Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần I

 

I. TIỂU SỬ TÁC GIẢ
1. Khảo Cứu Về Sự Ra Đời Của Tác Giả.
Luận sư Vasubandhu (Thế Thân), tác giả của bộ luận Abhidharma kośa (Câu-xá) là một ngôi sao sáng nhất và chiếm địa vị cao nhất trong tất cả các các vì sao trên nền trời lịch sử tư tưởng học thuật của Phật giáo Tiểu thừa cũng như Đại thừa lúc bấy giờ. Tôn giả xuất sanh tại Puruṣapura (Bạch Sa Ngoã) của nước gāndhāri (Kiền-đà-la), miền Bắc Ấn độ. Trong gia đình gồm có ba anh em: anh đầu là Tôn giả Asaṅga (Vô Trước), ngài là con thứ hai và em út là Tôn giả Buddhasiṃha (Sư Tử Giác), cả ba anh em đều là những bậc danh đức,có tiếng tăm vang dội trong giới học thuật Phật giáo. Về niên đại đản sanh của các vị Tôn giả này,mỗi thuyết lại nói mỗi khác:Có thuyết cho rằng, Tôn giả Vasubandhu ra đời khoảng 900 đến 1000 năm sau Phật Niết bàn, tức là vào khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Tây lịch (AC); có thuyết lại cho rằng, ngài ra đời cách Phật niết bàn khoảng 700 đến 800 năm, tức là vào thế kỷ thứ II đến thế kỷ III AC, có thuyết lại cho sớm hơn một thế kỷ, đại khái là vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Truyền thuyết nói có sự bất đồng, làm sao chúng ta có thể xác nhận được đâu là niên đại xuất sanh của ngài một cách chính xác?

Khảo sát theo những luận điển của ngài Maitreya (Di Lặc) và Vasubandhu được các dịch sư từ Ấn độ đến và dịch ra tiếng Trung Quốc thì cho ta thấy rằng: vào kỷ nguyên thứ III AC, tức cách Phật niết bàn khoảng 800 năm, có Tôn giả Dharma-rakṣa (Đàm Vô Sấm) đến Trung Quốc dịch luận của ngài Maitreya; 95 năm sau thì Tôn giả Bodhiruci (Bồ-đề-lưu-chi) đã đến Trung Quốc dịch luận của Tôn giả Vasubandhu.
Khảo sát theo các bậc thầy được ngài Huyền Trang thân cận trong thời gian ngài đi từ Trung Quốc đến Ấn độ du học cho thấy: vị đại đức mà đích thân ngài Huyền Trang thọ học, chính là ngài Śīlabhadra (Giới Hiền), ngài Śīlabhadra ra đời cách Phật Niết bàn là 913 năm, tức là vào thế kỷ thứ V (AC); thầy của ngài Śīlabhadra là ngài Dharmapāla (Hộ Pháp), mà thầy của ngài Dharmapāla là ngài Dinnāga (Trần Na), mà ngài Dinnāga là học trò của Tôn giả Vasubandhu, đây là điểm thứ nhất.
Lúc du học tại Ấn độ, chính mắt Huyền Trang từng trong thấy ngài Mật-đa-tư-na, là một lão Tăng đã 91 tuổi, là đệ tử của ngài Guṇaprabha (Đức Quang), mà ngài Guṇaprabha là học trò của Tôn giả Vasubandhu, đây là điểm thứ hai.
Về sau ngài Huyền Trang đến thân cận học hỏi luận sư Jayasena (Thắng Quân) là một người cư sĩ tại gia, cư sĩ Jayasena là người theo ngài Sthiramati (An Huệ) học Nhân Minh luận, mà ngài Sthiramati là người đệ tử mà được Tôn giả Vasubandhu xem trọng và đắc ý nhất, đây là điểm thứ ba.
Ba điểm trên cho chúng ta thấy rằng, từ Tôn giả Vasubandhu đến ngài Huyền Trang chỉ có ba bốn đời mà thôi, không thể cách nhau trên 300 năm được. Cho nên khảo sát theo thời gian dịch luận thì cho chúng ta thấy, thuyết cho ngài Vasubandhu ra đời cách Phật Niết bàn khoảng 900 đến 1000 năm là hoàn toàn sai; khảo sát theo những bậc thầy mà đích thân ngài Huyền Trang từng thân cận học hỏi thì cho thấy, thuyết cho Tôn giả Vasubandhu sanh sau Phật niết bàn 600 đến 700 năm cũng không chính xác.
Căn cứ vào những khảo chứng của những học giả gần đây cho rằng: năm sanh của ngài Maitreya là cách Phật niết bàn là từ 650 đến 730 năm tức là nửa cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ III AC; năm sanh của Tôn giả Vô Trước cách Phật niết bàn là từ 690 đến 770 năm, tức là cuối thế kỷ II và nửa cuối thế kỷ III AC; năm sanh của Tôn giả Vasubandhu là cách Phật Niết bàn khoảng 710 đến 800 năm, tức là đầu thế kỷ III đến thế kỷ đến đầu thế kỷ IV AC. Do đó, khảo sát được năm sanh của Tác giả Abhidharma kośa xuất là vào khoảng 700 đến 800 năm sau Phật niết bàn, đại khái không chênh lệch nhau bao nhiêu.

2. Tác Giả Xuất Gia
Tôn giả Vasubandhu xuất thân trong giai cấp đặc biệt, đó là giai cấp Brāhmaṇa (Bà-la-môn), cha ngài là Kauśika (Kiều-thi-ca), một bậc lãnh tụ nổi tiếng của Brāhmaṇa giáo lúc bấy giờ, ông không những nhận được sự ủng hộ của quần chúng, mà còn được vua Vikramāditya (Siêu nhật vương thuộc vương triều Gupta) rất mực tôn kính. Ba anh em của Vasubandhu sớm được tắm gội trong bầu không khí tôn giáo truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá giáo dục của Brāhmaṇa giáo. Vả lại, dưới tư tưởng được phong toả nghiêm ngặt và ngôn luận hoàn toàn không được tự do của tôn giáo này, lý tất nhiên phải trở thành một tín đồ trung thực ngoan đạo của Brāhmaṇa giáo, thế nhưng vì sao anh em của tác giả lại bỏ đi cái truyền thống lâu đời của cha ông để rồi đầu Phật, xuất gia làm đệ tử? Vấn đề này, khi nghiên cứu về tư tưởng học thuật của tác giả, thì chúng ta phải nên có sự nhìn nhận một cách xác đáng.
Khảo cứu quá trình hưng suy của lịch sử truyền bá Phật giáo tại Ấn độ, chúng ta có thể phân làm ba thời kỳ như sau:
Thời kỳ thứ nhất, vào thế kỷ thứ III BC, cách Phật niết bàn khoảng trên 200 năm, Phật giáo ở Ấn độ được sự hộ trì của vua Aśoka thuộc Maurya (Khổng Tước vương triều). Do nóng lòng hoằng duơng nhằm quảng bá nền giáo pháp vĩ đại của đức Phật một cách rộng rãi, nhà vua đặc biệt đã hạ chiếu thành lập nhiều đoàn truyền giáo và cho họ đi khắp các vùng trên lãnh thổ Ấn độ để truyền bá giáo pháp của đức Phật. Dưới sự nỗ lực hằng truyền của các đoàn truyền giáo, chẳng mấy chóc không chỉ Phật pháp đã được truyền khắp nơi trên cõi Ấn độ mà còn bước lên ngôi vị quốc giáo; về phương diện tôn giáo mà nói, Phật giáo nắm quyền lãnh đạo tất cả các tôn giáo đương thời; về mặt tư tưởng mà nói, Phật giáo cũng nắm giữ quyền uy tối thượng đối với các nền tư tưởng đương thời; đối với việc chỉ đạo chính trị mà nói, Phật giáo cũng đảm nhiệm quyền chỉ đạo bậc nhất của chính trị đương thời; đối với quần chúng xã hội mà nói, Phật giáo được mọi tầng lớp trong xã hội nhiệt liệt ủng hộ và hết lòng sùng tín: Thời kỳ này có thể nói là một thời đại hoàng kim của Phật giáo Ấn độ, xứng đáng là chỗ hướng vọng cho mọi đệ tử Phật đời sau.
Thời kỳ thứ hai: Sau thời vua Aśoka, kể từ thế kỷ II BC kéo dài đến thế kỷ IV AC (sau Phật nhập Niết bàn khoảng 900 năm) là thời kỳ đen tối của Phật giáo Ấn Độ, bởi vì trong thế kỷ II BC, Phật giáo chịu sự tàn phá của vương triều Sunga (Huân-ca) cho nên đã dần dần bước đến con đường diệt vong: nhìn qua sự biểu hiện bên ngoài thì dường như Phật giáo vẫn còn có người thúc đẩy phát triển rộng rãi, đại giáo vẫn nguy nga đồ sộ; thế nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác, lúc này Phât giáo chỉ thu nhỏ và giới hạn trong giới nghiên cứu học thuật của nội bộ mà thôi, quyền lãnh đạo tối thượng về tư tưởng bấy giờ đã mất hẳn, chiếc ghế cao nhất trong giới tôn giáo cũng sớm đã nhường mất cho người khác.
Thời kỳ thứ ba: kể từ cuối thế kỷ IV – V (AC) trở đi, Phật giáo từ các khu vực đang dần dần thắt chặt, thu nhỏ lại ở gốc Magadha (Ma-kiệt-đà), thế là bắt đầu tiến tới con đường diệt vong. Điều này do rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó phải nói đến hai nguyên nhân chính, đó là nguyên nhân do nạn giặc bên ngoài và nguyên nhân trong nội bộ Phật giáo.
Thứ nhất nói về nguyên nhân do nạn giặc bên ngoài đàn áp Phật giáo: Bấy giờ Phật giáo vùng Bắc Ấn gặp phải sự phá hoại quân sự, chịu sự tàn phá của quân hung nô xâm chiếm; Phật giáo vùng Đông Ấn lại gặp phải sự đã kích của giới chính trị, tức là chịu sự tàn phá của vua Thiết-thưởng-ca nhà chấp chính lúc bấy giờ; mà đối thủ mạnh nhất đã khiến cho Phật giáo gặp phải những thương tích chí tử này, không ai khác đó chính là sự công kích công khai cũng như ngấm ngầm trong giới lãnh đạo cố hữu của Brāhmaṇa giáo ở Ấn độ.
Thứ hai là về phương diện trong nội bộ Phật giáo: giới Phật giáo lúc bấy giờ đã bị huân nhiễm lâu dài bởi những tư tưởng Duy tâm, Chân thường, Viên dung, Tha lực, Thần bí, Dục lạc, Đốn chứng v.v.. rồi một mai đạt đến sự hợp nhất của đại ngã và phạm ngã luận. Trên phương diện lý luận thì ưa thích phân chia vụn vặt, cao hứng đàm huyền; phương diện thực hành thì sùng thượng mê tín, dâm dật ô uế. Nói những gì làm những gì đều đã không mang chút lợi ích gì cho thân tâm mà cũng chẳng giúp gì được cho quốc gia dân tộc, giả sử có những quy ước trong Phật giáo thì quả thật là trái ngược với tinh thần căn bản của Phật dạy. Dưới sự suy thoái của Phật giáo như vậy thử hỏi làm sao không dẫn đến diệt vong? Cho nên, từ sự hưng suy của lịch sử mà chúng ta xem xét thấy rõ được nền Phật giáo Ấn độ, chỉ có thời Aśoka là Phật giáo hưng thạnh đến cực điểm mà thôi! Từ đó cho dù tình hình Phật giáo phát triển ở vùng khác như thế nào thì cũng không sánh bằng sự hưng thịnh của Phật giáo ở vùng Tây bắc Ấn lúc bấy giờ.
Truyền nhân của Phật giáo Tây bắc Ấn là tôn giả Madhyantika (Mạt-xiển-đề), ngài là người đầu tiên vâng lời vua Aśoka đến nước Gandhàra, do cơ duyên thuần thục, vị Tôn giả này khi vừa đến Gandhàra thì được vua quan dân chúng đều hoan nghênh, ở đây giáo pháp của đức Phật ngày càng được dân chúng toàn quốc ưa chuộng. Với điều kiện thuận lợi ấy đã giúp cho Tôn giả Madhyantika thiết lập và cũng cố lại nền nền giáo pháp Phật giáo một cách nhanh chống, ngài đã thành công được mục đích hằng pháp truyền giáo ở vương quốc này. Từ đó về sau, do các đệ tử Phật không ngừng hoằng truyền nên Phật giáo ở đây đã phát triển đến mức cao độ; đến thời đại vua Kaniṣka (Ka-nị-sắc-ca), dưới sự trang nghiêm của các đệ tử Phật, Gandhàra đã trở thành nền văn hoá nổi bật nhất và là một trung tâm kinh tế chính trị phong phú nhất của cả vùng Đông Tây Ấn. Đúng lúc nền Phật giáo của đất nước này phát triền cực thịnh thì Tôn giả Vasubandhu ra đời. Bấy giờ xu thế của con người đang tìm cầu những cái mới mẻ và bỏ đi những cái cũ kỹ mà xưa nay đã ngự trị trong họ, với sự phát triển cao độ của Phật giáo như vậy, Brāhmaṇa giáo bấy gời dần dần bị khô héo và co cụm lại, những bậc triết gia thạc sĩ của nước Gandhàra không ai mà không có hoài bảo được đầu nhập vào trong Phật giáo, tiếp nhận nền giáo lý Phật giáo, trong đó đặc biệt là toàn thể dân chúng trong nước đựơc hấp thụ không khí tự do của Phật giáo, được tắm gội trong bể chân lý bình đẳng của đức Phật, thuấm nhuần pháp vị nhiệm mầu của Phật giáo, càng trở thành những người con Phật có lòng tin kiên cố, bằng năm vóc sát đất để tôn sùng đạo cả. Tôn giả Vasubandhu là nhân vật ưa chuộng tự do, muốn tìm cầu chân lý, vì thế ngài sinh ra trong một gia đình chịu ảnh hưởng nền giáo dục của Brāhmaṇa giáo, bị huân nhiễm bởi nền tư tưởng này, nhưng cuối cùng ngài cũng đã thoát khỏi sự ràng buộc của truyền thống tôn giáo mà tiếp nhận biển giáo pháp cao thâm rộng lớn của đức Phật, trở thành một đệ tử trung kiên và kiệt xuất của đức Phật. Điều này chẳng phải ngẩu nhiên mà vốn có cái nguyên nhân nội tại và có những hoàn cảnh tác động ngoại tại. Nguyên nhân nội tại chính bởi ngài vốn có túc duyên xuất gia làm đệ tử của Phật, còn hoàn cảnh ngoại tại là do chịu ảnh hưởng sự phát triển của Phật giáo đương thời.

3. Cách Nhìn Thấu Suốt Trong Tư Tương Của Tác Giả
Tác giả xuất gia với Sarvāsti-vādin (Nhất thiết hữu bộ), ngài nghiên cứu rất tinh tường và tầm hiểu biết rất độc đáo về học thuyết Ba đời thật hữu của Phật giáo Bắc phương, có thể nói ngài là một học giả nổi tiếng của tông Sarvāsti-vādin, đã dóc hết tâm sức để hoằng dương tư tưởng của bộ phái này. Vì thế sau khi đã xuất gia, tư tưởng đầu tiên mà ngài tiếp nhận chính là toàn bộ tư tưởng Tam thế thật hữu, đồng thời ngài từng viết rất nhiều bộ luận có liên quan đến việc xiển dương tư tưởng Sarvāsti-vādin. Đến thời kỳ trung niên, tư tưởng của tác giả đã có sự biến đổi đối với sự hạn định của học thuyết này, ngài không còn toàn tâm cho học thuyết của Sarvāsti-vādin là cao hơn các học thuyết khác nữa, trái lại ngài có một số biểu hiện không đồng ý đối với tư tưởng này, có thời kỳ tôn giả tiếp tục kế thừa hệ thống pháp của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra (Tạp tâm luận), so sánh chọn lựa sở trường của tư tưởng Sautrāntika (Kinh bộ), để tu chỉnh lại những chỗ thiếu sót của Vibhāṣā (Tỳ-bà-sa), cũng như khi viết bộ luận này, ngài cũng có những chuyển biến về tư tưởng như vậy. Tuy đối với tư tưởng bổn tông mà ngài thừa kế có những biến đổi sâu sắc trong sự hạn định của học thuyết này, thế nhưng ngài vẫn không từ bỏ trận địa học thuyết Tiểu thừa để di chuyển vào khu rừng học thuyết đại thừa, đây là do ngài tiếp nối tư tưởng “Sắc tâm đặc chủng” của các bậc thầy trước và không chấp nhận thuyết “Tâm tâm sở đặc chủng” của Ārya-sthavira-Nikāya (Thượng toạ bộ) mà chúng ta có thể biết được. Bởi vì thuyết “Tâm tâm sở đặc chủng” là rất dễ dàng theo hướng duy thức. Ở thời kỳ này, tác giả đã không chú trọng việc chuyển nhập theo khuynh hướng đại thừa Phật pháp, ngược lại luôn viết luận chê trách và bài xích đại thừa. Nhìn lại tư tưởng thời trung niên của tác giả tựa hồ như ngài đã tự mãn với sự tiến bộ của Sarvāsti-vādin mà không cần phải xét lại. Chung quy tác giả là một người tìm cầu chân lý, tư tưởng tiền tiến của ngài không bao lâu sau đó, rốt cuộc ngài cũng không kháng cự nổi sự khêu gợi của tư tưởng, sự kêu gọi của chân lý, đồng thời được sự động viên khích lệ của những người mến mộ ngài, đặc biệt là Tôn giả Asaṅga tức là người anh trai của mình, với lòng nhiệt thành và rất vui sướng tác giả đã tiếp nhận tư tưởng Đại thừa.
Lúc tác giả bỏ Tiểu thừa mà hướng đến Đại thừa thì cũng chính là lúc Phật giáo Ấn độ phát triển đến mức cao độ và lại là giai đoạn mà Phật giáo càng ngày càng phân hoá: các học giả của phái ‘Chân thường duy tâm luận’ lấy nước Magadha thuộc vùng Đông Ấn làm Đại bản doanh cho việc phát triển của mình; Các học giả phái ‘Tánh không duy danh luận’ đống đô ở vùng Nam Ấn và bắt đầu làm sống lại tư tưởng Trung quán mà một thời bị bặt tăm; Các học giả phái ‘Hư vọng Duy thức luận’ lấy nước Ayodhyà (A-du-đà) thuộc vùng Tây Ấn làm trung tâm để hoằng truyền ‘Hư vọng Duy thức luận’. Sau khi tiếp nhận nền giáo pháp đại thừa, Tôn giả Vasubandhu tham gia vào phe cánh của học phái ‘Hư vọng duy thức luận’ và là một trong những bậc kiện tướng trên mặt trận tư tưởng. Vì thế, tư tưởng cuối đời ngài là một bước đột phá mạnh mẽ, mở ra một giai đoạn mới của nền Duy thức học đại thừa. Tư tưởng của một người không ngừng diễn tiến, không ngừng tìm cầu tiến về trước như vậy rốt cuộc cũng có một ngày rồi phải dừng lại và đúc kết một cách chắc chắn, đến cuối đời tư tưởng của tác giả bị hảm lại ở trong quy cách củ của học thuyết ‘Hư vọng duy thức luận’, không còn vượt thêm một bước nào, nhưng đã kiến lập một pháo đài vững chắc cho tư tưởng Duy thức học để lý luận tranh đấu, không thoả hiệp với các học giả chủ trương tư tưởng Tánh không và tư tưởng Chân thường, sức chống trả của tư tưởng Tánh không và Chân thường vẫn ở ngoài pháo đài của Duy thức học. Do vậy chúng ta có thể biết được: tư tưởng của tác giả đã trải qua ba thời kỳ diễn biến: Ban sơ là tư tưởng bảo thủ của Sarvāsti-vādin, thứ đến là Tư tưởng tiền tiến của Sarvāsti-vādin và cuối cùng là lòng nhiệt thành và sự yêu thích đối với tư tưởng Duy thức học.

4. Nhìn Qua Tác Giả Tác Phẩm
Luận sư Vasubandhu là một bậc anh tài lỗi lạc, thông minh dĩnh ngộ, tư tưởng của ngài là tư tưởng tiền tiến; tác phẩm của ngài rất nhiều và vô cùng phong phú được giới học giả Ấn độ ngợi khen là ‘ngàn bộ Luận sư’. Các vị dịch sư Trung quốc trước sau dịch khoảng hơn ba mươi bộ luận của Vasubandhu, liên quan đến Đại thừa thì có các bộ như:
Madhyānta-vibhāga-ṭīkā (Biện Trung Biên Luận).
Mahāyāna-saṃgraha-bhāṣya (Nhiếp Đại Thừa Luận Thích).
Karmasiddhi-prakaraṇa (Đại Thừa Thành Nghiệp Luận).
Pañcaskandhaprakaraṇam (Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận).
Mahāyāna-śatadharma-prakāśamukhaśāstra (Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận).
Viṃśatikā vijñapti-mātratā-siddhiḥ (Duy Thức Nhị Thập Luận).
Triṃśikā-vijñapti-mātratā-siddhi (Duy Thức Tam Tập Tụng Luận) v.v..
Những bộ liên quan đến Tiểu thừa như: Abhidharma kośa và Bản kệ tụng, Chỉ Quán Môn Luận Tụng v.v.. Với khối lượng tác phẩm lớn như thế, Tiểu thừa lấy kiệt tác Abhidharma kośa làm đại biểu; Đại thừa tương đối tinh nghĩa nhập thần thì phải kể đến Mahāyāna-sūtrālaṃkāra- bhāṣya (Đại Thừa Trang Nghiêm Luận Thích), Mahāyāna-saṃgraha-bhāṣya (Nhiếp Đại Thừa Luận Thích), Thập Địa Kinh Luận v.v… Nhưng tác phẩm của ngài được các học giả đời sau nghiên cứu bằng tất cả nhiệt huyết và ảnh hưởng rất lớn cho sự phát trển của Đại thừa duy thức học về sau thì phải nói đến bộ luận Triṃśikā-vijñapti-mātratā-siddhi mà ngài trước tác khi tuổi xế chiều. Luận tụng tuy gồm 120 câu được dịch ra chữ Hán thành những câu ngũ ngôn rời rạc, nhưng nó bao hàm toàn bộ nghĩa lý chính yếu sâu rộng tinh tường của Duy thức học. Chính vì quan hệ của nó quá ư đơn giản và khái quát, khiến cho các học giả đời sau đối với việc giải thích luận tụng này thì mỗi người mỗi ý kiến rất phức tạp và rối rắm. Bộ Vijñaptimātratāsiddhi-śāstra (Thành Duy Thức Luận) của ngài do Huyền Trang dịch, trong đó bao gồm mười vị luận sư luận chiến, điều này chúng ta có thể nghĩ mà thấy được vấn đế phức tạp của nó. Ngoài ra Tịnh Độ Luận được ngài Bodhiruci dịch, tương truyền bộ này do Vasubandhu trước tác, nhưng trong ấy có điểm không thể khẳng định được bộ luận ấy là của ngài, đó là ý nghĩa của bộ luận hoàn toàn không có gì phù hợp với tư tưởng Duy thức cả, nếu lấy tư tưởng của tác giả để quán sát thì cũng không thể phát sanh ra bộ luận như thế. Những tác phẩm của ngài do Paramārtha (Chân Đế) dịch tương đối nhiều, có bản trùng với bản dịch của ngài Huyền Trang, có bản rất ít được hoằng truyền, ở đây không nêu ra từng tác phẩm một.

 


Luận Tạng