Xưng Hô
Xưng hô
Thói thường xưng hô tùy theo tuổi tác của đối phương mà xưng hô, khi thì cụ, ôn hay ngoại với người gìa cả, lúc lại bác, chú, cô, dì với bậc trung niên, rồi anh chị cho đến em cháu … Trong đạo không nhất thiết theo tuổi mà theo giáo phẩm nhiều hơn, như gọi sa di là chú, tỳ kheo là thầy. Sa di thì bình đẳng nên đều là chú nhưng tỳ kheo thì có phẩm bậc cao thấp khác nhau như đại đức, thượng tọa, hòa thượng rồi đại lão hòa thượng. Vì vậy mà xưng hô với tỳ kheo có khác.
Trước hết về bên ni, cả sa di ni, thức xoa và tỳ kheo ni trẻ đều gọi là cô. Tỳ kheo ni hàng thượng tọa gọi là ni sư, thì nên gọi họ là SƯ hay ni sư, cao hơn nữa hòa thượng ni gọi là sư bà, cả hai hàng này khg nên gọi họ là cô, thứ nhất để tôn trọng phẩm bậc, thứ hai vì tuổi tác của họ.
Gọi chung ni chúng là cô, tăng chúng là thầy, nhưng khi vào chi tiết gọi cho đúng thì cô không được dùng với ni sư và sư bà. Bên tăng cũng vậy chữ thầy cũng giới hạn cho các thượng tọa trẻ tuổi và các đại đức, đối với các bậc thượng tọa thâm niên cùng các vị hòa thượng thì không nên gọi thầy như gọi các vị đai đức mà gọi là ôn hay cụ hoặc hòa thượng tùy theo miền.
Ví dụ như khi tiếp hai cha con, ta không được phép nói “chào 2 anh” hay “chào 2 bác” mà phải nói “chào bác và anh” hay “chào anh và cháu’ tùy theo mình là bạn của bố hay của người con. Như thế khi gặp hai thầy trò là thượng tọa và đại đức ta khg nên nói “chào 2 thầy” giống như chào 2 cha con là “chào 2 anh” vậy, mà nên nói “thầy và thượng tọa”.
Ví dụ cụ thể tôi cùng thầy Chúc Đạo là ông và cháu đi chung, thiên hạ gặp “chào quý thầy” hay “chào hai thầy” khác gì mình thấy bạn mình đi với ông nội hắn mà mình lễ phép “chào 2 bạn” hay “chào 2 anh” đâu. Xưng hô như thế xem ra rất thiếu lễ phép với ông nội bạn, tất nhiên lễ phép phải khg được đồng hóa ông nội bạn với bạn ngang nhau. Chúng ta đã gọi thầy thì sư ông hay sư phụ của thầy cũng khg thể là thầy ngang nhau được, vì vậy phải gọi là ôn, cụ, hòa thượng với thầy, mà không nên gọi 2 thầy ngang nhau là thiếu lễ phép và thiếu ý tứ.
Lại có người không gọi quý cô học trò tôi nay lên cấp ni sư là cô nữa mà đổi thành ni sư, mà vẫn gọi tôi bậc thầy của ni sư là thầy như thường mà không gọi là ôn, hỏi vì sao thì nói quen rồi, thói quen gọi cô nay sửa ra ni sư được mà thói quen gọi thầy thì không sửa ra ôn được? Phật tử không được phép gọi các sư bà là cô thì đương nhiên cũng phải gọi các vị hòa thượng là sư ông hay ôn mà không được gọi thầy nữa.
Trong tông môn thì đệ tử gọi hòa thượng thầy mình là sư phụ hay thầy trong chốn riêng tư, còn ở chốn công thì vẫn kêu sư ông hay ôn với mọi người. Đến tăng chúng cũng không dám kêu các vị hòa thượng là thầy mà luôn gọi là hòa thượng, ôn hay sư ông, nên Phật tử cũng cần biết xưng hô thay đổi thói quen.
Gọi sư phụ gồm 2 hạng, một là hàng đệ tử xuất gia và tại gia với vị thầy đó, hai là theo học pháp và tu học gọi chung là đệ tử cầu pháp, hai hàng này gọi vị thầy mình theo học là sư phụ. Đối với người Trung hoa thì sư phụ là chỉ cho tăng nhân. Cách xưng hô của VN và TQ trong Phật giáo rất khác nhau.
Tóm lại trong sinh hoạt cộng đồng của Phật giáo người Phật tử phải biết phép tắc xưng hô. Khi nói với một thầy ” cúng dường 2 thầy” vị thầy sẽ hỏi thầy nào. Nếu nói ” cúng dường ôn và thầy” sẽ rõ ràng và phép tắc hơn. Có rất đông tổ chức tu học của hàng tại gia vẫn thiếu học hành về vấn đề xưng hô sao cho đúng khuôn phép. Chẳng màng giáo phẩm hễ tăng là thầy khác nào hễ nam nhân là họi anh hết, bất kể anh kia là bố anh nọ, anh bố anh con đều gọi anh cả, gọi như vậy bị cho là dở hơi, thế mà trong đạo dở hơi lại là thói quen được chấp nhận, thực là chết người vì đạo bao giờ cũng phép tắc quy củ hơn đời.
HT Thích Phổ Quang
Bài Cùng Thể Loại
- 10 Câu Nói Giúp Bạn Tỉnh Ngộ
- Khiêm Cung Mới Tiến Đạo
- Phật Tử Sống Dũng Tiến và Kiên Trì Trên Con Đường Đạo
- Tập Tha Thứ Tất Cả Trước Khi Ngủ
- 7 Bài Học Làm Người
- 6 Luật Nhân Quả Sẽ Đến Ngay Trước Mắt, Đừng Xem Thường Kẻo Hối Hận
- Nếu Chúng Ta Không Tu Tập Ngay Bây Giờ…
- Người Thực Tu là…
- Có Đệ Tử Hỏi Phật Rằng…
- Kính Lạy Đức Thế Tôn