Phật Pháp Không Phải Để Lợi Danh
PHẬT PHÁP KHÔNG PHẢI ĐỂ LỢI DANH
Nếu giáo pháp chân chính không được thực hành nhằm mục đích giải thoát giác ngộ mà chỉ để giao lưu xã hội hay quan hệ phù phiếm thì điều đó chẳng có ý nghĩa
Không bao giờ được phép thực hành Phật pháp với mục tiêu danh lợi
Chúng ta dành phần lớn thời gian của mình cho những mối bận tâm thông thường: mong được lợi lộc, sợ bị thua thiệt, mong được danh tiếng, lo bị ghét bỏ, mong được ngợi khen, lo bị quở phạt, mong được lạc thú, lo sợ khổ đau. Những suy nghĩ này còn được gọi là “tám mối bận tâm thế gian”. Khi nhận ra cuộc đời mình chỉ chạy theo những thứ phù phiếm, chúng ta sẽ tìm đến tâm linh. Thực hành Phật pháp đưa chúng ta đến giác ngộ. Lúc này bạn rất cần một bậc Thầy tâm linh chỉ cho bạn con đường thực hành Pháp. Nhưng nếu để những bận tâm thế gian chi phối việc thực hành tâm linh thì đó lại là một chướng ngại mới.
Bạn không bao giờ được phép thực hành Phật pháp với mục tiêu danh lợi. Tất nhiên mọi người cho rằng thành công trong cuộc sống đồng nghĩa với sự giàu có, danh tiếng và sức khỏe. Nhưng tôi nghĩ có nhiều cách để đạt được những thứ này, và bạn tuyệt đối không nên lợi dụng Phật pháp.
Khi ai đó sử dụng Phật pháp vì danh lợi của bản thân thì đó là sự thực hành thế gian pháp chứ không phải Phật pháp, và tôi nghĩ Đức Phật Thích Ca sẽ không ưng thuận điều này. Mục đích Đức Phật truyền bá Tam thừa Phật giáo để chuyển hóa chính những động cơ và thái độ ích kỷ. Nhưng ngày nay rất nhiều người liên tục huân tập những tính xấu này, ngay cả khi thực hành Phật pháp. Dù cuộc sống của họ đầy những sắc màu, có được sự giàu sang hay nổi tiếng, nhưng chừng nào họ còn đắm chìm trong vũng lầy danh lợi thì cuộc sống vẫn sẽ khó khăn. Chúng ta phải thực hành Phật pháp với mục đích chứng đạt giác ngộ chứ không nhằm phục vụ các mối quan hệ hay xã giao, nếu không thì Pháp không còn ý nghĩa. Có nhiều cách để định nghĩa Phật pháp. Phật pháp thường được hiểu là “chân lý vũ trụ”; với Phật tử, Pháp là “những điều Đức Phật giảng giải dựa trên chân lý vũ trụ”; và với tôi, Pháp còn có nghĩa “quá trình trưởng dưỡng cuộc sống của chính chúng ta.”
Hành trình tâm linh chân chính
Có nhiều cách để đạt được sự giàu sang và danh tiếng. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm các việc đó mà không lợi dụng Phật pháp. Hãy để Pháp thuần túy là thuốc lành chữa trị những khổ đau của luân hồi, và đừng pha trộn Pháp vào những danh lợi cá nhân.
Điều tôi muốn nói là ta không nên sử dụng Phật pháp để đạt các mục đích thế gian. Nguyên tắc này giúp tôi tránh được vũng lầy danh lợi. Tôi hy vọng vừa giúp được bản thân mình, vừa giúp nhiều người hiểu được ý nghĩa thực sự của Phật pháp, nên thực hành Phật pháp như thế nào, và qua đó hiểu được động lực thôi thúc Đức Phật Thích Ca truyền bá Tam thừa Phật Pháp.
Ngày nay có nhiều lãnh tụ tôn giáo danh tiếng và giàu có. Ta cũng thấy ngày càng nhiều giáo phái tà đạo với những người đứng đầu nổi tiếng. Thật khó để phân biệt phải trái, trắng đen. Bởi thế, cả bậc Thầy lẫn đệ tử đều cần luôn hiểu rõ ranh giới mỏng manh giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh, và đừng bao giờ sử dụng Phật pháp nhằm đạt những mục tiêu thế tục.
Bất kể bạn thực hành theo truyền thống tâm linh nào, điều tiên quyết bạn cần là có một động cơ và định hướng tâm linh đúng đắn. Hành trình tâm linh chân chính là một hành trình vô ngã và không được dính mắc tám mối bận tâm thế gian.
Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Bài Cùng Thể Loại
- Đức Phật hỏi: “Thế gian điều gì là trân quý nhất?”
- 𝐂𝐨́ 𝟑 Đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐂𝐨𝐧 𝐍𝐞̂𝐧 𝐍𝐡𝐨̛́
- SỐNG CHẬM LẠI, NGHĨ KHÁC ĐI…
- Quan tâm nhiều…
- Những lời khai thị của Ngài Quãng Khâm.
- ĐỜI NGƯỜI SUY CHO CÙNG CÓ 7 CÁI PHẢI HỌC
- CON NGƯỜI CẢ ĐỜI TRANH GIÀNH NHAU RỐT CUỘC LÀ VÌ ĐIỀU GÌ?
- RỒI AI CŨNG SẼ GIÀ ĐI
- NẾM TRÀ, THƯỞNG ĐỜI
- OCEAN VUONG, NHÀ THƠ TRẺ NỔI TIẾNG TRÊN ĐẤT MỸ