Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần IV
IV. TƯ TƯỞNG SÂU XA CỦA LUẬN ABHIDHARMA-KOŚA
1. Tư Tưởng Trực Tiếp
Một tác phẩm học thuật vĩ đại như thế thì ắt hẳn phải có hệ thống tư tưởng vĩ đại làm nền tảng cho nó, đương thời bộ luận này phải nói là một bộ luận vô tiền khoáng hậu, lại làm chấn động trong giới học thuật, bản thân nó có nguồn gốc và hệ thống tư tưởng. Căn cứ vào những nghiên cứu của những học giả gần đây thì nguồn gốc của tư tưởng này đại thể được phân thành hai loại, đó là tư tưởng trực tiếp và tư tưởng gián tiếp: tư tưởng y cứ trực tiếp của nó chính là bộ phái Phật giáo, tư tưởng gián tiếp chính là căn bản lời Phật dạy.
Về bộ phái Phật giáo: Phật giáo Tiểu thừa gồm hai mươi bộ phái, tư tưởng của các bộ phái này phân chia một cách lộn xộn, rối rắm phức tạp, không còn phân chia được nữa. Có người vì một điểm nhỏ nhoi trong bài tụng mà phân tách thành bốn câu nữa. Nguyên nhân dẫn đến sự phân phái thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do sự phân hoá của tập đoàn tư tưởng. Tăng già vốn lấy nguyên tắc hoà hợp làm nên tảng, vì thế đứng trên sự mà nói thì phải tuân thủ sáu nguyên tắc hòa kính, trên lý thì cùng chứng đắc một lý, còn đối với tông thừa thì đều phải lấy ba đức hai lợi của đức Phật để tôn thờ, đồng một tín ngưỡng như thế thì phải chọn lựa cùng một hành động, cùng hướng đến một mục tiêu, thế thì tại sao lại phát sanh sự phân phái, chia rẽ tư tưởng? Điều này giường như rất kỳ đặc, nhưng trên thực tế thì lại rất bình thường, bởi vì tư tưởng của các học giả bất luận thế nào đi nữa cũng khó mà thống nhất, huống gì Phật giáo lại tôn trọng tự do tư tưởng, mà phương diện tư tưởng thì hết sức rộng lớn. Cho nên khi Phật còn tại thế, dưới sự lãnh đạo của ngài thì tư tưởng được thống nhất, sau khi Phật vào niết bàn được một trăm năm thì do hai bộ phái mà phân thành ba hệ, từ ba hệ phân thành bốn phái, từ bốn phái mà nhân rộng ra cho đến hai mươi bộ phái. Đương thời các học phái thường xảy ra tranh luận với nhau, mỗi mỗi tự giữ lấy cái chánh thống của mình. Cho đến nay, việc nghiên cứu các tư tưởng của các học phái đã cho chúng ta thấy rỏ ràng, mỗi một bộ phái đều có sở trường của họ, đương nhiên họ cũng có cái sở đoản. Những việc được mất trong đó như thế nào thì hai chương “Học phái tư tưởng phiếm luận” và “sự phân chia các học phái của Phật giáo Ấn độ” đã nói quá rõ ràng rồi.
Abhidharma-Kośa ra đời khi tư tưởng của các học phái phát triển đến cao độ và từng bước đang dừng lại. Vì thế nguyên tố chủ yếu để cấu thành tư tưởng của luận này không chỉ là từ hai bộ Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra và Vibhāṣā như trên đã nói, thông thường khi nêu bất cứ sở trường tư trưởng của một học phái nào trong bộ phái Phật giáo thì Tác giả Vasubandhu đều có sự chọn lọc rất kỷ càng, vì thế tư tưởng Abhidharma-Kośa là sự hội tụ của các nền tư tưởng khác nhau trong hoc phái Phật giáo. Người nghiên cứu tư tưởng Abhidharma-Kośa không nên chỉ nghiên cứu lấy các Aḍpadaśāstra (Lục túc luận), Abhidharma-jñāna-prasthāna, Abhidharmahṛdaya-śāstra hay Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra mà cho là đủ, nên nghiên cứu tất cả học thuyết tư tưởng của các học phái trong hai mươi bộ phái tiểu thừa mới có thể nắm chính xác được then chốt tư tưởng luận này, không nên chỉ trói buộc mình vào trong học thuyết của một bộ phái nào đó. Tư tưởng bất đồng này sẽ được giảng đến ở trong luận, ở đây chỉ nói khái lược như vậy.
2. Tư Tưởng Gián Tiếp
Căn bản của Phật dạy là bốn bộ A-hàm và các bộ Luật, căn cứ theo Thánh giáo mà nói, đây là tư tưởng trực tiếp trong trực tiếp, bởi vì phải có căn bản Phậ giáo mới có các bộ phái Phật giáo, sau đó mới có Abhidharma-Kośa ra đời. Vậy thì tại sao ở đây lại nói là tư tưởng gián tiếp? Điều này không phải phủ nhận căn bản Phật giáo là nguồn gốc tư tưởng của tất cả các học phái Đại cũng như Tiểu thừa, mà do sự ra đời của tư tưởng Abhidharma-Kośa. Nếu so sánh giáo nghĩa A-hàm và các bộ luật với Abhidharma-Kośa thì cách nhau một nhịp cầu Phật giáo bộ phái, vì vậy đã trở thành tư tưởng gián tiếp của bộ luận này. Tư tưởng của các học phái mang đậm màu kiến chấp chủ quan và thật vô cùng phức tạp, không thể ăn khớp với toàn bộ tư tưởng chính xác của Phật giáo được, điều này không có thể phủ nhận được. Tác giả sáng tác bộ luận này, một mặt là lấy tư tưởng của các học phái để làm chỗ y cứ, mặt khác là để chỉ ra những tư tưởng sai lầm của họ, đồng thời là để sửa đổi lại những tư tưởng sai lầm ấy, để nhìn thấu nguồn gốc của tư tưởng thì không thể không truy ngược lên Phật giáo căn bản, vì thế mới phát hiện ra giữa tư tưởng A-hàm và Abhidharma-Kośa không những gián tiếp mà còn có mối quan hệ rất mật thiết với nhau nữa.
A-hàm là Phật pháp căn bản, chính là pháp đích thân Phật nói khi ngài còn tại thế. Nội dung của bốn bộ A-hàm không ngoài việc thuyết minh ba khoa, bốn đế, mười hai nhân duyên, ba pháp ấn, nhân quả của cõi trời cõi người và các pháp xuất ly nhân quả. Ba khoa chính là đức Phật thuyết minh về bản chất của vũ trụ vạn hữu, điều này ở trong A-hàm nói rất tỉ mỉ, phẩm Phân Biệt Giới của Abhidharma-Kośa cũng giải thích rất rõ ràng về ba khoa này. Bốn đế là đức Phật thuyết minh rõ về sự thống khổ của sanh tử lưu chuyển, đồng thời hiển bày cảnh giới bậc thánh của việc giải thoát sanh tử và con đường chánh đạo lìa khổ được an vui. Bốn thánh đế là giáo nghĩa chính yếu của Phật giáo, trong tất cả các kinh thuộc hệ A-hàm đều nói về bốn thánh đế này, đây là pháp mà mọi người đệ tử Phật đều phải nắm vững. Cũng vậy, toàn bộ luận đã giảng rõ về sự tinh yếu của giáo nghĩa của bốn thánh đế.
Pháp duyên khởi là do đức Phật phát minh, dùng để phân biệt rõ sự sai khác giữa pháp Phật và giáo pháp của ngoại đạo. Ngoại đao cho rằng, bản nguyên của vũ trụ vạn hữu là Mahābrahmā-deva (Đại Phạm), vạn sự vạn vật trong vũ trụ là do Mahābrahmā-deva tạo ra, đồng thời chịu sự chi phối của vị này. Nói đến chủ thể của con người, họ cho rằng chính là Ātman (Tiểu ngã), sanh tử lưu chuyển chính là Ātman đi lên đi xuống. Đức Phật không thừa nhận có Mahābrahmā-deva, cũng không chấp nhận có Ātman, vũ trụ vạn hữu này là do duyên khởi, hữu tình lưu chuyển trong sanh tử chỉ là những móc xích của duyên khởi mà thôi. Pháp duyên khởi là đặc chất của Phật giáo, trong kinh A-hàm cũng thuyết minh rất rộng về duyên khởi, phẩm Thế gian của luận Abhidharma-Kośa cũng thuyết minh về vấn đề duyên khởi này.
Ba pháp ấn là do đức Phật chế, nhằm ấn định tiêu chuẩn đâu là chân đâu là ngụy, đâu là chánh đâu là tà trong giáo pháp. Nếu một pháp nào phù hợp với khuôn mẩu của ba pháp ấn này thì đó chính là Phật pháp, còn ngược lại thì đó là ngụy tạo, là tà thuyết, không đúng với giáo pháp của Phật. Có người cho rằng: “Trong kinh Trường A-hàm và Trung A-hàm chỉ chú trọng thuyết minh về pháp ấn chư hành Vô thường, Tạp A-hàm lại chú trọng thuyết minh vế pháp ấn chư pháp Vô ngã, Tăng Nhất A-hàm lại thuyết minh nghiêng về pháp ấn Niết bàn tịch tịnh. Các luận sư tạo luận đều giải thích pháp ấn, nhưng có người thì chú trọng giải thích một pháp ấn, có người thì chỉ nêu một pháp ấn nhưng lại bao hàm cả ba, như trong Pañcaskandhaprakaraṇam thì chú trọng giải thích pháp ấn chư hành vô thường; luận Niết Bàn thì giải thích nghiêng về pháp ấn Niết bàn tịch tịnh, còn luận này thì giải thích về hai pháp ấn đó là chư hành vô thường và niết bàn tịch tịnh.
Nhân quả của cõi trời cõi người và nhân quả xuất ly là đức Phật muốn cho hữu tình đạt được hai món thắng lợi, đó hiện tiền tăng thựơng sanh và rôt ráo quyết định thắng, điều này chúng ta chỉ đọc kinh A-hàm thì sẽ rõ. Luận này nói:pháp hữu lậu là mục đích thuyết minh pháp nhân quả của cõi trời và cõi người;pháp vô lậu là thuyết minh pháp nhân quả của cảnh giới xuất ly. Phật pháp căn bản và luận này có sự quan hệ mật thiết như thế, chúng ta có thể thấy được luận này đã áp dụng gián tiếp qua tư tưởng A-hàm thật không ít, cho nên học giả nghiên cứu luận này, nếu như có thể lưu tâm đến Kinh A-hàm thì sẽ chắc chắn nắm vững được tâm yếu của luận.
3. Tư Tưởng Cách Tân
Tác giả Vasubandhu với nhãn quan sắc bén, tư tưởng tiến bộ, thái độ công chánh, lập trường khách quan của mình để sáng tác ra một tác phẩm vĩ đại như thế thật khiến cho giới Phât giáo đương thời phát sanh sự biến hoá mà trước đây chưa từng có, đặc biệt là khiến cho giới học giả Sarvāsti-vādin cảm thấy một sự khủng hoảng vô cùng lớn lao. Thái độ viết luận của tác giả là giữ lấy chủ nghĩa tự do, không xem trọng bên này mà không coi nhẹ bên kia, vì vậy tuy tác giả xuất gia và là một vị học giả của Sarvāsti-vādin, nhưng ngài lại đứng trên lập trường của bổn tông mà phê phán tư tưởng học thuật của bổn tông. Trong luận, tư tưởng Sūtra-vādin được đặc biệt sử dụng rất nhiều, như các tư tưởng “Quá vị vô thể”, “Chủng tử huân sanh” “Bất tương ưng hành vô thật”.v.v.. hoàn toàn dùng giáo nghĩa của Sūtra-vādin。Vấn đề thủ xả, ngài đều dùng phương thức luận nghị, lúc nào nghị luận không quyết định được thì mới nói rằng:” Sūtra-vādin không trái, Vibhāṣā là tông của mình”. Không những việc lấy bỏ mà đến cả sự thiên chấp truyền thừa của các phái cũng không dám hùa theo một cách dễ dàng tuỳ tiện. Sarvāsti-vādin cho Abhidharma là do Phật nói, nhưng đối với ngài Vasubandhu thì cho là truyền thuyết, đây chẳng qua chỉ là truyền thuyết được truyền thừa từ xưa đến nay, thực tế thì truyền thuyết đó được các học giả đời sau dựng lên chứ không phải là Phật nói. Vì thế phần tự quy kính, Tác giả viết: “Do đó truyền thuyết cho Đối pháp tạng là do Phật nói”; phần lưu thông ngài lại viết: “Giáo lý được hội nghị ở Kaśmīra kết tập thành, phần nhiều tôi nương vào đó để giải thích đối pháp tạng, có chút chê bai là lỗi của tôi, phán định chánh lý là do đức Phật”. Truyền thống của học giả Sarvāsti-vādin là nghiêm khắc về giáo lý, thống nhất về tư tưởng, như thế thì không dễ gì xuyên tạc được. Nhưng bây giờ bằng lòng can đảm của mình, ngài Vasubandhu ngang nhiên sửa đổi tư tưởng, tu sửa giáo lý của Sarvāsti-vādin một cách công khai như thế, vì vậy không thể không nói rằng ngài là một nhà cách tân vĩ đại trên mặt trận tư tưởng. Các học giả Sarvāsti-vādin theo phái Chánh thống thì sợ rằng Abhidharma-Kośa làm lung lay đến giáo nghĩa căn bản của Vibhāṣā, cho nên mới có luận sư Saṃghabhadra (Chúng Hiền)xuất hiện. Ngài Saṃghabhadra đã bỏ hết tâm lực suốt mười hai năm để trước tác Abhidharma-nyāyānusāra (A-tỳ-đạt-ma Thuận Chánh Lý Luận, còn gọi là Câu-xá Bao Luận) để đại phá Abhidharma-Kośa, nhằm cứu lấy Sarvāsti-vādin, vì thế việc do dự lấy hay bỏ Abhidharma-Kośa đều do Tôn giả Saṃghabhadra muốn lật đổ để làm rõ lại giáo nghĩa của Hiển tông một cách tường tận. Do vậy, liền triển khai cuộc đấu tranh trên phương diện lý luận tư tưởng. Tương truyền Tôn giả Vasubandhu cũng muốn trước tác luận để bài xích quan điểm Bao luận của Saṃghabhadra, nhưng vì tuổi tác đã quá cao, nên ngài chỉ thêm vào Bao luận ấy một số tư tưởng khá tiến bộ và phù hợp, đồng thời cải tên luận thành Thuận Chánh Lý Luận mà thôi. Có người nói rằng, đương thời luận Abhidharma-Kośa là một tác phẩm đại biểu cho thời đại chuyển tiếp, luận này có giá trị rất cao trên phương diện lý luận, lại có quyền uy vô hạn trên phương diện tư tưởng, điều đó vô cùng chính xác!