Ý Nghĩa Hình Tượng và Biểu Pháp Của Ngài Địa Tạng Đại Sĩ
Ý NGHĨA HÌNH TƯỢNG VÀ BIỂU PHÁP CỦA NGÀI ĐỊA TẠNG ĐẠI SĨ
Hiện tướng Tỳ Kheo, trong hàm ý muốn độ tận chúng sanh điều trước tiên tự mình phải thoát khỏi sự ràng buộc của sanh tử, mà muốn như vậy quả vị A La Hán không thể không chứng đắc. Tay phải cầm tích trượng, trên đầu tích trượng có mười hai khoen tượng trưng cho Thập Nhị Nhân Duyên, tám khoen tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, sáu khoen tượng trưng cho pháp Lục Độ, bốn khoen tượng trưng cho Tứ Thánh Đế. Nếu một vị hành Đại Thừa Bồ Tát mà thiếu một trong các pháp này thì khó có thể thành tựu đạo Bồ Đề. Tay trái Bồ tát cầm hạt minh châu biểu thị trí tuệ. Biểu thị Bồ tát ngoài tâm đại bi ra cần phải cụ túc trí tuệ, vì trí tuệ là ánh sáng quang minh nhất, đủ công đức và oai lực soi sáng tất cả khắp chốn u minh khiến cho chúng sanh hiện đang bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng trí tuệ đều được thoát khỏi khổ đau.
Đức Địa Tạng đội mão Tỳ lô, biểu thị Bồ tát thể nhập Pháp Giới Tạng Thân, thập phương cụ tướng, không nơi nào trong pháp giới mà không có hình tướng của Ngài, trong tất cả mười phương không nơi nào có chúng sanh khổ mà Ngài không đến. Mão Tỳ lô hay còn gọi là mão Ngũ Phật. Trong Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật Quyển Trung chép: “Ngũ Phật Bảo Quan còn gọi là mão Ngũ Phật, mão Ngũ Trí, mão Ngũ Bảo Thiên Quan hay là Mão Quyền Đảnh Bảo Quan, đây là mão báu của Đức Đại Nhựt Như Lai, Bồ tát Kim Cang Tát Đỏa, Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát đội trên đầu, trên chính giữa mão báu có để hình tượng Ngũ Phương Ngũ Phật dùng để biểu thị đức tướng của Ngũ Trí viên mãn”.
Bồ tát cỡi con Đề Thính, Đề Thính là con linh thú tương truyền rằng hồn của nó ở trong đất, là linh vật của U Minh Giới nên hiểu được Tâm chúng sinh, khi nằm mọp xuống đất trong giây lát thì biết rõ tất cả sự vật trong trời đất. Biểu trưng cho ý niệm “Nhơn Tâm sanh nhất niệm, Thiên Địa tất giai tri”. Khi lòng người khởi một niệm thì Trời Đất Quỷ Thần đều hay biết. Đây là chỉ cho Bồ Tát là vị đã nhiếp tâm thanh tịnh, an trụ trong chánh pháp, thành tựu cảnh giới thiền định, nhiếp phục được tâm mình không còn bị vọng tâm hay thú tánh vật dục làm cho phiền não. Cho nên, tâm của Ngài thông suốt vạn pháp. Bởi vì tất vạn pháp đều từ tâm sanh, tâm tịnh thì pháp tịnh, tâm nhiễm thì pháp nhiễm.
Bồ tát Địa Tạng ngồi trên lưng con Đề Thính thể hiện Căn Bản Trí của Ngài hiển bày cụ túc thanh tịnh. Nên có thể nghe được tất cả âm thanh khổ đau trong địa ngục mà phát tâm tế độ, đúng theo sự phó chúc của đức Phật trong kinh Địa Tạng: “Nếu có chúng sanh nào sắp đoạ địa ngục khi vừa đến cửa ngục có thể niệm một danh hiệu Phật hay Bồ tát, thời Ông nên dùng thần lực phá tan địa ngục ấy chớ để cho họ ở trong địa ngục một phút giây nào cả. Huống là để cho họ phải chịu khổ đau trong ngàn muôn ức kiếp?”.
Bồ tát Địa Tạng, vị Bồ Tát cứu độ của pháp giới chúng sinh trong diêm Phù Đề. Ngài đã đến với thế giới Ta bà ngũ trược ác thế này, trong một tâm nguyện là cứu độ tất cả chúng sanh đang lặn hụp đắm chìm trong biển khổ sanh tử, đến cảnh giới an lạc giải thoát. Chúng sanh ở cõi Ta bà này đầy dẫy những điều cang cường, nan điều nan phục mà khi nói đến ai cũng phải thối tâm, thế mà Bồ tát vẫn kiên trì không thối chuyển tâm nguyện độ sanh của mình, không bao giờ có ý niệm lìa bỏ.
Nguyện lực của Ngài thật là không có ngôn từ có thể diễn tả cho hết, hình tướng của Bồ Tát đâu đâu cũng cụ túc hàm ý cũng như bi nguyện, chúng con chỉ có thể dùng hai câu kệ trong bài tán phật để thể hiện tâm ý cũng như sự kính ngưỡng đối với ngài: “Xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”. Ngưỡng nguyện Bồ Tát thùy từ chứng giám.
Sưu tầm
Bài Cùng Thể Loại
- Cảm Ngộ
- Bài Học Từ Câu Chuyện Cuộc Sống Về Sinh Mệnh Con Người
- Công Đức Cúng Hoa Đèn
- Buông Bỏ Không Có Nghĩa Là Từ Bỏ
- Nước Suối Đục Ngầu, Đức Phật vẫn Sai Đệ Tử Lấy Về Uống…
- Buông Xả
- Pháp Ngữ của Hòa Thượng Hư Vân
- Cốc Cà Phê và Lời Nhắn Ấm Áp Đã Thay Đổi Số Phận Con Người
- Chuyện Bảy Cái Lọ Vàng
- Bốn Thứ Lậu Hoặc