Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần VI
VI. GIÁ TRỊ VÀ ĐỊA VỊ CỦA LUẬN CÂU XÁ
1. Giá Trị Vĩ Đại Của Luận
Theo truyền thuyết, Tác phẩm của ngài Vasubandhu gồm có một ngàn bộ luận Tiểu thừa và một ngàn bộ luận Đại thừa, luận Abhidharma-kośa là tác phẩm vĩ đại làm đại biểu cho một ngàn bộ luận của Tiểu thừa, nếu nói theo phương diện thời gian thì nó là một tác phẩm then chốt móc nối giữa cái kết quả của Tiểu thừa và mở ra khung trời Đại thừa, và cũng chính là một kiệt tác được xuất sanh lúc tư tưởng của tác giả được khai mở. Tác phẩm có giá trị lớn nhỏ như thế nào thì chúng ta cần phải nhìn xem tác phẩm đó có tư tưởng trung tâm không, có tư tưởng trung tâm thì nó có giá trị rất lớn, còn không thì chẳng có giá trị nào đáng bàn đến cả. Tư tưởng trung tâm nhất quán của bộ luận này là tác giả đã quán triệt chân lý nhân quả của hai lãnh vực mê ngộ để đạt đến chân trí niết bàn, do vậy chúng ta có thể tưởng tượng được giá trị lớn lao của bộ luận là như thế nào rồi.
Sau khi bộ luận ra đời, cố nhiên, các học giả của các phái thuộc Tiểu thừa trong Phật giáo đều đua nhau học tập, vì nó là nền triết học, nền tôn giáo học từ bên ngoài vào, ngay cả trong giới tư tưởng có danh tiếng của các phái Vaiśeṣika (Thắng luận) và Sāṃkhya (Số luận) cũng đều chú tâm tham cứu. Dưới sự nhất trí học tập ào ạt như vũ bảo của giới học giả trong và ngoài như vậy, không những không phát hiện ra một chút sai sót mà lại còn khen ngợi đó là bộ luận thông minh của thời đại, về sau tuy có ngài Saṃghabhadra viết Abhidharma-nyāyānusāra để công kích, nhưng thực tế thì không một chút nào có thể làm lay động được cái quyền uy vô thượng trong giới học thuật về tư tưởng của bộ luận, do đó chúng ta có thể thấy được giá trị to lớn của bộ luận như thế nào rồi! Giả sử nó không có giá trị vĩ đại thì làm sao giới học giả học tập nhiều đến như thế! Làm sao có thể duy trì được quyền uy vô thượng như thế! Đây là sự thật không ai có thể phủ nhận được.
Việc tu học Phật pháp cũng phải tuân theo thứ lớp của nó, trái vượt thứ bực, tuy có sở chứng nhưng đó cũng không phải là thiết thực, giáo pháp của Phật giáo tuy nói rất nhiều nhưng chủ yếu không ra ngoài Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa là nền tảng căn bản của Đại thừa, Đại thừa là sự phát triển của Tiểu thừa, Phật giáo Tiểu thừa được ví như gốc rễ của cây lớn, tất cả cành lá hoa quả đều phát sanh từ đó. Đây là theo tiến trình diễn biến của tư tưởng, điều này chúng ta nên quán sát theo sự hoằng dương của con người thì có thể hiểu rõ vấn đề, cho nên khi nghiên cứu Phật pháp thì việc đầu tiên chúng ta nên nghiên cứu nền tảng giáo lý Tiểu thừa. Phật giáo Tiều thừa ở Ấn độ có hơn hai mươi phái, đại khái là chỉ có sự đối kháng giữa hai tư tưởng không và hữu mà thôi, khi truyền qua Trung Quốc thì trở thành hai tông Thành Thật và Câu-xá. Tông Thành Thật là đại biểu cho Không Tông, Câu-xá là đại biểu cho Hữu Tông, thế nhưng nói không nhưng không thể rời hữu, cho nên không thể không nghiên cứu Abhidharma-kośa, vì nó là một tác phẩm chủ chốt đại biểu cho thuyết Hữu. Đồng thời, luận này là nấc thang cho việc phát triển Pháp tướng Đại thừa, năm vị một trăm pháp được pháp tướng Đại thừa nói đều phát xuất bởi bảy mươi lăm pháp của Abhidharma-kośa, không những đã bao hàm mà còn tường tế cụ thể hơn. Ngày nay, chúng ta học pháp tướng Đại thừa không thể không nghiên cứu luận này, do đó ngài Âu Dương từng nói: “Học pháp tướng duy thức học, trước tiên nên học Abhidharma-kośa, giống như nhà có nền mống, cây có gốc rễ”, còn như hiểu rõ được ý nghĩa chính yếu cuả Abhidharma-kośa thì đối với việc học pháp tướng của Đại thừa cũng đã mất hơn một nữa rồi. Giá trị vĩ đại của bổn luận như thế nào ở đây chúng ta cũng đã hiểu rõ được một cách chính xác rồi.
2. Địa Vị Cao Quý Của Luận
Tác giả là một nhà đại tư tưởng mở ra một thời đại mới; Abhidharma-kośa cũng là một tác phẩm đại biểu cho tư tưởng của thời đại mới đó; gần đây, những người nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Ấn độ, đặc biệt là nghiên cứu thảo luận về tư tưởng Phật giáo tiểu thừa thì có người lấy tư tưởng ngài Vasubandhu làm trung tâm điểm để tham cứu. Với nhân vật vĩ đại có tư tưởng như thế, sáng tác ra những tác phẩm có tư tưởng như thế, thì địa vị cao quý của Tác giả Vasubandhu ở trong giới học thuật Phật giáo không cần nói cũng có thể biết được.
Nhìn từ góc độ diễn tiến của tư tưởng học thuật và squá trình phát triển của nền tảng giáo lý Phật giáo Ấn độ thì chúng ta có thể phân làm ba thời kỳ như sau:
Thời kỳ đầu là lấy Pháp ấn chư hành vô thường làm trung tâm, bất luận là trên phương diện trình bày nhằm phát huy lý luận hay trên phương diện tôn chỉ tu tập đều lấy cửa ngõ vô thường làm điểm xuất phát, điều này trong giáo nghĩa của các học phái Tiểu thừa Phật giáo cũng đã đủ để làm đại biểu cho thời kỳ này, riêng chỉ có Sarvāsti-vādin.
Đến thời kỳ giữa thì lại lấy Pháp ấn chư pháp vô ngã làm trung tâm, bất luận là trên mặt giải thích lý luận hay trên mặt tu hành thực tiển đều lấy nhất thiết pháp tánh không làm nền tảng căn bản, đây là thời kỳ sơ khai của Phật giáo Đại thừa, và có thể là đại biểu cho thời kỳ này nỗi bật nhất là học thuyết Mūlamadhyamaka-kārikā (Trung Quán) của ngài Nāgarjuna.
Thời kỳ sau lại lấy pháp ấn Niết bàn tịch tịnh làm trung tâm, trên phương diện lý luận là nhằm phát huy học thuyết nhất thừa của chân không diệu hữu, trên phương diện tu tập thì lấy việc chứng được giác tánh Như Lai làm mục tiêu duy nhất. những kinh điển có thể làm đại niểu cho thời kỳ này là các kinh Lăng già, Mật nghiêm….
Nếu căn cứ theo sự phân chia quá trình phát triển của Phật giáo làm ba kỳ như trên thì Abhidharma-kośa thuộc vào thời kỳ nào? Đương nhiên là thuộc vào thời kỳ đầu Phật giáo Tiểu thừa. Phật giáo thời kỳ đầu là Tiểu thừa, thời kỳ giữa là Đại thừa, lấy sự phân chia địa vị của Đại thừa và Tiểu thừa thì bản thân nó không thể nói địa vị của bổn luận đạt đến đỉnh cao được, nhưng nói đến Tiểu thừa thì nó lại có tư cách để bước lên đỉnh cao pháp tràng của Tểu thừa, tức là ở ngôi vị bậc nhất của Phật giáo Tiểu thừa, vì luận này được ra đời vào thời điểm cuối cùng của Phật giáo thời kỳ đầu. Bằng những thành quả cao nhất của các bậc tiền bối đã gặt hái được để bài xích, loại trừ tất cả những thiên chấp cổ hủ lúc bấy giờ, hấp thụ tinh hoa của Phật giáo mấy trăm năm, nêu cao chân lý của giáo pháp, không thiên chấp bên nào, sau đó vượt lên trên tất cả, đó là đạo lý đương nhiên thôi. Trong tác phẩm Tây Vức Ký của ngài Huyền Trang có viết: “Lúc bấy giờ có Bồ-tát Thế Thân, một lòng trong đạo huyền, cầu giải ngoài lời, phá sở chấp của các sư Tỳ-bà-sa, trước tác luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, từ nghĩa rất thiện xảo, lý đạo thanh cao”. Có thể thấy được Luận này ngồi trên pháp vị tối cao của Phật giáo Tiểu thừa là hoàn toàn chính xác!