muốn tăng trưởng ích lợi thì phải vô sở ích, nếu muốn hữu vi thi phải vô sở vi.’’Dược Sơn Duy Nghiêm trở về Hoành Sơn. Một hôm, ngồi tĩnh tọa trên tảng đá, Thạch Đầu hỏi Ngài : ‘‘Vì sao ông tĩnh tọa ở đây? ’’ ‘‘Không vì sao hết. ’’ ‘‘Vậy là nhàn nhã ngồi rồi!’’ ‘‘Nếu nói nhàn nhã ngồi, tức đã có mục đích rồi.’’ Thạch Đầu lại hỏi : ‘‘Vậy ông nói cái mà không có mục đích là thứ chi chi ? ’’ ‘‘Trở thành Thánh Hiền, bách thượng thiên cũng đều không biết thứ gì là mục đích.’’ Thạch Đầu rất tán thưởng cái kiến giải của Ngài. Trong số môn đồ của Hi Thiên, Duy Nghiêm được coi trọng nhất, lúc cuối đời Thạch Đầu giao phó Pháp cho Dược Sơn Duy Nghiêm.
Thiên Hoàng Đạo Ngộ Thiền sư là đệ tử của Dược Sơn. Một hôm, Quy Sơn hòa thượng hỏi Vân Nham : ‘‘Bồ đề lấy gì làm tòa ? ’’ Ý nói căn bản của Trí Huệ là gì? Vân Nham đáp : ‘‘Bồ đề lấy ‘vô vi’ làm tòa.’’ Quy Sơn không đồng ý, cho rằng Bồ đề lấy ‘không’ làm tòa. Quy Sơn lại hỏi ý kiến của Đạo Ngộ, Đạo Ngộ nói : ‘‘Ông muốn ngồi thì ngồi, muốn nằm thì nằm. Nhưng có một người không ngồi không nằm.’’ Nói theo Thiền, muốn thành tựu trí huệ vô thượng, phải không chấp trước bất cứ hình thức nào, phải tiêu trừ được tâm phân biệt cảnh giới bên ngoài của chính mình, thì mới có thể nhìn ra được thật tướng của sự vật.
Long Đàm Sùng Tín từ nhỏ rất nghèo, nhờ bán bánh mà sinh sống. Bấy giờ ngài Đạo Ngộ trụ trì chùa Thiên Hoàng, Ngài cho Sùng Tín ngụ lại chùa, vìmuốn tỏ lòng tri ân Ngài Đạo Ngộ, nên chú mỗi ngày thường cúng dường Ngài 10 cái bánh. Song mỗi lần Ngài Đạo Ngộ đều cất giữ một cái để tặng lại cho chú rồi nói: ”Cầu nguyện cho con cháu của chú được thịnh vượng.” Một hôm, chú này nghĩ: cái bánh này là mình cúng dường Ngài, mà tại sao lại trả lại cho mình chứ? Thế rồi chú bèn chạy đi hỏi. Ngài Đạo Ngộ nói: ”Cái bánh này của chú cúng dường, tặng lại cho chú, chẳng lẽ có gìsai sao?” Sùng Tín vừa nghe xong thì có phần nào giác ngộ, thế rồi quyết định theo ngài Đạo Ngộ xuất gia. Ngài Đạo Ngộ xuống tóc cho chú và đặt tên Sùng Tín. Từ đó Sùng Tín hầu hạ Ngài Đạo Ngộ tả hữu không rời.
Một hôm Ngài Sùng Tín bạch sư phụ: ” Con theo sư phụ đã nhiều năm rồi, sao chưa từng nghe sư phụ khai thị ”tâm yếu” cho con vậy?’’ Ngài Đạo Ngộ đáp: ”Từ lúc con đến hầu hạ sư phụ, sư phụ mỗi giờ mỗi khắc đều đem Ềtâm yếu” chỉ cho con đó mà!” ”Sư phụ chỉ cho con lúc nào?” Ngài Đạo Ngộ nói: ”Con dâng trà đến, ta đã nhận rồi. Con mang cơm đến, ta cũng ăn rồi. Lúc con đảnh lễ ta cũng gật đầu rồi, vậy còn chỗ nào ta chưa chỉ con đâu?” Ngài Sùng Tín cuối đầu suy nghĩ. Ngài Đạo Ngộ nói: ”Nếu muốn thấy được đạo, hãy thấy ngay lập tức. Nếu dùng đầu suy nghĩ, thì ắt bị sai lệch.” Ngài Sùng Tín nghe xong liền giác ngộ.
Phương thức khai ngộ của ngài Đạo Ngộ tức dùng những sinh hoạt bình thường hằng ngày như y thực, ẩm thực, đi đứng, hầu hạ mà để tìm lại bên trong chính mình, tức có nghĩa áp dụng phong thái ”Bình Thường Tâm Thị Đạo” của Mã Tổ Đạo Nhất mà khai thị cho ngài Sùng Tín .Vân Nham Đàm Thạnh (794-841) ban đầu tham học với Bách Trượng Thiền sư, nhân duyên không khế hợp. Về sau yết bái Dược Sơn, Dược Sơn hỏi Ngài hiểu sao về sinh tử, Đàm Thạnh nói :‘‘Dưới mắt không có sinh tử.’’ Dược Sơn hỏi :‘‘Ông ở nơi Bách Trượng sống bao nhiêu lâu rồi ? ’’ ‘‘Hai mươi năm.’’ Dược Sơn rất cảm khái, nói :‘‘Theo Bách Trượng hai mươi năm rồi, cho đến tục khí còn chưa tiêu trừ được, mà còn nói chuyện không! Dược Sơn lại hỏi ngài : Bách Trượng thuyết Pháp gì, Đàm Thạnh nói :‘‘Bách Trượng có khi lên giảng đường, mọi người vừa đứng yên, sư phụ dùng tích trượng đuổi mọi người đi ra, sau đó lại kêu mọi người, ai nấy xoay đầu, sư phụ hỏi :‘Đây là cái gì ?’ ’’ Dược Sơn nói :‘‘Từ câu nói này ta thấy được sư huynh Hoài Hải rồi.’’ Đàm Thạnh lập tức đốn ngộ được hàm ý của câu nói Bách Trượng nơi giảng đường.
Một hôm, Dược Sơn hỏi Đàm Thạnh :‘‘Nghe nói ông đang làm trò sư tử (Phật giáo lấy sư tử ví dụ cho Phật và Bồ Tát) phải không ? ‘‘, ‘‘Dạ đúng’’, ‘‘Làm bao nhiêu trò rồi ? ’’, ‘‘Sáu trò.’’ Dược Sơn nói : ‘‘Ta cũng làm trò sư tử.’’ Hòa Thượng làm mấy trò ? ’’ ‘‘Một trò.’’ Đàm Thạnh nói :‘‘Một tức là sáu, sáu tức là một.’’ Dược Sơn ấn chứng kiến giải của Ngài.
Hôm nọ, Đạo Ngộ hỏi Đàm Thánh :‘‘ Quán Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn, mắt nào là chánh nhãn ? ’’ Đàm Thạnh nói : ‘‘Giống như buổi tối mà không đèn, người ta dùng tay đi tìm gối.’’ Đạo Ngộ nói : ‘‘Đệ hiểu rồi.’’ Đàm Thạnh nói :‘‘Đệ hiểu gì ? ’’ Đạo Ngộ nói : ‘‘Thân biến khắp là thiên nhãn.’’ Đàm Thạnh nói :‘‘Chỉ nói xong bát thành.’’ Đạo Ngộ nói :‘‘Sư huynh nói sao ? ’’ Đàm Thạnh nói :‘‘Thân thần thông là thiên nhãn.’’ Cách sửa chữa từ ngữ cặn kẽ tỉ mỉ này, về sau trở thành phong môn của Tào Động Tông. Sau này Đàm Thạnh trú tại núi Vân Nham, Động Sơn đến thân cận ngài. Đàm Thạnh trước tác <<Bảo Kính Tam Muội>> một quyển, về sau trở thành văn hiến quan trọng của Tào Động Tông. Vân Nham Đàm Thạnh tiếp thừa Pháp của Dược sơn, dưới sau đó khởi phát thành môn phong của Tào Động Tông.
Tào Động Tông
Động Sơn Lương Giới thiền sư (807-869), đời Đường, người Hội Khê, tỉnh Triết Giang, họ Du. Năm 21 tuổi, ngài thọ Cụ Túc Giới tại Chung Sơn, tỉnh Hà Nam. Ban đầu tham học với Nam Tuyền Phổ Nguyện thiền sư, thứ đến tham học với Quy Sơn Linh Hựu thiền sư, và lĩnh ngộ yếu chỉ Thiền tâm vô cùng sâu sắc. Về sau lại tham học với Vân Nham Đàm Thạnh và thọ nhận tâm ấn nơi Ngài, trở thành người kế thừa Thiền pháp của Ngài.
Tào Sơn Bổn Tịch thiền sư (840-901), đời Đường, người Phổ Điền, tỉnh Phước Kiến, họ Hoàng. Niên thiếu thời theo học Đạo Nho, năm 19 tuổi xuất gia với ngài Linh Hựu tại Phúc Châu, thọ Cụ Túc Giới năm 25 tuổi. Sau đó tu tập Thiền với Động Sơn Lương Giới và trở thành người kế thừa Thiền pháp của Động Sơn Lương Giới thiền sư. Về sau hai Ngài quy hợp và sáng lập nên phái Tào Động Tông.
Vân Môn Tông
Đức Sơn Tuyên Giám thiền sư (780-865), đời Đường, người Tứ Xuyên, họ Chu, đồng niên xuất gia. Nhân vì có nghiên cưú về Kinh Điển Phật giáo, lại thường giảng <<Kim Cang Kinh>>, lại thêm họ Chu, nên người bấy giờ gọi Ngài là “Chu Kim Cang”. Nhân nơi tham yết nơi Long Đàm Sùng Tín mà khế ngộ, bèn trở thành người kế thừa Thiền pháp của Ngài. Sau khi khai ngộ trụ trì tại Đức Sơn, tỉnh Hồ Nam, nên gọi Đức Sơn Tuyên Giám. Sau này người kế thừa sự nghiệp của Ngài là Tuyết Phong Nghĩa Tồn thiền sư.
Huyền Sa Sư Bị, người thuộc tỉnh Phúc Kiến. Khi thời niên thiếu rất thích câu cá. Thường một mình với chiếc thuyền con lênh đênh trên sông Nam Đài. Sau khi xuất gia là huynh đệ với Tuyết Phong, nhưng hai người lại thân cận với nhau giống như thầy trò. Sư Bị thường mặc y vải bố mang giày cỏ, ăn rau dại, thế nên Tuyết Phong gọi là Bị Đầu Đà.
Sư Bị ứng cơ mẫn tiệp, nhanh nhẹn, không chừa một ai. Một hôm, Tuyết Phong ở trong tăng đường đóng chặt cửa trước cửa sau đốt lửa rồi hô to: “Cứu lửa !” Sư Bị đứng từ cửa sổ ném thêm củi vào trong, Tuyết Phong đành phải tự mở cửa mà đi ra.
Vân Môn Văn Yển thiền sư (864-949), đời Ngũ Đại, người Gia Hưng, tỉnh Triết Giang, họ Trương. Ngài bẩm tính nhanh nhẹn, quảng thông Kinh điển. Thời niên ấu theo Chí Chứng Luật sư xuất gia tại Không Vương Tự, sau khi trưởng thành thọ Cụ Túc Giới tại Giới Đàn Tỳ Lăng, theo học Luật Bộ nhiều năm với Chí Chứng Luật Sư. Sau đó đi tham học với Tuyết Phong Nghĩa Huyền thiền sư, đắc tâm ấn và kế thừa Pháp của Ngài. Sau khi khai ngộ, trụ trì Quang Phụng Viện, núi Vân Môn và lập ra Vân Môn Tông.
Pháp Nhãn Tông
La Hán Quế Sâm xuất gia với Ngài Vô Tướng đại sư tại chùa Vạn Tuế. Một ngày nọ, đại chúng trong chùa vân tập tụng giới bổn, Quế Sâm nói: “trì giới chỉ có thể là khuôn khổ cho thân thể của bản thân, không phải là giải thoát chân thật. Bắt chước người xưa, làm sao có thể khai mở trí huệ cho người!” Thế rồi, bèn đi về phương nam tham học với Ngài Tuyết Phong, sau đó được Ngài Huyền Sa Sư Bị khai mở mà đốn ngộ không còn nghi hoặc.
Thanh Lương Văn Ích thiền sư (885-958), thời Ngũ Đại, đệ tử đời thứ tám thuộc nhánh thiền Thanh Nguyên Hành Tư, người Dư Hàng, tỉnh Triết Giang, họ Lỗ. Xuất gia năm 7 tuổi, 20 tuổi thọ Cụ Túc Giới tại Việt Châu, Khai Nguyên Tự. Sau đó đến Mao Sơn Dục Vương Tự học luật, cùng lúc nghiên cứu điển tích Nho gia. Sau đó Ngài chuyển sang học thiền, đến Phước Xuyên tham kiến và đảnh lễ Trường Khánh Thiền Sư, không chỗ khế ngộ. Do vậy cùng với Tăng Lữ nơi ấy kết bạn du phương tham học. Trên đường đi ngang Chương Châu, trời đổ tuyết cùng khắp, tạm dừng trú tại chùa Điạ Tạng phía tây thành, nhân tiện yết kiến phương trượng La Hán Quế Sâm. Sau khi trời sáng, Ngài cáo từ Quế Sâm, phương trượng tiễn Ngài ra đến tận cổng, chỉ vào một phiến đá trước cửa đình hỏi Văn Ích: “Nghe nói Ông giảng tam thế duy tâm, vạn pháp duy thức (Phật giáo cho hết thảy tinh thần hiện tướng là tâm, cho rằng nhất thiết chỉ do tâm tạo). Như vậy, phiến đá này ở trong tâm hay ngoài tâm Ông?”, “Trong tâm”. Quế Sâm hỏi tiếp “Ông làm sao có thể mang phiến đá lớn như vậy để vào trong tâm, mà lại không thấy nặng sao?” Văn Ích bị quẫn bách không đáp được, do vậy Ngài xin lưu lại theo Quế Sâm học tập. Hằng ngày Ngài hướng về Sư Phụ biểu đạt và trình bày kiến giải của mình, nói Lý, luận Đạo, song cứ mỗi lần như vậy Quế Sâm đều nói với Ngài rằng: “Phật pháp không phải như vậy!”. Văn Ích thưa: “Thỉnh Sư Phụ chỉ điểm, con đây đã ngôn cùng lý tuyệt rồi”. Quế Sâm nói với Ngài rằng:”Nếu muốn luận Phật Pháp, hãy nhất thiết hiện thành.” Vừa nghe xong, Văn Ích hốt nhiên đại ngộ. và trở thành người kế thừa Pháp của La Hán Quế Sâm sau này. Vào những năm cuối đời Ngài trụ trì Thanh Lương Viện tại Kim Lăng, nên gọi ‘‘Thanh Lương Văn Ích’’. Bấy giờ, học nhân từ bốn phương vân tập không dưới ngàn người, Thiền phong đại chấn và lập nên ‘‘Pháp Nhãn Tông’’.
Mùa An Cư Kiết Hạ 2005, Khuông Việt Tự
Thích Viên Duy dịch