Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo
THỊ NGHĨA TRẦN TRUNG ÐẠO:
Chúng ta sợ mất truyền thống đã gầy dựng từ 60 năm trước nhưng chính truyền thống cũng phải không ngừng thay đổi và thích ứng với môi trường, nếu không, điều mà chúng ta gọi là truyền thống chỉ là một thói quen lạc hậu mà thôi. Truyền thống tốt đẹp của Gia Đình Phật Tử Việt Nam sẽ không bao giờ chết nếu chúng ta biết cách phát huy. Chúng ta mang cây nhãn Huế sang trồng ở Garden Grove thì xin đừng kỳ vọng nó sẽ lớn lên, sẽ đơm hoa, kết trái, sẽ có hương vị như nhãn Huế. Phật tính là một nhưng căn cơ thì mỗi người mỗi khác. Hạt giống Bồ Đề trong tâm hồn của mỗi chúng ta đều bắt nguồn từ Animisalocana, nơi đó, đức Bổn Sư đã cám ơn cây cổ thụ đã một thời che nắng che mưa, nhưng không phải vì thế mà cây bồ đề ở Berlin, Sydney sẽ lớn lên như hình dáng cây bồ đề một thời ở Animisalocana.
Nếu thời đại Chấn Hưng Phật Giáo 1930 chúng ta có những anh những chị đã đóng vai trò tiên phong mở đường, thì ngày nay, để tiếp tục tồn tại và phát triển trên vùng đất mới, Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại cần có những người anh, người chị trưởng mới, những người huynh trưởng mang tâm thức của thời đại, có khả năng đáp ứng được nhu cầu của thời đại toàn cầu.
Người Huynh Trưởng thời đại, hay nói theo chữ của thầy Từ Lực là Tâm Minh của thế kỷ 21, là những người mang ánh sáng Bi Trí Dũng, phương châm cao đẹp của Gia Đình Phật Tử Việt Nam đi vào lòng người bằng nhiệt tình của tuổi trẻ, phương tiện của thời đại và ngôn ngữ của thế hệ họ. Từ Bi không chỉ đơn giản dừng lại ở sự thương xót, bố thí của cải vật chất nhưng còn là những hiến dâng năng lực tràn đầy của tuổi hai mươi vào các mục đích cao cả nhằm đem lại lợi lạc cho con người mà các bậc đàn anh, đàn chị, bị giới hạn trong tuổi tác, thể lực cạn kiệt, tâm lý mỏi mòn đã không thực hiện được. Giữa một xã hội Tây phương vật lộn, tranh giành, chém giết nhau chỉ vì những cám dỗ thấp hèn, vì những đam mê vọng tưởng, tiếng chuông Từ Bi Thanh Tịnh của đạo Phật chắc chắn sẽ được đón mừng. Các đoàn viên Gia Đình Phật Tử sẽ là những người viết hai chữ tình yêu đích thực vào khoảng trống đang chờ đợi trong tâm hồn những con người vật chất đầy vô vị kia.
Người Huynh Trưởng thời đại như những cánh chim bay cao trên nền trời xanh để ôm nhân loại vào lòng. Tâm hồn tuổi trẻ là một đại dương bao la của lòng vị tha, vô vụ lợi, trong sáng và thánh thiện. Và vì thế, tuổi trẻ sẽ dễ dàng mở mang Trí Tuệ, nhanh chóng đón nhận được các ý nghĩa chân thực trong các lời dạy của đức Từ Phụ. Ánh sáng của Trí Tuệ là ngọn hải đăng dẫn đến Giác Ngộ, tránh xa mê chấp và giải trừ vô minh phiền não. Trí tuệ như một cỗ xe, càng nhẹ, càng ít hành lý bao nhiêu thì càng chạy nhanh hơn. Thế hệ trẻ chắc chắn sẽ nhẹ hơn, sẽ ít hành trang, ít ám ảnh hơn.
Người Huynh Trưởng thời đại, cũng với tinh thần vị tha, trong sáng đó, sẽ thừa Dũng Lực vượt qua mọi thách thức và khó khăn, chắp cánh bay qua những ao tù nước đọng của hoài nghi mặc cảm quá khứ để hướng đến một tương lai khai phóng, bao dung và nhân bản, không những cho Gia Đình Phật Tử, cho thế hệ trẻ mà còn cho cả đất nước, hay nói xa hơn cho nhân loại ngày mai. Họ có thể sẽ sai, có thể sẽ vấp ngã nhiều lần nhưng sẽ can đảm chấp nhận những sai sót, đúng lên và tiếp tục hành trình.
Người Huynh Trưởng thời đại là những người đóng góp hữu hiệu vào nỗ lực làm sáng lên tinh thần Phật Giáo khoa học vượt lên trên tất cả các giới hạn của khoa học. Đạo Phật không phải là nơi trú ẩn của những tâm lý bệnh hoạn, cầu an, cầu phước, tiêu cực, bi quan yếm thế, mê tín dị đoan, xin xăm bói quẻ, nhưng là con đường sống tích cực mà nhân loại đang cần. Đạo Phật là đạo của con người. Đạo Phật đã khẳng định chính con người, chứ không phải ai khác, là trung tâm của thế giới, chính con người, chứ không phải một quyền năng nào khác, là chủ nhân của sinh mệnh con người. Đạo Phật là đạo của thương yêu. Trong suốt dòng lịch sử hơn 2600 năm Phật Giáo, đạo Phật chưa hề làm nhỏ một giọt máu của nhân loại giữa lúc bao cuộc chiến tranh để lại không biết bao nhiêu xương rơi máu đổ vì những sự nhân danh các quyền lực siêu nhiên. Sử gia lỗi lạc của Anh, H. G. Well đã từng biết ơn Phật Giáo qua câu nói: “Phật giáo đã làm sống dậy, làm thanh tịnh hóa, và cũng như đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, dìu dắt số phận con người”.
Bởi vì đạo Phật là đạo của tuổi trẻ, là mùa xuân của tư tưởng nhân loại, lý tưởng giáo dục thanh niên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam sẽ rất cần cho tuổi trẻ, không chỉ là tuổi trẻ Việt Nam mà cả tuổi trẻ thế giới. Phương pháp để đưa lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam vào tâm hồn các thế hệ trẻ Việt Nam, vào tâm hồn thế hệ trẻ người bản xứ, hẳn nhiên sẽ vô cùng phức tạp và đầy thử thách. Có thể chúng ta phải bắt đầu từ con số rất ít, rất nhỏ và phải cần nhiều năm mới nhìn thấy kết quả. Con đường trước mặt của người huynh trưởng thời đại sẽ gian nan nhưng cũng tràn đầy hy vọng.
Bài Cùng Thể Loại
- BÀI HỌC SÂU S.ẮC TỪ BỨC TRANH 2 NGƯỜI PHỤ NỮ DƯỚI V.ỰC S.ÂU…
- Thiền giáo của Bồ Tát
- Tưởng niệm năm thứ 27 ngày cố Thượng tọa Thích Minh Phát viên tịch
- Nhân dịp Kỷ niệm Cát tường về ngày Đản sinh
- HÃY CHỌN NGƯỜI CÓ TƯƠNG LAI BẠN NHÉ!
- CHIẾC LƯỠI THÈ DÀI Ở HY MÃ LẠP SƠN
- ĐỜI NGƯỜI CÓ 3 CÁI SAI…
- BÀI CỰC NGẮN
- TẾT VIỆT CHỨ KHÔNG PHẢI TẾT TÀU
- 10 PHÚC BÁU CHO NGƯỜI HAY CHIA SẺ PHẬT PHÁP