Từ Câu Chuyện Bà Già Cúng Đèn Đến Món Quà Người Đàn Bà Bán Ve Chai.
TỪ CÂU CHUYỆN BÀ GIÀ CÚNG ĐÈN ĐẾN MÓN QUÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN VE CHAI.
Khi hỏi về mẩu chuyện đạo “Bà già cúng đèn” có lẽ bất kỳ huynh trưởng, đoàn sinh Gia Đình Phật Tử nào cũng đều biết và có thể kể lại một cách thuần thục.
Đó là câu chuyện từ thời Đức Phật còn tại thế, vua A-xà-thế phát tâm cúng dường một trăm thùng dầu để thắp sáng tịnh xá Kỳ-hoàn nơi Đức Phật và các đệ tử đang trú tại đó. Có một bà già rất nghèo có tâm chí thành cúng dường nhưng không có tiền, bà đi xin được hai tiền liền đến nhà hàng mua dầu. Bà đem dầu đến Tịnh xá Kỳ-hoàn và thắp đèn kên rồi phát nguyện.
– Nếu sau này tôi được chứng đạo vô thượng như Đức Phật thời ngọn đèn này sẽ đỏ suốt đêm và sáng tỏ khác thường.
Trời sáng Đức Phật bảo ngài Mục-kiền-liên đi tắt hết các ngọn đèn, ngài Mục-kiền-liên vâng lời theo thứ lớp đi tắt các ngọn đèn, riêng ngọn đèn của bà già thì tắt hoài không được, lấy áo cà sa mà quạt lại càng sáng tỏ hơn. Đức Phật bèn bảo rằng.
– Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của ngươi mà trừ diệt được.
Câu chuyện đến tai vua A-xà-thế, vua liền hỏi Kỳ-bà rằng.
– Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?
Kỳ-bà đáp rằng.
– Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không được chuyên nhất, không bằng được tâm thuần thành của bà già kia đối với đức Phật!
Câu chuyện về bà già cúng đèn chỉ có thế nhưng lại là một bài học cho bất kỳ người Phật tử nào tự suy gẫm để thấu hiểu về ý nghĩa sâu xa của sự cúng dường. Đây là một bài học đắt giá cho người Phật tử chiêm nghiệm mà hành trì từ ngàn xưa cho đến ngàn sau và mãi mãi…
Đức Phật đã diệt độ cách đây 26 thế kỷ, một thời gian quá dài để biến những câu chuyện thật từ xa xưa trở thành huyền thoại, tuy nhiên câu chuyện bà già cúng đèn thì vẫn y nguyên ý nghĩa của nó và được truyền tụng như một bài học giáo lý.
Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật Tử được học câu chuyện này trong chương trình tu học của đoàn sinh.
Thế nhưng chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu thế kỷ 21, đang sống trong một quốc độ mà mọi quan niệm chuẩn mực về đạo đức đang bị đảo lộn, đạo đức đang suy đồi, tha hóa một cách khủng khiếp.Đồng thời vì thế mà ngày qua ngày chúng ta dù thích hay không cũng bị cung cấp hàng loạt tin tức về những tệ nạn xã hội, về những tội ác mà con người gây ra cho đồng loại và cho vạn vật. Người ta sẵn sàng giết chết người khác chỉ để cướp đi vài trăm ngàn bạc, hay vì bất kỳ một lý do vớ vẩn nào đó mà đang tâm hạ thủ người khác bắng những hành vi phi nhân tính, những kẻ giết người “máu lạnh” không gớm tay và lương tâm không hề một chút cắn rứt. Thêm vào đó là sự bùng nổ thông tin của thời đại được phát tán rất nhanh và rộng rãi khắp toàn cầu, trong một khía cạnh nào đó những tờ báo viết, báo điện tử cũng khai thác triệt để những tin tức giật gân, những vụ án rùng rợn để câu khách cũng đã góp phần làm tăng bộ mặt đạo đức của xã hội thêm phần ảm đạm. Trong khi đó thì những nhà giáo dục, những nhà văn hóa, những nhà xã hội học đang ngày đêm kêu gào, báo động về tình trạng tha hóa của một tầng lớp thanh niên sống thác loạn, sa đọa, vô văn hóa, vô đạo đức. Những tin tức tiêu cực cứ thế, ngày lại ngày loan truyền thâm nhập vào công chúng tạo nên một cái nhìn bi quan cho thời đại.
Thế nhưng bức tranh toàn cảnh của xã hội thì muôn màu muôn vẻ, bên cạnh những mảng màu đen tối vẫn còn không ít những khoảng sáng nhưng rất ít được đề cập đến phải chăng là vì không giật gân, không “nóng”, không ăn khách?!
Cách đây không lâu tôi có đọc được một mẩu tin về tấm lòng của một người đàn bà nghèo khổ bán ve chai, câu chuyện thật cảm động về một người đàn bà xấu xí nghèo khổ cùng cực kiếm sống bằng nghề bán ve chai, một thời gian dài những lúc không có tiền bà ghé đến quán cơm chay từ thiện trên đường Nguyễn Chí Thanh, Sài Gòn, chỉ với năm ngàn đồng hoặc không có cũng được để được ăn một dĩa cơm chay từ thiện. Có lẽ khi thọ nhận những bữa ăn nghĩa tình đó bà luôn luôn cảm niệm sâu sắc ân nghĩa của những nhà hảo tâm với tinh thần “Một miếng khi đói bằng gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng!”.
Thế là một ngày cuối năm bà đã trở lại quán cơm chay với món quà nhỏ là một bao gạo 10kg với chai dầu ăn gọi là góp một chút tấm lòng. Những người trong quán cảm động trước tấm lòng của người đàn bà nghèo khổ nên chỉ xin nhận tấm lòng còn vật chất thì xin bà mang về để nuôi thân.
Nhưng người đàn bà ấy không chịu mà nói quán cơm chay này đã cứu đói cho bà nhiều lần, nay có chút quà mọn thể hiện lòng nhớ ơn và đóng góp chút ít giúp cho những người nghèo khổ khác.
Những người trong quán cơm chay tiếp nhận món quà nhỏ mà xúc động nghẹn ngào như đang nhận sự gíup đở hết sức to lớn từ một nhà hảo tâm…
Lời người viết: Đem câu chuyện về tấm lòng của một bà già nghèo khổ đi xin được mấy đồng bạc mua dầu cúng Phật xa xưa từ thời đức Phật còn tại thế với câu chuyện về món quà của người đàn bà bán ve chai của thời đại này, người viết không hề có ý định so sánh về phần công đức của hai người vì là sự thể hiện của hai người về hai phạm trù khác nhau. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là một hành động từ hai con người nghèo khổ sống cách nhau hơn 26 thế kỷ nhưng được xuất phát từ cái TÂM vĩ đại. Hai câu chuyện cũng thật cảm động, nghe qua chúng ta cũng cảm nhận được cái tâm chí thành và rộng lớn của hai con người đang sống dưới đáy xã hội. Thuở xa xưa đức Phật đã thọ ký cho cái tâm chí thành của bà già vì hai đồng bạc là tất cả sản nghiệp mà bà có được nhờ đi xin mà có, thậm chí cũng không dám ăn mà đem đi cúng dường thì còn điều gì cao cả hơn!
Câu chuyện thứ hai xảy ra vào thời đại mà đạo đức suy đồi thê thảm nhưng cũng từ một người hết sức nghèo khổ, một người đàn bà bán ve chai, gom góp từng đồng bạc hy sinh nhu cầu của bản thân mua một ít thực phẩm đem đến tặng cho nơi đã cứu đói mình và chia sẻ khó khăn với người khác.
Điều này cũng xuất phát từ một trái tim vĩ đại, một tâm từ bi rộng lớn không phải ai cũng có được.
Những mẫu chuyện về những tấm lòng vàng như thế trong thời đại này cũng không phải là hiếm, tại sao chúng ta không nhân rộng để thắp lên một ngọn lửa tin yêu vào cuộc sống lại cứ nhìn chăm chăm vào bóng đêm mà nguyền rủa?!
Tâm Lễ
Bài Cùng Thể Loại
- Cảm Ngộ
- Bài Học Từ Câu Chuyện Cuộc Sống Về Sinh Mệnh Con Người
- Công Đức Cúng Hoa Đèn
- Buông Bỏ Không Có Nghĩa Là Từ Bỏ
- Nước Suối Đục Ngầu, Đức Phật vẫn Sai Đệ Tử Lấy Về Uống…
- Buông Xả
- Pháp Ngữ của Hòa Thượng Hư Vân
- Cốc Cà Phê và Lời Nhắn Ấm Áp Đã Thay Đổi Số Phận Con Người
- Chuyện Bảy Cái Lọ Vàng
- Bốn Thứ Lậu Hoặc