Thiên Đồng tự
Thiên Đồng tự
Thiên Đồng tự nằm tại làng Thiên Đồng ở dưới chân núi Thái Bạch của Ngân huyện, và được gọi là “Đông Nam Phật Quốc” vì là một trong năm tùng lâm lớn nhất Trung Quốc. Chùa được kiến tạo vào đời Tây Tấn năm Vĩnh Khang Nguyên (300 CN), ban đầu chỉ là một thảo am trên diện tích rất nhỏ nhưng theo thời gian đã lên đến 45 ngàn mét vuông, gồm 999 gian điện thất rất quy mô hùng vĩ. Tương truyền, vào thời Tây Tấn có tăng nhân Nghĩa Hưng vân du đến nơi này rồi khai sơn lập chùa để tu. Lúc bấy giờ nơi núi rừng thanh vắng cách xa làng xóm ấy chỉ có hòa thượng Nghĩa Hưng vừa tu hành vừa dựng am để ở thôi. Nhưng bỗng dưng không biết từ đâu lại có một đồng tử mỗi ngày đều đem cơm nước tới cho người dùng. Đến khi am vừa dựng xong, chú bé ấy từ giã hòa thượng rằng: “Tôi là Thái Bạch Kim Tinh, Ngọc Hoàng Đại Đế thấy ngài tinh tiến tu hành, nên sai tôi biến thành một đồng tử để hầu hạ ngài. Nay am đã xây thành rồi, tôi xin đi thôi.” Nói xong chú bé ấy bèn cưỡi mây mà đi. Từ đó về sau người đời bèn đặt tên cho núi là Thái Bạch và gọi chùa là Thiên Đồng. Ngày nay tự viện và điện đường của chùa Thiên Đồng cũng lại như các chùa trên núi khác, tức là thuận theo thế núi, phần dưới thấp và phần trên cao dần. Từ sáu ngôi tháp ở trước chùa đến điện Thiên Vương, điện Phật, Pháp đường và La Hán đường đều theo bố cục của các bậc tam cấp. Những phần được xây sau cùng của chùa là vào đời nhà Thanh, từ năm 1644 tới 1911 và đến năm 1936 thì có trùng tu một lần. Chùa cũng được ngự bút của các vị vua trong nhiều thời đại khác nhau; gồm Tống, Nguyên, Minh và Thanh, số lượng có đến hơn 30 bảng.
Cảnh trí của Thiên Đồng tự, bốn bề là núi nên chùa có khá nhiều cổ thụ. Có nhiều cây cao như chạm trời mà cũng có những cây thân uốn rất lạ, tạo thêm cảnh đẹp cho chùa. Có người tả rằng: “Những hàng tùng bên chùa chạy mãi không cùng tận, rừng xanh trên núi như đang giấu giữ một phạm vương cung”. Không biết chùa bây giờ có như lời miêu tả ấy không, nhưng những lời khen tương tự như thế vẫn vang đến tận Nhật Bổn và cả vùng Đông Nam Á – nơi đã hiện rõ nhiều nét ảnh hưởng từ Thiên Đồng tự này