Ý Nghĩa cúng dường an cư

Thư Phật Đản và An Cư

11700648_10152916131081954_2959492358542896276_o

Ai phát tâm cúng dường An Cư, thì trước khi cúng dường, vì nhân mùa Phật Đản, nên chúng ta hãy cùng nhau tư duy đôi chút về sự thật của cuộc đời mà chúng ta tự đi lấy trong bóng đêm mù mịt và con đường Đạo sáng rực mà đức Phật chỉ ra cho chúng ta đi theo. Sự thật của đời và Đạo này, trong đạo Phật, thường được gọi là Tứ Đế.

 

Phật đản xong là an cư đến. Tăng chúng lại tụ tập về các nơi an cư. Tại An Thiền thoắt cái đã mười năm qua. Cuộc sống qua mau không tưởng nổi. Ai chân thật quán sát sự vô thường này, chắc chắn đều không còn tha thiết muốn làm gì nữa. Xây dựng gì ngoài đời, tu tập gì trong Đạo, cũng để làm gì đây? Và để làm cho ai đây? Bởi vì ai đi nữa và làm điều gì đi nữa, rồi ra cũng bị xoá tan đi hết trong vô thường trống vắng!

Đúng vậy, vô thường cuốn nuốt chúng ta vào trong sự chết, dù là Phật, trời, thần, thánh, dù là công trình đồ sộ to lớn gì đi nữa! Cho nên, trong đạo Phật thường hay nói đến vô thường này bằng cái tên “quỷ vô thường“ là vậy.

Vậy, chúng ta phải làm gì đây khi cuộc sống này bắt đầu bằng sinh, kết thúc là tử, chặng giữa là vô thường biến hoại? Đạo Phật dạy cho chúng ta phải làm gì đây?

Đạo Phật dạy rằng: (1) Nếu cuộc sống này của mỗi người chỉ có một đời, thì quả thật cuộc sống này hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vì nó vừa vô thường và rồi ra nó không còn gì nữa, chỉ là “trống không“! Nhưng sự thật không phải vậy. Sự thật là: cuộc sống này tuy kết thúc bằng sự chết, song chúng ta bằng chính hành động của mình trong lúc sống vô thường đã để lại một “nhân chủng“ để tiếp tục tái sinh thành đời sống kế sau. Thế nên, chết không phải là hết, là trống không trơ trụi. Chết là còn tái sinh nữa!

Vậy, chúng ta phải làm gì đây? Đạo Phật dạy: (2) Thế nên đời sống của chúng ta đời sau sở dĩ có, chính là do hành động của mình ngay trong đời này mà ra. Hành động này được gọi là “nghiệp“. Thế nên hãy cẩn thận các hành động của mình trong đời này. Tại sao? Bởi vì nếu mình hành động tốt, đời sau cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp, sung sướng. Nếu mình hành động xấu, đời sau của mình, cuộc sống sẽ xấu xa, đau khổ. Thế nên hãy cẩn thận ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình ngay đời này đây và ngay bây giờ đây.

Vậy, thế nào là hành động hay nghiệp tốt và xấu? Đạo Phật dạy: (3) Một cách cụ thể, xấu là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ v.v… và tốt là ngược lại: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ v.v…

Nhưng đây chỉ là những hành động tốt, xấu tiêu biểu của thân nghiệp và khẩu nghiệp. Nếu xét vào chi tiết thì các nghiệp tốt và xấu này vô lượng vô biên!

Ngoài ra, ý nghiệp mới thật sự là quan trọng. Người Phật tử thông thường ít ai có thể biết rõ về ý nghiệp. Chính ý nghiệp này quyết định và làm cho hai nghiệp thân và khẩu kia trở thành tốt hay xấu. Các nghiệp tốt xấu sở dĩ mà là vô lượng vô biên, cũng là do ý nghiệp mà ra vậy. Nên trong Kinh thường nói “khởi tâm, động niệm đều trở thành nghiệp hết!“ là vậy.

Tóm lại, trong suốt cuộc sống vô thường này của chúng ta, mỗi người không ngừng khởi tâm động niệm, không ngừng tạo tác các nghiệp tốt, xấu, thì làm sao sự chết có thể là hết được. Thế nên, chúng ta còn tái sinh nữa!

  1. Vậy, nghĩa là mỗi người sẽ có lại một cuộc sống sau khi chết, được gọi là đời sau? Đúng vậy.
  2. Và cuộc sống đời sau của mỗi người sướng hay khổ là do nghiệp tốt hay xấu của mình do chính mình tạo ra ngay trong đời này? Đúng vậy.
  3. Và dù cuộc sống đời sau có sướng hay khổ, thì nó vẫn mang số phận vô thường như chính đời này? Đúng vậy.
  4. Và mình cứ sẽ sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh, mãi mãi như thế sao. Đời nào cũng phải chịu khổ đau của vô thường như vậy sao? Đúng vậy.
  5. Phải chăng đó là nỗi đau khổ của luân hồi? Đúng vậy.
  6. Có lúc nào mình chấm dứt được luân hồi tử sinh này không? Khi trong một đời sống nào đó mà mình chấm dứt được tất cả mọi nghiệp nhân, thì sau đời sống ấy, tức khi mình chết đi, sẽ không còn tái sinh nữa, và khổ đau vô thường của luân hồi chấm dứt.

Khi ấy gọi là niết-bàn? Đúng vậy.

  1. Làm sao có thể trong một đời thôi mà chấm dứt được hết nghiệp nhân của sinh tử luân hồi? Tất cả nghiệp gốc từ tâm, mà tâm khởi nghiệp là do tâm vô minh và tham, sân, si. Cho nên, tuy nghiệp nhiều vô lượng vô biên, song nếu tâm giác ra chân lý, phá tan được vô minh, tham sân si cũng tan rã theo, lúc ấy tất cả nghiệp xụp đổ.

Như sau khi giác ngộ, đức Phật nói: “Này kẻ xây nhà kia, Ta đã thấy ra được ngươi. Giờ đây tất cả kèo, cột, rường, mái gì của ngươi cũng đều xụp đổ hết. Ngươi không còn mong xây cất gì đươc nữa.“ Kẻ xây nhà ấy chính là nghiệp vậy. Kèo cột rường mái là nói cho tất cả các cảnh giới vô thường luân hồi. Không còn xây cất gì được nữa là nói cho cảnh giới giải thoát khỏi luân hồi tử sinh, tức cảnh giới niết-bàn vậy.

  1. Tất cả những người tu đều có thể phá tan hết nghiệp nhân luân hồi của mình trong một đời sống tu hành của họ hay sao? Không phải. Tuỳ theo căn tính của mỗi người, và tuỳ theo họ phát nguyện đi theo con đường nào: con đường Thanh Văn, Duyên Giác hay con đường Bồ-Tát.
  2. Sự chấm dứt tất cả nghiệp nhân này phải chăng cũng là “hành động“, ý nói rằng, tức cũng là “nghiệp“? Nếu muốn nói là nghiệp hay hành động cũng được, song phải hiểu đó là “nghiệp của Đạo“, chứ không phải là nghiệp tốt hay xấu của thế gian.
  3. Nghiệp của Đạo và nghiệp của thế gian khác nhau ra sao? Như đã nói ở trên, nghiệp tốt và xấu của mỗi người là nhân để đưa lại đời sống sau, thế nên nó thuộc về luân hồi và được gọi là thế gian. Ngiệp của Đạo là nhân để đưa lại sự chấm dứt tất cả mọi cách tái sinh của luân hồi, nên gọi là xuất thế gian.

Tóm lại theo Tứ Đế: (1) Luân hồi là Khổ Đế. (2) Nghiệp nhân tốt, xấu của thế gian là Tập Đế. (3) Chấm dứt mọi nghiệp nhân thế gian này, chứng nhập niết-bàn, là Diệt Đế. (4) Hành động chấm dứt này mở ra một con đường đưa đến thành quả niết-bàn, chính là Đạo Đế.

 

  1. Vậy, phải chăng An Cư là nghiệp Đạo? Đúng vậy. An cư là một trong rất nhiều nghiệp Đạo do đức Phật phương tiện lập ra cho chúng đệ tử theo đó mà từ từ tiến dần đến chỗ giải thoát. Thế nên An Cư thuộc về Đạo Đế vậy.
  2. Còn tất cả các nghiệp của người Phật tử cúng dường, ủng hộ Tam Bảo, hộ trì An Cư v.v… là nghiệp gì vậy? Nghiệp Đạo hay nghiệp đời? Điều này tuỳ thuộc chính kiến và tâm nguyện của người Phật tử khi tạo nghiệp cúng dường hộ trì này.

Nếu chúng ta cúng dường An Cư với niềm tin ủng hộ Tăng Chúng tu tập là một công đức vô lượng, thì đó là nghiệp tốt hạng nhất của thế gian này.

Nếu chúng ta cúng dường An Cư vì tâm nguyện hộ trì Chính Pháp trường tồn trong thế gian này, để lợi lạc cho tất cả hữu tình, thì đây là nghiệp đạo chân chính của con đường Đại Thừa Bồ-Tát Đạo vậy.

Như vậy, An Cư đến, qua sự cúng dường chư Tăng an cư, người Phật tử chúng ta lại có dịp tạo công đức lành vô lượng của cả đời lẫn Đạo.

Cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta, đạo cũng như đời, đều được lợi lạc và chóng thành Đạo quả.

Tỳ-Khưu Nhất Chân

Những bài khác cùng tác giả